Sách Giáo dục thể chất lớp 1 của ‘Cánh Diều’: Dành cho thần đồng bóng đá!
Hơn tuần nay, dư luận dồn sự chú ý vào cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách “Cánh diều”. Với sự quan tâm về sức khỏe, chúng tôi tìm hiểu cuốn Giáo dục thể chất lớp 1 của bộ sách này và cũng thấy có quá nhiều vấn đề…
Các bài tập đội hình – đội ngũ và bóng đá được trình bày nặng về lý thuyết và khó có thể nắm bắt với trẻ lớp 1, vốn vẫn đang chập chững học chữ – Ảnh: H.T.
Hồi tháng 6 năm nay, khi dư luận ồn ào tranh luận về trường chuyên lớp chọn, trên Facebook của mình, giáo sư trẻ nhất Việt Nam – Phan Thanh Sơn Nam (Trường đại học Bách khoa TP.HCM) đã đưa ra 5 gợi ý để thiết kế lại chương trình dạy và học trong nhà trường phổ thông.
Đứng đầu trong 5 gợi ý của giáo sư Nam là: “Dạy thêm cho các em thật nhiều môn thể dục, bơi lội, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, điền kinh… Các em biết càng nhiều môn thể dục thì càng tốt, không phải chỉ dạy cho biết mà phải luyện tập thường xuyên.
Sống nửa đời người, mình đã thấm thía sức khỏe phải là số một, không có sức khỏe tốt thì công danh sự nghiệp tiếng tăm danh vọng đều trở thành vô nghĩa hết”.
Tương tự, một nhân vật start-up nổi tiếng là Nam Đỗ cũng từng nói về 3 điểm yếu của người Việt khi đi ra làm việc, học tập ở nước ngoài, trong đó có chuyện sức khỏe. Không đủ sức khỏe thì thật là khó để thành đạt, dù trong học tập hay công việc.
Chính vì vậy trong giáo dục, người ta xác định ba trụ cột có tầm quan trọng ngang nhau là trí dục – đức dục – thể dục. Trong phạm vi trang thể thao, chúng tôi chỉ xin bàn về chuyện thể dục trong nhà trường Việt Nam.
Kỳ vọng vào “Cánh Diều”…
Phải nói ngay rằng, về nguyên tắc, Việt Nam không hề xem nhẹ thể thao trong nhà trường. Chính vì vậy, trong Luật giáo dục, giáo dục thể chất là môn học bắt buộc từ lớp 1 – 12.
Tuy là môn bắt buộc và được xem là môn nhằm đem lại sức khỏe, sự hào hứng cho học sinh, trên thực tế môn này luôn bị xem nhẹ và bị học sinh kêu ca là nhàm chán. Sự nhàm chán này đã được phân tích nhiều, với hai lý do có liên quan tương hỗ với nhau: cơ sở vật chất thiếu thốn và học lý thuyết quá nhiều.
Trong những lần đi thực hiện các bài viết về chủ đề thể thao học đường, tôi nghe không biết bao nhiêu lời than thở của học sinh.
Các em ngao ngán khi học thể dục mà chỉ ngồi trong phòng để nghe, ghi chép lịch sử phát triển môn nhảy cao: từ năm mấy đến năm mấy thì người ta nhảy kiểu cắt kéo, rồi sau đó là nhảy kiểu úp bụng qua xà, rồi kiểu nhảy hiện đại nhất đang áp dụng là lưng qua xà!
Hay học môn cầu lông thì như thế nào là quay cổ tay, lực cổ tay; học điền kinh thì chạy đá lăng chân; học bơi thì ngồi “tụng” rằng có bốn kiểu bơi gồm bướm, ếch, tự do, ngửa, mà chả hề được xuống nước!
Vì vậy, khi nghe chuyện nhóm soạn thảo bộ sách “Cánh diều” theo đuổi mục tiêu đổi mới, cũng giống nhiều người khác, tôi kỳ vọng sẽ có thay đổi thực sự trong việc dạy và học môn thể dục.
Đặc biệt, khi chính tên sách cũng thay đổi, không còn là sách “thể dục” như trước mà là “giáo dục thể chất” – vì không chỉ có vận động mà cả kiến thức dinh dưỡng, sức khỏe…
… Và thất vọng!
