Rủi ro nhờ người đứng tên mua nhà
Nhờ người thân, bạn bè đứng tên mua nhà hộ rất có thể dẫn đến những tranh chấp không đáng có về sau nếu không có hợp đồng, thỏa thuận chặt chẽ trước đó.
Chị Thảo (TP.HCM) muốn mua một căn chung cư tại quận 2 nên đã tham khảo ý kiến của người thân, bạn bè. Khi được một người bạn thân kể rằng có em gái tên Nhung có nhiều kinh nghiệm mua bán nhà đất và có thể mua với giá ưu đãi nên chị Thảo đã nhanh chóng liên lạc để nhờ giúp đỡ.
Nhung khoe với chị Thảo có chơi thân với một sếp lớn là chủ đầu tư một dự án ở quận 2 nên sẽ mua được căn hộ với giá rẻ hơn giá thị trường. Vì tin tưởng nên chị Thảo đưa trước 70 triệu tiền cọc cho Nhung và nhờ Nhung thay mặt để giao dịch.
Sau khi cầm phiếu thu và hợp đồng, chị Thảo tiếp tục đưa hơn 1 tỷ đồng cho chị Nhung. Tất cả những lần 2 người gặp nhau đều là trước trụ sở công ty của chủ đầu tư dự án.
Mãi không thấy thông báo giao nhà như thỏa thuận mà Nhung lại yêu cầu đưa thêm tiền, chị Thảo vì nghi ngờ nên đã tự đi xác minh thì phát hiện toàn bộ chứng từ mà chị nhận từ Nhung đều là giả mạo. Không chỉ bị lừa mất hơn 1 tỷ đồng, chị Thảo còn mất nhiều thời gian và tiền bạc để khởi kiện.
Tương tự, anh Hòa ở Hà Nội cũng vướng nhiều rắc rối khi nhờ một người bạn làm việc tại công ty bất động sản đứng tên mua nhà giúp để được hưởng những ưu đãi dành riêng cho nhân viên của công ty. Theo đó, người bạn này sẽ đứng tên trên hợp đồng mua bán nhà và sau 1 năm sẽ chuyển nhượng lại căn hộ cho anh Hòa.
Không chỉ nhờ bạn bè, rất nhiều trường hợp tin tưởng nhờ chính người thân trong gia đình mua nhà đất hộ nên đã rơi vào cảnh vừa mất tình thân, vừa mất tiền.
Khi nhờ người khác đứng tên mua hộ bất động sản, người chủ thực sự chỉ có thể định đoạt tài sản của mình thông qua người đứng tên nên có rất nhiều rủi ro, phổ biến nhất là bị chiếm đoạt tài sản.
Trong trường hợp người đứng tên trên sổ đỏ chết, bất động sản đó theo quy định sẽ là di sản của người đã chết và sẽ được chia thừa kế. Rắc rối hơn là những người nhận thừa kế lại không thừa nhận có việc nhờ đứng tên trước đó.
Video đang HOT
Hay trong trường hợp người đứng tên ly hôn và người vợ hoặc chồng của người này yêu cầu phân chia tài sản chung do tài sản này phát sinh trong thời kỳ hôn nhân thì việc chuyển trả lại tài sản cho chủ sở hữu thực sự sẽ rất phức tạp, phải trải qua nhiều thủ tục hành chính, tốn nhiều thời gian và tiền bạc để giải quyết tranh chấp.
Một rủi ro khác là người được nhờ đứng tên có một nghĩa vụ tài sản với một người thứ ba và cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã quyết định tài sản đó bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ… Khi đó, người chủ thực sự có thể mất hoàn toàn quyền lợi đáng lẽ được hưởng với tư cách là chủ sở hữu của bất động sản.
Do vậy, nếu nhờ người khác đứng tên mua nhà, chủ tài sản cần lập thành văn bản có người làm chứng, giữ giấy tờ đăng ký sở hữu tài sản sau khi giao dịch chuyển nhượng hoàn tất.
