‘Resort’ Pháp dành cho người tâm thần
Nhìn từ ngoài, thành phố Evrard – trường của những người tâm thần – đẹp không khác nào khu nghỉ dưỡng.
Cách Paris khoảng 20 km, Evrard được coi là trung tâm lớn nghiên cứu và điều trị tâm thần do nhà nước quản lý, nơi đón tất cả bệnh nhân của khu vực Seine-Saint Denis với dân số 1,2 triệu người.
Tại đây, cũng có tòa thị chính để lo giải quyết công việc hành chính của thành phố. Evrard có người gác, có tên đường, khu thể thao, thư viện như các thành phố khác.
Cổng vào cơ sở Evrard có tấm biển đề: Cơ sở y tế công thuộc thành phố Evrard.
Buổi giới thiệu về văn hóa Việt Nam tại trường cùng với sinh viên và phụ trách.
Với phương châm “Một nụ cười bằng mười thang thuốc”, nhân viên làm việc ở đây rất vui vẻ, nụ cười thường trực trên môi. Bệnh nhân có bạn bè để giao lưu, họ được tự do đi lại trong thành phố đặc biệt này.
Một số bệnh nhân nhẹ có thể về với gia đình vào buổi tối để cảm nhận hơi ấm tình cảm ruột thịt. Trong khu vực có thư viện rộng lớn, nơi đây còn tổ chức triển lãm tranh vẽ của các bệnh nhân.
Những họa sĩ, nhạc sĩ thất tình vào bệnh viện điều trị, sau đó tham gia dạy vẽ, dạy nhạc cho bệnh nhân khác.
Video đang HOT
Ban đầu, Evrard chỉ là nơi để cách ly các bệnh nhân tâm thần. Năm đầu tiên có 716 người. Trước đây, bệnh nhân tâm thần thường bị gia đình bắt sống biệt lập, nhốt lại, ngại cho giao tiếp với người khác.
Nhờ thành phố nhân đạo này, họ có cuộc sống sinh hoạt gần như người bình thường. Mọi bệnh nhân đều được hưởng chế độ điều trị như nhau. Trước kia, người chăm sóc bệnh nhân thường là con chiên thuộc dòng Thánh Joseph de Bourg.
Năm 1885, chính sách phi tôn giáo trong hệ thống giáo dục cho phép mở Viện Đào tạo y tá điều dưỡng. Trường hàng năm chỉ tuyển khoảng 70 sinh viên chương trình đào tạo kéo dài 3 năm, nên trường có khoảng 210 sinh viên học y tá mỗi năm.
Trường cũng đào tạo hệ sau đại học, chuyên ngành, nên số sinh viên này ra trường hằng năm lên tới 60. Sinh viên ngoài thi chuyên môn còn phải qua kỳ thi sát hạnh về tâm lý và lý do chọn nghề này.
Do tiếp xúc với bệnh nhân tâm thần, người y tá điều dưỡng phải có lòng nhân đạo, tính kiên nhẫn và lòng vị tha. Trường liên kết với Đại học Tổng hợp Paris 13 để đào tạo chính quy và hệ thống quy củ theo quy chế đại học và hưởng mọi chế độ Nhà nước.
Chỉ chuyên chăm sóc bệnh nhân tâm thần nên y tá không chỉ cùng bác sĩ chữa bệnh, tiêm thuốc mà còn là chuyên gia tâm lý giúp họ bớt đi căn bệnh đôi khi chỉ là bệnh ảo.
Nhiều bệnh nhân bị gia đình bỏ rơi trong khu này do tính lẩm cẩm hay gây bạo động, vì vậy, y tá phải như người thân trong gia đình. Do đó, ngoài học về nghề nghiệp y tá, sinh viên còn được trang bị kiến thức tâm lý và cách đối xử với bệnh nhân một cách nhân đạo.
Các y tá được học thêm về một số đặc thù ngôn ngữ, văn hóa các nước để ứng xử phù hợp với từng bệnh nhân. Nhà trường mời các chuyên gia, nhà văn hóa đến giới thiệu văn hóa các nước như Việt Nam, Nhật Bản… cho sinh viên.
Trường không đông, sinh viên ra trường đều có việc làm vì trường không chỉ đào tạo cho riêng thành phố bệnh tâm thần mà cho toàn khu vực Paris và vùng ngoại ô.
Họ có thể làm việc trong các bệnh viện khác, vì các bệnh viện đều có khoa tâm thần. Chỉ bệnh nhân điều trị lâu dài mới chuyển về thành phố đặc biệt này.
