Sách dịch sai vẫn xuất bản
Không có người dịch giỏi, thiếu đội ngũ biết biên tập nên những người làm sách thiếu lương tâm đã cho ra đời những cuốn sách dịch “khuyết tật”.
Dịch giả Đoàn Tử Huyến cho rằng tình trạng dịch ẩu, dịch loạn không phải bây giờ mới lan rộng mà đã có từ nhiều năm nay. Thực tế, năm 2005, khi lên tiếng về “ thảm họa dịch thuật” Mật mã Da Vinci qua bản dịch của Đỗ Thu Hà, dư luận đã mổ xẻ tình trạng khủng hoảng của thị trường sách dịch. Tuy nhiên, từ đó đến nay, sách dịch ẩu vẫn xuất bản tràn lan.
Lòe thiên hạ bằng tác phẩm “khuyết tật”
Rất nhiều cuốn sách dịch sai be bét là sản phẩm của các dịch giả trẻ, những người có thể giỏi ngoại ngữ nhưng lại chưa đủ sự am hiểu, trải nghiệm để hiểu tác phẩm và chuyển ngữ đúng ý của tác giả. Một dịch giả nổi tiếng cho rằng thực tế hiện nay là người biết ngoại ngữ thì nhiều nhưng dịch giả rất ít. “Không phải cứ biết ngoại ngữ là có thể chuyển ngữ được. Dịch văn học rất khó, không ít người giỏi ngoại ngữ, ham mê dịch nhưng bản dịch đến tay độc giả thì lại rất nhạt nhẽo” – nhà thơ – dịch giả Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch hội Nhà văn Việt Nam, khẳng định.
Ông Nguyễn Quang Thiều còn gay gắt cho rằng việc có những tác phẩm dịch một cách tồi tệ như dư luận phản ánh thời gian qua chính là do thái độ làm việc của dịch giả. “Dịch bừa một câu mà mình không hiểu thì rõ ràng có thể bạn đọc không để ý hoặc không phát hiện nhưng nó mang cảm giác mình đang nói dối. Những dịch giả như thế đã không tôn trọng tác giả, bạn đọc và chính bản thân họ. Nó cho thấy lối làm ăn vô trách nhiệm với chính mình và với cộng đồng đang lan tràn trong xã hội chúng ta ở nhiều lĩnh vực” – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.
Một nhà văn nhận xét dịch giả trẻ bây giờ đang dùng thứ tiếng Việt lai căng để che đi những hạn chế của mình, đưa ra những tác phẩm “khuyết tật” để lòe thiên hạ. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thẳng thắn nhìn nhận mỗi tác phẩm “khuyết tật” được sinh ra từ một lý do khác nhau, có người háo danh, có người vì chút tiền, có người vì không biết tự trọng, có người nghĩ sẽ lừa được bạn đọc. Tuy nhiên, nói như cách của dịch giả Đoàn Tử Huyến, nguy hiểm nhất chính là háo danh. Có những người dịch không cần tiền, chỉ cần có sách để mang ra khoe với thiên hạ.
Biên tập qua loa… cho có!
Video đang HOT
Dịch giả đã yếu, đội ngũ biên tập sách dịch còn kém hơn nhiều. Một thời, biên tập viên sách dịch của các nhà xuất bản (NXB) là những dịch giả, nhà thơ, nhà văn có tiếng như Thái Bá Tân, Bằng Việt, Quang Chiến… Sách dịch phải qua 4 lần biên tập và nhờ có dịch giả tài năng, biên tập cẩn trọng, NXB có lương tâm, các ấn phẩm ra đời đều được bạn đọc trân trọng.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết trước đây, các NXB đều có những người giỏi đọc đối chiếu bản dịch và văn bản gốc. Điều này đến nay gần như đã hoàn toàn biến mất. Các NXB có truyền thống về xuất bản sách dịch như NXB Hội Nhà văn, NXB Văn học… hiện nay đều chỉ có 2 – 3 biên tập viên về sách dịch. Mỗi năm, các biên tập viên này phải “đỡ đẻ”
cho từ vài chục đến cả trăm tác phẩm. Không chỉ ít mà đội ngũ biên tập sách dịch còn hạn chế cả về ngoại ngữ. Giám đốc một NXB nổi tiếng cho biết không NXB nào đủ đội ngũ biên tập viên giỏi nhiều thứ tiếng để đáp ứng nhu cầu. Có những người biết tiếng Anh lại đứng tên biên tập sách tiếng Nga, biết tiếng Pháp lại đứng tên biên tập sách tiếng Anh, thậm chí là những kiệt tác văn học thế giới.
