Sách giáo khoa cho chương trình mới: Phải tạo cơ hội cho thầy cô đổi mới phương pháp dạy
Ông Thái Văn Tài – Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) – thông tin: Các Hội đồng thẩm định sách giáo khoa đang nỗ lực làm việc để có thể công bố kết quả các bộ sách đạt yêu cầu vào khoảng đầu tháng 10 năm nay.
Chương trình mới, đòi hỏi phải có sách mới, công việc thẩm định phải độc lập, khách quan. Những thông tin ban đầu của quá trình thẩm định đang được những người trực tiếp liên quan đến ngành giáo dục hết sức quan tâm.
Để thẩm định sách cho chương trình mới, Bộ GD&ĐT đã ký quyết định thành lập 9 Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Hội đồng bao gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các tổ chức có liên quan; có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy môn học, hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng. Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu 7 người.
Chương trình mới, đòi hỏi phải có sách mới, các Hội đồng thẩm định sách giáo khoa đang làm việc đúng tiến độ để có thể công bố kết quả vào tháng 10-2019. (Ảnh minh họa)
Quy trình thẩm định sách giáo khoa được nêu tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa. Theo đó, chậm nhất 15 ngày trước phiên họp đầu tiên của Hội đồng, bản mẫu sách giáo khoa được đơn vị tổ chức thẩm định gửi cho các thành viên Hội đồng.
Thành viên Hội đồng đọc, nghiên cứu và viết nhận xét, đánh giá bản mẫu sách giáo khoa; Hội đồng họp, thảo luận về bản mẫu sách giáo khoa theo quy định. Thành viên Hội đồng đánh giá và xếp loại bản mẫu sách giáo khoa. Đánh giá của Hội đồng sẽ vào một trong ba loại: “Đạt”, “Đạt nhưng cần sửa chữa”, “Không đạt”.
Video đang HOT
Hội đồng xếp loại “Đạt” đối với bản mẫu sách giáo khoa được ít nhất 3/4 tổng số thành viên Hội đồng xếp loại “Đạt”; xếp loại “Đạt nhưng cần sửa chữa” đối với bản mẫu sách giáo khoa được ít nhất 3/4 tổng số thành viên Hội đồng xếp loại “Đạt” và loại “Đạt nhưng cần sửa chữa”, hoặc ít nhất 3/4 tổng số thành viên Hội đồng xếp loại “Đạt nhưng cần sửa chữa”; xếp loại “Không đạt” trong các trường hợp còn lại.
PGS Trần Kiều, thành viên Hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 1, cho rằng, hiện nay, các Hội đồng đang bám sát theo 4 tiêu chuẩn, 13 tiêu chí, 40 chỉ báo đã được quy định cụ thể ở Điều 4, 5, 6, 7 và 8 Thông tư 33 năm 2017 do Bộ GD&ĐT ban hành. Hiện Hội đồng đã thẩm định xong vòng một và đang thẩm định vòng hai với một số bản thảo sách giáo khoa.
PGS Trần Kiều cho rằng tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông mới và khi thực hiện một chương trình và nhiều bộ/cuốn sách giáo khoa, thì sách giáo khoa phải tạo cơ hội cho thầy cô đổi mới phương pháp. Đặc biệt, với sách lớp 1, học sinh đi học mà chưa hề biết chữ nên sách giáo khoa viết gì, dạy gì cho phù hợp là điều chúng tôi phải đặc biệt cân nhắc.
Sách giáo khoa đã được Hội đồng thẩm định là phù hợp với toàn quốc; đảm bảo phù hợp với thực tế dạy học của nhà trường ở những vùng miền khác nhau và đáp ứng yêu cầu đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Cũng lưu ý thêm, sách giáo khoa chỉ là tài liệu dạy học quan trọng, chương trình thống nhất chung toàn quốc là pháp lệnh cao nhất và tất cả hoạt động chuyên môn trong các cơ sở giáo dục phổ thông phải dựa vào chương trình, theo đúng yêu cầu của chương trình.
Mới đây, có thông tin 3 bản thảo sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại bị trượt vòng thẩm định đầu tiên, giải thích về vấn đề này, PGS Trần Kiều cho rằng: Mặc dù sách của GS Hồ Ngọc Đại có những nội dung rất hay nhưng không phải tất cả đều thế, và đặc biệt là không bám theo Chương trình giáo dục phổ thông mới nên Bộ GD&ĐT không thể thay Chương trình để đi theo bộ sách của GS Đại được.
Ông Thái Văn Tài Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, qua vòng một, Hội đồng đánh giá rất cao tâm huyết, tinh thần muốn cống hiến cho thế hệ trẻ của các tác giả. Các sách đều được viết rất công phu. Hội đồng rất trân trọng nhưng Hội đồng làm việc theo tinh thần của Thông tư 33 nên sẽ đánh giá khách quan.
“Cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ phản ánh nào đối với kết quả vòng một. Chúng tôi đánh giá trong giai đoạn vừa qua, hội đồng đã làm việc trách nhiệm, công tâm, tâm huyết với tinh thần tất cả vì sự nghiệp giáo dục, phục vụ công cuộc đổi mới”- ông Tài nói.
T.Fan
Theo PLXH
Lo ngại tính khách quan trong thẩm định SGK
Bộ GD-ĐT cho rằng có một sự tuyển lựa khắt khe hơn rất nhiều quy trình thẩm định sách giáo khoa, là sự tuyển lựa của thực tiễn dạy học. Vấn đề là việc chọn sách giáo khoa có thực sự là do thực tiễn dạy học không?