Video đang HOT
Tôi đã nghiền ngẫm hết cuốn sách Giáo dục thể chất lớp 1 trong bộ sách “Cánh diều” dày 95 trang với ba phần chính.
Thứ nhất là phần Kiến thức chung có nội dung vệ sinh sân tập và chuẩn bị dụng cụ tập luyện.
Thứ hai là phần Vận động cơ bản với 3 chủ đề, trong đó chủ đề 1 gồm 4 bài tập về đội hình đội ngũ, chủ đề 2 gồm 7 bài tập trung vào các bài tập thể dục và chủ đề 3 có 4 bài học về tư thế và kỹ năng vận động cơ bản.
Cuối cùng là phần thứ ba, phần chính, về Thể thao tự chọn với hai môn bóng đá mini (6 bài) và bóng rổ (6 bài).
Đã gọi là sách giáo khoa thì đương nhiên là dành cho học sinh. Chả thế mà trong lời mở đầu, người ta mới khuyên: “Các em giữ gìn cẩn thận cuốn sách này, không viết, vẽ hoặc tô màu vào các trang sách”.
Nhưng khó mà hình dung được trẻ lớp 1 (6 tuổi) lại “tiêu hóa” nổi nội dung cuốn sách. Các soạn giả có lẽ cũng biết được những từ khó trong sách như “đội hình đội ngũ”, “nhịp”, “vận động cơ bản”, “thể thao tự chọn”, “khẩu lệnh”… nên dành hẳn một trang để giải thích thuật ngữ.
Song, đọc xong trang giải thích thì có lẽ phải thêm một trang giải thích cho giải thích nữa! Ví dụ, giải thích cho từ “khẩu lệnh” là lệnh hô trong luyện tập thể dục thể thao!
Tôi gởi đường link xem cuốn sách giáo khoa cho Ngọc Tâm – cựu VĐV nhảy cao quốc gia, hiện rất thành công với Trung tâm phát triển chiều cao Bằng Tâm. Tâm đã có bằng thạc sĩ sư phạm thể dục thể thao, có kinh nghiệm nhiều năm làm việc, huấn luyện trẻ con.
Sau khi xem sách, Tâm nhận xét: “Yêu cầu trong sách quá cao với trẻ lớp 1, không thể thực hiện nổi”. Đặc biệt, nói chuyện một hồi thì Tâm mới “ngã ngửa” khi biết đây là sách dành cho học sinh, trong khi cô cứ tưởng nó dành cho giáo viên!
Ngọc Tâm cho rằng nội dung trong sách hoàn toàn phi thực tế. “Với kinh nghiệm nhiều năm huấn luyện vận động cho trẻ con, tôi tin rằng ít nhất phải là học sinh lớp 3 mới sử dụng được cuốn sách dành cho lớp 1 này – Tâm nói – Mỗi lớp ở trung tâm của tôi, một thầy sẽ đảm trách tối đa 15 em, trong khi ở trường học công lập là 40-50 em/thầy.
Khi nhận một em khoảng 6 tuổi, HLV của chúng tôi phải trò chuyện với phụ huynh ít nhất 1 giờ đồng hồ để nắm bắt về học sinh. Rồi có những buổi còn yêu cầu phụ huynh vào tập cùng. Có như vậy mới đạt hiệu quả. Vì vậy, tôi không tin cuốn sách giáo khoa mình xem sẽ đạt hiệu quả như mong muốn”. 9 tuổi mới kham nổi các bài tập bóng đá tự chọn!
Như đã nói ở trên, phần thứ ba trong cuốn sách giáo khoa Giáo dục thể chất lớp 1 là thể thao tự chọn, với hai môn bóng đá mini và bóng rổ.
Tôi nhờ anh N., giáo viên thể dục bậc tiểu học có hơn 20 năm kinh nghiệm và chủ một trung tâm đào tạo bóng đá trẻ khá thành công (N. đề nghị không nêu tên vì không muốn rắc rối với ngành giáo dục) đọc thẩm định cuốn sách.
Anh cười bảo: “Tôi không cần đọc nữa đâu, thuộc lòng rồi, vì đã có một tuần tập huấn với cuốn sách này và đang sử dụng nó cho việc dạy trong trường”.
