Quy định giãn cách học sinh 1,5 m trong lớp là không thực tế
Quy định về giãn cách học sinh tối thiểu 1,5 m mà Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT đưa ra đang khiến các trường rối bời do phòng học, giáo viên không có.
Học sinh lớp 12 tại Cà Mau trở lại trường học sau khi nghỉ dịch Covid-19. Việc giãn cách học sinh tối thiểu 1,5 m trong lớp sẽ khó thực hiện – VŨ LÂM
Theo Công văn số 2234 của Bộ Y tế về việc triển khai phòng chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục, tất cả học sinh (HS), giáo viên (GV) và người lao động trong các cơ sở giáo dục phải đeo khẩu trang trên đường đến trường và trở về nhà, trong thời gian ở trường. Ở trường, HS phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1,5 m. Mỗi HS ngồi 1 bàn hoặc 2 HS ngồi 1 bàn hoặc ngồi so le…
Các địa phương và nhà trường rối bời
Nhiều địa phương đã và sẽ đồng loạt cho HS trở lại trường từ đầu tháng 5 tới. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng đề nghị các địa phương thực hiện theo yêu cầu của Bộ Y tế là giãn cách HS tối thiểu 1,5 m khi đi học. Mỗi lớp học có thể tách đôi để đảm bảo khoảng cách giữa các HS.
Yêu cầu này đang khiến các địa phương và nhà trường rối bời vì không thể thực hiện được đại trà với điều kiện trường lớp và GV như hiện nay. Tại TP.Hà Nội, địa phương này đang xây dựng kịch bản cho HS đi học từ 4.5. Tuy nhiên, sĩ số các trường ở nội thành Hà Nội quá đông, nhiều trường lên tới 50 – 60 HS/lớp, phòng học, sân chơi đều chật chội. Nếu thực hiện quy định giãn cách kể trên, mỗi lớp phải chia ba. Điều này không khả thi vì không có GV và phòng học.
Các trường học vốn “nổi tiếng” quá tải ở các quận Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa… cho biết đang rất hồi hộp chờ hướng dẫn của UBND TP hoặc Sở GD-ĐT Hà Nội.
Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, hiệu trưởng một trường THPT ở nội thành Hà Nội cho rằng, Bộ GD-ĐT làm khó các trường. Nhà trường không nhận được sự hỗ trợ linh hoạt của Bộ trong vấn đề này. Một mặt, Bộ ra quy định phải kết thúc năm học chậm nhất vào ngày 15.7, giữ kỳ thi THPT vào tháng 8, bất kể dịch bệnh, hay HS có đi học được hay không. Mặt khác thì Bộ GD-ĐT tuyên bố đi học phải đảm bảo an toàn với những tiêu chí: không quá 20 HS/lớp; mỗi HS phải cách nhau tối thiểu 1,5 m… và “nếu không đảm bảo những quy định đó thì không cho HS trở lại trường”.
“Vậy chúng tôi phải làm thế nào với những lớp 40 – 50 HS, không có phòng học và GV để chia nhỏ nhưng vẫn phải hoàn thành chương trình vào thời gian Bộ quy định, HS vẫn phải thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH?”, vị hiệu trưởng này đặt câu hỏi.
Đây cũng là tâm tư của nhiều nhà trường. Nhiều người bức xúc cho rằng nếu không thể giãn cách HS đủ 1,5 m thì các trường có thể từ chối kết thúc năm học vào ngày 15.7 được không, vì rõ ràng đó là lý do khách quan về điều kiện thực hiện? Trong khi đó, các trường cũng không thể chọn một số khối lớp để kết thúc năm học trước được.
Quy định chỉ “nói được phần mình”!
Không chỉ Hà Nội, một số tỉnh, thành cũng cho rằng việc giãn cách 1,5 m rất khó thực hiện khi cho đồng loạt HS đi học.
