Rèn ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh thông qua dạy học trải nghiệm
Bằng phương pháp dạy tích hợp kiến thức về môi trường thông qua dạy học trải nghiệm, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đã rèn ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh.
Ngày 11/12, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu ( quận Lê Chân, Hải Phòng) tổ chức chuyên đề chuyên môn cấp thành phố “Tích hợp kiến thức về môi trường trong môn khoa học thông qua dạy học trải nghiệm”.
Tới dự và góp ý với chuyên đề có lãnh đạo Phòng Giáo dục tiểu học – Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng; lãnh đạo quận Lê Chân, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận; lãnh đạo phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện và đông đảo hiệu trưởng, hiệu phó các trường tiểu học trên địa bàn Hải Phòng.
Các tiết mục văn nghệ đặc sắc do học sinh nhà trường biểu diễn (Ảnh: LT)
Mở đầu chuyên đề, các đại biểu được xem những tiết mục văn nghệ sôi động, đặc sắc do các em học sinh nhà trường biểu diễn.
Tiếp đó, các vị đại biểu được trực tiếp xem một tiết dạy bài “Chất dẻo” do cô giáo Đồng Thúy Phượng và các em học sinh lớp 5A1 của nhà trường thực hiện.
Trong tiết dạy này, các em học sinh được cô giáo Phượng truyền đạt các kiến thức, kỹ năng như: nguồn gốc của chất dẻo; nhận biết một số tính chất của chất dẻo.
Tiết dạy bài “Chất dẻo” do cô giáo Đồng Thúy Phượng và các em học sinh lớp 5A1 của nhà trường thực hiện tại chuyên đề (Ảnh: Lã Tiến)
Cô giáo Phượng cũng trang bị cho các em học sinh những kiến thức về công dụng, các bảo quản đồ dùng bằng chất dẻo.
Tiết dạy cuốn hút các vị đại biểu, các thầy cô giáo, bởi cô giáo Đồng Thúy Phượng đã sử dụng những kỹ năng sư phạm chuyên nghiệp, sử dụng thuần thục các phương pháp, hình thức dạy học trải nghiệm.
Qua tiết dạy, các em học sinh đã hiểu về chất dẻo, biết sử dụng các đồ dùng bằng chất dẻo để bảo đảm sức khỏe và bảo vệ môi trường.
Từ đó, giúp các em học sinh có ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng đồ dùng nhựa một lần, biết phân loại rác trong cuộc sống hàng ngày.
Cô giáo Đồng Thúy Phượng giúp các em học sinh nhận biết một số tính chất của chất dẻo (Ảnh: Lã Tiến)
Ngay sau tiết dạy sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn là phần giao lưu dành cho các em học sinh nhà trường.
Thông qua 5 câu hỏi trong trò chơi “Ô cửa bí mật”, thông điệp “Hãy chung tay bảo vệ môi trường” đã được truyền tải tới các em học sinh nhà trường.
Tiếp đó, các đại biểu được thưởng thức tiểu phẩm “Dưới hạ giới” do các “Táo” nhí của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu biểu diễn.
Video đang HOT
Khép lại chuyên đề, các em học sinh lớp 5A1 và đông đảo học sinh nhà trường đứng dạy biểu diễn điệu nhảy sôi động, cuốn hút với nhạc bài hát “Trái đất này là của chúng mình”.
Cũng tại chuyên đề, các vị đại biểu được tham quan các bàn trưng bày sản phẩm tái chế do học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đã làm trong giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo.
Các em học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu được rèn ý thức bảo vệ môi trường thông qua chuyên đề (Ảnh: Lã Tiến)
Theo cô giáo Nguyễn Thị Kim Viên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, trong giai đoạn hiện nay, định hướng quan trọng trong đổi mới phương pháp dạy học là phát huy tính tích cực, tự học và sáng tạo, năng lực giải quyết vấn để ở người học.
