Ra đề thi vất vả lắm!
Người ra đề phải có năng lực, năng khiếu, có lòng đam mê với bộ môn, phải có kiến thức sâu và rộng… Nếu làm qua loa, không chịu đào sâu suy nghĩ thì không nên.
Đọc một số bài phản ánh ở một số nơi về việc ra đề Ngữ văn trong các kỳ thi trùng nhau hoặc lấy đề từ trên mạng về (chắc để khỏi mất công suy nghĩ) nên gây ra nhiều bức xúc trong đội ngũ giáo viên.
Là một người từng được giao nhiệm vụ ra đề thi của tỉnh trong suốt 12 năm làm chuyên viên (1992- 2004), tôi thấy việc ra đề thi các môn (trong đó có môn Ngữ văn) không hề đơn giản như nhiều người thường quan niệm.
Đề thi tự luận (Ảnh minh họa trên website Cao đẳng Y tế thành phố Hồ Chí Minh).
Đối với đề thi tốt nghiệp trung học cơ sở (hồi đó còn thi), trước đó một tháng, tôi xin phép lãnh đạo cho đi khảo sát một số trường vùng sâu, vùng xa và một số trường thuộc thành phố, thị xã bằng cách dự giờ, tham khảo, trò chuyện tình hình học tập bộ môn với giáo viên…
Có khi còn xin giáo viên cho xem bài ghi của các em sau mỗi tiết học để nắm được khả năng tiếp nhận kiến thức của các em như thế nào.
Có như vậy mình mới nắm được tình hình dạy và học bộ môn cũng như khả năng, trình độ học tập của các em ở các địa bàn khác nhau. Từ đó, mới định hướng được dung lượng kiến thức để đưa vào đề thi sắp tới.
Tiếp đó, với sự chuẩn bị trước sẽ là phần ra đề chính thức, đề dự bị (dự phòng “trục trặc kỹ thuật” để sử dụng) với quá trình “lao tâm khổ tứ” đòi hỏi tính vừa sức, tính chính xác, tính khoa học và tính sư phạm.
Có khi phải sửa đi sửa lại mấy lần câu chữ, cách dùng từ vì nếu diễn đạt khó hiểu hoặc từ ngữ gây cho học sinh hiểu khác, hiểu lệch cũng không được.
Khổ nỗi việc ra đề chỉ có một mình phụ trách, không thể tham khảo với ai về câu chữ, dùng từ, về dung lượng kiến thức được. Do đó, trách nhiệm của người ra đề rất lớn và luôn phải chịu nhiều áp lực.
Nhớ thời gian đầu, mỗi lần trực thi của bộ môn là một lần hồi hộp. Khi các trường đã phát đề xong khoảng mười lăm, hai mươi phút; nếu không có tiếng chuông reo là thấy nhẹ người vì đề an toàn, không sai sót.
Nhưng nếu trong khoảng thời gian đó, chuông đổ về dồn dập là “Thôi rồi, Lượm ơi” vì đề thi có vấn đề.
Có lần ra đề kiểm tra Ngữ văn học kỳ 1 của lớp 12, vì chủ quan, tôi ra đề về một tác phẩm… chưa học tới (ở trường phát hiện và báo lên như vậy).
Một bài học kinh nghiệm thực sự và bản thân không cho phép mình sai sót lần sau (chứ không phải “dây kinh nghiệm” dài nên “rút” hoài mà không hết).
Đối với đề thi học sinh giỏi Ngữ văn (lớp 9 và lớp 12), tôi thường suy nghĩ, tìm tài liệu trước đó cả năm trời. Đọc tài liệu, xử lý lượng kiến thức không nhỏ để cô đọng thành một đề cho học sinh giỏi là điều hết sức khó khăn.
Điều này đòi hỏi người ra đề phải có năng lực, năng khiếu, có lòng đam mê với bộ môn, phải có kiến thức sâu và rộng… Nếu làm qua loa, không chịu đào sâu suy nghĩ; cứ nhăm nhăm “cóp” trên mạng về làm của mình thì không nên.