Video đang HOT
Sở GD-ĐT Thái Bình bắt đầu cho HS từ lớp 9 đến lớp 12 trở lại trường và chia thành 2 ca. Tuy nhiên, khoảng cách HS cũng chỉ tương đối chứ không thể đảm bảo 1,5 m như khuyến cáo. Một số trường THCS hiện nay mới cho HS khối 9 đi học nên phòng học cũng như GV trống tiết dạy rất nhiều nên đang áp dụng chia 1 lớp trước đây ra thành 2 – 3 lớp. Tuy nhiên, trong thời gian tới, HS tất cả khối lớp đi học lại thì điều này không thể thực hiện được nữa.
UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã quyết định cho HS từ tiểu học trở lên đi học trở lại từ ngày 4.5 tới. Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Nam, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh này, cũng chia sẻ việc thực hiện giãn cách HS 1,5 m là rất khó. “Chúng tôi mong Bộ GD-ĐT có hướng dẫn phù hợp, vẫn đảm bảo an toàn nhưng phải khả thi”, ông Nam nói.
Hiệu trưởng nhiều trường THPT khu vực miền Trung, Tây nguyên khẳng định việc Bộ GD-ĐT yêu cầu phải đảm bảo khoảng cách chỗ ngồi giữa các HS tối thiểu 1,5 m để phòng dịch Covid-19 là rất khó thực hiện. Thậm chí, nhiều GV cho rằng người đưa ra yêu cầu này chỉ “nói được phần mình” và không hiểu vấn đề.
Ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên, phân tích: “Nếu thực hiện đúng khoảng cách 1,5 m thì phải chia lớp ra, sẽ làm tăng thời gian đứng lớp của GV. Số lượng GV của các trường hiện nay không đủ để thực hiện. Ngoài ra, còn phải tính đến kinh phí để chi trả tiền giờ đứng lớp của GV tăng lên”.
Được biết qua trao đổi tại buổi làm việc giữa Sở GD-ĐT với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Đà Nẵng cho thấy, nếu HS đi học đồng bộ các khối mà ngồi giãn cách 1,5 m thì khó thực hiện. Đại diện Sở GD-ĐT lý giải, đó chỉ là chỗ ngồi thôi, còn suốt buổi học, HS giao lưu, chơi đùa với nhau thì việc giữ khoảng cách, kiểm soát tiếp xúc rất khó khăn. Đà Nẵng ở mức nguy cơ thấp. Chính vì vậy, Đà Nẵng chọn giải pháp yêu cầu HS đeo khẩu trang suốt thời gian đến trường, gồm trong lớp học, giờ ra chơi, đường về, không tiếp xúc gần với những người không đeo khẩu trang… (còn tiếp)
Đặt ra nhiều “kịch bản” nhưng… khó thực hiện
Có rất nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh nội dung này. “Kịch bản” có thể là sẽ chia ca: tiểu học đang dạy học 2 buổi/ngày thì sẽ chỉ dạy 1 buổi để chia 1 lớp học thành 2 lớp. Tuy nhiên, khi ấy, GV sẽ dạy 2 ca nhưng không thể thu tiền của phụ huynh HS để trả cho GV tiền dạy buổi 2 như trước vì thực tế HS chỉ học 1 buổi. Ngân sách nhà nước có chi trả được cho GV, hay “bắt” GV chịu thiệt?
Với cấp trung học thì điều này là rất nan giải vì hầu hết các trường THCS và THPT ở Hà Nội, TP.HCM và một số TP lớn đều dạy học 2 ca và không đủ phòng để dạy học 2 buổi/ngày cho HS nên không thể chia ca như cấp tiểu học. Đó là chưa kể việc thiếu GV.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định, cho biết chỉ có thể bố trí cho HS ngồi trong lớp học cách nhau 1 m. “Các trường kéo bàn ghế vào sát tường, tạo hành lang giữa các bàn thì đảm bảo khoảng cách HS ngồi cách nhau 1 m”, ông Tuấn nói…
Cần một hướng dẫn khả thi để đón học sinh trở lại trường
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết sở này đang tính toán để đưa ra hướng dẫn cho các cơ sở giáo dục, làm sao vừa đảm bảo an toàn cho HS nhưng cũng phải khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi nhà trường trên địa bàn TP. Nguyên tắc là tất cả các trường sẽ không tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và dừng tất cả các dịch vụ bán trú trong trường học; mỗi HS được bố trí ngồi giãn cách, không để 3 HS/bàn…
Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Văn Quý khi phát biểu tại cuộc họp phòng chống dịch Covid-19 mới đây đã cho rằng các trường học trên địa bàn Hà Nội tập trung rất đông HS, nếu sắp xếp không quá 20 HS/lớp, nhiều trường học trên địa bàn TP phải tổ chức học 3 ca/ngày là không khả thi.