Ở bậc tiểu học, môn Khoa học không chỉ giúp học sinh có những hiểu biết về tự nhiên, xã hội, con người mà quan trọng nhất là giúp các em có khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong việc dạy học môn Khoa học, các nhà trường còn thiên về lý thuyết, tập trung dạy học sinh cách hiểu, cách ghi nhớ các khái niệm, chưa phát huy được tính vận dụng kiến thức khoa học vào thực tiễn.
Một số nhà trường thường chỉ tập trung vào kiến thức đặc thù của bộ môn mà chưa chú trọng trong việc tích hợp các nội dung giáo dục khác.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Viên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu phát biểu tại chuyên đề (Ảnh: Lã Tiến)
“Trước thực tế trên, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đã đề xuất Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Lê Chân thực hiện chuyên đề chuyên môn cấp thành phố “Tích hợp giáo dục môi trường trong môn Khoa học thông qua dạy học trải nghiệm”.
Chuyên đề đã nhận được sự ủng hộ, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của sở, phòng giáo dục quận từ khâu lập kế hoạch đến khâu tổ chức thực hiện”, cô giáo Viên nói.
Cô giáo Viên cho biết thêm, chuyên đề “Tích hợp giáo dục môi trường trong môn Khoa học thông qua dạy học trải nghiệm” của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu hướng tới 2 nội dung.
Nội dung thứ nhất là giáo dục môi trường với chủ đề “Giảm thiểu rác thải nhựa”.
Việc giảm thiểu rác thải nhựa là nhiệm vụ trọng tâm của năm học, được Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Lê Chân chỉ đạo các nhà trường đồng loạt triển khai, trong đó Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đã đăng ký triển khai mô hình điểm.
Chuyên đề được tổ chức thành công, nhận được sự đánh giá cao của các cơ quan chuyên môn (Ảnh: Lã Tiến)
“Để thực hiện nội dung giáo dục môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo các tổ, khối nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa và phân loại các bài học.
Qua đó, xác định loại bài đã có nội dung hoặc có khả năng đưa nội dung giáo dục môi trường vào, xác định mức độ tích hợp đến đâu;
Từ đó xây dựng chương trình cụ thể về nội dung tích hợp kiến thức môi trường trong các môn học từ khối 1 đến khối 5″, cô giáo Viên chia sẻ.
Cụ thể như ở lớp 5, tiết dạy bài “Chất dẻo” minh họa chuyên đề thuộc dạng bài tích hợp 1 phần về nội dung giáo dục môi trường.
Bên cạnh đó, nhà trường còn lồng ghép kiến thức bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động đoàn đội như: tuyên truyền, phát thanh măng non, các giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo…
Các vị đại biểu tham quan bàn trưng bày những sản phẩm tái chế do học sinh nhà trường tự tay làm (Ảnh: Lã Tiến)
Nội dung thứ hai được thể hiện trong chuyên đề của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đó là việc sử dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp, hình thức dạy học trải nghiệm.
Các phương pháp được sử dụng trong tiết dạy minh họa bài “Chất dẻo” gồm: phương pháp Bàn tay nặn bột; phương pháp trực quan, phương pháp thí nghiệm; phương pháp dạy học theo dự án.
Ngoài ra, cô giáo Đồng Thúy Phượng thực hiện chuyên đề cũng hướng đến sự phối hợp linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học, đánh giá theo hướng đổi mới, phù hợp với mục tiêu phát huy năng lực học sinh, nhằm nâng cao chất lượng dạy học.
Chuyên đề chuyên môn cấp thành phố “Tích hợp kiến thức về môi trường trong môn khoa học thông qua dạy học trải nghiệm” của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu khép lại đã nhận được những tràng pháo tay vang dội của các vị đại biểu và lãnh đạo, giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn Hải Phòng.
Đa số các ý kiến cho rằng, chuyên đề của nhà trường được thực hiện bài bản, công phu, sáng tạo, giúp các em học sinh có dịp được trải nghiệm sáng tạo, tự tin chiếm lĩnh kiến thức trong cuộc sống.
Trường Tiểu học Võ Thị Sáu thực hiện thành công chuyên đề điểm cấp thành phố, qua đó rèn cho học sinh ý thức bảo vệ môi trường (Ảnh: Lã Tiến)
Chuyên đề của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu cũng đã giải quyết được những vấn đề mà các nhà trường trên địa bàn thành phố đang mong muốn trong việc dạy học tích hợp.