Để tránh rủi ro sau này, chủ thực sự và người đứng tên cần làm hợp đồng đặt cọc, đồng thời cam kết sẽ bán lại nhà cho chủ thực sự vào thời điểm nào, giá thỏa thuận giữa hai bên ra sao. Bên cạnh đó, trong thời gian chưa chuyển nhượng, chủ thực sự nếu muốn sinh hoạt trong ngôi nhà này thì cần yêu cầu người đứng tên làm hợp đồng ủy quyền việc quản lý, sử dụng ngôi nhà.
Sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, hai bên cần tới văn phòng công chứng để công chứng hợp đồng mua bán nhà ở, sau đó làm thủ tục sang tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
Dưới góc độ pháp lý, việc nhờ người khác đứng tên trên Giấy chứng nhận là trái với quy định của pháp luật.
Bởi Khoản 16 điều 3 Luật đất đai năm 2013 quy định: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”.
Theo Phùng Dung
Diễn đàn doanh nghiệp
Nguồn cung mới bất động sản tại TP.HCM giảm sâu kỷ lục
Ảnh hưởng từ việc sụt giảm nguồn cung, nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) rơi vào cảnh điêu đứng vì không có sản phẩm cung ứng ra thị trường, thiếu chi phí hoạt động. Làm thế nào để đi tiếp trong bối cảnh này là câu hỏi lớn nhất mà nhiều công ty đang phải đối mặt trong thời điểm này.
Cung giảm sâu kỷ lục
Thống kê từ HoREA cho thấy năm 2019 là năm có tổng nguồn cung giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại (mới) được Sở Xây dựng đề xuất UBND TP công nhận chủ đầu tư với quy mô 924 căn hộ, giảm 16 dự án (giảm 84,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Sở Xây dựng cũng chỉ đề xuất chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại, giảm 46 dự án (tức 82,2%) so với cùng kỳ năm 2018.
Trong 6 tháng, chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, với tổng số 7.313 căn hộ, giảm 10 dự án (tức 29,4%), giảm 2.336 căn (24,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp giảm đến 43,8% (2.227 căn so với 3.965 căn cùng kỳ năm 2018); căn hộ bình dân giảm 34,7% (1.249 căn so với 1.914 căn cùng kỳ năm 2018). Điều đáng quan tâm là quý 2/2019, không có dự án nhà ở bình dân, vừa túi tiền được đưa ra thị trường.
Theo HoREA, sự sụt giảm nguồn cung đã tác động không nhỏ đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, đẩy nhiều doanh nghiệp vào thế rủi ro, thậm chí có doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản do không có sản phẩm cung ứng ra thị trường.
Chưa kể, nguồn thu ngân sách nhà nước từ thị trường BĐS, từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế cũng bị sụt giảm lớn. Đối với phần lớn người dân thành phố là người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư ngày càng khó mua, thuê nhà, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Nguyên nhân chủ yếu là do thủ tục phê duyệt xây dựng kéo dài hơn trong thời gian gần đây. Các chính sách nghiêm ngặt của Chính phủ đã điều chỉnh nguồn cung theo hướng bền vững hơn. Cụ thể, nhiều dự án buộc phải hoàn thành các nghĩa vụ pháp lý liên quan đến đất đai và giấy phép xây dựng trước khi tiến hành mở bán.
Doanh nghiệp làm gì để đi tiếp?
Trong vòng 5 năm trở lại đây, năm 2019 được cho là khoảng thời gian khủng hoảng nhất đối với những doanh nghiệp BĐS, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường chưa lâu. Làm sao để ổn định nguồn cung trở lại là câu hỏi lớn nhất mà nhiều doanh nghiệp BĐS đang phải đối mặt trong thời điểm này.