Theo ông Quý, Hà Nội đề nghị Bộ GD-ĐT xây dựng phương án đón HS trở lại trường học theo hướng linh hoạt, phù hợp với đặc thù của từng địa phương.
Tuệ Nguyễn
Nam sinh người Mông dựng lán giữa núi bắt internet học online: Bị ép lấy vợ nhưng quyết vào đại học vì không có tiền thì lấy gì nuôi vợ con
Địa hình hiểm trở, mạng internet chập chờn khiến Lầu Mí Xá phải dựng một chiếc lán xa nhà để tiện cho việc học online ở trường.
Những ngày này, cả nước đang đồng lòng ra sức đẩy lùi đại dịch Covid-19 bằng nhiều biện pháp khác nhau. Những hoạt động kinh tế, xã hội tạm dừng lại nhường chỗ cho các công tác chống dịch diễn ra được hiệu quả. Đối với hoạt động tại giáo dục, với chủ trương nghỉ học nhưng không dừng việc học, ngay từ sớm nhiều phương án học từ xa đã được triển khai nhằm giúp học sinh, sinh viên không quên kiến thức trong thời gian nghỉ kéo dài.
Nhưng với những học trò miền cao, học trực tuyến lại khó khăn hơn bất cứ đâu, vì những điều kiện cơ sở vật chất vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ để các bạn chuyên tâm cho việc học hành. Đường sá, internet, điện nước là một vài thứ cơ bản trong vô số những thiếu thốn của những người dân vùng cao. Thế nên để tìm đến con chữ, học sinh nơi đây cũng phải trải qua nhiều gian nan, thử thách. Nhưng không vì thế mà cản trở được bước đường tìm đến tri thức của nhiều học trò. Lầu Mí Xá, chàng sinh viên năm 3, Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam là một trường hợp như thế.
Dựng lán học online mà dân bản hỏi: "Làm lán để bán hàng hay nuôi gà?"
Sinh ra ở vùng đất gần như là địa đầu tổ quốc Sủng Trái - Đồng văn - Hà Giang, sống ở một vùng cao xa xôi, hiểm trở nên Xá và các bạn cũng chịu nhiều thiệt thòi hơn so với học sinh miền xuôi. Trải qua nhiều cố gắng, em đã đỗ vào trường đại học công lập đúng như mong ước. Và mùa dịch này, chàng trai người Mông cũng như bao sinh viên khác được nghỉ học dài hạn và phải tham gia vào các lớp học online. Nhưng do địa hình hiểm trở, sóng Wifi/4G không tới được nơi cậu ở nên Xá đã nghĩ ra một cách hết sức thú vị.
Xá đã có ý tưởng, lập nên một cái lán ở cách nhà 200m, nơi mà em có thể bắt được 4G. Em cùng bạn của mình dùng những mái tôn, tấm bạt cũ để giăng lên tạo thành một cái chòi nhỏ, tránh mưa tránh gió, và xem như một nơi để có thể duy trì việc học tập. Em chia sẻ về "lớp học dã chiến" của mình: "Khu vực em không có sóng điện thoại, không có Internet. Tình cờ phát hiện một góc nằm chênh vênh giữa núi nên em dựng lán làm chỗ học."