Hai cuốn sách trong số nhiều tác phẩm dịch sai be bét bị thu hồi để chỉnh lý
Không có chuyên môn về cuốn sách, người biên tập rất dễ dàng bỏ qua lỗi sai, thậm chí không có kiến thức để phát hiện lỗi sai đó. Điều này đã góp phần lý giải vì sao có những cuốn sách sai be bét về địa danh, phong tục tập quán, câu cú lủng củng, bản dịch tối nghĩa, lỗi chính tả nhan nhản… Do đó, dễ hiểu vì sao Bản đồ và vùng đất lọt qua tất cả các khâu biên tập của một NXB uy tín như NXB Văn học để đến tay độc giả với quá nhiều lỗi: dịch sai nghĩa, dịch chệch nghĩa, dịch sót, diễn đạt tiếng Việt có nhiều bất ổn.
Chỉ biết kiếm tiền
Thế nhưng, đáng lo ngại nhất chính là quan niệm làm sách sai lệch, tìm mọi cách để kiếm lợi nhuận của nhiều NXB, đơn vị làm sách. Xu hướng chung hiện nay của nhiều NXB, đơn vị làm sách là sách ra nhiều nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất với chi phí ít nhất. Chính vì vậy mới có thực tế 2 biên tập viên “đỡ đẻ” cho cả trăm cuốn sách, trung bình mỗi tháng gần chục cuốn, cuốn nào cũng dày cả trăm trang. Thử hỏi với thực tế như vậy, làm sao có thể có sách hay đến với bạn đọc?
Lãnh đạo một NXB thừa nhận nhiều khi phải nhắm mắt cho ra đời những sản phẩm kém chất lượng vì mối quan hệ của NXB với đối tác liên kết là các nhà làm sách tư nhân. Nếu không in lần này, đối tác sẽ tìm đến NXB khác, như vậy sẽ mất mối làm ăn. Đôi khi, cũng vì nể dịch giả mà đành in cuốn sách, dù biết độc giả mua sách có thể sẽ phí tiền.
Thiếu đội ngũ dịch giả giỏi Thực tế, rất nhiều dịch giả trẻ, kể cả những người rất nổi tiếng, chỉ cho người đọc sự yên tâm về khả năng ngoại ngữ của họ chứ không phải là khả năng diễn đạt bằng tiếng Việt. Dịch giả Vũ Đình Bình từng chia sẻ quan điểm của ông là phải đọc thật thích, không bị rào cản về ngôn ngữ mà chỉ thưởng thức văn học. Chính vì thế, khi đọc bản dịch của Cao Việt Dũng, ông không cảm thấy thoải mái. Dịch giả Đoàn Tử Huyến, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây – nơi từng xuất bản cuốn Hạt cơ bản với lỗi sai ngớ ngẩn đến chết người qua bản dịch của Cao Việt Dũng, cho biết mấy năm nay, trung tâm không xuất bản sách dịch. Lý do thứ nhất vì không mua được bản quyền nhưng điều quan trọng hơn là vì không có đội ngũ dịch giỏi.
Theo NLĐO
Hãi hùng sách dịch: "Bố chết vì ung thư tử cung"
Nhiều cuốn sách có giá trị khi chuyển ngữ tiếng Việt đã gây ra tranh luận gay gắt trên các diễn đàn bởi có quá nhiều lỗi và cách hành văn không trong sáng, thậm chí làm sai lệch nội dung nhưng vẫn được xuất bản.
