Rập khuôn là… giỏi!
Nhiều phụ huynh cho rằng không có gì đáng ngạc nhiên với văn mẫu vì nếu học sinh làm khác đi sẽ bị điểm kém.
Ngay từ bậc tiểu học đến THPT, HS đã phải làm quen với các kiểu văn mẫu – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Học tập theo…
Bài tập làm văn hiện nay của học sinh (HS) thường phải theo chuẩn mực chung. Tả cô giáo thì tóc phải đen nhánh, mũi dọc dừa, da trắng mịn; ông bà tóc phải bạc phơ; mẹ phải hiền, dịu dàng; cây bóng mát phải có câu đại loại “tán lá xòe ra như một chiếc ô lớn”. Tả cánh đồng thì “xanh ngun ngút, bạt ngàn lúa”, hay “lúa đang trổ đòng đòng” mà khi ra ngoài đời bao nhiêu HS thành phố không hề biết “đòng đòng” là gì nhưng vẫn tả.
Chính vì khuôn mẫu này nên có những câu chuyện cười ra nước mắt.
Một phụ huynh có con học lớp 2 ở Hà Nội bức xúc: “Cô giáo cho đề bài, hãy tả ông hoặc bà em. Con nhà mình chọn tả ông nội và tả rất thật, rất trong sáng rằng người ông béo, lùn, da ông ngăm đen, đầu ông bị hói vì tóc đã rụng nhiều quá”. Chị cho biết mình hài lòng về những câu văn tả thực ấy của con, vui khi con biết cách đặt câu như: “Tuy ông em béo nhưng đi lại rất nhanh nhẹn”. Thế nhưng thật không ngờ cháu được 5 điểm với lời phê lạnh lùng của cô rằng tả về ông ngây ngô quá. Cháu phụng phịu cho biết cô giáo bảo tả ông phải râu tóc bạc phơ, ánh mắt hiền từ, giọng nói trầm ấm, dáng đi đã chậm chạp thì mới… hay. “Tôi không biết phải nói với cô thế nào vì người ông trong bài văn điểm kém và “ngây ngô” ấy mới chính là người ông thực sự và hết mực thân yêu của cháu. Tôi không muốn con tôi tả về ông mình như một ông già xa lạ nào đó. Lẽ nào gần 60 HS trong lớp cũng đều có người ông, người bà giống hệt nhau như vậy?”, vị phụ huynh này trăn trở. Phụ huynh khác thì than thở: “Cô cứ nhất nhất bắt con tôi khi tả về người thân phải kể tên, tuổi, nghề nghiệp y như khai lý lịch. Khi cháu bảo em thấy bác em ở nhà nên không biết bác làm nghề gì thì cô bảo “vẫn phải nghĩ ra một nghề nào đó cho bác”. Vậy là cháu lại phải bịa là bác em làm nghề bác sĩ”.
Tả con vật thì có khuôn mẫu là phải so sánh đầu, tai, mũi, đuôi nó giống cái gì, to bằng gì. Dẫn đến tình huống nực cười như sau: Một ông bố có con học lớp 3 phải kêu trời lên khi con tả con lợn: “Đầu con lợn to bằng đầu bố em, tai con lợn to bằng tai bố em, mũi con lợn bẹp gí như mũi bố em, đuôi con lợn giống em vì bố em bảo em là cái đuôi của bố em”.
Bài văn đúng chuẩn mẫu đến cuối mỗi bài phải nói lên cảm nghĩ của mình theo kiểu “xin hứa sẽ chăm ngoan, học giỏi để vui lòng”. Điều này đã ăn sâu vào học trò đến nỗi có trường hợp sau khi tả xong con bò, một HS lớp 4 đã kết luận: “Em xin hứa sẽ học tập theo… con bò để ngày càng học giỏi và chăm ngoan hơn”.
