Rớm nước mắt với bài thơ tiễn biệt nữ giáo viên tử nạn trước ngày thi
Khi biết tin cô Thúy tử nạn thương tâm trong ngày đầu làm nhiệm vụ coi thi, để lại 2 đứa con tật nguyền, cả đêm ông Nguyễn Hữu Thắng trằn trọc, cảm thương nữ giáo viên xấu số.
Cô giáo Thúy tử nạn trong ngày đầu làm nhiệm vụ coi thi để lại gia đình khó khăn và 2 đứa con tật nguyền
Sau đó, ông đã viết lên những vần thơ tiễn biệt khiến người đọc chạnh lòng.
Ngay trong buổi thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, trên mạng xã hội Facebook chia sẻ chóng mặt bài thơ “Em ở đâu?” của tác giả Nguyễn Hữu Thắng (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị), viết về nữ giáo viên Trần Thị Thúy.
Chỉ sau 4 giờ, bài thơ nhận được hàng trăm bình luận bày tỏ lòng tiếc thương cô Thúy.
Hàng trăm lượt bình luận chia sẻ nỗi tiếc thương đối với nữ cán bộ coi thi sau khi bài thơ được ông Thắng đăng tải trên facebook cá nhân
Trò chuyện với VietNamNet, ông Thắng cho biết tối ngày 24/6, qua báo chí, ông biết được thông tin về cô giáo Trần Thị Thúy.
“Sau khi biết tin cô tử nạn và hoàn cảnh khó khăn của gia đình, cả đêm tôi không ngủ được. Ngồi uống café một mình sáng nay, những suy nghĩ về vụ tai nạn thương tâm khiến cô Thúy ra đi mãi mãi, để lại 2 đứa con tật nguyền vẫn cứ đeo bám trong tâm trí, thôi thúc tôi phải làm một việc gì đó.
Một vài ý tứ lướt qua, tôi ngồi gõ những câu thơ đầu tiên và chỉ 15 phút sau, bài thơ hoàn thành. Tôi đăng tải lên trang cá nhân như một lời tiễn biệt nữ giáo viên xấu số”, ông Thắng chia sẻ.
Bản thân ông Thắng trước khi sang công tác tại Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng là một giáo viên.
“Vậy nên, tôi hiểu được những niềm vui, nỗi buồn của các đồng nghiệp trong công tác giảng dạy hay mỗi dịp thi cử. Trước đây, tôi chưa có dịp gặp cô Thúy nhưng có một sự đồng cảm, chia sẻ với nỗi bất hạnh, mất mát của nữ giáo viên cũng như gia đình cô phải gánh chịu”, ông Thắng tâm sự.
Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị, cho biết sáng ngày 25/6, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Sở GD-ĐT cùng một số cơ quan, ban ngành đã trực tiếp đến nhà thăm hỏi, bước đầu hỗ trợ kinh phí gần 20 triệu đồng giúp gia đình lo hậu sự cho nữ giáo viên xấu số.
Em ở đâu?
Kỳ thi bắt đầu rồi
Thí sinh đã xếp hàng đông đủ
Thuý ơi em ở đâu
Video đang HOT
Có kịp về đúng giờ khai mạc?
Em đang ở trường A Túc
Hay đã về quê mẹ Vĩnh Trung
Chiều mùa hè nắng vẫn rực hoàng hôn
Ngọn gió Lào thổi nghiêng bờ vai mỏng
Thuý ơi em ở đâu?
Không về đánh số báo danh
Ký tên mình vào ô giám thị
Nhắc thí sinh ngồi vào vị trí
Phát đề thi và lặng lẽ mỉm cười…
Thuý ơi, em ở đâu
Buổi thi bắt đầu rồi
Có lẽ nào em đã mãi xa xôi
Để trống một chỗ ngồi giám thị
Bài thi chưa kịp ký
Nụ cười chưa kịp trao
Anh gọi tên em trong ngun ngút gió Lào
Thuý ơi, em ở đâu
Hãy về trường Lê Lợi
Hội đồng thi đang đợi
Phượng sân trường theo gió vấn vương rơi
Quang Thành
Theo vietnamnet
Đề thi ngữ văn: Trò thích, thầy chê
Nhiều giáo viên bất ngờ vì đề thi ngữ văn năm nay quá an toàn.
