Rộn ràng lớp học đêm ở bản làng Ba Chẽ
Ban ngày họ là những người bà, người mẹ cầm cuốc lên rẫy, chăm lo gia đình. Đêm đến họ là những học sinh chung lớp học xóa mù chữ tại những thôn làng của huyện vùng núi Ba Chẽ, Quảng Ninh.
Buổi tối ở xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ những ngày này nhộn nhịp hơn mọi khi bởi không khí của các lớp học xóa mù chữ tại các thôn như Nam Kim, Lang Cang, Làng Hang, Làng Mô, Trường PTDT bán trú TH&THCS Đồn Đạc II, Trường Tiểu học Đồn Đạc.
Khác với những lớp học bình thường, học sinh của đủ mọi lứa tuổi. Ban ngày họ là những người chị, thậm chí người mẹ người bà nhưng đêm đến họ là những học sinh chung lớp.
Lớp học đêm ở bản làng Ba Chẽ đã giúp xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc ở nhiều bản làng
Những bàn tay thô ráp vốn chỉ quen với con dao, cái cuốc nay ngượng ngùng cầm cây bút, nắn nót viết từng cái chữ, con số. Điểm chung ở họ có thể nhìn thấy trên khuôn mặt là tâm lý háo hức với quyết tâm học chữ để biết nhiều hơn, học cách phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình.
Cô giáo Hoàng Thị Bình – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồn Đạc cho biết: “Năm học 2021 – 2022 nhà trường mở 4 lớp với 160 học viên, lứa tuổi từ 15 – 60 tuổi trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao. Khóa học từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022 nhưng do dịch nên kéo dài đến hết tháng 6/2022″.
Chương trình xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục được tiến hành sau khi biết chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số nhằm hướng tới mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” được toàn ngành giáo dục tích cực triển khai đồng bộ.
Video đang HOT
Lớp học tại Ba Chẽ có đủ mọi lứa tuổi trong đó chủ yếu là người đồng bào dân tộc Dao
Trường tiểu học Đồn Đạc mở 4 lớp xóa mù chữ, bên cạnh việc học con chữ bà con còn được học thêm nhiều kiến thức văn hóa, khoa học đời sống
Cô Bình cho biết: “Trong quá trình tham gia các lớp học xóa mù chữ, bà con được trang bị kiến thức các môn học như Tiếng Việt, Toán, Lịch sử, Địa lý, Khoa học. Ngoài ra, trong quá trình giảng dạy, thầy cô đứng lớp còn lồng ghép các kiến thức về khoa học kỹ thuật, cách trồng trọt, chăn nuôi qua đó không chỉ giúp bà con tiếp thu hiệu quả mà còn hướng dẫn khoa học kỹ thuật vào đời sống thiết thực”.
Vì thế, dễ hiểu khi phần lớn bà con trên bản đều tích cực tham gia lớp xóa mù dù họ là nông dân vốn quanh năm vất vả công việc đồng áng, mùa vụ, rừng núi.
“Để thu hút bà con đến lớp, thầy cô đứng lớp cũng linh hoạt trong phương pháp giảng dạy, thường xuyên tổ chức các trò chơi phù hợp với bài học, nội dung dễ hiểu dễ nhớ, kết thúc lớp học bà con đều biết đọc, biết viết thành thạo. Các kiến thức trong lớp học, nhất là khoa học kỹ thuật trong sản xuất cũng giúp nhiều gia đình áp dụng vươn lên thoát nghèo”, cô Bình cho biết thêm.
Kết thúc lớp học xóa mù chữ, bà con đồng bào Ba Chẽ đều đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông
Từ những lớp học, cùng với nỗ lực tuyên truyền của nhà trường và chính quyền địa phương đã làm thay đổi rõ rệt tư tưởng của đồng bào vùng cao. Trước đây giáo viên phải đến từng nhà vận động từng người xóa mù chữ nhưng giờ thấy được hiệu quả của lớp học, hầu hết mọi người đã tự giác, tình nguyện, bố trí thời gian hợp lý để đi học.
Nguyễn Đăng Đam là một trong những người trực tiếp dạy lớp xóa mù chữ cho đồng bào ở Trường Tiểu học Đồn Đạc cho hay: “Thời gian khóa học là 5 tháng, mức độ giảng dạy là mức độ 2 tương đương học ở lớp 4, lớp 5. Kết thúc khóa học bà còn đều đọc thông viết thạo. Thầy cô phải lựa chọn kiến thức sao cho phù hợp, bổ sung lồng ghép thêm việc tuyên truyền pháp luật, cách chữa bệnh thông thường, phòng chống bạo lực gia đình, chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình… Lớp thanh niên thì mình dạy thêm lĩnh vực tin học, máy tính hay bà con hỏi về trồng trọt, chăn nuôi thì mình sẽ hướng dẫn lồng vào dạy cách đọc, dựa trên câu từ thì bà con sẽ thu nhanh hơn”.