Cứ rập theo khuôn
Phần lớn giáo viên tiểu học sợ HS lan man và tả thực quá nên khi hướng dẫn làm tập làm văn, cô thường yêu cầu phải trả lời được đủ các câu hỏi mới đủ ý. Chẳng hạn khi tả cây, HS sẽ trả lời hàng loạt câu hỏi như: Cây có tán không? Có che mát không? Lợi ích của cây ra sao với con người? Một phụ huynh kể con gái chị chọn cây hoa đại, làm theo dàn ý của cô nên có những đoạn như sau: “Cây không có tán, rất ít lá nên không thể che mát được, lợi ích của cây đó là…”.
Tương tự với thể loại văn viết thư. Thư gửi cho người thân hay thư làm quen cũng chả khác nhau là mấy. Để chuẩn bị kết thúc bức thư thì phải có câu “Thư viết đến đây đã dài, mình xin dừng bút”. Vậy là có không ít bài văn kiểu viết thư mới có vài dòng nhưng cũng để câu: “Thư viết đến đây đã dài”.
Video đang HOT
Nhiều trường ở Hà Nội đã cẩn thận đến nỗi yêu cầu HS phải có thêm cuốn vở “chuẩn bị tập làm văn”. Ở cuốn vở này, HS làm đi làm lại một bài văn để cô sửa cho đến khi nào thật đúng ý cô thì lúc đó bài làm mới được viết vào vở tập làm văn chính thức.
Phải học thuộc lòng
Học thuộc lòng các bài văn mẫu để làm bài thi là tình trạng rất phổ biến ở các trường từ tiểu học đến trung học phổ thông hiện nay. Nhiều phụ huynh có con học tại một trường tiểu học Q.Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết gần đến kỳ thi, cô giáo cho HS khoảng 4 đến 5 đề trong chương trình. Lúc đầu các cháu tự làm, sau đó bố mẹ đọc và sửa lại rồi chuyển cho cô giáo (bắt buộc phải có chữ ký của phụ huynh chứng tỏ đã đọc sửa). Lúc này, cô giáo lần lượt đọc, sửa, rồi trả lại cho HS. Các em bắt buộc phải học thuộc lòng những bài văn này và đến các kỳ thi các em chỉ còn mỗi một việc là chép bài văn này ra. Có trường hợp phụ huynh phản ứng, không cho con học thuộc lòng thì con lại khóc lóc, vào lớp sợ cô la vì cô bắt từng bạn đứng lên trả bài xem có thuộc không.
Mọi thứ đều có khuôn nên HS cứ thế áp vào và sẽ đạt thành tích như mong muốn của giáo viên, nhà trường. Thế nên mới có chuyện lớp nào cũng đa số là HS giỏi. Chỉ có điều, cảm xúc thật của HS khi viết văn chẳng còn nữa, bảo sao HS ngày nay không yêu thích và hào hứng với môn văn?
Theo người lao động
Độc đáo "Vườn Lịch sử xứ Thanh"
Công trình "Vườn Lịch sử xứ Thanh" được xem như là một dụng cụ học Lịch Sử bằng trực quan rất sinh động và ý nghĩa của thầy trò Trường Tiểu học Minh Khai 1, phường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa.
Thầy giáo Hoàng Xuân Khánh về làm hiệu trưởng tại Trường Tiểu học Minh Khai 1 từ năm 2008. Ngày thầy mới về, ngôi trường còn bộn bề khó khăn. Vấn đề quan tâm hàng đầu của thầy là sự an toàn cho học sinh (HS), bởi trước đó, nhiều điểm quanh khu vực trường còn chưa được giải phóng xong mặt bằng, nhiều ao chuôm còn tồn tại đe dọa đến sự an toàn của các em.
Thầy Khánh giới thiệu về "Vườn Lịch sử xứ Thanh".
Năm 2010, sau khi có mặt bằng, nhà trường tiến hành xây dựng tường bao. Thấy còn khuôn viên, thầy Khánh trăn trở làm sao để cho trường học trở nên thân thiện hơn, giúp HS có hứng thú với môn học Lịch Sử, tránh lối học thuộc lòng, học làm sao để nhớ dai, nhớ lâu. Từ đó, ý tưởng xây dựng "Vườn Lịch Sử xứ Thanh" ra đời.
