Rủi ro nào cho VPBank khi NHNN siết cho vay tiêu dùng?
JP Morgan cho rằng điều này sẽ tạo ra những rủi ro đáng kể khi đầu tư vào VPBank. Do đó, hãng tài chính này đưa ra mức đánh giá trung lập ( Neutral) về xếp hạng của ngân hàng này
Bộ phận nghiên cứu chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương của J.P. Morgan mới đây đã lần đầu công bố báo cáo riêng về ngành ngân hàng Việt Nam. Nhận định nổi bật được J.P. Morgan đưa ra là việc các ngân hàng Việt Nam trở thành một trong những ví dụ ít thấy về việc kết hợp được 2 yếu tố tăng trưởng lợi nhuận cao và ổn định một cách tự thân. Điều này, cùng với chu kỳ tín dụng thuận lợi, có thể tạo ra lợi nhuận đáng kể trong nhiều năm. Các cơ hội đầu tư tương đương gần đây có Indonesia (2005 – 2013) và Ấn Độ (2010 – 2017).
Nói về Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB), theo JP Morgan, việc sở hữu công ty tài chính tiêu dùng Fe Credit có thị phần lớn nhất Việt Nam là yếu tố chính thúc đẩy tỷ lệ thu nhập lãi cận biện (NIM) của VPBank ở mức cao so với trung bình ngành (9,6%). Các khoản vay tiêu dùng chiếm 57% tổng dư nợ của ngân hàng và tạo ra lợi thế cạnh tranh cốt lõi cho VPBank.
Theo tìm hiểu của JP Morgan, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gần đây đã cân nhắc giới hạn tối đa khoản vay tiền mặt (cho vay không có bảo đảm) ở mức 30% tổng số khoản vay (tại FE Credit hiện nay là 71%). Đồng thời, NHNN cũng đề xuất giới hạn điều kiện cho những khách hàng vay mới bằng tiền mặt chỉ khi họ sở hữu một khoản vay có bảo đảm trong hệ thống ngân hàng.
Mặc dù những đề xuất này đang ở dạng dự thảo, nhưng JP Morgan cho rằng điều này sẽ tạo ra những rủi ro đáng kể khi đầu tư vào VPBank. Do đó, hãng tài chính này đưa ra mức đánh giá trung lập (Neutral) về xếp hạng của ngân hàng.
Nói sâu hơn, JP Morgan cho biết về FE Credit chiếm 55% thị phần cho vay tài chính tiêu dùng tính trong năm 2017 với lãi suất cho vay bình quân từ 35 đến 40%/năm. NIM trung bình đạt 29% trong 3 năm qua.
Hơn 71% khoản vay của FE Credit là cho vay tiền mặt hoặc khoản vay cá nhân, khoản này có thể mang về mức lợi suất gần 50%/năm. Do vậy, mặc dù dư nợ của FE Credit chỉ chiếm 24% giá trị các khoản vay của VPBank nhưng đóng góp hơn 50% thu nhập hoạt động của toàn ngân hàng.
Video đang HOT
Đây là động lực chính giúp tỉ suất sinh lời trên vốn chủ (ROE) của VPBank đạt trung bình 24% trong suốt 4 năm qua.
Dự thảo quy định của Ngân hàng Nhà nước có thể dẫn tới thách thức cho hoạt động của FE Credit và VPBank. Nếu được triển khai, FE Credit sẽ không thể mở rộng các khoản vay mới bằng tiền mặt, vì giới hạn không vượt quá 30% danh mục cho vay. Các khoản vay tiền mặt có kỳ hạn dưới 1 năm, sẽ không thể được gia hạn và sẽ bị loại khỏi danh mục của ngân hàng. VPBank sẽ cần bù đắp bằng việc tăng các khoản vay tiêu dùng có bảo đ-ảm ở FE Credit.
Diễn biến danh mục cho vay của FE Credit trong các năm (Nguồn: JP Morgan)
JP Morgan ước tính cho vay tiền mặt trong cơ cấu dư nợ FE Credit sẽ giảm 25% mỗi năm trong giai đoạn 2020 – 2021 xuống còn 28% tổng dư nợ cho vay. Dẫn đến sự sụt giảm hiệu suất sinh lời của tài sản 110 điểm cơ bản/năm, NIM hàng năm giảm trên 80 điểm cơ bản và ROE giảm xuống 15-16% từ mức 20%. Điều này gây ra áp lực đối với cổ phiếu VPB, trước khi tăng trưởng trở lại
JP Morgan cho rằng, Thông tư của NHNN vẫn đang ở dạng dự thảo, tuy nhiên nó có thể là nhân tố chính tác động đến triển vọng cổ phiếu của ngân hàng này.
Bên cạnh đó, rủi ro giảm giá của cổ phiếu VPB gồm sự cạnh tranh gia tăng tại phân khúc cho vay tiền mặt và việc chất lượng tài sản suy giảm. Trong khi đó, các yếu tố có thể hỗ trợ tăng giá là tăng trưởng cho vay tiêu dùng cao hơn kì vọng và sự cải thiện thu nhập ngoài lãi.
Đánh giá của JP Morgan không hẳn là không có cơ sở, khi báo cáo tài chính hợp nhất quý III của VPBank thể hiện, nợ xấu hợp nhất của ngân hàng này đang ở mức 3,1%. Trong đó, nợ xấu của riêng VPBank là 2,45%, nợ xấu của FE Credit là 5,21%.