Với những mục tiêu quan trọng và cụ thể như vậy, các lớp học xóa mù chữ được mở ra hàng năm không chỉ giúp cho trình độ của đồng bào vùng cao được nâng lên mà việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với bà con cũng trở nên dễ dàng hơn.
Bài 2: Lớp học xóa mù chữ cho những học viên đặc biệt
Xã A Dơi và xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị là hai trong số trong những địa phương có lượng người Lào sinh sống lâu năm được Chủ tịch nước Cộng hòa xã chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định nhập quốc tịch Việt Nam.
Thời gian qua, bên cạnh giúp người dân phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống, Đồn Biên phòng Ba Tầng đã mở lớp dạy tiếng Việt để bà con thật sự tự tin an cư lạc nghiệp trên quê hương mới.
Người Lào học chữ Việt
Năm 2018, có 244 người Lào sinh sống lâu năm ở thôn giáp biên A Dơi Đớ (xã A Dơi) đón nhận niềm vui được nhập tịch. Điều này đã giúp họ chấm dứt những tháng này không quốc tịch, trở thành công dân Việt Nam thực thụ với đầy đủ quyền công dân.
Tuy nhiên, những người Lào nhập tịch này chỉ có thể nói tiếng Pa Cô, Vân Kiều và tiếng Kinh nhưng hầu hết không biết viết, biết đọc và không biết làm các phép tính toán. Việc này khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn khi hòa nhập vào cộng đồng. Bên cạnh việc hỗ trợ người dân phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống, những người lính Biên phòng còn tính chuyện xa xôi hơn. Sau nhiều tháng chuẩn bị, tháng 10-2021, Đồn Biên phòng Ba Tầng phối hợp với với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã A Dơi tổ chức khai giảng lớp xóa mù chữ cho 35 phụ nữ đã quá tuổi đi học, trong đó phần lớn là công dân mới được nhập tịch.
Thượng úy Hồ Văn Hữu hướng dẫn học viên làm quen với bảng chữ cái và con số.
Lớp học được duy trì trong điều kiện hết sức khó khăn. Khi đó, dịch Covid-19 đang bùng phát, nguy cơ lây nhiễm trên cả nước. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, đánh giá tình hình, Đồn Biên phòng Ba Tầng và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã A Dơi vẫn quyết định tiếp tục duy trì lớp. Mọi người trước khi vào lớp phải sát khuẩn tay, ai có yếu tố dịch tễ phải nhanh chóng khai báo để có biện pháp xử lý. Tháng 10 cũng là cao điểm là mưa bão ở miền Trung, thời gian trời mưa rả rích cả tuần nay, gió từ sông Sê Pôn thổi ràn rạt càng khiến cái lạnh đầu Đông thêm giá buốt, thế nhưng, lớp học của thầy giáo Hồ Văn Hữu vẫn đều đặn sáng đèn và các học viên đến rất đông đủ. Cả thầy và trò đều cố gắng để hướng tới những điều tốt đẹp sẽ đến trong tương lai.
Người được giao phụ trách chính cho lớp học ở A Dơi Đớ là Thượng úy Hồ Văn Hữu (Đội trưởng Đội Vận động quần chúng). Tuy trẻ còn trẻ tuổi nhưng tấm gương sáng về tinh thần hiếu học và vượt lên số phận. Thượng úy Hồ Văn Hữu là người Vân Kiều, sinh ra và lớn lên ở huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Tốt nghiệp lớp 12, chàng thanh niên Hồ Văn Hữu thi đỗ vào Đại học Kinh tế Đà Nẵng và Học viện Hành chính Quốc gia. Người anh trai đầu của Hữu trước đó tốt nghiệp Học viện Hậu cần, công tác tại Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 đã "nhận trách nhiệm" nuôi em ăn học. Tuy nhiên, khi đang học năm thứ 2 thì anh trai mất nên Hồ Văn Hữu phải thôi học. Để có thể tiếp tục con đường học vấn mà không phải lo lắng chuyện tiền nong, Hồ Văn Hữu đã quyết định thi vào Học viện Biên phòng. Kết quả, anh thừa 3,5 điểm để trúng tuyển.
