Rước họa bởi “thích là truyền”
Truyền dịch được coi là một biện pháp hiệu quả và an toàn trong quá trình điều trị nhiều bệnh khác nhau. Tuy nhiên, nếu truyền dịch không đúng chỉ định rất dễ dẫn đến các tác hại khôn lường cho sức khỏe. Thực tế hiện nay cho thấy, việc lạm dụng truyền dịch lại đang phổ biến. Không ít người chỉ mệt mỏi, cảm cúm thông thường cũng tìm cách để được truyền dịch.
Truyền dịch không có chỉ định và giám sát của bác sĩ có thể gây nguy hiểm sức khỏe
Thấy mệt mỏi là… truyền dịch!
Mới đây, 2 trẻ nhỏ ở Hà Nội và Hải Phòng đã tử vong khi truyền dịch để bù nước do tiêu chảy. Vụ việc khiến dư luận rất hoang mang trước những nguy hiểm khôn lường của việc truyền dịch gây ra. Thực tế thì nhiều người bệnh cũng như không ít y, bác sĩ trước giờ vẫn coi việc truyền dịch như là một biện pháp hiệu quả và an toàn trong quá trình điều trị nhiều bệnh khác nhau.
Ghi nhận tại một phòng khám tư nhân trên đường Giải Phóng (đối diện Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), dù đã tối muộn nhưng 5 giường bệnh của phòng khám này đều có bệnh nhân đang được truyền dịch.
Mệt mỏi nằm chờ hơn 3 giờ để truyền hết chai khoáng chất, bà Nguyễn Thị Ân (62 tuổi, ở khu Trương Định) cho biết: “Mấy ngày hôm nay, thời tiết thay đổi khiến người mệt mỏi. Do vậy, tối nào tôi cũng tới đây được nhân việc phòng khám truyền cho ít thuốc để mau khỏe còn đi chơi với con cháu”.
Video đang HOT
Trong khi đó, đưa con nhỏ mới chỉ học lớp 3 tới để truyền dịch, anh Lê Quang Trung (ở Trung Hòa, Nhân Chính) bộc bạch: “Hơn một tháng nay đi học ở trường, cháu mải chơi, ăn uống kém, sụt cân và ốm vặt liên tục nên tôi đành phải cho cháu đi khám để bác sĩ truyền ít vitamin chống mệt mỏi”.
Nhiều bác sĩ cho biết, Hà Nội và một số tỉnh lân cận đang vào thời điểm chuyển mùa, ngày nóng đêm lạnh khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi, suy nhược cơ thể hoặc mắc một số bệnh về đường hô hấp, cảm cúm, tiêu chảy. Trong số đó, có không ít người đã tự ý mua các loại thuốc bổ về dùng; hoặc tìm đến các phòng khám tư nhân để được truyền đạm, vitamin và khoáng chất… với tâm lý cho rằng đã là thuốc bổ, chất bổ thì không thể có hại cho sức khỏe. Thậm chí, không ít người dù chỉ “xuống sắc” chút ít cũng tới các phòng khám tư nằng nặc đòi bác sĩ cho dùng thuốc bổ và truyền khoáng chất để khỏe đẹp trở lại.
Tiềm ẩn nhiều nguy hiểm
Trao đổi với phóng viên, các chuyên gia y tế cho biết, thuốc bổ, vitamin tổng hợp, dịch truyền có vai trò quan trọng và cần thiết trong quá trình điều trị, phục hồi sức khỏe cho người bệnh. Tuy nhiên, không phải vì thế mà sử dụng tùy tiện, không có liều lượng và thiếu sự theo dõi, chỉ dẫn của thầy thuốc. Thực tế đã có nhiều bệnh nhân tử vong hoặc phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy hiểm, tím tái, co giật chỉ vì cơ thể bị sốc do tự ý truyền dịch.
Để bảo vệ sức khỏe, đặc biệt trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa, biện pháp quan trọng nhất vẫn là phải ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn bữa sáng, uống nhiều nước, ăn nhiều loại hoa quả. Dành ra thời gian hợp lý để có đủ 8 giờ ngủ mỗi ngày. Hạn chế dùng các chất kích thích, thuốc lá và cà phê vì đây là những chất không có lợi cho sức khỏe. Trong trường hợp sử dụng thêm các loại thuốc bổ, khoáng chất và truyền dịch thì cần phải có sự chỉ định của thầy thuốc và tuyệt đối không được lạm dụng
Khi truyền dịch là đưa vào cơ thể một số lượng nước lớn, các chất điện giải, chất dinh dưỡng nên có thể gây rối loạn chuyển hóa, dẫn tới các hiện tượng phù ở tim, thận. Đặc biệt, dịch truyền có thể gây phản ứng toàn thân, sốc phản vệ khi cơ thể không “chịu” được, hoặc phản ứng lại những chất lạ được truyền vào dẫn tới nguy hiểm cho tính mạng. Lúc đó, bệnh nhân cảm giác rét run, vã mồ hôi, khó thở, đau ngực, thậm chí là co giật. Khi gặp những tình huống này, bệnh nhân phải được nhân viên y tế có chuyên môn, kinh nghiệm xử trí kịp thời nhằm tránh những diễn tiến nguy hiểm hơn. Hơn nữa, các bệnh lây nhiễm như HIV/ AIDS, viêm gan B, C… đều có thể lây nhiễm qua con đường truyền dịch nếu việc truyền dịch bừa bãi, không đúng chỉ định và không được vô trùng.
