Quy định giờ dạy, không phải tiết dạy với giáo viên mầm non
Cử tri tỉnh Bình Thuận kiến nghị liên quan đến chính sách với giáo dục mầm non, cụ thể về: Chế độ làm việc; danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập; định mức kế toán, văn thư, y tế, thủ quỹ; chế độ đối với nhân viên nấu ăn; số lượng nhân viên tạp vụ…
Ảnh minh họa/INT
Về kiến nghị quy định thống nhất thời lượng của giờ dạy và giờ dạy được giảm trừ của giáo viên mầm non, Bộ GD&ĐT cho biết: Đối với cấp học mầm non, mục tiêu của Chương trình giáo dục mầm non là chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em. Giáo viên mầm non thực hiện Chương trình giáo dục mầm non thông qua việc tổ chức các hoạt động trên lớp theo giờ dạy, không tổ chức theo tiết dạy như giáo viên phổ thông. Do đó, Bộ GD&ĐT quy định chế độ làm việc của giáo viên mầm non là theo giờ dạy (1 giờ dạy được tính bằng 60 phút). Mỗi giáo viên mầm non thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ trên lớp đủ 6 giờ/ngày (đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo dạy 2 buổi/ngày), 4 giờ/ngày (đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 1 buổi/ngày).
Theo đó, chế độ giảm giờ dạy của giáo viên mầm non thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT được thực hiện giảm trừ theo quy định trên (1 giờ dạy thực hiện giảm trừ tính bằng 60 phút). Điểm b Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT cũng quy định việc giáo viên mầm non được phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT huy động tham gia công tác hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ thì 1 tiết giảng dạy thực tế (có thể là 45 phút) sẽ được tính bằng 1 giờ dạy (60 phút) để các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện việc giảm trừ giờ dạy.
Đối với đề nghị tăng định mức giáo viên/lớp do giáo viên ở các lớp bán trú, Bộ GD&ĐT cho biết: Điều lệ trường mầm non và Chương trình giáo dục mầm non quy định nhiệm vụ của giáo viên mầm non là tổ chức các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ (bao gồm: Đón trả trẻ, tổ chức ăn ngủ cho trẻ, tổ chức hoạt động chơi, hoạt động học…). Vì vậy, việc quy định định mức giờ làm việc 6 giờ/ngày/giáo viên (Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT) và định mức giáo viên/lớp (Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT- BGDĐT-BNV) đã tính toán đến việc giáo viên phải thực hiện các nhiệm vụ trên và các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công.
Video đang HOT
Về kiến nghị điều chỉnh lại định mức số lượng kế toán, văn thư, y tế, thủ quỹ, bố trí vị trí nhân viên nấu ăn, tạp vụ, Bộ GD&ĐT cho biết: Thực hiện chủ trương, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về tinh giản, tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả biên chế trong các đơn vị công lập, Bộ GD&ĐT thống nhất với Bộ Nội vụ trong Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV không quy định vị trí việc làm “cô nuôi, tạp vụ” và quy định định mức 2 người cho 4 vị trí nhân viên kế toán, y tế, văn thư, thủ quỹ. Đối với công việc nấu ăn, tạp vụ, các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức bán trú thực hiện hợp đồng lao động. Vì vậy, các cơ sở giáo dục mầm non căn cứ nhu cầu, khối lượng công việc thực tế đề xuất cơ quan có thẩm quyền tại địa phương quyết định số lượng hợp đồng lao động vị trí nấu ăn, tạp vụ và lựa chọn hình thức hợp đồng lao động phù hợp.
Bộ GD&ĐT đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận kiến nghị với UBND tỉnh Bình Thuận giao đủ biên chế, rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non hợp lý để bảo đảm và nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Tuyển sinh đầu cấp mầm non: Tuyển cả cô lẫn trò
Tuyển sinh đầu cấp luôn là vấn đề nóng tại địa phương đông dân cư, dân số cơ học tăng nhanh.
Giờ học của Trường Mầm non Hà Tu, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: TG
Ở nơi này, việc đi học của trẻ phụ thuộc vào lá phiếu mà cha mẹ các em bốc thăm được. May mắn có suất học trường công, nếu không cha mẹ đành gửi con trường ngoài công lập. Song song với tuyển trò, đội ngũ GV mầm non cũng được tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu dạy học, mở thêm lớp.
Bốc thăm vào lớp
Áp lực tuyển sinh không nhiều, tại trường mầm non ở khu vực nông thôn hay miền núi, việc xin học cho con rất đơn giản, các bậc phụ huynh chỉ việc đến trường nộp đơn và hoàn tất thủ tục nhập học khi đến ngày. Thậm chí, có nơi tình trạng giáo viên đến nhà vận động cha mẹ cho học sinh ra lớp vẫn diễn ra.
