‘Rút ngắn thời gian đại học là tiệm cận quốc tế’
Theo Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân vừa được Bộ GD&ĐT trình Thủ tướng phê duyệt, giáo dục đại học sẽ rút ngắn thời gian đào tạo từ 4 đến 6 năm còn 3 đến 4 năm.
Phóng viên có cuộc trao đổi với Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga xung quanh vấn đề rất mới này.
Hai trường tiên phong
- Thưa Thứ trưởng, vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo lại có điều chỉnh này?
- Thế giới ngày càng hội nhập và giáo dục đại học cũng không thể tách rời xu thế đó. Thực tế khung thời gian đào tạo đại học trên thế giới rất đa dạng, cấu trúc chương trình đào tạo cũng không giống nhau và đó là rào cản gây khó khăn cho việc công nhận chương trình, văn bằng giữa các nước, hạn chế việc trao đổi sinh viên. Vì vậy, các nước đều mong muốn tiệm cận dần với một khung thời gian đào tạo được nhiều quốc gia áp dụng nhất.
Tiến trình Bologna (nhằm tạo ra khu vực giáo dục đại học châu Âu với 3 nội dung: Thống nhất quá trình đào tạo; triển khai đảm bảo chất lượng; thực hiện công nhận văn bằng, chứng chỉ và thời gian học tập giữa các trường – PV) về cải cách giáo dục đại học châu Âu đang được các nước trong Cộng đồng Châu Âu áp dụng.
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga. Ảnh: Vietnam .
Các nước ngoài khối này cũng sử dụng quy định của Cộng đồng Châu Âu như khung thời gian tham chiếu. Theo đó, thời gian đào tạo bậc đại học, thạc sĩ và tiến sĩ lần lượt là 3 năm, 5 năm và 8 năm kể từ khi người học tốt nghiệp tú tài.
Đào tạo đại học của chúng ta hiện nay từ 4-6 năm là dài so với khung thời gian chung của các nước trên thế giới. Thời gian đào tạo dài làm tăng chi phí đào tạo, giảm cơ hội tìm kiếm việc làm của sinh viên, gây thiệt thòi cho sinh viên tốt nghiệp khi tham gia thị trường lao động trong thời kỳ hội nhập.
Tất nhiên, đưa ra khung thời gian mới không có nghĩa là các trường phải ngay lập tức rút ngắn thời gian đào tạo xuống nhưng Bộ GD&ĐT khuyến khích xây dựng các chương trình mới phù hợp với khung đó.
Ví dụ, hai trường xuất sắc hiện nay là Đại học Việt-Đức và Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội đã xây dựng chương trình đào tạo theo đúng tiến trình Bologna. Các trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài ở nước ta hiện nay cũng đã áp dụng khung thời gian đào tạo tương tự
Thời gian giảm, kiến thức-kỹ năng tăng?
- Việc rút ngắn thời gian đào tạo liệu có đảm bảo đủ lượng kiến thức, chất lượng chuyên môn không thưa Thứ trưởng, khi mà sinh viên Việt Nam vẫn còn phải học thêm các môn bắt buộc?
- Rút ngắn khung thời gian đào tạo không có nghĩa cắt ngắn chương trình và giảm chất lượng đào tạo. Khối lượng kiến thức, kỹ năng tối thiểu của các chương trình đào tạo phải được tăng cường để đáp ứng yêu cầu của khung trình độ quốc gia.
Các môn học bắt buộc theo quy định phải được duy trì, kiến thức chuyên môn cốt lõi của mỗi chương trình phải được xây dựng lại một cách có hệ thống, chặt chẽ, cô đọng sao cho thời gian sinh viên lưu lại trường đại học giảm nhưng kiến thức, kỹ năng sinh viên tốt nghiệp được tích lũy được tốt hơn và có ích hơn cho hoạt động nghề nghiệp.
Video đang HOT
Nghĩa là khi rút ngắn thời gian đào tạo thì chương trình, phương pháp giảng dạy của người thầy, phương pháp học tập của sinh viên, cách quản lý đào tạo của các trường đại học cũng phải thay đổi căn bản.