N. cho biết: “Tôi cũng thất vọng về cuốn sách. Sách thể dục trước giờ vốn đã bị chê là nặng thì sách mới này còn nặng hơn.
Ví dụ, trước đây trong phần dạy về đội ngũ đội hình chỉ yêu cầu học sinh phân biệt bên trái bên phải; còn với sách mới phải làm thuần thục các động tác quay trái, quay phải, quay ra sau.
Tôi cho là sự áp đặt ở cuốn này nặng nề hơn trước. Khi tham gia khóa tập huấn, nhiều giáo viên cũng góp ý, không đồng tình ở nhiều điểm, nhưng chả đâu vào đâu”.
Còn chuyện môn bóng đá mini, N. cười lớn bảo: “Trong sách người ta đưa ra những yêu cầu khiếp đảm và tôi nghĩ chỉ thần đồng bóng đá mới làm được.
Ví dụ, bài 18 yêu cầu học sinh làm quen dừng bóng bằng gan bàn chân, bài 19 là dẫn bóng bằng lòng bàn chân, bài 20 đá bóng bằng lòng bàn chân, bài 21 đá bóng bằng lòng bàn chân vào cầu môn.
Tôi khẳng định không có trẻ 6 tuổi nào làm được những bài tập này. Ở các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, trẻ 6 – 8 tuổi chỉ làm quen, chơi, đuổi theo bóng mà thôi. Những bài tập mang tính kỹ năng vừa kể phải 9 tuổi mới bắt đầu tập và chỉ những em có năng khiếu đá bóng thật sự mới làm được”.
Nhân nói về chuyện học thể dục, tôi trao đổi với một cựu đồng nghiệp đang làm việc ở Singapore và có cậu con trai đầu học qua tiểu học ở đó.
Anh kể: “Ở lớp 1 và 2, cháu chỉ chơi đùa trên sân cỏ, sân cát mà thôi, và dĩ nhiên có giáo viên theo dõi. Tôi thấy họ chủ yếu khuyến khích trẻ vận động. Lên lớp 3, họ đưa ra một danh sách nhiều môn thể thao cho học sinh cùng phụ huynh bàn bạc, chọn lựa. Con tôi chọn học môn quần vợt.
Cứ đến giờ thì có thầy giáo dẫn các học sinh đăng ký học quần vợt đến một trung tâm chuyên dạy quần vợt để học. Tôi thấy con tôi rất thích và tiến bộ rõ sau một năm học. Đặc biệt, tôi không hề thấy có sách giáo khoa cho môn giáo dục thể chất”.
Có cần sách giáo dục thể chất bậc tiểu học?
Cách đây đúng một năm, trước khi bộ sách giáo khoa “Cánh diều” ra đời, khi bàn về sách giáo dục thể chất, nhiều chuyên gia đã cho rằng không nhất thiết phải có sách giáo khoa môn này cho học sinh mà chỉ cần sách cho giáo viên là đủ.
Ủng hộ quan điểm này có giáo sư tiến sĩ Phạm Tất Dong, phó chủ tịch Hội Khuyến học VN. Ông Dong cho rằng thể dục là môn học thiên về vận động, không cần sách giáo khoa cho học sinh.
Hầu hết các nước cũng không có sách giáo khoa về giáo dục thể chất, mà chỉ có chương trình khung và giáo án huấn luyện. Riêng ở Nhật Bản thì có nhưng cũng chỉ từ cấp 2 trở lên.
Cuốn sách giáo khoa Giáo dục thể chất lớp 1 do nhóm Chân Trời Sáng Tạo soạn cũng bám theo chương trình chung, gần như không có gì khác biệt. Riêng phần thể thao tự chọn, sách của Chân Trời Sáng Tạo chọn thể dục nhịp điệu và bóng đá.
Tuy nhiên, cuốn của Chân Trời Sáng Tạo đơn giản và có lẽ phù hợp với trẻ 6 tuổi hơn. Ví dụ ở môn bóng đá không có những yêu cầu kiểu “chận bóng bằng gan bàn chân”, “dẫn bóng bằng lòng bàn chân”, mà chỉ chận bóng và dẫn bóng.
Sách giáo dục thể chất 1 để dạy thể dục trên giấy hay chỉ là công cụ kiếm tiền?