Càng không nên làm cái bóng của người khác, rập khuôn, cứng nhắc của người khác mà mình phải tự khẳng định mình qua việc ra đề. Tài liệu, sách hay thiếu gì không chịu đọc, tham khảo mà cứ phải “cóp nhặt” của người khác?
Video đang HOT
Ra đề thi đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao bởi đó là niềm tin mà lãnh đạo, giáo viên và học sinh, phụ huynh đặt vào mình!
Thạc sĩ LÊ ĐỨC ĐỒNG
Theo giaoduc.net
Nghịch lý khi giáo viên ra đề, phản biện đề lại ôn thi đội tuyển học sinh giỏi
Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, giáo viên cốt cán nằm trong tổ ra đề, tổ phản biện đề có học sinh tham dự thi học sinh giỏi đều đỗ với tỉ lệ rất cao.
Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh của tỉnh tôi năm học 2018-2019 có 2406 thí sinh tham gia dự thi với 8 môn thi gồm:
Quang cảnh buổi khai mạc kỳ thi HS giỏi THPT cấp tỉnh (Báo Giáo dục và Thời đại)
Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh.
Kết quả có 6 giải nhất môn Toán, 10 giải nhất môn Vật lý, 8 giải nhất môn Hóa học, 1 giải nhất môn Sinh học, 1 giải nhất môn Lịch sử.
Ngoài ra còn có 53 giải nhì và 563 giải ba ở tất cả các môn thi.
Vì sao giáo viên ra đề, phản biện đề có nhiều học sinh đạt giải?
Sau khi có kết quả kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 của tỉnh năm 2019, nhiều giáo viên ở các trường trung học cơ sở tỏ ý không bằng lòng.
Nhiều thầy cô cho rằng, không chỉ bây giờ mới thế. Nhiều năm qua kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh đã dính nghi án "giải nhiều, giải cao tập trung ở những thầy cô gạo cội, cốt cán vì chính họ là người ra đề và người nằm trong tổ phản biện đề".
Đã từng có những trường, 14 học sinh đội tuyển Toán, 6 học sinh đội tuyển Lý đều đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi.
Hỏi ra, hai giáo viên dạy Toán, Lý đều nằm trong tổ ra đề, phản biện đề của tỉnh.
Giáo viên đều cho rằng, kết quả phản ánh của kỳ thi học sinh giỏi không được khách quan, có điều gì đó không được rõ ràng, minh bạch.
Những luồng thông tin cứ được rỉ rả truyền tai nhau vì không ai dám nói ra khi mình không có đủ bằng chứng.
Có điều, như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, giáo viên cốt cán nằm trong tổ ra đề, tổ phản biện đề có học sinh tham dự thi học sinh giỏi đều đỗ với tỉ lệ cao, có môn đỗ tới 100%.
Không chỉ một môn mà môn nào cũng vậy, trường nào có giáo viên trong tổ ra đề và phản biện đề đều giành khá nhiều giải thưởng.
Thế nhưng cũng chính những giáo viên ấy, trước đây không nằm trong tổ ra đề, tổ phản biện đề, đội tuyển do giáo viên này dạy cũng từng không có em nào đạt giải hoặc đạt giải rất ít.
Chuyện này sẽ lý giải sao đây? Câu trả lời chính xác nhất chỉ có những giáo viên ấy mới biết được.
Giải đi theo thầy
Có những trường lớn, trường vốn có danh tiếng về thành tích học tập và rinh nhiều giải thưởng trong các kỳ thi học sinh giỏi.
Giáo viên dạy đội tuyển học sinh giỏi của trường cũng chính là giáo viên nằm trong tổ cốt cán của tỉnh.
Do đã công tác tại trường ấy lâu năm nên giáo viên này được luân chuyển sang một trường học khác.
Thế là thầy đi, giải thưởng học sinh giỏi cũng theo thầy về trường mới.
Trường cũ mất giáo viên cốt cán, cũng mất luôn nhiều giải thưởng học sinh giỏi từ đó.