Hơn 10 năm nay, chúng ta đã đổi mới quản lý đào tạo đại học, chuyển từ niên chế sang tín chỉ. Quy chế đào tạo đã mềm dẻo hơn nhiều so với trước. Do đó, mặc dù luật quy định thời gian đào tạo đại học ít nhất 4 năm, nhưng nhiều sinh viên đã tích lũy đủ tín chỉ để tốt nghiệp trong 3 năm. Đó là bằng chứng thực tiễn cho thấy chúng ta có thể rút ngắn thời gian học trên giảng đường.
- Hiện tất cả các trường đại học đã học theo tín chỉ. Như Thứ trưởng vừa cho biết, với phương thức này, rất nhiều sinh viên có thể rút ngắn thời gian đào tạo của mình xuống 3 năm, các em cũng có thể linh hoạt sắp xếp kế hoạch học tập theo thời gian phù hợp với bản thân. Như vậy, việc ban hành khung thời gian đào tạo có còn cần thiết, thưa ông?
– Việc ban hành khung thời gian đào tạo là cần thiết. Theo đó, sinh viên có thể học vượt, rút ngắn thời gian, không nhất thiết phải mất 4 năm học đại học, nhưng 3 năm là tối thiểu, không thể rút hơn được nữa.
Việc đổi mới phương pháp giảng dạy có thể nâng cao hiệu quả đào tạo nhưng sinh viên cần có thời gian tối thiểu ở trường đại học để rèn luyện phẩm chất, phong cách sống, giao tiếp, làm việc theo nhóm… chuẩn bị hành trang đầy đủ trước khi bước vào đời.
- Vậy còn với ngành Y, hiện đào tạo bác sĩ đang là 6 năm, thậm chí các trường Y đang kiến nghị phải kéo dài lên đến 8 năm. Tuy nhiên, theo khung đào tạo mới này, trình độ đại học ngành Y cũng sẽ dừng lại ở 4 năm. Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về điều này?
- Không phải chỉ ở nước ta mà ở các nước phát triển cũng vậy, đào tạo bác sĩ y khoa để khám chữa bệnh cho nhân dân cần khung thời gian dài. Bên cạnh học ở trường sinh viên phải thực hành, thực tập nhiều ở bệnh viện.
Theo quy định của nước ta, hiện nay, đào tạo đại học ngành y phải kéo dài trong 6 năm. Các sinh viên đỗ ngành này là những em giỏi, học thời gian dài nhưng khi ra trường cũng chỉ là tốt nghiệp đại học như các ngành học 4 năm khác, hưởng cùng hệ số lương. Điều này rất thiệt thòi cho sinh viên ngành y.
Đề xuất cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới quy định khung thời gian đào tạo đại học tối đa là 4 năm nghĩa là các chương trình đào tạo phải được thiết kế sao cho sau khoảng thời gian tối đa này, sinh viên phải được công nhận trình độ đại học.
Đương nhiên để trở thành bác sĩ khám chữa bệnh, kỹ sư những ngành đặc thù… thì sinh viên tiếp tục được đào tạo. Trình độ tiếp theo được công nhận dựa vào khung trình độ quốc gia của nước ta được xây dựng tương thích với khung trình độ tham chiếu ASEAN. Theo đó, đào tạo đại học có 3 bậc: bậc 6 (đại học), bậc 7 (thạc sĩ) và bậc 8 (tiến sĩ).
Theo Phạm Mai/VietNam
Tại sao đào tạo đại học rút xuống 3 năm?
Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mà Bộ GD&ĐT đang trình Chính phủ có một số đề xuất điều chỉnh về thời gian đào tạo đại học và sau đại học.
Bộ GD&ĐT đề xuất đào tạo trình độ đại học 3-4 năm, khác với quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Giáo dục quy định từ 4-6 năm; Trình độ tiến sĩ được đề xuất 3 - 4 năm, khác với quy định tại khoản 4 Điều 38 Luật Giáo dục quy định từ 2-4 năm.
GS.TS Trần Công Phong, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, trao đổi về những điều chỉnh này.
Học sinh dự thi đại học. Ảnh: Hoàng Hà.
Trường sẽ tự xây dựng lộ trình
- Tại sao lại rút ngắn thời gian tối thiểu đào tạo đại học xuống còn 3 năm, thưa ông?
