Rụt rè dạy học trực tiếp
Một số trường học, trung tâm đào tạo tiếng Anh, kỹ năng muốn dạy học trực tiếp nhưng vẫn còn e ngại khó hội đủ nhiều điều kiện bắt buộc.
Thí nghiệm, thực hành và luận văn tốt nghiệp là những học phần được một số trường dự kiến tổ chức học trực tiếp khi có đủ điều kiện – Ảnh: M.G.
Chỉ thị 18 của UBND TP.HCM cho phép các cơ sở giáo dục, đào tạo được dạy học trực tiếp cho người đã tiêm đủ liều vắc xin, nếu đảm bảo các tiêu chí an toàn theo quy định. Tuy nhiên, một số đơn vị dự kiến dạy học trực tiếp vẫn còn nhiều băn khoăn, e ngại.
Lo chi phí tăng lên
Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) dự kiến tổ chức dạy học trực tiếp với các học phần thực hành, thí nghiệm, đồ án tốt nghiệp.
PGS.TS Bùi Hoài Thắng, trưởng phòng đào tạo trường này, cho biết đang cho sinh viên đăng ký để lấy thông tin. Tiếp đó, trường phải báo cáo để thành phố duyệt đánh giá trường học an toàn, đủ điều kiện dạy học trực tiếp.
Theo ông Thắng, quy trình này mất khoảng 2 tuần. Nếu sinh viên đăng ký đủ lớp, trường có thể mở các học phần này vào cuối tháng 10. Trường chỉ mở lớp tại cơ sở quận 10, cơ sở Dĩ An phải chờ tùy tình hình thực tế. Các lớp học được tổ chức an toàn phòng dịch theo quy định.
“Chúng tôi cố gắng tổ chức cuốn chiếu được phần nào hay phần đó, nhất là với những sinh viên đang làm đồ án tốt nghiệp để các bạn yên tâm. Hiện có một số sinh viên đã tiêm đủ vắc xin nhưng đang ở tỉnh không thể về TP.HCM học được” – ông Thắng nói.
Trong khi đó, đại diện hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ cho hay đơn vị này đang xây dựng kế hoạch để tổ chức dạy học trực tiếp, song điều này sẽ rất khó thực hiện vì có nhiều điều kiện ràng buộc khiến chi phí tổ chức lớp học tăng lên trong khi học phí giữ nguyên.
“Chúng tôi muốn quay lại dạy học trực tiếp sàng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu số lượng học viên quá ít, phải thực hiện giãn cách nên việc bố trí học trực tiếp sẽ khó khăn do chi phí tổ chức, quản lý vận hành tăng lên. Do đó cần phải tính toán thêm phương án dạy học trực tiếp” – người này cho biết thêm.
Bà Lê Thị Thùy Dương – phó giám đốc SEAMEO Việt Nam – cho hay hơn 95% nhân viên, giáo viên tiếng Anh của SEAMEO đã chích đủ 2 mũi vắc xin. Tuy nhiên do phần lớn đối tượng học viên là người dưới 18 tuổi, chưa được chích vắc xin nên việc dạy học trực tiếp chưa khả thi dù rất muốn mở cửa đón học viên học trực tiếp.
Video đang HOT
Theo bà Dương, cũng có đối tượng học viên tiêm đủ vắc xin nhưng việc tổ chức lớp trực tiếp trong điều kiện phải đảm bảo các tiêu chí phòng dịch khiến cho phí tổ chức tăng, giáo viên không đủ. “Người lớn có thể làm chủ công nghệ để tham gia học trực tuyến nên trước mắt SEAMEO vẫn dạy học trực tuyến” – bà Dương nói.
Tương tự, ông Nguyễn Đình Hải – giám đốc Trung tâm Anh ngữ Á Châu – cho rằng việc tổ chức học trực tiếp trong thời điểm hiện tại sẽ không hiệu quả do chí phí tăng lên.
Theo ông Hải, giáo viên và nhân viên đã tiêm đủ liều vắc xin nhưng nhiều sinh viên kẹt ở các tỉnh chưa thể về TP.HCM trong khi đây là đối tượng học viên chính trên 18 tuổi của trung tâm. Người đi làm cũng có nhưng không đáng kể, nhiều cấp độ khác nhau nên việc tổ chức lớp rất khó khăn.