Giáo viên ai chẳng biết, thực lực của trò một phần nhưng vai trò của thầy cô là vô cùng quan trọng.
Trong trường hợp này, thầy không phải là giỏi nhất nhưng lại hơn mọi người vì đã biết trước được đề.
Dù trường bạn đạt giải nhiều nhưng trong đội ngũ giáo viên cũng chẳng mấy người công nhận chính vì lẽ đó.
Một người kiêm nhiều vai có thật sự khách quan?
Tại Điều 19, hội đồng soạn thảo đề thi, Thông tư số 22/VBHN-BGDĐT ngày 25/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy chế thi chọn học sinh giỏi các cấp nêu rõ:
"Mỗi môn thi có một tổ ra đề thi gồm tổ trưởng, các ủy viên soạn thảo đề thi và các ủy viên phản biện đề thi.
Dựa theo nguyên tắc chung, người hướng dẫn, huấn luyện, bồi dưỡng thi, có học sinh tham gia thi không thể là người tham gia làm đề thi.
Vậy nhưng trong kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh tôi nhiều năm trở lại đây chuyện người đóng nhiều vai như thế này vẫn xảy ra thường xuyên.
Giáo viên ra đề, giáo viên phản biện đề lại chính là tổ trưởng chuyên môn ở nhiều trường học.
Những thầy cô giáo này, trực tiếp ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi ở trường để "đem chuông đi đánh xứ người".
Chính họ là người biết trước đề thi có những dạng bài gì, và không lẽ khi ôn cho học sinh họ lại không ôn những dạng bài ấy?
Trong thực tế, giáo viên có được học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi lợi cả đôi đường.
Trước hết, họ có công mang thành tích về cho trường. Và sau đó, mang bổng lộc về cho chính mình.
Không chỉ được thưởng mà uy tín, tiếng tăm "giáo viên dạy giỏi" cũng vang xa.
Và học sinh biết mặt, phụ huynh biết tên đương nhiên sẽ có nhiều học sinh trong trường và quanh vùng tìm đến để "tầm sư học đạo".
Giáo viên thờ ơ, học sinh không mặn mà
Trước nghi án, một số giáo viên biết đề trước nên giành hết giải, thế nên không ít thầy cô giáo bất mãn và không còn mặn mà, thiết tha với những giải học sinh giỏi thế này.
Một số thầy cô giáo nói rằng, vì mình hiểu rõ nên việc trường nhiều giải với trường ít hoặc không có giải cũng chẳng có gì khác nhau là mấy.
Chính học sinh cũng chẳng mặn mà vì để vào đội tuyển ôn luyện để đi thi (một môn) nhiều em đã phải bỏ học khá nhiều môn trong suốt một thời gian dài.
Dẫn đến các em học lệch mà kết quả đạt giải học sinh giỏi cũng chẳng để làm gì.
Nhiều ý kiến cho rằng, không tổ chức thì tôi, đã tổ chức thi cần phải công bằng, minh bạch.
Những thầy cô giáo trong tổ ra đề, tổ phản biện đề tuyệt đối không thể là những thầy cô giáo dạy ôn luyện cho đội tuyển học sinh giỏi của trường.
Làm thế, chẳng khác nào các em (trường có thầy cô trong tổ cốt cán) chưa thi đã biết mình đỗ.
Còn những học sinh trường khác phải là quá giỏi hoặc là quá may mắn ôn thi trúng dạng mới mong đạt giải.
Bất công như thế thì nên bỏ kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh đi là hơn.
Đỗ Quyên
Theo giaoduc.net
Tại sao có nhiều đề thi Ngữ văn ra trùng nhau? Đề thi trùng nhau cũng cho thấy, một số thầy cô giáo được giao nhiệm vụ ra đề chưa thật sự đầu tư và tự tin vào kiến thức, chuyên môn của mình (sợ sai sót). LTS: Đưa ra một số nguyên nhân lý giải vì sao hiện nay lại có nhiều đề thi Ngữ văn ra trùng nhau, tác giả Sông Trà...