Ở chiều hướng ngược lại, gia đình sinh sống tại khu đô thị lớn, nơi tập trung đông dân cư, hệ thống trường công lập không theo kịp sự gia tăng dân số nên không ít phụ huynh phải ngược xuôi tìm chỗ học cho con. Cũng bởi học trò đông, trường lớp ít, bên cạnh phương án tuyển sinh truyền thống, bốc thăm được nhiều nơi lựa chọn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Hiệu trưởng Trường MN Hoa Hướng Dương (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Trường tuyển sinh 85 cháu có hộ khẩu thường trú tại phường Cống Vị. Hình thức thực hiện là đăng ký tuyển sinh trực tuyến hoặc trực tiếp tại trường và nhận phiếu hẹn. Nếu số lượng học sinh đăng ký xin học vượt quá chỉ tiêu, phụ huynh sẽ phải bốc thăm.
TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh những năm gần đây đối mặt sự gia tăng nhu cầu gửi trẻ của nhiều gia đình. Bà Vi Bích Hạnh, Trưởng phòng GD&ĐT TP Hạ Long cho hay: Phòng GD&ĐT đã yêu cầu các trường MN trên địa bàn phối hợp với UBND phường thực hiện tốt công tác tuyên truyền để cha mẹ học sinh cập nhập thông tin về thời gian và phương thức tuyển sinh của từng trường; xây dựng nội dung chi tiết thông báo tuyển sinh, phương án tuyển sinh. Tuy nhiên, trường hợp số học sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu của trường, cần có kế hoạch xét tuyển sinh phù hợp, bảo đảm quyền đi học của học sinh có hộ khẩu trên địa bàn.
Giờ ăn của HS Trường MN Hoa Hồng, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Gấp rút tuyển giáo viên
Là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, theo bà Vũ Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng GD Mầm non (Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc), những năm gần đây, số trẻ mầm non đến tuổi ra lớp liên tục tăng, nhất là khu vực ven cụm công nghiệp, trung tâm huyện, thành phố.
Số lượng trẻ tăng đồng nghĩa với việc mở thêm lớp học, nhu cầu bổ sung GV cũng theo đó nhiều hơn. Phòng đã chỉ đạo các trường linh hoạt trong tuyển sinh, tạo điều kiện tốt nhất để trẻ được đi học đúng tuổi, đúng địa bàn. Giải pháp tăng cường biên chế được đặt ra, hiện Vĩnh Phúc bổ sung chỉ tiêu cho các trường để bảo đảm hiệu quả công tác nuôi dưỡng, chăm sóc cho trẻ.
Để đáp ứng yêu cầu GV cho các trường mầm non năm học tới, trong số 585 chỉ tiêu tuyển dụng đặc cách giáo viên tại huyện Vĩnh Tường có 572 chỉ tiêu GV mầm non. Tương tự, huyện Vĩnh Tường được bổ sung 514 chỉ tiêu, Yên Lạc: 401 chỉ tiêu, Lập Thạch: 384 chỉ tiêu, Bình Xuyên: 354, thấp nhất là Tam Đảo với 209 chỉ tiêu. Việc bổ sung thêm chỉ tiêu biên chế cho các trường công lập sẽ góp phần giảm áp lực cho GV, đồng thời công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tốt hơn.
Khẳng định đáp ứng đủ nhu cầu học cho trẻ mầm non, đồng thời tỉnh cũng bổ sung biên chế GV để nâng cao chất lượng dạy học trong các nhà trường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định, ông Vũ Đức Thọ, cho biết: Năm học vừa qua, chúng tôi đã tuyển bổ sung 505 GV mầm non, nâng tổng số cán bộ quản lý và giáo viên của bậc học này lên trên 8.500 người. Đến thời điểm này, dù thêm những lo lắng về diễn biến mới dịch Covid-19, nhưng các trường MN đều lên kế hoạch tuyển sinh. Quan điểm chỉ đạo của sở GD&ĐT là không để học sinh thiếu chỗ học, cũng như biên chế đủ GV, bảo đảm chất lượng trong nuôi dạy trẻ.
Hết lòng vì mầm non đất nước Giáo viên mầm non là nghề đòi hỏi nhiều kỹ năng và trình độ chuyên môn, có thời gian làm việc trong một ngày vượt quá so với quy định. Thế nhưng, bằng tình yêu nghề, mến trẻ, nhiều cô giáo đã bám thôn, bản chăm chút từng bữa ăn giấc ngủ; tuyên truyền, vận động gia đình đưa trẻ đến trường. Nhiều...