Rớt 2 trường ĐH vì khai gian 0,5 điểm ưu tiên
Mặc dù đã được hướng dẫn kỹ lưỡng nhưng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nào cũng có thí sinh mắc sai sót đáng tiếc trong quá trình đăng ký dự thi.
Ngày 12-6, Sở GD&ĐT TP Hà Nội tổ chức hội nghị hướng dẫn công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh trình độ ĐH, CĐ ngành giáo dục mầm non năm 2020.
Nhiều sai sót thí sinh dễ gặp phải
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở GD&ĐT đề cập đến nhiều sai sót thí sinh (TS) dễ gặp phải trong quá trình làm hồ sơ đăng ký dự thi, trong đó có trường hợp rớt cả hai trường ĐH lớn chỉ vì khai không trung thực hồ sơ xét điểm ưu tiên.
Nhắc lại câu chuyện trên, ông Bùi Quang Thái, Phó Trưởng Phòng quản lý thi và kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT TP Hà Nội, cho biết năm ngoái có TS dự thi đã ghi đối tượng ưu tiên trội lên để được thêm 0,5 điểm.
Theo giấy báo điểm, TS đỗ nguyện vọng (NV) 1 nhưng khi trường rà soát lại đối tượng ưu tiên thì em này không chứng minh được nên rớt xuống NV2.
“Tuy nhiên, do trước đó TS đã đỗ NV1 nên theo quy tắc sẽ bị gạt ra khỏi danh sách NV2. Đồng nghĩa TS này bị “tạch” cả hai trường.
Đây là sai sót đáng tiếc, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của TS, khiến TS đứng giữa ngã ba đường, không biết đi đâu về đâu” – ông Thái nói.
Ví dụ khác được Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Văn Đại nêu ra, đó là một học sinh tự động thay đổi NV đăng ký dự thi cho bạn trai. Sự việc này khiến cả hai cùng rơi vào tình huống dở khóc dở cười.
Qua những trường hợp trên, Sở GD&ĐT TP Hà Nội yêu cầu các trường cần rà soát kỹ việc đăng ký dự thi, chỉnh lý đăng ký NV của TS để tránh những sự cố không mong muốn.
Nhấn mạnh thêm, ông Phạm Văn Đại đề nghị các trường cần hỗ trợ học sinh đăng ký dự thi, lựa chọn NV, đặc biệt là ghi rõ, đầy đủ địa chỉ, những ưu tiên xét tuyển nếu có.
Video đang HOT
Dự kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 của TP Hà Nội sẽ được tổ chức tại 140 điểm thi. Ảnh: HP
Nhiều điểm mới cần lưu ý
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Sở GD&ĐT TP Hà Nội đưa ra những điểm mới trong quy chế thi mà bắt buộc các phòng GD&ĐT phải nắm rõ.
Điển hình, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ không có trường hợp được miễn tất cả bài thi cho TS từng tham gia các cuộc thi thể dục thể thao cấp quốc gia.
Ngoài ra, kỳ thi sẽ không có sự giám sát của cán bộ từ các trường ĐH, thay vào đó, mỗi hội đồng thi sẽ có ba lớp thanh tra (thanh tra nhà nước, Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT).
Chưa hết, mọi thiết bị điện tử của hội đồng thi đều được thanh tra giám sát, trường hợp TS phải đi cấp cứu trong quá trình làm bài sẽ được công an theo sát đến khi hết thời gian làm bài…
Chia sẻ thêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Văn Đại cho hay vừa rồi có một số trường đề xuất tự thi tuyển đánh giá năng lực nhưng sau cùng vẫn lấy kỳ thi để làm căn cứ xét tuyển ĐH. Vì vậy, việc dựa trên kết quả kỳ thi của TS để xét vào các trường ĐH có tính chất gần như không thay đổi, trách nhiệm của các thầy cô giám thị càng lớn hơn.
“Kỳ thi năm nay số lượng TS cao hơn năm trước, do đó các trường cần đặc biệt chú ý, chuẩn bị kỹ càng trong mọi khâu. Đặc biệt, nhà trường không bố trí giáo viên đi nghỉ mát hoặc làm những công việc khác trong thời gian diễn ra kỳ thi” – ông Đại nói.
Hiện Sở GD&ĐT TP Hà Nội đang gấp rút triển khai công tác chuẩn bị. Dự kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT của TP được tổ chức tại 140 điểm với gần một vạn cán bộ coi thi.
Tất cả trường tại Hà Nội trở thành điểm thi
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, tất cả trường học sẽ trở thành điểm thi, vì vậy hiệu trưởng các trường cần căn cứ vào điều kiện để bố trí đầy đủ cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu của kỳ thi.
Nhiều trường điều chỉnh phương thức xét tuyển đại học, cao đẳng
Nhiều trường đại học tăng xét điểm thi đánh giá năng lực lên 40%-70% chỉ tiêu đồng thời thêm nhiều tiêu chí phụ khi xét tuyển học bạ để sàng lọc thí sinh.