Theo các chuyên gia, để sớm khai thông thị trường và tiếp tục phát triển lĩnh vực này thì chính quyền, doanh nghiệp cần có sự hoạch định chính sách dài hạn, có sự phối hợp nhất quán giữa các bên để nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land, để thị trường phát triển bền vững thì phải có sự cân đối giữa hai yếu tố cung - cầu. Yếu tố này thúc đẩy yếu tố kia và ngược lại. Trong khi đó, thị trường năm 2019 bị chững lại do ảnh hưởng nhiều về mặt pháp lý, hàng loạt dự án không đảm bảo độ tin cậy gây mất niềm tin cho khách hàng. Mặt khác, tình trạng phân lô, bán nền tràn lan cũng gây ra sự nhiễu loạn không hề nhỏ nên thị trường cần có thời gian hồi phục. Bà Hương nhấn mạnh rằng để một doanh nghiệp BĐS đi được dài hơi cần có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền để điều đảm bảo đầu tiên là lấy lại niềm tin từ chính các nhà đầu tư.
Với một dự án khi quy hoạch và phát triển mất nhiều thời gian, từ 5-10 năm, thậm chí có những dự án mất 15-20 năm. Do đó, việc doanh nghiệp đổ dồn nguồn lực vào các dự án là rất lớn nên cần có chính sách, hoạch định dài hạn và đưa ra thời gian thực hiện cụ thể.
"Cần nhấn mạnh rằng, việc phát triển thị trường cần phải có sự cân đối về mặt tổng thể. Nếu có sự bất cân giữa cung và cầu thì không thể phát triển. Sự cân đối này là chiến lược lâu dài chứ không mang tính thời điểm", bà Hương phân tích.
Cũng theo bà Hương,hiện nay thị trường BĐS còn chưa ổn định nên gây ảnh hưởng nhiều đến nhiều doanh nghiệp. Sự bất ổn về mặt chính sách, thiếu cân đối cung cầu thị trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược phát triển đường dài của một công ty BĐS. Sự chậm trễ nguồn cung đưa ra thị trường không chỉ khiến doanh nghiệp lao đao mà còn ảnh hưởng đến nguồn nhân lực, rủi ro dòng tiền, giải pháp tài chính, ảnh hưởng dây chuyền đến các ngành nghề khác. Ngoài ra, nguồn cung BĐS sụt giảm cũng ảnh hưởng đến việc thiếu nguồn vốn đóng góp cho địa phương bởi sự liên đới giữa các ngành.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng, giám đốc bộ phận R&D DKRA Việt Nam, để thị trường BĐS được khai thông trở lại thì tất cả các bên liên quan từ doanh nghiệp, chính quyền và cả khách hàng cần chú trọng đến 4 yếu tố:
Về quy trình pháp lý, thủ tục hành chính: Cần được cải thiện hơn nữa để thuận tiện cho doanh nghiệp trong việc đầu tư, phát triển dự án, từ đó nguồn cung mới sẽ dồi dào hơn.
Về tài chính: Cần có chương trình dài hạn và mang tính toàn dân cho việc mua nhà ở lần đầu (đặc biệt phân khúc hạng C) đáp ứng nhu cầu an cư của những người dân có nhu cầu bức thiết về nhà ở (tiêu biểu như chính sách nhà ở xã hội).
Về chất lượng dự án: Các chủ đầu tư cần linh hoạt thích ứng với sự thay đổi của thị trường bằng cách có chiến lược dài hạn từ chuẩn bị quỹ đất, chú trọng chất lượng dự án để tăng tính cạnh tranh hơn, đa dạng cơ cấu nguồn vốn.
Về yếu tố khách quan: Thị trường cần phải minh bạch và rõ ràng hơn, bắt đầu từ tất cả các thành phần tham gia vào thị trường bao gồm cơ quan chức năng nhà nước, chủ đầu tư, đơn vị phân phối, đơn vị hỗ trợ tài chính (ngân hàng) và khách hàng.
Trường Minh
Theo Nhịp sống kinh tế
Vì sao bất động sản ven sông hút giới đầu tư? Với người Việt, mua nhà hay làm nhà cũng được coi là một trong ba việc quan trọng nhất đời người. Chọn nơi mua nhà, người Việt đúc kết: "Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ". Kinh nghiệm dân gian là thế, còn bài toán đầu tư thì sao? Nhà ven sông ngày càng tăng giá Người Việt vốn quan niệm...