- Một trong những nhiệm vụ của việc điều chỉnh cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân lần này là tiệm cận dần các trình độ đào tạo của nước ta với các nước trong khu vực và thế giới.
Khi xây dựng Khung cơ cấu hệ thống, Bộ GD&ĐT cũng đã tham khảo thực tiễn tổ chức hệ thống giáo dục của các nước ở châu Âu, Bắc Mỹ, Úc và nhiều nước khác.
Trên thế giới, hệ thống giáo dục rất đa dạng. Các nước trong Cộng đồng Châu Âu, cũng như các nước ngoài Cộng đồng này hiện đang điều chỉnh cơ cấu hệ thống của nước mình tương thích với tiến trình Bologna. Theo đó, kể từ khi học sinh tốt nghiệp THPT (tú tài), thời gian đào tạo để đạt trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ theo thứ tự là 3 năm, 5 năm và 8 năm.
Thực tế ở Việt Nam đã có một số trường đào tạo và cấp bằng cử nhân trong 3 năm như ĐH Anh Quốc Việt Nam, Trường RMIT Việt Nam. ĐH Việt Đức và ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) hiện thực hiện đào tạo theo khung châu Âu (tương thích tiến trình Bologna)...
Đề xuất thời gian đào tạo đại học trong cơ cấu hệ thống lần này là định hướng để điều chỉnh khung thời gian đào tạo đại học. Việc thực hiện đương nhiên phải có lộ trình. Ngay cả những nước trong Cộng đồng Châu Âu đến nay cũng không phải tất cả đều theo khung của tiến trình Bologna.
- Vậy thì lộ trình thực hiện rút ngắn thời gian đào tạo là như thế nào, thưa ông? Bộ đã chuẩn bị ra sao? Các trường có phải thay đổi, sắp xếp lại toàn bộ chương trình đào tạo hiện nay không?
- Không phải khi Khung cơ cấu hệ thống được ban hành là tất cả các chương trình đào tạo sẽ được chuyển ngay thành chương trình 3 năm.
Ví dụ ở Châu Âu theo tiến trình Bologna, thời gian đào tạo ĐH cũng là 3 năm nhưng sau nhiều năm thực hiện, các nước vẫn đang điều chỉnh dần theo khung này. Tất cả phải có lộ trình phù hợp.
Khung cơ cấu hệ thống này là định hướng để theo đó, các chương trình đào tạo sẽ dần phải điều chỉnh để tương đối thống nhất trong nước và hội nhập quốc tế. Những chương trình mới sẽ cố gắng xây dựng một cách tinh túy, thiết thực để rút ngắn thời gian trong 3 năm, những chương trình cũ 4 năm sẽ điều chỉnh dần.
Việc xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình và lộ trình thực hiện thời gian đào tạo theo Khung cơ cấu hệ thống sau khi được ban hành là quyền tự chủ của cơ sở đào tạo. Các trường sẽ phải căn cứ vào yêu cầu của ngành đào tạo và các quy định của pháp luật để xác định thời gian đào tạo và lộ trình phù hợp để giảm tải chương trình đào tạo còn từ 3 đến 4 năm.
Để chuẩn bị cho việc này, Bộ GD&ĐT đã và đang xây dựng khung pháp luật là Khung trình độ quốc gia; Quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo; Chuẩn đầu ra theo chuẩn năng lực nghề nghiệp và các điều kiện thực hiện chương trình... để điều chỉnh vấn đề đó, làm cơ sở cho các trường thống nhất thực hiện.
Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân .
Chất lượng không đánh đồng với thời lượng
- Như phản ánh rất nhiều trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt từ phía nhà tuyển dụng, chất lượng cử nhân đại học hiện nay có rất nhiều vấn đề. Vậy nếu rút ngắn thêm nữa thời gian đào tạo, theo ông, sẽ tác động như thế nào đến chất lượng đầu ra của các trường?
- Sinh viên ra trường có nhiều vấn đề, không đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, không hoàn toàn chỉ do thời lượng của chương trình đào tạo.
Rút ngắn thời gian đào tạo không đồng nghĩa cắt giảm khối lượng kiến thức cần thiết hay giảm chất lượng đào tạo. Thời lượng chỉ là một trong nhiều điều kiện để tạo ra chất lượng nên chất lượng không thể đánh đồng với thời lượng.