Từ ung thư ruột dịch sang ung thư tử cung đối với một người đàn ông thì quả là "thảm họa" của dịch thuật.
Nhà Xuất bản (NXB) Văn học và Công ty Nhã Nam quyết định thu hồi cuốn sách Bản đồ và vùng đất vì có quá nhiều lỗi sai đến nỗi một dịch giả phải dùng cụm từ "dịch loạn" để nói về sách dịch hiện nay. Nhưng đó chưa phải là cuốn sách duy nhất bị dịch sai cần được thu hồi.
Một cuốn sách, trăm lỗi sai
Một dịch giả có tên Hà Thúc Lang đã bỏ công sức ngồi đếm được khá nhiều lỗi trong cuốn Những kẻ thiện tâm (Les Bienveillantes), tiểu thuyết của Jonathan Littell do Cao Việt Dũng dịch, NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2008. Chỉ điểm qua vài trang sách, Hà Thúc Lang đã đếm được hàng chục lỗi của dịch giả Cao Việt Dũng.
Theo dịch giả này, có cảm giác người dịch không nắm được mối liên hệ giữa các câu với nhau, từ đó không hiểu được tinh thần chung của tác phẩm. Càng đọc càng thấy rõ người dịch chỉ có thể dịch sang tiếng Việt những từ rất đơn giản trong bản gốc (khi tác giả sử dụng chúng ở nghĩa đen) nhưng cứ gặp các cụm từ hay các nghĩa bóng là bị lúng túng. Ví dụ "Je ne sais pas pourquoi, d'ailleurs, un vieux fond de morale philosophique peut-être"... được dịch là "Ngoài ra tôi cũng không biết tại sao, có thể là một mảnh vụn xưa cũ nào đó của luân lý triết học còn sót lại...".
Theo ông Hà Thúc Lang, "fond" mà dịch là "mảnh vụn còn sót lại" thì sai hẳn nghĩa, "fond" là "nền tảng", là "gốc". Hoặc "Pour faire quoi, alors? Je n'en ai pas idée, pour durer, sans doute, pour tuer le temps avant qu'il ne vous tue" được dịch thành "Thế thì để làm gì? Tôi biết làm sao được, hẳn là để kéo dài, để giết thời gian trước khi nó giết ta". Ông Hà Thúc Lang cho rằng "durer" ở đây không thể dịch là "kéo dài", vừa vô nghĩa vừa không đúng ngữ pháp. Câu này phải được dịch là "Thế thì để làm gì? Tôi không biết, hẳn là để tiếp tục tồn tại, để giết thời gian trước khi nó giết ta".
Còn trong Bản đồ và vùng đất, cuốn sách bị cho là có tới hàng ngàn lỗi sai, người đọc khó mà hiểu được những câu tối nghĩa như "Còn Koons thì như thể mang trong mình cái gì đó như tính chất kép, giống như một điều mâu thuẫn không thể vượt qua giữa sự mưu mô thông thường của địa hạt kỹ thuật thương mại và trạng thái xuất thần của người khổ hạnh" (bản gốc: Alors que Koons semblait porter en lui quelque chose de double, comme une contradiction insurmontable entre la rouerie ordinaire du technico-commercial et l'exaltation de l'ascète).
Một dịch giả cho rằng "technico-commercial" mà dịch là "địa hạt kỹ thuật thương mại" thì sai bét. Và chính vì dịch sai nên dịch giả đã làm mất tính cân đối văn phong mà Houellebecq cố tình sử dụng, đáng lẽ phải là "còn Koons dường như mang trong mình một cái gì đó có tính kép, giống như một mâu thuẫn không thể khắc phục được giữa tính mưu mẹo vẫn thấy của anh bán đồ kỹ thuật và trạng thái thoát trần của kẻ tu hành khổ hạnh". Câu gốc được tác giả viết ngắn gọn, sắc nét, trong khi dịch sang tiếng Việt thì lòng thòng với những "điều", "sự" rồi lại "như tính chất". Tuy nhiên, những điều này chưa thấm vào đâu so với câu dịch sai "trứ danh" của Cao Việt Dũng khi dịch cuốn Hạt cơ bản của Michel Houellebecq. Dịch giả này đã dịch câu "Mon père est mort il y a une semaine, dit-elle. Un cancer de l'intestin" thành: "Bố em chết cách đây một tuần", nàng nói. "Ung thư tử cung". "Cancer de l'intestin" phải dịch đúng là "ung thư ruột". Việc dịch giả cho một người đàn ông có tử cung để bị ung thư thì thật là ngoài sức tưởng tượng!