Mới ngày đầu, sau khi dựng lán, em cùng bạn đã gặp phải sự cố khiến cả hai đều ướt. Mưa lớn xối xả khiến Xá không kịp trở tay, và nước chảy vào ngay chỗ em nằm. Đêm đó, Xá cùng bạn lại phải dựng thêm bạt trong đêm để phòng mưa ướt, và cứ thế đến nay cái lán nhỏ này đã như trở thành một nơi quen thuộc của Xá. Em hồn nhiên kể: "Đêm đầu tiên dựng lán mưa như trút nước khiến người em ướt hết. Bây giờ lán kiên cố rồi, bố mẹ mới yên tâm cho ở lại học."
Hằng ngày, Xá sẽ ngủ tại lán để kịp dậy lúc 6 giờ và chuẩn bị vào tiết học online đến gần trưa. Sau đó, em về nhà ăn cơm, rồi tối lại ra lán học bài,... Thế là không phải sợ mất tiết học, cũng chẳng ngại thời tiết khắc nghiệt, câu bé bản Mông vẫn duy trì việc học đều đặn như khi ở dưới thành phố.
Khi Mí Xá đóng cọc, dựng lán, bà con hỏi: "Mày làm gì đấy Xá, làm lán để chơi à, hay bán hàng, nuôi gà?". Xá bảo để học online hay chả ai tin, điều mà trước đây dân bản chưa bao giờ thấy. Vì dựng lán để làm những công việc trên là bình thường ở nơi đây, còn với chuyện học qua mạng lại trở nên xa lạ. Cậu sinh viên năm 3 như trở thành điều "bất thường" giữa cuộc sống vốn rời xa công nghệ. Em cho biết mọi thứ đều bình thường, không khổ chút nào mà lại thấy có không gian yên tĩnh hơn để học tập.
Cuộc sống ở bản không có thịt gà, thịt lợn như ở thành phố, chỉ có mèn mén và rau cải, xót lắm!
Xá kể về cuộc sống của bà con nơi quê hương mình với những trăn trở cho tương lai của vùng đất xa xôi này. Em kể, hằng ngày người dân chỉ quanh đi quẩn lại ăn những món ăn là mèn mén (ngô xay nhỏ, gói lại như xôi) và rau cải, thậm chí nhiều nhà còn không có mèn mén để ăn. Xá nói: "Bữa cơm ở đây không có thịt gà, thịt bò, thịt lợn như ở thành phố. Thấy bà con như vậy, em xót lắm nhưng ai cũng ăn được cả!"
Xá cũng chia sẻ về những cơ cực mà trẻ em nơi Xá sinh sống phải chịu. Giữa những mùa giá rét, trẻ con có đứa không có cái áo để mặc, nhiều em nhỏ còn vô tư chạy tung tăng ngoài đường mà chẳng khoác gì lên người cả. Em nói: "Nhiều lúc bà con trêu đùa nhau. tiền mua muối với mì chính còn không có. Tuy đó chỉ là lời nói đùa nhưng họ khổ thật đấy ạ!"
Bà con suốt ngày quanh quẩn với chuyện ruộng nương lợn bò, canh cánh nỗi lo mai ăn gì uống gì mà bỏ qua những điều lớn lao hơn như việc cho con đi học để lấy cái chữ. Cuộc sống của mọi người cũng diễn ra theo một trật tự được thiết lập sẵn: lớn lên, lấy vợ gả chồng, sinh con đẻ cái,... Điều này làm một chàng trai được tiếp xúc với thành phố cảm thấy xót xa và muốn làm điều gì đó cho quê hương.
Không nghe bố mẹ ở nhà lấy vợ, quyết học đại học để giúp đỡ bà con quê hương
Cũng như bao đứa trẻ khác lớn lên từ vùng đất cao nguyên Đồng văn nghèo khó, Lầu Mí Xá đã trải qua tuổi thơ thiếu thốn nhưng điều đặc biệt là em rất ham học chữ. Ngay từ lớp 7, Xá đã bắt đầu cuộc sống học xa nhà tại trường dân tộc nội trú huyện Đồng Văn. Đến khi lên cấp 3, em đã cố gắng để đỗ vào trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Hà Giang.