Kết thúc ngày thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, rất nhiều thí sinh đã tạm thời thở phào sau hai môn quan trọng nhất là ngữ văn và toán.
Trong đó, ngữ văn là môn thi tự luận duy nhất trong năm bài thi và cũng là môn thi thu hút sự quan tâm lớn nhất từ dư luận. Thế nhưng đề thi năm nay khiến nhiều giáo viên bất ngờ vì quá quen thuộc và thiếu tính sáng tạo.
Không dễ có điểm cao
Sau 120 phút làm bài, hầu hết thí sinh ra về đều trong tâm trạng vui vẻ và nhẹ nhõm. Phần lớn các em đều cho rằng đề thi năm nay vừa sức và không bất ngờ vì đều là những nội dung các em đã học, ôn kỹ càng.
Em Trí Thắng (Trường THPT Trần Văn Giàu, TP.HCM) cho hay em làm bài khá tốt vì đề khá dễ và nằm trong chương trình ôn tập của em. "Đề thi năm nay không phức tạp, dù không trong dự đoán nhưng những bạn học trung bình cũng có thể làm tốt được. Đề cũng không mới so với năm trước, em thích nhất ở phần đọc hiểu và làm văn khi nói về ý chí và khát vọng của con người trong cuộc sống vì em được thể hiện suy nghĩ của mình" - Thắng tự tin nói.
Em Phan Ngọc Thùy Linh (Trường THPT Yên Hòa) chia sẻ em thấy đề văn khá dễ, câu trong đề cũng khá hay khi nói về ý chí của con người trong cuộc sống và khát vọng của con người, em thoải mái bày, tỏ suy nghĩ hơn.
Nhận xét đề văn năm nay, cô Nguyễn Thị Mộng Tuyền, giáo viên dạy ngữ văn Trường THPT Quang Trung, TP.HCM, cho rằng đề vừa sức, an toàn và không hề đánh đố thí sinh.
Theo cô Tuyền, những nội dung đáng chú ý nhất của đề về "hành trình theo đuổi khát vọng" hoặc "sức mạnh của ý chí" ở phần đọc hiểu và làm văn thật sự không mới. Các em vẫn thường xuyên gặp trong những đề văn từ THCS đến THPT.
Theo cô Tuyền, học sinh khá giỏi môn văn, thích quan sát, suy nghĩ và nhìn nhận sâu sắc về cuộc sống sẽ có cơ hội nói lên ý kiến của mình một cách truyền cảm hứng nhất.
Tương tự, cô Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm HN) cho rằng đề thi chưa đảm bảo đủ tiêu chí phân loại, đánh giá thí sinh, cũng như chưa đủ mở để thí sinh được thể hiện quan điểm, cá tính của mình. Đề đảm bảo được chuẩn kiến thức và kỹ năng, chạm đến những vấn đề mang tính thời sự và có thể phát huy được những trải nghiệm của học sinh THPT.
Cô Huỳnh Như mặc áo mưa đợi con gái Huỳnh Trâm bên ngoài trường và vui mừng khi con gái khoe làm bài tốt. Ảnh: HOÀNG GIANG
Đề thi có cấu trúc quen thuộc
Thẳng thắn hơn, ThS Hồ Tấn Nguyên Minh, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên), bày tỏ: "Tôi khá thất vọng với đề thi năm nay. Nhìn chung đề thi được ra với cấu trúc quen thuộc, bám sát chương trình 12. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cũ kỹ, cách hỏi chưa có sự sáng tạo".
ThS Minh dẫn giải ở phần đọc hiểu cho bài thơ Trước biển của Vũ Quần Phương. Sự phân hóa ở các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng được thể hiện khá rõ trong bốn câu hỏi. Tuy nhiên, đây là một văn bản thơ - không dễ hiểu đối với học sinh, lại là một văn bản hoàn toàn lạ với các em nên để hiểu và trả lời được những câu hỏi này không phải là chuyện dễ dàng. Hơn nữa, với văn bản này sẽ rất dễ dẫn đến chuyện trả lời một cách vô tội vạ, gây khó khăn cho việc chấm thi.
ThS Minh tiếp, vấn đề nói về sức mạnh của ý chí con người trong cuộc sống ở phần nghị luận xã hội cũng đã quá quen thuộc nên thí sinh sẽ không khó để làm.
