Sách giáo khoa điện tử Classbook ra phiên bản mới: nhẹ, gọn hơn
Hôm qua, ngày 18/4 Tập đoàn Intel phối hợp cùng NXB Giáo Dục, ĐSQ Mỹ và trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQG Hà Nội tổ chức Lễ công bố “Clasbook thế hệ mới – Cùng tạo nền tảng cho đổi mới giáo dục”, chính thức ra mắt sản phẩm sách giáo khoa điện tử dành cho học sinh phổ thông.
Về nội dung, sách giáo khoa (SGK) điện tử Classbook thế hệ mới được cài sẵn trọn bộ hơn 300 đầu SGK điện tử tương tác và bổ trợ theo chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục & Đào tạo từ lớp 1 đến lớp 12. Trong suốt thời gian sử dụng thiết bị, người dùng có thể cập nhật miễn phí mọi tái bản của các nội dung này.
Ông Phạm Thúc Trương Lương, Giám đốc EDC giới thiệu “Classbook thế hệ mới”.
Một trong những điểm mới của thế hệ Classbook này là sẽ được tích hợp thêm giáo trình “Shaping The Way We Teach English” của Đại học Oregon đã được Việt hóa và được ĐSQ Mỹ tại Việt Nam cùng Đề án 2020 đồng tài trợ. Ngoài ra, thiết bị còn được trang bị thêm nội dung đào tạo giáo viên theo chuẩn B1 và B2 bên cạnh những nội dung tiếng Anh cho học sinh phổ thông, theo chương trình đào tạo của Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Về mặt công nghệ, so với thế hệ đầu tiên, SGK điện tử mới mỏng và nhẹ hơn hẳn. Classbook thế hệ mới dày 8,8 mm, nặng 305g, trong khi phiên bản cũ dày 10,5 mm và nặng 500g. Tuy vậy phía EDC, đơn vị nghiên cứu phát triển Classbook, lại không cho biết SGK điện tử mới có được nâng cấp phần vỏ hay không. Trước đây, Classbook thế hệ đầu tiên từng được nhận định là có chất vỏ giống với máy tính bảng “Tàu” giá khoảng 2 triệu đồng: phần vỏ này rất dễ lún khi bị ấn, khi gõ vào thì vỏ xuất hiện tiếng kêu bộp bộp cho cảm giác sản phẩm thấp cấp… VnReview sẽ có đánh giá phần vỏ máy khi được trải nghiệm Classbook thế hệ mới.
Video đang HOT
Classbook thế hệ mới sẽ một sản phẩm đáng mong đợi?
Phần thông số kỹ thuật của Classbook thế hệ mới cũng không khác quá nhiều so với phiên bản đời đầu. Ngoại trừ bộ vi xử lý Intel Atom lõi kép (phiên bản cũ cũng sử dụng chip lõi kép nhưng không rõ nhà sản xuất) thì máy vẫn giữ nguyên bộ khung kỹ thuật gồm RAM 1GB, bộ nhớ trong 16GB, tích hợp loa và micro, màn hình cảm ứng đa điểm 8 inch, có khe cắm thẻ nhớ microSD, chạy Android… Hy vọng những cải tiến mới sẽ giúp máy khắc phục tình trạng chậm, giật ngay cả với những thao tác đơn giản như vuốt để xem giá sách, lật trang giấy hay xoay màn hình.
Nhà sản xuất tuyên bố Classbook thế hệ mới có pin sử dụng liên tục trong 8 tiếng. Với phiên bản Classbook cũ mà VnReview đã đánh giá, thời lượng pin thực tế sử dụng là 7 tiếng, tạm đủ cho một ngày sử dụng trên lớp của học sinh và giáo viên.
Theo EDC, giá thành của máy vẫn sẽ duy trì ở mức 4,8 triệu đồng/chiếc. Dù vậy, giá máy vẫn khá đắt so với chi phí bỏ ra để mua toàn bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 12 (khoảng 3 triệu đồng). Vẫn là con số hơn 300 đầu sách nhưng được tích hợp thêm các nội dung mở rộng và một số công năng đặc thù của máy tính bảng, các bậc phụ huynh có thể cân nhắc khi bỏ thêm gần 2 triệu đồng để “tậu” một chiếc Classbook thế hệ mới.
Theo vnreview
Sách giáo khoa điện tử đầu tiên ở Việt Nam
Sáng 26/6, Nhà xuất bản Giáo dục ra mắt sách giáo khoa điện tử Classbook, tích hợp 310 cuốn sách giáo khoa, sách bài tập từ lớp 1 đến lớp 12 cùng hơn 20 ứng dụng bổ trợ cho nhiều môn học.