Những cuốn sách bị chỉ trích có nhiều lỗi khi chuyển ngữ tiếng Việt
Sai nghĩa, chệch nghĩa, diễn đạt bất ổn
"Thảm họa dịch thuật" (chữ của dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng) đầu tiên được nhắc đến có lẽ là Mật mã Da Vinci, NXB Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2005 qua bản dịch của Đỗ Thu Hà. Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng lúc đó nhận xét "không trang nào không có lỗi" và NXB này đã phải thu hồi, mời dịch giả Dương Tường hiệu đính lại cuốn sách. Cuốn Ma sói của tác giả Alexandre Dumas được NXB Văn học ấn hành năm 2006 cũng "đầm đìa" lỗi sai, đặc biệt là sai về chính tả, có thể coi là một điển hình cho việc làm sách ẩu. Còn Bon Jour Tristesse (Buồn ơi chào nhé) rất nổi tiếng của Francois Sagan thì lại được dịch thành Nỗi buồn muôn năm... Ông Vũ Hoàng Giang, Phó Giám đốc Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, khi trả lời về lý do thu hồi cuốn Bản đồ và vùng đất đã thẳng thắn cho rằng cuốn sách dịch để lại nhiều lỗi, thuộc nhiều loại khác nhau: dịch sai nghĩa, dịch chệch nghĩa, dịch sót, diễn đạt tiếng Việt có nhiều bất ổn. "Số lượng lỗi này cao hơn so với chuẩn biên tập của chúng tôi, vượt quá số lỗi tối đa cho phép để sách có thể tiếp tục được lưu hành" - ông Giang nói.
Dịch giả uy tín cũng mắc lỗi Không chỉ với những dịch giả trẻ mà cả với dịch giả uy tín đôi khi cũng mắc phải lỗi. Có thể lấy ví dụ từ cuốn Lolita (của dịch giả Dương Tường), ngay trong trang đầu đã có những câu khó hiểu như: "Ở trường học, em là Dolly. Trên dòng kẻ bằng những dấu chấm, em là Dolores. Nhưng trong vòng tay tôi, bao giờ em cũng là Lolita". Người đọc khó có thể hiểu "trên dòng kẻ bằng những dấu chấm" là cái gì. Ở bản tiếng Anh, câu này là: "She was Dolores on the dotted line" và người ta có thể hiểu đó là những giấy tờ mà người ta hay phải khai báo, thường có những ô bắt buộc phải điền thông tin cá nhân, như tên tuổi, quê quán, năm sinh. Các ô đó được thiết kế những dòng kẻ từ những dấu chấm để người ta viết cho dễ. Nếu tác giả không dịch gần như đúng theo nghĩa đen của từng chữ trong bản tiếng Anh mà dịch thoát hơn gần với tiếng Việt thì có lẽ nhiều người sẽ thấy dễ đọc hơn.
Kỳ tới: Dịch sai vẫn xuất bản
Theo LĐO
10 điều bí ẩn thế giới chưa thể giải mã Những câu chuyện hư cấu, kiểu như những chuyện được mô tả trong cuốn "Mật mã Da Vinci" và bộ phim "Kho báu quốc gia" không có gì giống với những bí mật từ đời thực này. Các mật mã, những bí ẩn và những tác phẩm nghệ thuật công cộng được mã hóa trêu chọc chúng ta bởi những tình tiết bí...