Vừa dạy vừa chờ
Theo nhiều trường đại học và đơn vị giáo dục, trước mắt việc dạy và học tiếp tục thực hiện theo phương thức trực tuyến, chờ diễn biến và thông báo tiếp theo của thành phố về việc mở cửa trường học.
Ông Nguyễn Quốc Anh, phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết trước mắt trường vẫn tiếp tục dạy học trực tuyến. Nếu tình hình ổn định, trường sẽ tổ chức dạy học trực tiếp các môn thực hành và thí nghiệm trước. Trường cũng chờ các tiêu chí cụ thể về dạy học trực tiếp để có thể thực hiện.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Hải khẳng định trong bối cảnh hiện tại, trung tâm chỉ có thể mở cửa dạy trực tiếp khi thành phố mở cửa trường học, cho học sinh học trực tiếp.
Theo ông Hải, hiện nay chỉ khoảng 20% học viên chấp nhận học online. Trung tâm vẫn tổ chức để giáo viên và nhân viên có nguồn thu. Việc đóng cửa quá lâu khiến trung tâm thiệt hại rất lớn.
Tương tự, đại diện Anh văn Hội Việt Mỹ cho hay không phải học sinh, phụ huynh nào cũng đồng ý học online, không phải đối tượng nào cũng có thể dạy online được.
Phụ huynh và trung tâm đều mong sớm có thể quay lại học trực tiếp. Trong bối cảnh chưa thể tổ chức học trực tiếp cho đối tượng dưới 18 tuổi do chưa được tiêm vắc xin nên phải chờ phương án của thành phố.
Quá ngán học online
Theo bà Nguyễn Thúy Uyên Phương – sáng lập trường ngoại khóa Tomato, dịch bệnh kéo dài khiến nhiều trẻ gặp vấn đề tâm lý do không được tiếp xúc, giao tiếp với môi trường bên ngoài. Nhiều phụ huynh hỏi về các lớp ngoại khóa trực tuyến.
Tuy nhiên, có nhiều phụ huynh muốn con có kỹ năng, trải nghiệm nhưng e ngại vì trẻ phải học trực tuyến quá nhiều. Hết học trực tuyến chính khóa ở trường, giờ ngoại khóa cũng trực tuyến nữa khiến trẻ ngán ngẩm, không hứng thú.
“Trong bối cảnh hiện tại, chúng tôi phải chờ thành phố mở cửa trường học hoặc trẻ được tiêm vắc xin đầy đủ mới có thể tổ chức các lớp ngoại khóa” – bà Uyên Phương nói.
90% sinh viên đang ở tỉnh
Theo ông Nguyễn Trường Thịnh – phụ trách Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, hơn 90% sinh viên của trường đang ở các tỉnh, chưa thể về TP.HCM.
Số sinh viên tiêm đủ 2 mũi vắc xin chưa nhiều. Ký túc xá của trường và các trường trong khu vực đang được trưng dụng làm nơi cách ly, bệnh viện dã chiến.
Do đó, trước mắt việc dạy học được thực hiện trực tuyến với các môn lý thuyết và một số môn thực hành công nghệ thông tin. Việc dạy học trực tiếp phải chờ thông báo của thành phố.
“Nếu từ ngày 1-11 TP.HCM cho người ngoài tỉnh về TP.HCM, trường sẽ thực hiện các bước cần thiết để có thể dạy học trực tiếp trong điều kiện đảm bảo các điều kiện phòng dịch theo quy định” – ông Thịnh nói.
Học sinh ở xã đảo Thạnh An, TP.HCM có thể đến trường trở lại
Tại buổi họp báo chiều 7-10, ông Nguyễn Văn Hiếu - giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM - cho biết UBND huyện Cần Giờ có văn bản đề xuất cho khối lớp 1, 2, 6, 9, 12 tại 2 trường ở xã đảo Thạnh An dạy học trực tiếp trở lại từ 11-10.
Học sinh ở TP.HCM trong giờ học online - Ảnh: MAI PHI
Tại buổi họp báo chiều 7-10, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết sở đang tổ chức dạy và học trên môi trường Internet, dạy qua truyền hình và các môi trường khác.
Theo thống kê, khối tiểu học và THCS tỉ lệ học trực tuyến khá cao, với tiểu học và THCS là 97%, THPT là 99%.