Thông qua chuyên đề, các phòng giáo dục, trường tiểu học đã nắm được và hiểu được thế nào là dạy học tích hợp.
Phát biểu tại chuyên đề, bà Trần Thu Hằng, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng) đã chúc mừng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu tổ chức thành công chuyên đề.
“Chuyên đề thành công từ việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đến nội dung.
Với chủ đề giảm thiểu rác thải nhựa, chuyên đề của nhà trường rất thiết thực, xoay quanh vấn đề mang tính thời sự đang được dư luận quan tâm”, bà Hằng nhấn mạnh.
Theo bà Hằng, chuyên đề được thực hiện đã tích hợp kiến thức khoa học trong môn Khoa học thông qua dạy học trải nghiệm với nhiều nội dung như: âm nhạc, mỹ thuật, STEM,…
Qua đó, học sinh dễ chiếm lĩnh kiến thức, ghi nhớ lâu bài học và tự tin, sáng tạo thể hiện khả năng của bản thân.
LÃ TIẾN
Theo giaoduc.net
Dạy học trải nghiệm kết hợp liên môn: Trang bị khả năng tư duy độc lập
Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới sắp tới đưa nội dung dạy học trải nghiệm vào dạy ở các khối lớp. Phương pháp dạy học trải nghiệm kết hợp dạy học liên môn sẽ trang bị cho HS khả năng tư duy độc lập để các em chủ động tìm lời giải cho các vấn đề trong các môn học đồng thời biết vận dụng các kiến thức này vào thực tế cuộc sống.
HS tham gia làm thí nghiệm.
Bắt đầu từ kiến thức thực tế
Trong dạy học trải nghiệm, người học sẽ được tham gia tích cực vào việc đặt câu hỏi, tìm tòi, trải nghiệm, giải quyết vấn đề để từ đó lĩnh hội, khắc sâu kiến thức. Bởi vậy, để các em HS cọ xát, nắm được vấn đề, các bài giảng của giáo viên thường được bắt đầu từ thực tế.
Cô giáo Ngô Mỹ Châu, Nhóm trưởng Nhóm Vật lý Trường THCS Chu Văn An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ cho biết: Hướng tới vấn đề đổi mới phương pháp dạy học theo CTGDPT mới, việc dạy học theo hướng nghiên cứu bài học được thống nhất chung trong tổ bộ môn của nhà trường. Trên cơ sở nghiên cứu các hoạt động trải nghiệm, những thí nghiệm nào cần thiết trong bài giảng, giáo viên sẽ đưa ra các nội dung để thiết kế bài dạy phù hợp với hoạt động của HS. Các tiết học áp dụng tối đa việc dạy học thông qua hình thức trải nghiệm, nhằm giúp các em có cơ hội tiếp cận kiến thức bắt đầu từ thực tế. Thông thường giáo viên sẽ chuẩn bị các dụng cụ thí nghiệm, các phiếu học tập để học sinh chuẩn bị cho bài học sắp tới.
Tiết học bắt đầu bằng hoạt động khởi động với các câu hỏi nhằm hướng học sinh vào bài học. Với những tiết học có thể sử dụng thí nghiệm, các GV yêu cầu học sinh thực hiện thí nghiệm theo hướng dẫn, sau đó mới đặt vấn đề vào bài học liên quan.
"Việc học sinh được trải nghiệm qua quá trình quan sát thực tế cùng với số liệu khi làm thí nghiệm sẽ giúp học sinh khắc sâu kiến thức. Bài giảng nhờ đó hấp dẫn vì thu hút được học sinh. Tuy nhiên, khó khăn trong dạy học bằng phương pháp trải nghiệm là hạn chế về thời gian, nên việc gợi ý HS quan sát, tìm hiểu thực tế khi ở nhà là hết sức cần thiết. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cũng cần linh hoạt thiết kế các thí nghiệm cho phù hợp với điều kiện của lớp học", cô Mỹ Châu chia sẻ.