Tương tự, cô Lưu Mai Tâm, giáo viên Trường THPT Trịnh Hoài Đức, Bình Dương, cũng cho rằng đề văn an toàn.
Theo cô Tâm, đề năm nay tập trung ở lớp 12, ngữ liệu đọc hiểu gần giống với đề minh họa của Bộ GD&ĐT năm 2017. Đặc biệt, phần nghị luận xã hội năm nay theo dạng đề truyền thống, tập trung bàn về sức mạnh ý chí của con người. Dạng đề này thí sinh sẽ dễ viết, dễ làm nhưng nó khó thể hiện được tư duy của học sinh trong những vấn đề thời sự.
"Đề thi không tạo nên hiệu ứng xã hội mạnh mẽ nhưng vẫn có "đất" cho thí sinh giỏi văn thể hiện. Cụ thể là câu 3, 4 phần đọc hiểu khi để thí sinh bày tỏ quan điểm về khát vọng sống, hay với câu nghị luận văn học có phần phân hóa cao khi yêu cầu thí sinh nhận xét về cách nhìn mang tính phát hiện của Hoàng Phủ Ngọc Tường vì cái "chất" ký của ông rất khó để viết lên" - cô Tâm chia sẻ.
Đề toán có sự phân hóa tốt
Đề thi toán năm nay vẫn gồm 50 câu, tập trung vào kiến thức lớp 12, chỉ có ba câu ở kiến thức lớp 10 và 11. Trong ba câu có hai câu thuộc dạng nhận biết. Đề thi có 45 câu có nội dung rất sát với đề tham khảo. Đặc biệt trong đề có 30 câu cơ bản. Trong 30 câu đó có 17 câu rất dễ và 13 câu còn lại thuộc dạng thông hiểu. 30 câu cơ bản gần giống với đề tham khảo, chỉ sửa một vài con số, ý nhỏ.
Theo thầy Ngô Thiện, giáo viên toán Trường THPT Trần Nhân Tông, những câu vận dụng từ mức độ thấp đến cao là từ câu 30 đến câu 45. Những câu này Bộ GD&ĐT đã triển khai các dạng tương tự trong đề tham khảo. Vì thế, học sinh nào luyện kỹ sẽ thấy dạng toán này rất quen thuộc. Trong đề chỉ có bốn câu có ý mới. Tuy nhiên, những ý mới này vẫn nằm trong kiến thức lớp 12 nhưng không có trong đề tham khảo. Trong bốn câu này có một câu thật sự khó nhưng vẫn không khó bằng đề thi năm 2018. "So với năm 2017, đề toán năm nay dễ hơn một chút nhưng so với năm 2018 thì đề dễ hơn nhiều. Đề thi năm nay mức độ phân hóa rất tốt, phân hóa theo mức độ từ từ chứ không đột ngột như năm 2018" - thầy Thiện nói.
Đình chỉ thí sinh dùng điện thoại chụp đề thi văn đăng lên mạng
Kết thúc ngày thi thứ nhất kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, cả nước có 34 thí sinh vi phạm quy chế thi, trong đó khiển trách một, cảnh cáo ba, đình chỉ 30 thí sinh.
Đặc biệt, Ban chỉ đạo thi cũng đình chỉ công tác coi thi đối với hai cán bộ vì liên quan đến vụ một thí sinh tự do ở tỉnh Phú Thọ mang điện thoại vào phòng thi nhưng hai giám thị này không phát hiện được. Khi thời gian làm bài chưa kết thúc, em này đã chụp đề thi văn và đưa lên mạng xã hội.
Bộ GD&ĐT cũng đã yêu cầu công an điều tra làm rõ xem có động cơ nào đằng sau việc phát tán đề thi từ phòng thi qua mạng xã hội của thí sinh này.
P.ANH - H.PHƯỢNG - N.QUYÊN
Theo PLO
Phổ điểm môn văn được dự đoán trong khoảng 6-7 điểm Cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên môn ngữ văn, Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) sau khi phân tích đề thi môn ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, đã cho rằng phổ điểm môn này sẽ khoảng 6-7 điểm. Cô Nguyễn Kim Anh (giữa) cho rằng học trò chăm chỉ sẽ không khó đạt điểm...