Việc giao cho cấp tỉnh chọn SGK đã khiến dư luận lo lắng - NGỌC DƯƠNG
Hội đồng thẩm định cần đa dạng thành phần hơn
Thảo luận về dự luật Giáo dục sửa đổi tại kỳ họp Quốc hội (QH) vừa qua, nội dung thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa (SGK) được nhiều đại biểu QH quan tâm. Ông Phạm Văn Hòa, đại biểu tỉnh Đồng Tháp, ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH đề xuất: Nên cân nhắc hội đồng thẩm định quốc gia chương trình SGK, có thể giao cho Thủ tướng Chính phủ thành lập sẽ đa dạng thành phần hơn. Thời gian qua dư luận xã hội rất quan tâm về tính khách quan khi thẩm định, nhất là xã hội hóa trong biên soạn sách.
Bà Phạm Thị Thu Trang, đại biểu QH tỉnh Quảng Ngãi, cũng lo lắng: Liệu có tình trạng mỗi năm học nhà trường cũng có thể sử dụng sách khác nhau, học sinh lớp sau không sử dụng được của học sinh lớp trước, gây lãng phí cho xã hội. Vấn đề này cần được giải trình cụ thể.
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên -Nhi đồng của QH, đã báo cáo giải trình tại QH mong muốn SGK sẽ đa dạng hơn, dần dần chúng ta sẽ xã hội hóa phần viết sách. Tuy nhiên, luật quy định Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về chương trình phổ thông và SGK phổ thông.
"Không phải ai viết cũng ban hành được, chỉ Bộ trưởng ban hành mới được sử dụng và như thế thì có một hội đồng cấp tỉnh và hội đồng cấp quốc gia", ông Bình nói.
Lý giải vì sao có hội đồng cấp tỉnh trong lựa chọn SGK, ông Phan Thanh Bình giải thích: "Vì trong chương trình sắp tới 80% là chương trình thống nhất của cả nước và 20% để địa phương bổ sung đặc thù của địa phương. Ngay chương trình 20% này cũng phải Bộ trưởng GD-ĐT thông qua. Với những thay đổi trong thời gian tới, các em có thể học theo một bộ SGK chuẩn của Bộ, cũng có thể học bằng nhiều cách khác".
Giáo viên không được chọn SGK
Bộ GD-ĐT cho rằng Hội đồng thẩm định SGK cấp quốc gia chỉ đánh giá đạt hay không đạt chứ không xếp hạng các SGK. Như vậy, có một sự tuyển lựa có thể khắt khe hơn rất nhiều quy trình thẩm định của các hội đồng, đó là sự tuyển lựa của thực tiễn dạy học ở các cơ sở giáo dục, điều kiện thực tiễn tại các địa phương. Chính sự tuyển lựa này sẽ bảo đảm cho uy tín và vị thế lâu dài của những SGK được biên soạn với chất lượng cao nhất. Sự thành công, hiệu quả của một bộ sách sẽ được thể hiện chính ở bước tuyển lựa và đánh giá này.
Luật Giáo dục 2019 đã được ban hành có sự điều chỉnh so với Nghị quyết 88, đó là UBND các tỉnh, thành phố sẽ có quyền quyết định lựa chọn cho địa phương mình. Tuy nhiên, việc giao cho cấp tỉnh chọn đã khiến dư luận lo lắng, khi nhiều người kỳ vọng chính giáo viên (GV) sẽ được quyền lựa chọn SGK phù hợp nhất với học sinh của mình.
Có ý kiến cho rằng, nhà trường chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục, về "đầu ra" nhưng lại không được quyền chọn sách để giảng dạy cho phù hợp với học sinh của mình thì rất bất cập. Hơn nữa, việc chọn SGK nếu thu hẹp vào một hội đồng với số ít thành viên sẽ gây lo ngại về "lợi ích nhóm".
Một GV dạy lớp 1 ở trường tiểu học tại Hà Nội, cho biết việc chọn SGK không đơn giản là đọc qua hoặc nhìn hình ảnh bắt mắt là có thể chọn được mà phải có thực tế dạy học. Do vậy, nếu giao cho GV hoặc chí ít là nhà trường trên cơ sở đề xuất của tập thể GV để chọn SGK thì tính thực tế sẽ cao hơn.
"Chúng tôi đã chuẩn bị tâm thế này, dự kiến khi có các SGK được phê duyệt, chúng tôi sẽ mua tất cả để dạy thử và chọn sách nào phù hợp nhất với học sinh của mình. Tuy nhiên, theo luật Giáo dục mới ban hành thì cấp tỉnh sẽ chọn sách cho chúng tôi dạy và chúng tôi sẽ bị động", cô giáo này nói.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: "Bộ đang nghiên cứu để ban hành thông tư về việc thành lập hội đồng thẩm định, lựa chọn SGK cho các địa phương. Mỗi tỉnh sẽ có một hội đồng để tham vấn cho lãnh đạo tỉnh trong việc quyết định lựa chọn, trong đó, ngoài các nhà khoa học, cán bộ quản lý thì phải có ít nhất 1/3 là GV giảng dạy ở cơ sở. Đây là những người hiểu kỹ về chương trình, hiểu học sinh của từng trường, từng vùng để chọn những cuốn SGK phù hợp nhất. Các GV này sẽ phải đại diện cho cả vùng thuận lợi và khó khăn để chọn sách sát với thực tế, tránh trường hợp vùng thuận lợi chọn SGK cho học sinh vùng khó khăn và ngược lại".
Theo Thanh niên
Sách giáo khoa mới lớp 1: Đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục Dự kiến đầu tháng 10, bộ sách giáo khoa (SGK) của lớp 1 được công bố và một năm nữa chương trình SGK giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ được triển khai. Phụ huynh tham khảo sách lớp 1 tại một nhà sách ở Hà Nội. Ảnh: Duy Anh Đội ngũ biên soạn, thẩm định uy tín Thời điểm này, Hội đồng...