Những điều còn mãi
Lớp học xóa mù "chiếm" khá nhiều thời gian vì phải soạn giáo án, đứng lớp mỗi tối nhưng đối với Thượng úy Hồ Văn Hữu thì nó mang lại những niềm vui không phải ai cũng có được bởi đó là cảm giác hạnh phúc khi giúp đỡ được nhiều người. Chị Hồ Thị Hươi và Hồ Thị Vươi là hai chị em ruột và được sinh ra trên đất Lào nhưng cách đây khoảng chục năm thì về thôn A Dơi Đớ của Việt Nam sinh sống cùng họ hàng. Năm 2018, chị Hươi cùng chị gái và con gái là Hồ Thị Liên được nhập quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, mọi người chỉ nói được mà không biết chữ. Vì việc này mà chị ngại không dám đi đâu ra khỏi thôn, khó khăn trong nuôi dạy con cái, thậm chí bị kẻ gian lừa lọc trong mua bán nông sản. Rồi khi nào có việc phải ra xã, vì không biết chữ chị phải nhờ mọi người đọc, viết giúp rồi chỉ có thể điểm chỉ rất bất tiện. Bởi vậy, khi Đồn Biên phòng Ba Tầng mở lớp dạy chữ, chị Hươi cùng chị gái, con gái quyết tâm đi học để từ nay không phải "điểm chỉ" và muốn "là một người Việt thực thụ".
Lớp học xóa mù chữ cho phụ nữ thôn Prin Thành.
Ngày bế giảng lớp học, chị Hồ Thị Căn Vật cứ nắm tay Thượng úy Hồ Văn Hữu cảm ơn và nói rằng sẽ không bao giờ quên ơn các thầy giáo. Khi mới vào học, con chị Vật chưa được 1 tuổi, rồi việc nhà cửa, nương rẫy cũng đủ mệt nhưng vì muốn học chữ nên chị vẫn quyết tâm đến lớp. Sợ tiếng con khóc làm ảnh hưởng đến lớp, chị Vật thường chọn ghế gần cửa ra vào để mỗi lần con khóc chị đi ra sân dỗ nín rồi vào học tiếp. Biết chuyện của chị Vật mà nhiều người còn "lưỡng lự" đã thấy mình phải suy nghĩ lại.
Các thầy giáo Biên phòng còn "chạy" theo học viên. Ban đầu, lớp học được tổ chức vào thứ 6,7 và chủ nhật nhưng ngẫm lại, thứ 2, 3, 4, 5 là quãng thời gian nghỉ khá lâu nên các thầy quyết định học xen kẽ hoặc 3,5,7 tuần này, tới tuần sau học 2,4,6. Học viên cũng "không phụ" thầy giáo bằng cách cố gắng đến lớp đông đủ. Khi Thượng úy Hồ Văn Hữu thông báo phải ghép cùng lớp với thôn Prin Thành, mọi người không ngại đêm tối, trời mưa đi thêm mấy cây số sang để lớp học diễn ra đúng tiến độ.
Vốn là người Lào nên dù nay sinh sống ở Việt Nam nhưng người ở thôn A Dơi Đớ vẫn giữ mối quan hệ mật thiết với các bản người Lào ở phía đối diện. Biên giới rất gần nên còn có bà con bỏ qua các thủ tục khi xuất cảnh. Bởi thế mà những lần lên lớp, thầy giáo Hồ Văn Hữu không quên nhắc mọi người phải tuân thủ Nghị định 34, Quy chế ra vào khu vực biên giới. Thầy Hữu nói rằng, việc anh em qua lại thăm nhau là điều rất quý nhưng dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, việc qua lại thăm thân phải tạm dừng để phòng, chống dịch. Nghe xong, ai cũng gật gù, các thầy giáo biên phòng nói rất đúng.
Thiếu tá Vũ Văn Trung, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Ba Tầng cho biết, từ tháng 10-2021 đến nay, Đồn Biên phòng Ba Tầng phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã A Dơi, xã Ba Tầng mở 5 lớp xóa mù chữ dạy cho 175 học viên. Tháng 5-2022 đã bế giảng 2 lớp với 65 học viên, hiện nay đang duy trì 3 lớp ở hai xã với 110 học viên, trong đó đa số là người Lào được nhập tịch. Với kết quả đạt được, thời gian tới các đơn vị tiếp tục phối hợp mở thêm các lớp xóa mù chữ, góp phần chấm dứt tình trạng mù chữ ở các địa phương.
(còn nữa)
Lớp học đặc biệt ở vùng biên viễn Ba Tầng 'Bạn ơi, đi học bạn ơi', tiếng gọi của bà Hồ Thị La Ham (64 tuổi) cứ vang dội lên triền dốc bản cao xã biên giới Ba Tầng (H.Hướng Hóa, Quảng Trị). Tiếp nối đó là những ánh đèn theo bước chân vượt ra bìa rừng, băng trong mưa hướng về lớp học đêm. Chính sự chịu khó, ham học của các...