Hiệu trưởng Dominique Đỗ Chi là phụ nữ gốc Việt năng động, nhiệt tình đối với sinh viên. Bà tâm sự: “Nếu về hưu, tôi mong sẽ có dịp về Việt Nam để giúp quê hương”.
Sinh ra ở Pháp, mỗi lần về Việt Nam, bà đều xúc động, thương đồng bào và quê nhà từng chịu đựng nhiều hậu quả chiến tranh. Bà mong góp phần kinh nghiệm, kiến thức của mình trong việc quản lý một trường học mang tính nhân văn cao; bệnh nhân tâm thần không phải lang thang hay bị hắt hủi, xích ở trong nhà.
Theo Trần Thu Dung / Tiền Phong
Cần giám định lại kẻ chủ mưu truyền HIV con tình địch
TAND TP Vũng Tàu đang nghiên cứu về thẩm quyền xét xử, nếu cần thì sẽ xin ý kiến của tòa cấp trên.
Hiện trường phía cổng trường mầm non ở phường 8, TP Vũng Tàu, nơi cháu H. bị chích kim tiêm có máu của người bị nhiễm HIV. Ảnh: Song Nguyễn
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, Đào Thị Thu Thảo (giám đốc chi nhánh một công ty) đã thuê người cố ý truyền HIV cho cháu bé con của tình địch nhưng được đình chỉ điều tra nhờ có giấy chứng nhận bị bệnh tâm thần. Thảo là chủ mưu nhưng thoát tội, vụ án chỉ còn hai người mà Thảo thuê bị VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu truy tố về tội cố ý truyền HIV cho người khác theo khoản 2 Điều 149 BLHS 2015.
Chiều 5-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Sơn (Chánh án TAND TP Vũng Tàu) cho biết: Ngày 16-11, TAND TP Vũng Tàu đã tiếp nhận hồ sơ vụ án do VKSND tỉnh chuyển và ủy quyền cho VKSND TP Vũng Tàu thực hành quyền công tố. Hiện lãnh đạo tòa đã phân công thẩm phán nghiên cứu vụ án nhưng do còn một số vấn đề cần xem xét kỹ nên chưa xếp lịch xét xử.
Chưa rõ tòa nào xử
Theo ông Sơn, TAND TP Vũng Tàu đang nghiên cứu về mặt thẩm quyền xét xử vụ án này thuộc về TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hay TAND TP Vũng Tàu, nếu cần thì TAND TP Vũng Tàu sẽ xin ý kiến của tòa cấp trên.
Ông Sơn cho biết tại thời điểm khởi tố (tháng 4-2016), các bị can bị khởi tố về tội cố ý truyền HIV cho người khác theo khoản 2 Điều 118 BLHS hiện hành với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân nên thuộc thẩm quyền xét xử của tòa cấp tỉnh. Nhưng tới giai đoạn truy tố là thời điểm chuyển giao giữa BLHS hiện hành và BLHS 2015. Trong BLHS 2015, trường hợp phạm tội của các bị can được quy định tại khoản 2 Điều 149. Theo điều khoản này thì khung hình phạt cao nhất chỉ là 15 năm tù nên VKSND tỉnh áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội theo luật mới và cho rằng với khung hình phạt này thì thẩm quyền xét xử là của tòa cấp huyện. "Tuy nhiên, nếu xét tổng thể quy định của điều luật thì mức án của tội cố ý truyền HIV cho người khác ở luật mới không nhẹ hơn luật cũ" - ông Sơn nói.
Nếu có nghi ngờ, sẽ xem xét về giám định
Một vấn đề khác, cho tới trước khi bị bắt, Thảo vẫn làm việc bình thường, lãnh đạo, quản lý chi nhánh của công ty chủ quản, tham gia nhiều hoạt động của công ty chủ quản. Việc Thảo thuê người theo dõi gia đình tình địch, nhiều lần lên kế hoạch hại cháu bé con của tình địch diễn ra trong một thời gian dài (từ đầu năm 2014 cho đến tháng 6-2015). Vì thế, việc Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa (thuộc Bộ Y tế) có kết luận giám định "trước, trong và sau khi gây án đương sự bị bệnh trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần... Tại thời điểm gây án và hiện nay đương sự không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi" đang gây nhiều nghi ngờ.