Classbook là máy tính bảng kích thước 8 inch (tương đương cuốn sách) chứa toàn bộ sách giáo khoa và sách bổ trợ của chương trình phổ thông, đúng theo yêu cầu khung chương trình của Bộ GD&ĐT. Thiết bị có thể sử dụng liên tục 8-12 giờ.
Khác với những cuốn sách in đen trắng thường thấy, sách điện tử này có màu sắc như nguyên bản, có những môn học tương tác bằng bài hát, hội thoại tiếng Anh... giúp học sinh hứng thú hơn.
Ông Ngô Trần Ái, Giám đốc NXB Giáo dục cho biết, sách giáo khoa điện tử Classbook không chỉ dừng lại ở việc chuyển tải nội dung truyền thống mà còn hỗ trợ việc biên tập và gắn kết những nội dung đa phương tiện, cung cấp những chức năng cho phép học sinh có thể tương tác với nội dung bài học.
Ví dụ, học sinh có thể sử dụng các chức năng tương tác "Touch-to-speak" (chạm để nói) một câu, một đoạn văn hoặc cả bài học tiếng Anh. Ở môn Âm nhạc, các em có thể nghe trực tiếp bài hát thông qua chức năng "Touch-to-play", tìm hiểu thông tin về nhạc sĩ thông qua các tư liệu multimedia đính kèm...
Sách giáo khoa điện tử đầu tiên của Việt Nam tích hợp 310 cuốn sách giáo khoa, bài tập, tài liệu tham khảo.
Với các môn học khác như Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, Sinh học... các em có thể tự tìm hiểu các thí nghiệm, mô phỏng, thông tin về đất nước, con người, văn hóa của một quốc gia, của một nhà bác học đã được cài sẵn trong sách. Không cần kính hiển vi điện tử, kính thiên văn đắt tiền vẫn có thể khám phá vũ trụ, cơ thể người và sinh vật, thế giới vi sinh vật... Ngoài ra có thể chọn phần đọc diễn cảm để nghe hoặc phần video để xem một đoạn phim đã chuyển thể từ tác phẩm văn học.
Classbook còn giúp học sinh tự đánh giá mức độ hiểu bài hoặc tự sát hạch trình độ các môn học với cơ chế kiểm tra trắc nghiệm, chấm điểm và tính giờ tự động. Kết quả sẽ được ghi lại để phụ huynh có thể theo dõi sự tiến bộ của con. Học sinh, giáo viên cũng có thể thực hiện các chức năng ghi chú hoặc đánh dấu các nội dung quan tâm trên sách.
Là thiết bị học tập chuyên dụng nên Classbook không được trang bị Camera, 3G, bluetooth và GPS. Chức năng WiFi bị kiểm soát, chỉ dùng để kết nối vào mạng phân phối sách điện tử và những mạng giáo dục được duyệt nội dung.
"Nhiều người lo lắng học sinh có thể dùng sách này để chơi game, nhưng tôi khẳng định không thể bởi cuốn sách điện tử này đã được mã hóa đặc biệt, đảm bảo kiểm soát và bảo vệ toàn vẹn nội dung và các chương trình trên thiết bị. Các cháu chỉ có thể cài đặt hoặc truy cập vào những nội dung liên quan đến học tập", ông Ái nói.
Học sinh THCS Thực nghiệm Hà Nội sử dụng thử Classbook trong một buổi học. Ảnh:Đ.T
Trao đổi với báo chí, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, đây là sản phẩm hay vì không chỉ học sinh, thầy cô mà phụ huynh cũng có thể sử dụng để theo dõi xem học kỳ tới, năm học tới con học cái gì. Ở nước ngoài cũng có ứng dụng sách giáo khoa điện tử nhưng chưa thấy nơi nào có một sản phẩm chung cho toàn bộ cấp học.
Tuy nhiên, theo GS Châu, cần phải nghiên cứu thêm nhu cầu của giáo viên, liệu học sinh có thể mang được thiết bị này thay cho cả cặp sách? Thực tế là giá thành của sách giáo khoa điện tử khá cao khiến học sinh vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận. Sẽ khó khăn nếu có em đi học mang sách giáo khoa, em lại mang sách điện tử.
"Tôi rất hy vọng Classbook có thể giải quyết được vấn đề mà phụ huynh cũng như mọi người quan tâm là học sinh bớt phải mang sách vở quá nhiều khi đến lớp", GS Châu nói và cho hay, xu hướng số hóa sách là tất yếu. Bản thân ông rất yêu sách, thích mùi giấy rất thích nhưng khi di chuyển từ nơi này đến nơi khác không thể ôm theo đống sách mà phải tích hợp trong thiết bị điện tử.
Hoàng Thùy
Theo VNE