Ôm trong mình những giấc mơ dành cho quê hương, Lầu Mí Xá hiểu rõ chỉ có con đường cố gắng học tập thật tốt mới có thể giúp cậu. Trải qua 12 năm đèn sách, trong đó có nhiều năm xa nhà, em ao ước được đặt chân vào cánh cửa đại học. Nhưng điều cản trở em đó là suy nghĩ, tư tưởng của gia đình. Bố mẹ muốn Xá chỉ học hết phổ thông rồi lấy vợ, sinh con như bao trai làng khác. Nhưng chàng trai sinh năm 1999 nhất quyết không chịu sống cuộc sống như mọi người, thế nên em đã đăng ký thi đại học. Điều này làm bố mẹ Xá khá buồn, nhưng trên hết em vẫn tin lựa chọn của em là đúng đắn. Em tâm sự: "Em không muốn khổ như các bạn khác, không công ăn việc làm thì cũng không có tiền để nuôi vợ cũng như trang trải cuộc sống!"
Thế là chàng trai trẻ đã quyết định thi vào ngành Quản lý công, thuộc học viện Hành chính Quốc gia để bắt đầu thực hiện mong ước đó. Em kể về công việc mơ ước của mình: "Em muốn trở thành cán bộ xã, huyện ở quê trong tương lai, được mọi người yêu mến.Và em không muốn mình và bà con tiếp tục có một cuộc sống khó khăn như vậy nữa." Cuối cùng, giờ đây Xá đã sắp hoàn thành 3 năm đại học và chỉ còn 1 năm nữa để ra trường, em đang rất gần để hoàn thành những dự định của bản thân trong tương lai.
Chứng kiến cuộc sống của Hà Nội tấp nập người xe, khác hẳn với hình ảnh bình dị của quê mình, những ngày đầu xuống thành phố, Xá bị choáng ngợp với khung cảnh nơi đây. Nhưng vì sự vội vã và nhịp sống nhanh ấy mà Xá bảo: " em không thích thành phố cho lắm!".
Em chỉ thấy ấn tượng với những công trình cao tầng nghìn tỷ, những đại lộ rộng lớn, nhưng đẹp nhất là quê hương Đồng Văn. Do đó, em chỉ muốn mau chóng hoàn thành chương trình đại học, ra trường và trở về nơi em được sinh ra. Mọi thứ diễn ra thật yên bình, luôn đầy ắp tiếng cười của dân bản dù cuộc sống có chật vật, gian khổ đến mấy.
Những ngày học xa nhà, ngoài việc chăm chỉ đến trường, Xá cũng dành thời gian để làm xe ôm công nghệ, trang trải thêm chi phí cho cuộc sống. Em vẫn thấy mình may mắn hơn những đứa bạn cùng trang lứa, vì em được đi học, được đến trường, nên tuyệt nhiên, em không bao giờ nhắc đến những khó khăn mà mình gặp phải.
Mọi điều kiện sống chỉ là thử thách bản lĩnh con người có dám bước qua những giới hạn hay không, và Xá đang khẳng định được mình là chàng trai có ý chí. Từ bản làng xuống thành phố để tìm lấy tri thức, từ nơi internet chập chờn để quyết tham gia học online, Lầu Mí Xá là đại diện cho những tấm gương hiếu học và không ngại thay đổi để vươn đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Vũ Trịnh - Design: Đức Minh
Bộ trưởng GD&ĐT khen sinh viên dựng lán học giữa rừng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khen ngợi tấm gương của sinh viên Lầu Mí Xá đã quyết tâm tìm cách khắc phục khó khăn, đảm bảo hoạt động học tập trực tuyến. Trong cuộc họp giao ban trực tuyến Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ GD&ĐT sáng 7/4, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã biểu dương những tấm gương tiêu...