Thực tế sách giáo khoa Giáo dục thể chất lớp 1 nói riêng và sách Giáo dục thể chất nói chung không cần cho học sinh, vì vậy phụ huynh nên cân nhắc khi mua sách.
Thể dục là tên gọi của một môn học trong lớp 1 chương trình cũ. Khi chuyển sang chương trình mới Thể dục được gọi theo tên mới "mĩ miều" hơn, Giáo dục thể chất.
Anh Phan Bá Hùng ở Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết "Từ đầu năm đến giờ cháu nhà em không cần phải mở sách Giáo dục thể chất để học.
Hỏi cháu sao vậy, cháu bảo cứ đến tiết học, chúng con ra sân học với thầy, thầy làm mẫu động tác, chúng con làm theo, nên không cần mở sách học, vả lại có mở ra cũng chỉ xem hình thôi, toàn chữ loằng ngoằng, biết đâu mà đọc.
Biết vậy em chẳng cần mua cuốn sách này, lãng phí".
Ảnh chụp màn hình.
Học sinh có cần mua, sử dụng sách Giáo dục thể chất lớp 1?
Thầy giáo Đinh San dạy Thể dục (Giáo dục thể chất) lớp 1 chia sẻ:
"Tiết Giáo dục thể chất, học sinh phải ra sân tập vận động theo giáo viên, vậy sách Giáo dục thể chất học sinh mua để làm gì?
Học sinh đâu có thời gian mở sách Giáo dục thể chất ra học, mà thực chất có mở ra cũng không học được.
Từ trước tới nay học sinh không cần sách giáo khoa thể dục. Hiện nay có sách giáo khoa Giáo dục thể chất, nhưng không có giáo viên dạy Giáo dục thể chất nào yêu cầu học sinh mở sách ra học.
Tôi đề xuất, từ nay trở đi môn Thể dục không nên bắt học sinh mua sách giáo khoa, lãng phí".
Đồng quan điểm, một hiệu phó chuyên môn ở Vũng Tàu cũng chia sẻ "Năm sau phụ huynh không nên mua sách giáo khoa Giáo dục thể chất cho con".
Sách Giáo dục thể chất nên đổi tên thành .... "sách lãng phí".
Phụ huynh không muốn mua cũng không được, vì sách Giáo dục thể chất đã nằm trong bộ sách mà nhà trường đã đặt hàng. Vì vậy, khi nhận sách phải nhận cả sách Giáo dục thể chất, và phải đóng tiền trọn bộ.
Gần như 100% học sinh lớp 1 đều phải mua sách Giáo dục thể chất. Ước tính năm nay cả nước có khoảng hơn 2 triệu học sinh lớp 1, mỗi cuốn sách Giáo dục thể chất tính trung bình 14.000 đồng, như vậy đã lãng phí hơn 28.000.000.000 đồng cho năm học 2020 - 2021.
Nếu còn quy định sách Giáo dục thể chất là sách bắt buộc phải mua cho con học, năm sau sẽ lãng phí hàng trăm tỷ đồng khi đồng thời đổi sách lớp 1,2,6.
Có phụ huynh còn nói "Không mua sách Giáo dục thể chất là môn Giáo dục thể chất của con mình có vấn đề, vì khi bán được một cuốn sách là nhà trường có hoa hồng trong đó".
Vì vậy, kiên quyết không để nhà trường là nơi "phát hành sách". Khi chọn sách giáo khoa xong, cần công khai kết quả chọn của tỉnh, phụ huynh cứ căn cứ kết quả đó ra nhà sách mua cho con.
Thực tế sách giáo khoa Giáo dục thể chất lớp 1 nói riêng và sách Giáo dục thể chất nói chung không cần cho học sinh, vì vậy những năm sau phụ huynh nên cân nhắc khi mua sách Giáo dục thể chất cho con, tránh lãng phí.
Chú trọng giáo dục thể chất và thể thao học đường Những năm qua, việc nâng cao chất lượng giáo dục thể chất và thể thao học đường (GDTC&TTHĐ) tại các trường học trong tỉnh luôn được ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm túc. Với việc không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy GDTC&TTHĐ, nhất là các hoạt động ngoại khóa đã...