Quy chế mới không chỉ để thầy và trò đổi mới
GD&TĐ – Quy chế mới không chỉ để thày và trò đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học, mà còn là hướng tích cực cho việc giảm tải, giảm áp lực không cần thiết đã từng đè nặng lên tâm lý người dạy, người học cũng như của cả xã hội bấy lâu nay.
Đó là nhận định của lãnh đạo nhiều trường THPT về Quy chế thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy do Bộ GD&ĐT ban hành.
Thầy Nguyễn Trọng Nghĩa – Hiệu trưởng Trường THPT Đỗ Huy Liêu (Nam Định): Không thể có yếu tố “ăn may” trong kỳ thi
Ở cương vị cán bộ quản lý tại một trường THPT, chúng tôi nhận thấy quy chế mới có tính kế thừa, đồng thời cũng có nhiều bổ sung mới mẻ, mang tính đột phá cho việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, làm chuyển biến chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển năng lực và phẩm chất người học.
Chúng tôi đồng tình và tán thành đón nhận hai bản quy chế mới này của Bộ GD&ĐT.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa
Nhìn chung, với quy chế mới, học sinh có lực học trung bình, thậm chí là trung bình yếu nhưng nỗ lực cao độ ở giai đoạn “nước rút” vẫn có thể đỗ tốt nghiệp.
Video đang HOT
Tuy nhiên, để trúng tuyển đại học, cao đẳng, nhất là các trường “tốp đầu” lại đòi hỏi thí sinh phải có năng lực thực sự phù hợp mới có thể trúng tuyển.
Tại Trường THPT Đỗ Huy Liêu, chúng tôi phổ biến rộng rãi quy chế mới đến thầy và trò, đặc biệt chú trọng những điều khoản có liên quan để cả thày và trò nhận thức rõ rằng: Không thể có yếu tố “ăn may” trong kỳ thi.
Tình trạng học sinh học yếu, lười học, thiếu chí hướng và động cơ học tập trong thi cử vẫn có thể đỗ tốt nghiệp, thậm chí vẫn có thể trúng tuyển đại học là khó có thể xảy ra khi thực hiện quy chế mới này.
Bởi, cách thức tổ chức cụm thi do trường đại học, cao đẳng chủ trì và thí sinh của ít nhất 2 tỉnh hình thành một cụm thi sẽ tạo ra sự nghiêm túc từ mỗi thí sinh đến cán bộ coi thi (người được phân công làm nhiệm vụ coi thi).
Thí sinh không thể đoán biết những thí sinh khác cùng ngồi trong phòng thi với mình sẽ dự đăng ký xét tuyển vào trường nào? Cán bộ coi thi cũng không thể biết được chính xác thí sinh trong hội đồng thi hoặc trong phòng thi mình đang đảm nhiệm sẽ đăng ký dự xét tuyển vào trường mình hay trường nào?
Chúng tôi cũng sẽ tổ chức diễn đàn để thầy và trò tìm ra giải pháp, cách thức tổ chức hoạt động dạy học hữu hiệu nhất, phù hợp nhất theo phương châm: Dạy thực và học thực theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học.
Để người học ý thức được rằng, học tập không chỉ là quá trình ghi nhớ, thông hiểu về kiến thức mà điều quan trọng hơn là còn phải biết vận dụng và vận dụng nâng cao những kiến thức mình đã học tập được từ sách vở, từ thày cô, từ bạn bè và từ trong thực tế của cuộc sống.
Nhà trường đồng thời định hướng khảo sát và kiểm tra qua các “kênh”: Thầy đánh giá trò, trò đánh giá lẫn nhau và tự đánh giá mình để phân loại đối tượng tổ chức dạy học và tìm ra cách thức tổ chức hoạt động, tìm ra phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Điều này thúc đẩy giáo viên không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động dạy học.
Chúng tôi cũng đã xây dựng tiêu chí đánh giá cho điểm về quá trình tổ chức hoạt động dạy học để học trò có thể đánh giá, cho điểm đối với từng cán bộ quản lý và từng giáo viên của nhà trường.
Việc đánh giá cho điểm này được nhà trường tổ chức khảo sát và công bố 2 lần trong năm học, ứng với cuối mỗi học kỳ của năm học.
Thầy Nguyễn Văn Định – Hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp): Tiết kiệm kinh phí, công sức với quy chế mới
Quy chế thi THPT quốc gia không có quá nhiều thay đổi so với dự thảo, nhưng đã tiếp thu có chọn lọc các ý kiến góp ý.
Chúng tôi cũng mong muốn Bộ GD&ĐT giới thiệu cấu trúc đề thi, đề mẫu, hướng dẫn ôn tập để các nhà trường định hướng tốt việc ôn tập; học sinh tự rà soát năng lực của mình.
Hiện nay, có rất nhiều tổ chức và cá nhân giới thiệu nhiều loại tài liệu ôn tập thi THPT quốc gia.
Nguyễn Văn Định
Quy chế này có tính khoa học và kế thừa kinh nghiệm của các kỳ thi trước. Với quy chế mới, kỳ thi năm nay sẽ tiết kiệm rất nhiều tiền bạc và công sức của Nhà nước và nhân dân; đồng thời, tính khách quan công bằng trong kỳ thi sẽ cao hơn.
Ví dụ, việc dùng điểm trung bình môn lớp 12 làm 50% căn cứ xét tốt nghiệp là rất cần thiết, vì kết hợp được điểm thi và cả quá trình học tập, nhưng phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá cho điểm của các trường (qui chế tuyển sinh ĐH, CĐ cũng cho phép các trường dùng điểm lớp 12 để xét tuyển trong đó có qui định ngưỡng điểm ĐH là 6,0 và CĐ là 5,5).
Tuy nhiên, tôi cho rằng, cần có biện pháp để tăng cường tính nghiêm túc tại các cụm thi địa phương, để tránh kết quả “không đều tay” giữa các địa phương và giữa cụm thi địa phương và cụm thi do trường ĐH chủ trì.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cần sớm công bố cụm thi để học sinh chuẩn bị, các địa phương có đủ thời gian rà soát bổ sung các dịch vụ phục vụ kỳ thi.
Về phía Trường THPT Tháp Mười, để chuẩn bị cho kỳ thi, ngay khi quy chế thi chính thức được ban hành, nhà trường đã tiến hành tuyên truyền, phổ biến quy chế mới cho học sinh và gia đình học sinh.
Thông tin mới của các trường ĐH, CĐ cũng được nhà trường thường xuyên cập nhật để để phổ biến cho học sinh của mình.
Chúng tôi cũng tiến hành kiểm tra hồ sơ của học sinh lớp 12, đảm bảo đầy đủ, đúng theo qui chế; rà soát, sắp xếp lại việc chọn lựa môn thứ 4 của học sinh; phân tích kết quả học kỳ I, giữa học kỳ 2; phân loại học sinh theo trình độ để bồi dưỡng đúng đối tượng, đồng thời chú trọng tổ chức thêm các kỳ thi diễn tập cho học sinh.
Theo Giaoducthoidai.vn