Trong đó, nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của VPBank ghi nhận tới 8.901 tỷ đồng, tăng 14,6% so đầu kỳ. Tuy nhiên do dư nợ cho vay khách hàng cũng tăng tương ứng nên tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này vẫn duy trì ở mức cao như đầu kỳ là 3,5%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng 30%, lên tới 2.420 tỷ đồng.
Dung Hoàng
Theo antt.nguoiduatin.vn
CEO Nguyễn Đức Vinh: VPBank có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh ngay trong tháng 11
Tới cuối tháng 10, lãi trước thuế của VPBank tiếp tục tăng trưởng, đạt hơn 8.400 tỷ đồng.
Trong số các ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý 3, có thể nói ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) ghi nhận tăng trưởng tốt trên mọi lĩnh vực.
Kết thúc 9 tháng, VPBank tăng trưởng tín dụng 14,7%, vượt xa trung bình ngành là 8,95%. Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng dẫn đầu trong nhóm ngân hàng tư nhân, đạt 26.334 tỷ đồng, tăng 19,1% so với cùng kỳ và 23,9% nếu loại trừ đi khoản thu bất thường từ hợp đồng hợp tác bảo hiểm với AIA trong năm 2018.
Tổng thu nhập hoạt động tăng mạnh trong bối cảnh chi phí được kiểm soát chặt chẽ giúp lợi nhuận của VPBank bứt phá. Ngân hàng cho biết lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 7.199 tỷ, tăng 36,6% so với cùng kỳ, nằm trong nhóm các ngân hàng tư nhân có lợi nhuận cao nhất trên thị trường.
Chất lượng tài sản được cải thiện rõ rệt khi tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 3,1% thời điểm cuối tháng 9/2019. VPBank cho thấy quyết tâm lớn khi tỷ lệ nợ xấu có xu hướng giảm ở cả ngân hàng mẹ lẫn công ty tài chính FE Credit. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, dư nợ trái phiếu VAMC của VPBank cũng đã giảm hơn 70%, từ hơn 3.100 tỷ xuống còn dưới 908 tỷ đồng. Ngân hàng tự tin sẽ xử lý dứt điểm nợ bán cho VAMC trong năm 2019.
Cập nhật tình hình mới nhất của ngân hàng trong cuộc họp dành cho các chuyên gia phân tích trên thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc của VPBank, cho biết tính tới cuối tháng 10, lợi nhuận trước thuế của VPBank tiếp tục tăng trưởng, đạt hơn 8.400 tỷ đồng.
"VPBank có thể sẽ sớm hoàn thành kế hoạch kinh doanh ngay trong tháng 11 này, còn kết quả kinh doanh cả năm có thể sẽ vượt mục tiêu khoảng 10%," ông Vinh chia sẻ.
Ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc của FE Credit cho biết, từ khoảng cuối năm ngoái đến nay, hoạt động của FE Credit đang quay về quỹ đạo thành công. Công ty hiện giữ vững thị phần vượt trội so với các đối thủ khác đang có mặt trên thị trường, bất chấp sự xuất hiện của các đối thủ nước ngoài hay nhóm công ty tài chính được hậu thuẫn bởi các ngân hàng mẹ hùng mạnh.
Kết quả tốt từ cả ngân hàng mẹ và FE Credit đến sau những điều chỉnh lớn về phương hướng hoạt động của VPBank trong giai đoạn 2018 - 2019. Đặc biệt là trong năm 2019, VPBank và FE Credit gần như dồn toàn lực tập trung vào phát triển theo chiều sâu, áp dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động, cải thiện chất lượng tài sản và chất lượng dịch vụ thay vì cố gắng mở rộng tập khách hàng như giai đoạn trước.
Ước tính, 67% các khoản vay tại VPBank và FE Credit phục vụ khách hàng hiện tại, có chi phí rẻ hơn và rủi ro thấp hơn so với các khoản vay khách hàng mới. Để tìm kiếm khách hàng mới, cả VPBank và FE Credit đều ưu tiên các kênh tự động, số hóa để tiết kiệm chi phí.
Ông Vinh cho biết, VPBank có thể phát triển cơ sở khách hàng mới thông qua việc hợp tác với các công ty Fintech, các đối tác liên quan có tỷ lệ tự động hóa cao. Bản thân FE Credit cũng đang định hướng mình trở thành một hệ sinh thái khổng lồ chứ không chỉ đơn thuần là một công ty tài chính tiêu dùng. Những yếu tố này sẽ tiếp tục thúc đẩy lợi nhuận của VPBank trong những năm tới. Theo ông Vinh, hiện lợi nhuận trước thuế chiếm 27% tổng doanh thu, sau khi xử lý xong nợ xấu của VAMC và chuyển đổi số, tỷ lệ này có thể tăng lên 35 - 40%.
Theo NDH
Thu nhập nhân viên VPBank thêm 5 triệu/tháng sau khi giảm 2.322 người Sau khi cắt giảm 2.322 nhân viên so với hồi đầu năm, thu nhập bình quân nhân viên của ngân hàng mẹ VPBank đã lên gần 24,6 triệu đồng/tháng so với mức 19,8 triệu cùng kỳ năm trước. Báo cáo tài chính quý III/2019 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng cho thấy doanh nghiệp có khoản lợi nhuận sau thuế trong...