Kết hợp dạy học liên môn
Theo cô giáo Ngô Mỹ Châu, việc giảng dạy trong thực tế nhiều năm qua cho thấy: Tích hợp kiến thức giữa các môn học vào giải quyết một vấn đề nào đó trong một môn học là việc làm cần thiết. Điều đó đòi hỏi giáo viên khi giảng dạy không chỉ nắm bắt nhuần nhuyễn kiến thức bộ môn mình giảng dạy mà còn phải học hỏi, trau dồi kiến thức của những bộ môn học khác, để giúp HS giải quyết các tình huống, vấn đề đặt ra trong môn học nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Cô giáo Ngô Mỹ Châu. Ảnh: TG
Trên thực tế giảng dạy, cô giáo Nguyễn Thị Bạch Yến, Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên - Công nghệ, Trường THCS Trà An, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ cho rằng: "Trong bộ môn Hóa học của mình, tôi luôn cố gắng tìm mối liên hệ giữa các môn học nhằm giúp học sinh có cái nhìn toàn diện hơn. Dạy học liên môn giúp học sinh tăng khả năng tìm tòi, khám phá.
Tôi cũng cho các em tìm hiểu kiến thức ở các bộ môn khác; chẳng hạn như: Ở môn Sinh học, học sinh biết được quá trình quang hợp của cây xanh trong bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Ở môn Công nghệ là cách thu hoạch và bảo vệ nông sản, vệ sinh chuồng nuôi trong chăn nuôi. Ở môn Giáo dục công dân là ý thức bảo vệ môi trường và xử lý tình huống gặp phải liên quan đến bảo vệ môi trường.
Cô giáo Hoàng Thị Hồng Phương - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trà An luôn đánh giá cao vấn đề dạy học liên môn. Bởi các môn học sẽ hỗ trợ rất tốt trong quá trình hình thành nội dung kiến thức và các kỹ năng cho người học. Học sinh sẽ có cái nhìn toàn diện hơn.
Cô Phương cho biết: Để đáp ứng CTGDPT mới, với việc dạy học theo hướng liên môn, BGH nhà trường bên cạnh việc bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên đã chia tách lại các tổ bộ môn cho phù hợp. Tiêu chí chia tách dựa trên các đặc điểm: Mối liên hệ tương quan giữa các môn học để làm sao các môn học này có sự gắn kết cùng tác động tích cực lẫn nhau với mục tiêu nâng cao năng lực và phát triển toàn diện cho học sinh. Theo đó, các tổ được cơ cấu bao gồm Tổ KHTN (gồm Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ), Tổ KHXH (gồm Sử, Địa,) Tổ Hoạt động giáo dục (gồm Âm nhạc, Thể dục, Mỹ thuật), Tổ Văn -GDCD, Tổ Toán - Tin.
Trong quá trình giảng dạy, việc tích hợp kiến thức liên môn vào một môn học nào đó là việc làm cần thiết, có hiệu quả rõ rệt đối với học sinh. Khi tích hợp kiến thức liên môn giúp các em không chỉ giỏi một môn mà còn biết kết hợp kiến thức các môn học lại với nhau để có cái nhìn thấu đáo hơn, trở thành một con người phát triển toàn diện. Đồng thời, việc thực hiện những sản phẩm này sẽ giúp giáo viên không ngừng trau dồi kiến thức của các môn học khác để dạy bộ môn mình tốt hơn, đạt hiệu quả cao hơn. - Cô Ngô Mỹ Châu, GV bộ môn Vật lý - Trường THCS Chu Văn An, TP Cần Thơ
Minh Châu
Theo giaoducthoidai
Dạy học trải nghiệm tích hợp liên môn với "Cuộc đua kỳ thú" "Ngoài phương pháp học truyền thống, còn hướng đi nào để trang bị kiến thức cho học trò? Làm thế nào để học sinh vừa tiếp thu kiến thức vừa rèn luyện kĩ năng?" Đó là những trăn trở suốt những năm qua của các thầy cô giáo trong Tổ Xã hội Trường Trung học phổ thông Ban Mai (quận Hà Đông, Hà...