Chưa kể, bệnh nặng đến mức "không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi" nhưng chỉ sau gần hai tháng chữa trị tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, Thảo đã được kết luận tình trạng bệnh ổn định, không cần thiết điều trị bắt buộc nữa. Một ngày sau, VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có quyết định đình chỉ áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh với Thảo. Từ đó đến nay Thảo quay lại làm giám đốc chi nhánh, có lần còn đại diện công ty chủ quản tham gia hội nghị... Từ đó đã có những ý kiến cho rằng TAND TP Vũng Tàu cần phải trưng cầu giám định lại về tình trạng tâm thần của người chủ mưu này.
Về vấn đề này, ông Sơn cho biết: Về nguyên tắc, nếu trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, tòa thấy kết luận giám định có sự nghi ngờ, mâu thuẫn hoặc người bị hại có yêu cầu, tòa sẽ ra quyết định trả hồ sơ để yêu cầu làm rõ, giám định lại hoặc giám định bổ sung. Nếu giám định lại thì hội đồng giám định cũ sẽ không được trưng cầu nữa mà phải là một hội đồng giám định khác.
Trong một diễn tiến khác, để xác định Thảo có thật sự bị bệnh như kết luận giám định thể hiện và có chữa bệnh hay không, từ ngày 2-12, PVPháp Luật TP.HCM đã đến Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa tìm hiểu thông tin. Ông Nguyễn Văn Đức (Trưởng phòng Hành chính - Quản trị) hướng dẫn PV viết yêu cầu, sau đó lãnh đạo viện sẽ trả lời bằng văn bản cho báo. Chiều 5-12, ông Đức cho biết giữa tuần này Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa sẽ có văn bản hồi đáp.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.
Tòa tỉnh xử sơ thẩm mới đúng luật Việc VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chuyển hồ sơ vụ án đến TAND TP Vũng Tàu để xét xử sơ thẩm, theo tôi là hiểu sai luật. Đúng là khoản 2 Điều 118 BLHS hiện hành có khung hình phạt đến tù chung thân, còn khoản 2 Điều 149 BLHS 2015 có khung hình phạt đến 15 năm tù nhưng không vì thế mà cho rằng tội cố ý truyền HIV cho người khác trong BLHS 2015 nhẹ hơn BLHS hiện hành vì khoản 3 Điều 149 BLHS 2015 vẫn quy định hình phạt tù chung thân. Chỉ có điều trong BLHS 2015, nhà làm luật chia tội này ra thành bốn khoản thay vì ba khoản như BLHS hiện hành. BLHS không có quy định so sánh giữa hai tội để xem tội nào nặng hơn nhưng các hướng dẫn của liên ngành thì quy định rất rõ là việc so sánh giữa hai tội không căn cứ vào khoản mà phải căn cứ vào mức hình phạt cao nhất. VKS truy tố khoản nào là quyền của VKS nhưng tòa có thể xét xử bị cáo về khoản có khung hình phạt cao hơn, thậm chí BLTTHS 2015 còn cho phép tòa xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh mà VKS truy tố. Bây giờ VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu truy tố bị cáo khoản 2 nhưng TAND TP Vũng Tàu thấy phải áp dụng khoản 3 Điều 149 BLHS 2015 thì sao? Chẳng lẽ lúc đó phải hoãn phiên tòa để chuyển vụ án lên TAND tỉnh cho đúng thẩm quyền? Về kết luận giám định đối với Thảo cũng cần phải xem xét lại. Một người bị tâm thần như kết luận giám định chỉ có thể là người thực hành chứ khó có thể là người chủ mưu, tổ chức. Đã bị tâm thần mà còn biết thuê người khác theo dõi gia đình tình địch, nhiều lần lên kế hoạch hại con của tình địch trong một thời gian dài, trong thời gian đó vẫn công tác, làm việc bình thường thì thực tiễn chưa xảy ra bao giờ. Vì vậy, tôi cho rằng TAND TP Vũng Tàu nên trả hồ sơ vụ án cho VKSND tỉnh để yêu cầu giám định tâm thần lại đối với Thảo và truy tố ra TAND tỉnh xét xử sơ thẩm. Ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao
Theo Pháp luật TP.HCM
Đêm gây án của kẻ sát hại 4 người ở Hà Giang Trằn trọc không ngủ được, hoang tưởng nghĩ bố đẻ muốn mình chết, Tuấn cầm dao chém bố và những người ngăn cản mình. Công an tỉnh Hà Giang xác định vụ án Phù Minh Tuấn (32 tuổi, trú xã Tân Thịnh, Quang Bình) sát hại 4 người là đặc biệt nghiêm trọng nên đang thu thập chứng cứ để khởi tố vụ...