Nhiều trường tăng thêm tiêu chí xét tuyển đại học, cao đẳng. Ảnh minh họa: Internet
Các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) đến thời điểm này đã chính thức chốt phương án tuyển sinh năm 2020. Trong đó, nhiều trường đã có những điều chỉnh về chỉ tiêu, thêm phương thức tuyển sinh để sàng lọc thí sinh phù hợp, đủ điều kiện học tập.
Sau khi cân nhắc, đến nay đã có khoảng 62 trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức để tuyển sinh. Riêng các đơn vị thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM đã quyết định điều chỉnh theo hướng tăng chỉ tiêu cho phương thức này.
Trường ĐH Kinh tế - Luật vừa quyết định dành tối đa 50% tổng chỉ tiêu xét từ điểm thi đánh giá năng lực, tăng 10% so với trước đó. Tổng chỉ tiêu của trường năm nay là 2.100 chỉ tiêu cho 40 chương trình đào tạo.
Tương tự, trường ĐH KHXH&NV TP.HCM năm nay cũng tuyển 3.399 chỉ tiêu gồm sinh viên Việt Nam và sinh viên nước ngoài bằng năm phương thức tuyển sinh. Trong đó, xét tuyển dựa vào kết quả kiểm tra trình độ năng lực chiếm 35%-45% tổng chỉ tiêu.
Trường ĐH Quốc tế quyết định bỏ kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức trong mùa tuyển sinh năm nay, thay vào đó tăng chỉ tiêu cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT lên tối đa 60% và xét điểm thi đánh giá năng lực lên 50%.
Trường ĐH Bách khoa cũng dành 30%-70% tổng chỉ tiêu cho xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực này.
Theo đề án chính thức do Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM vừa công bố, đây là năm đầu tiên trường xét tuyển bằng phương thức học bạ với chỉ tiêu khoảng 30%.
Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, để tuyển được thí sinh đạt chất lượng, trường sẽ xét tuyển dựa vào điểm trung bình học bạ trong năm học kỳ (trừ học kỳ 2 lớp 12) của từng môn theo tổ hợp (có ba môn) vào học hệ chất lượng cao hoặc đại trà cho học sinh của tất cả trường THPT trên cả nước (tốt nghiệp THPT từ năm 2017 đến 2020).
Ngoài ra, nhiều trường đã quyết định duy trì hoặc mở thêm phương thức ưu tiên xét tuyển cho những thí sinh dự thi Đường lên đỉnh Olympia.
Cụ thể, ĐH Quốc gia Hà Nội thêm tiêu chí đối với thí sinh được xét tuyển thẳng và xét tuyển vào bậc ĐH là thành viên tham gia cuộc thi tháng của chương trình Đường lên đỉnh Olympia do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức hằng năm và có điểm trung bình chung học tập năm học kỳ (trừ học kỳ 2 của lớp 12) đạt từ 8 trở lên.
Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng tiếp tục dành 1% chỉ tiêu để xét tuyển kết quả tốt nghiệp THPT kết hợp đối với thí sinh tham gia từ vòng thi tuần cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia.
Trong năm học 2020-2021, việc gia tăng chất lượng dịch vụ phục vụ sinh viên, xây dựng hoạt động nhà trường theo cơ chế tự chủ tài chính là nguyên nhân khiến học phí nhiều trường đại học tăng mạnh.
Vì là tự chủ nên các trường được tự hạch toán, đưa ra mức học phí theo đúng lộ trình, tính đủ chi phí đào tạo.
Mức học phí gia tăng mạnh nhất có thể kể đến là trường ĐH Y dược TP.HCM khi có mức tăng học phí từ 13 triệu đồng/năm lên đến 30-70 triệu đồng/năm tùy ngành và chương trình đào tạo.
Kế đến là Khoa Y- ĐH Quốc gia TP.HCM khi mức tăng học phí từ 50-80 triệu đồng/năm (2019) lên 55-88 triệu đồng/năm.
Trường ĐH Luật TP.HCM năm nay mức học phí cũng tăng nhẹ khi tăng từ 17,5-43,7 triệu đồng/năm lên thành 18-49,5 triệu đồng/năm.
Học phí tăng mạnh của nhiều trường khiến sinh viên và phụ huynh lo lắng.
Tuy nhiên, theo các chính sách học bổng, hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên chế độ chính sách - mà các trường công bố trong đề án tuyển sinh của mình thì không nên qua lo ngại bởi các chính sách hỗ trợ đi kèm là rất lớn.
Nhiều trường công bố quỹ học bổng trong năm 2020-2021 của trường lên tới hàng chục tỷ đồng.
Nhiều trường cao đẳng sư phạm sẽ... 'mất tên' Bắt đầu từ ngày 1.7, luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, các trường CĐ sư phạm chỉ còn chức năng đào tạo ngành giáo dục mầm non. Trước thực tế này, có trường 'mất tên', có trường ngưng tuyển sinh để đợi chuyển đổi... Bắt đầu từ năm 2020, các trường CĐ sư phạm chỉ còn đào tạo giáo viên mầm non...