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Bệnh viện Bạch Mai, cảnh báo truyền dịch tuy là một thủ thuật y tế thông dụng nhưng có rất nhiều nguy cơ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Không phải ai cũng truyền dịch được và không phải lúc nào truyền dịch cũng là lựa chọn hàng đầu. Tất cả các thuốc, dịch truyền đều có những phản ứng phụ không mong muốn, có thể tốt với người này nhưng không tốt với người khác. Vì vậy, khi truyền dịch phải do chỉ định của bác sĩ dựa trên các xét nghiệm cũng như thể trạng của bệnh nhân. Đồng thời, việc truyền dịch phải được thực hiện ở các cơ sở được phép thực hiện kỹ thuật này; quá trình truyền dịch phải có sự theo dõi chặt chẽ của y bác sĩ để có thể xử lý kịp thời nếu tai biến xảy ra.
Theo sggp
Tự ý truyền dịch rất dễ ảnh hưởng tới tính mạng
Nhiều người dân do thiếu hiểu biết, cứ thấy mệt mỏi, ăn uống kém là có nhu cầu truyền dịch để tăng cường sức khỏe, đây là một sai lầm dễ dấn đến nguy hiểm vì truyền dịch phải được chỉ định bởi bác sĩ tại cơ sở y tế, nếu truyền sai cách, rất dễ xảy ra sốc phản vệ.
Chỉ bác sĩ mới được chỉ định truyền dịch, nhất là với trẻ em. Ảnh: TTXVN
Sự việc cháu bé 22 tháng tuổi ở Long Biên, Hà Nội bị sốc dẫn đến tử vong trong khi truyền nước tại phòng khám tư số 392 Ngô Gia Tự (quận Long Biên, Hà Nội) ngày 16/10 vừa qua vẫn còn đang khiến dư luận bàng hoàng. Theo đó, cháu bé đến phòng khám này khám với biểu hiện sốt, tiêu chảy và được chỉ định truyền dịch. Tuy nhiên sau khi truyền dịch được khoảng 15 phút, cháu bé có biểu hiện sốc, tím tái, cứng đơ, tuy đã được đưa đến bệnh viện Đa khoa Đức Giang để cấp cứu nhưng cháu bé đã không qua khỏi. Sau khi điều tra sự việc, được biết phòng khám tư trên không được phép thực hiện truyền dịch.
Qua sự việc này cho thấy hiện nay có nhiều người dân có thói quen tự ý đi truyền dịch, truyền hoa quả...thậm chí gọi nhân viên y tế tới nhà truyền dịch khi sức khỏe kém là một việc làm vô cùng nguy hiểm.
BS.Nguyễn Thị Ngọc Oanh, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa Đức Giang cho biết: Truyền dịch thường được chỉ định trong những trường hợp mất nước cấp tính mà không thể bù lượng dịch đã mất bằng đường uống, như: Bị tiêu chảy cấp, nôn nhiều, bỏng nặng, sốt cao kéo dài gây mất nước... Truyền dịch phải do bác sĩ chỉ định vì chỉ có bác sĩ mới cân nhắc được sẽ truyền loại dịch gì, số lượng bao nhiêu và đối tượng nào được truyền.
BS. Oanh cũng dẫn chứng đã từng phải cấp cứu rất nhiều trường hợp do truyền nước, truyền hoa quả, đạm... do người bệnh mẫn cảm, dị ứng với một số thành phần nào của dịch truyền.
"Việc xảy các phản ứng khi truyền dịch có thể do nhiều nguyên nhân, có thể do nhân viên y tế không kiểm tra kỹ lưỡng chai dịch truyền trước khi truyền, không lắc kỹ, không kiểm tra nút của chai dịch truyền xem có còn nguyên vẹn hay không; đặc biệt người thầy thuốc quên hỏi tiền sử dị ứng của bệnh nhân trước khi truyền hoặc tiêm cho bệnh nhân thì nhiều nguy cơ cũng có thể xảy ra với người bệnh khi truyền dịch" BS. Oanh cho biết.
Cũng theo BS. Oanh, những bệnh nhân như người già hay trẻ em khi chỉ định truyền dịch phải hết sức cẩn thận. Cụ thể, đối với người già, mức lọc cầu thận, đào thải kém, nếu truyền không đúng định lượng sẽ gây quá tải, dẫn đến suy tim cấp, thậm chí nguy kịch cho bệnh nhân. Còn đối với trẻ nhỏ bị viêm phổi, viêm não, viêm màng não cũng phải hết sức cân nhắc khi lựa chọn các loại dịch truyền. Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ, nếu không tính theo cân nặng và không đánh giá đầy đủ tình trạng mất nước, mức độ mất nước mà truyền không đúng cách cũng sẽ dẫn đến quá tải dịch, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Vì vậy các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên tự ý truyền dịch tại các phòng mạch và tuyệt đối không được coi truyền dịch là biện pháp làm tăng sức khỏe. Truyền dịch chỉ thực hiện khi có chỉ định cần thiết của bác sĩ tại các cơ sở y tế, nhất là đối với bệnh nhân là trẻ em vì phải là những thầy thuốc chuyên khoa Nhi mới đánh giá được tình trạng mất nước của trẻ và truyền dịch cho trẻ theo đúng phác đồ. Khi truyền dịch cho trẻ, cần đưa trẻ đến bệnh viện, các cơ sở y tế để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Tạ Nguyên
Theo Báo Tin tức
Bé trai 22 tháng tuổi tử vong sau khi truyền dịch trị tiêu chảy Công an quận Long Biên (Hà Nội) đã tiến hành niêm phong phòng khám tư do bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc phụ trách tại quận Long Biên, TP Hà Nội để điều tra làm rõ vụ việc bé N.G.B. (22 tháng tuổi, ở thôn Lại Hoàng, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) tử vong sau khi truyền dịch điều...