Nếu chương trình đào tạo được xây dựng chọn lọc tinh túy, bám sát yêu cầu của thị trường lao động, cùng với đó là phương pháp đào tạo đổi mới, gắn với quy trình sử dụng lao động, đảm bảo chuẩn đầu ra theo chuẩn năng lực nghề nghiệp, người học có động cơ, thái độ học tập đúng đắn và giảng viên làm việc nghiêm túc... thì rút ngắn thời gian đào tạo không những vẫn đảm bảo chất lượng mà còn tiết kiệm cho xác hội thời gian, chi phí của một năm học.
- Khi rút ngắn thời gian như vậy, thì sự khác biệt với cao đẳng (3 năm), trung cấp (2 năm) như thế nào? Bộ GD&ĐT có lường tới việc thay đổi này sẽ càng gây ra tình trạng phụ huynh và thí sinh cố để vào đại học thay vì vào cao đẳng, trung cấp không?
- Sự khác biệt giữa các bậc học phụ thuộc rất ít vào thời gian đào tạo. Trình độ cao đẳng hay trung cấp thường hướng đến việc đào tạo ra những người lao động có khả năng thực hành thành thạo sau tốt nghiệp trong khi mục tiêu đào tạo đại học hướng nhiều hơn đến việc hình thành tư duy và tạo ra tri thức nên thời gian không phải là yếu tố quyết định.
Tôi thấy rằng tiếc thay, tập trung vào đại học, thích làm thầy hơn làm thợ lại là trào lưu chính của Việt Nam hiện nay. Để có giải quyết tình trạng này giải pháp then chốt là thực hiện sớm công tác hướng nghiệp, phân luồng từ trong giáo dục phổ thông.
Nếu các chương trình đào tạo cao đẳng và trung cấp gắn với thực tiễn nghề nghiệp, cung cấp các kỹ năng làm việc thực sự giúp người tốt nghiệp khả năng kiếm việc làm tốt hơn thì sẽ hạn chế được tình trạng học sinh phổ thông chỉ đổ xô đăng ký vào đại học
Liên thông (mở các cơ hội kết nối) sẽ là một trong những chìa khóa để lái dòng học sinh trong hệ thống giáo dục. Khi có cơ hội học đại học, người học sẽ được miễn trừ/ công nhận các kiến thức đã học được trong các bậc học/ chương trình đào tạo trước đó, sẽ giúp họ thoải mái hơn khi lựa chọn giáo dục nghề nghiệp.
Tuy nhiên, để phân luồng thành công cần nhiều điều kiện, nhiều chủ thể phải cùng phải tham gia thực hiện đồng bộ nhiều vấn đề... Thời gian đào tạo không phải là yếu tố quyết định việc phân luồng.
- Tại sao lại tăng thời gian tối thiểu đào tạo tiến sĩ thêm 1 năm, thưa ông?
- Tiến sĩ là trình độ đào tạo cao nhất của hệ thống, trong đó chú trọng hoạt động nghiên cứu độc lập của nghiên cứu sinh nên để đáp ứng được yêu cầu khoa học, đảm bảo chất lượng của kết quả nghiên cứu thì kéo dài thời gian đào tạo tối thiểu thành 3 năm là hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần thực hiện việc công nhận văn bằng giữa các nước.
Thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, hầu hết các chương trình đào tạo tiến sĩ đều được xây dựng với thời lượng 3 năm. Hầu hết các nghiên cứu sinh cũng cần 3 năm hoặc nhiều hơn để hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ.
Một số quốc gia có số năm tối thiểu để hoàn thành tiến sĩ (sau khi có bằng thạc sĩ) là 3 năm có thể kể đến Ấn Độ, Australia, các quốc gia Châu Âu, Hoa Kỳ, Canada Liên hiệp Anh, Phillippines, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Theo Ngân Anh/VietNamNet
Đại học làm gì trước áp lực quốc tế hóa? Để có những trường đại học đạt chất lượng quốc tế, không thể duy trì cách tổ chức quản lý nhà trường như cách đây vài thập kỷ, vì bối cảnh giờ đây đã hoàn toàn khác. Hội thảo Đổi mới Quản lý giáo dục đại học (ĐH) do Khoa Quốc tế ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức mới đây thu hút...