Ở cấp tiểu học, còn hơn 30.000 em đang ở tạm tại các tỉnh thành khác, trong đó có 26.000 em ở tỉnh nhưng đăng ký học trực tuyến tại TP.HCM, hơn 5.000 em chưa có thiết bị đang học tạm ở các trường tiểu học của các tỉnh thành.
Đến nay, còn một số nhỏ các em không có thiết bị và học tại nhà, thầy cô sẽ chuyển các phiếu học tập hướng dẫn học tập tại nhà.
Ông Hiếu cho biết việc dạy và học trực tuyến còn nhiều khó khăn do số lượng học sinh của TP là rất lớn, hơn 1,3 triệu. Số lượng này cùng lúc đăng nhập trên hệ thống gây quá tải đường truyền.
Sau tuần đầu nhiều trục trặc, Sở Giáo dục và đào tạo có văn bản gửi Sở Thông tin và truyền thông, Công ty phần mềm Quang Trung đề nghị có giải pháp hỗ trợ dung lượng đường truyền để tăng khả năng phục vụ việc dạy và học trên môi trường Internet.
Tuy nhiên, cơ sở vật chất trong thời gian giãn cách xã hội không dễ đáp ứng, nâng cấp. Sở Giáo dục và đào tạo cũng đã phối hợp với Trung tâm công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia xây dựng hệ thống GMS dạy học rất hiệu quả. Tuy nhiên khi có 400.000 học sinh truy cập thì hệ thống này tê liệt hoàn toàn.
Ông Hiếu cho biết cách dạy và học ở TP khác với cách dạy và học ở một số tỉnh thành. Quá trình dạy - học có quản lý, phân công nhiệm vụ cho học sinh tự nghiên cứu bài học và trao đổi, giao tiếp với thầy cô giáo, bạn bè trước giờ livestream nhằm giảm bớt thời lượng livestream.
Về kết quả dạy và học, 2 tuần đầu ở cấp tiểu học do không đặt nặng lượng kiến thức cho các em học sinh, nên việc tiếp nhận kiến thức khá tốt. Lớp 1, lớp 2 sở chuẩn bị dạy học trên truyền hình đến hết học kỳ I nên các clip dạy và học trên truyền hình khá phong phú, đáp ứng được yêu cầu học. Các lớp khác vẫn dùng chương trình cũ.
TP có hơn 1.500 cơ sở giáo dục được trưng dụng để phục vụ cho việc phòng chống dịch COVID-19. Đến nay có 10%, tức khoảng 150 trường, đã có chủ trương trả lại cho ngành giáo dục để sửa chữa, khử khuẩn, đưa vào dạy học trực tiếp trở lại.
Hiện nay, ở các cơ sở này, số bệnh nhân vào ít và đang cuốn chiếu dần nhằm kết thúc nhiệm vụ phòng chống dịch cho các trường học. Dự kiến giữa tháng 11 hoàn tất nhiệm vụ chuyển giao và các trường có khoảng hơn 1 tháng để sửa chữa, khắc phục. Đến đầu tháng 1-2022 sẽ dạy học trực tiếp trở lại.
Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo thông tin UBND huyện Cần Giờ có văn bản đề xuất cho 2 trường ở xã đảo Thạnh An dạy học trực tiếp trở lại từ 11-10. Sở đã đi kiểm tra, nắm tình hình, yêu cầu xử lý thêm một số nội dung, xây dựng bộ tiêu chí và đội chống COVID-19 tại chỗ để đảm bảo an toàn khi các em học sinh đến trường trở lại.
Theo kế hoạch của Cần Giờ, chỉ có khối lớp 1, 2, 6, 9, 12 là đề nghị đi học trực tiếp trở lại, với số lượng 242 học sinh, 60 giáo viên và đã đảm bảo đủ an toàn để học trực tiếp.
Đẩy mạnh hoạt động giáo dục ứng phó với dịch COVID-19 trong tình hình mới Hướng tới mục tiêu bảo đảm dạy học trực tiếp được nhiều nhất và trong thời gian sớm nhất những nội dung chủ yếu, cơ bản, cốt lõi của chương trình giáo dục phổ thông, các trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang đẩy mạnh tăng tiết, tăng buổi... để đẩy nhanh tiến độ, tận dụng tối đa khoảng thời gian...