Mong muốn của thầy là tổ chức cho HS có một không gian thân thiện. Ngày trước khi còn công tác tại Trường Tiểu học Điện Biên, thầy Khánh thường hướng cho HS tìm hiểu về lịch sử, con người xứ Thanh. Nghĩ là làm, thầy bắt tay vào xây dựng "Vườn Lịch sử xứ Thanh" ngay tại ngôi trường Tiểu học Minh Khai 1.
Thầy Khánh chia sẻ: "Mỗi vùng đất, mỗi địa phương đều gắn liền với những sự kiện lịch sử và có những nhân vật lịch sử kiệt xuất. Làm sao để thế hệ trẻ học và am hiểu lịch sử địa phương, từ đó có thể hiểu lịch sử nước nhà. Qua đó, khơi dậy tinh thần yêu nước và lòng tự hào về truyền thống lịch sử của dân tộc. Bởi vậy, những "dụng cụ" học tập đơn giản, thân thiện như thế này là điều bổ ích giúp HS có hứng thú tìm hiểu môn Lịch sử hơn".
Mới đầu khi còn là ý tưởng, thầy Khánh có ý định tổ chức làm vườn Sử - Địa, nhằm giới thiệu về mảnh đất xứ Thanh với động Từ Thức, Sầm Sơn, suối Cá thần... Ngoài ra, Thanh Hóa vốn nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu, tuy nhiên, nếu ôm đồm, đưa vào thì nhều quá.
Thành nhà Hồ - Di sản văn hóa thế giới được giới thiệu trong "Vườn Lịch sử xứ Thanh".
Rồi thầy bắt tay vào làm, ban đầu là việc chọn lọc những sự kiện gắn liền với những mốc lịch sử nổi tiếng có liên quan đến Thanh Hóa. Đầu tiên phải kể đến là nền văn hóa Đông Sơn, trống đồng Đông Sơn... "Nó không xa xôi mà ngay cạnh nội đô Thanh Hóa, nhưng có thể nhiều người dân xứ Thanh còn chưa biết. Hay như nếu nói đến khu du lịch Kim Quy nhiều người không thiết đến, nếu đặt nó là Làng cổ di tích Kim Quy thì tốt hơn. Nhiều người cứ nghĩ văn hóa Đông Sơn là lấy tên huyện Đông Sơn, nhưng thực tế là làng cổ Đông Sơn", thầy Khánh trăn trở:
Lịch sử chính thống Thanh Hóa là nơi phát tích của hai triều đại trị vì lâu nhất là nhà Hậu Lê và nhà Nguyễn. Ngoài ra, còn có nữ nhân vật lịch sử nổi tiếng là Bà Triệu; những di tích nổi tiếng như Thành Nhà Hồ, chiến khu Ba Đình ở Nga Sơn, cầu Hàm Rồng.
Sự kiện, nhân vật lịch sử đã có, để thể hiện nó ra cho mọi người xem và tìm hiểu, thầy Khánh lại bắt tay vào việc nghiên cứu và tìm những phiến đá về tạo hình. Đá phải được lấy từ các vùng gắn liền với các sự kiện, các nhân vật lịch sử tiêu biểu. Để có đá làm Vườn Lịch sử, thầy Khánh đã bỏ hàng tháng trời đi nghiên cứu, tìm hiểu ở nhiều địa phương khác nhau.
"Có những tư liệu mình rất tâm đắc. Mới đầu tôi cũng rất sợ bởi bản thân cũng chỉ là ông giáo làng. Nếu chỉ một mình thì không thể làm được, rất may ý tưởng của tôi được các bậc phụ huynh cũng như các đơn vị nhiệt tình ủng hộ, giúp đỡ. Bởi cái ý tưởng và cách làm ấy đem lại môi trường thân thiện cho nhà trường, cho HS", thầy Khánh chia sẻ.
Lúc đầu, người nhận thi công công trình làm rất cầu kỳ, thầy Khánh đã bắt phá đi làm lại vì trong khuôn viên làm kiểu hòn non bộ, có nước, có điện mà HS tiểu học thì rất hiếu động. Bản thân thầy chủ trương làm đơn giản, những tảng đá phải làm sao không gây nguy hiểm cho HS.
Công trình Vườn Lịch sử rất gần gũi với học sinh.
"Ý tôi là làm hay chứ không phải làm đẹp, hay ở chỗ là có ý nghĩa. Khi tôi nêu vấn đề ra làm văn bản xin một tảng đá ở khu di tích Lam Kinh, các anh ấy nhiệt tình và ủng hộ hết mình, còn khuyến khích tôi làm nữa", thầy Khánh tâm đắc.
Rồi thầy Khánh rong ruổi, ngược xuôi hết tìm đá ở vùng đất Lam Kinh, vòng ra Hà Trung, về đất Hàm Rồng... để kiếm tìm những tảng đá đẹp, có ý nghĩa. Đi đến đâu, khi nói ra ý tưởng của mình, thầy Khánh cũng được mọi người nhiệt tình ủng hộ và giúp đỡ.
Trước đó gần một năm trời, thầy lặn lội đi chụp hình, định vị, đánh dấu những tảng đá phù hợp. Sau hai tháng trời từ khi bắt đầu xây dựng, cùng với sự tài trợ của "mạnh thường quân" là phụ huynh trong trường, khu vườn đã hoàn thành với khuôn viên rộng gần 300 m2, trong đó có 9 khối đá, mỗi khối gắn với một sự kiện hay một địa danh lịch sử tiêu biểu của xứ Thanh, theo trình tự thời gian.
Những phiến đá thể hiện những điểm nhấn lịch sử của xứ Thanh như: Núi Đọ (Thiệu Hóa), làng cổ Đông Sơn, núi Ngàn Nưa (Triệu Sơn), Xuân Lập (Thọ Xuân) - nơi sinh vua Lê Hoàn, khởi nghĩa Lam Sơn (Thọ Xuân), Thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc), Hà Trung (nơi phát tích nhà Nguyễn), chiến khu Ba Đình (Nga Sơn) và cầu Hàm Rồng (thành phố Thanh Hóa).
Ở giữa khu vườn là một khối đá lớn, trên có dòng chữ "Vườn Lịch Sử xứ Thanh", khiến mọi người ai đi vào đây cũng phải để ý. Vào trong khu vườn, mọi người được biết về những địa danh như núi Ngàn Nưa - nơi Bà Triệu dấy binh chống quân Ngô; Thành nhà Hồ - Di sản văn hóa thế giới; cầu Hàm Rồng - nơi chôn vùi hàng trăm máy bay địch trong kháng chiến. Ngoài ra còn có hệ thống pa nô với những thông tin khái quát về các địa danh, sự kiện lịch sử tiêu biểu của xứ Thanh.
"Mới đầu khi bắt tay vào làm, tôi nghĩ là rất khó, nhưng khi làm thì được các đơn vị ủng hộ, không ngại công, ngại của. Còn cây cối là do phụ huynh đóng góp trồng nên. Tôi chỉ mong muốn làm sao cho HS học ít mà nhớ dai, nhớ lâu. Đây là một đồ dùng học tập rất thực tế", thầy Khánh cho biết.
Trong sáng kiến kinh nghiệm được giải A cấp tỉnh về xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, thầy Hoàng Xuân Khánh có nói đến vườn lịch sử mà thầy đã dày công xây dựng.
Công trình đã được chọn là một trong ba giải pháp của ngành giáo dục Thanh Hóa tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 11 và được giải Khuyến khích.
Vườn lịch sử ra đời đã trở thành dụng cụ giảng dạy Lịch sử bằng trực quan, sinh động của thầy trò Trường Tiểu học Minh Khai 1. Mỗi ngày đến trường, các em HS đều được ngắm nhìn những dấu ấn lịch sử hiện hữu trong vườn trường.
Duy Tuyên
Theo dân trí
Những cách ép học phản khoa học Mới đầu năm học, nhiều trẻ em đã vùi mình trong đống bài tập ở lớp, vừa phải học thêm học nếm cho bằng bè bạn nhưng bố mẹ vẫn chưa hài lòng. Nhiều vấn đề về cách giáo dục cho trẻ đã được đưa ra thảo luận tại buổi tọa đàm "Giải pháp cải thiện khả năng học hỏi ở trẻ" vừa...