Quốc tế kêu gọi kiềm chế ở Trung Đông
Ngày 21/9, Tổng thống Cyprus, ông Nikos Christodoulides, đã kêu gọi các bên liên quan, đặc biệt là Lebanon và Israel, cần kiềm chế trước tình hình căng thẳng đang gia tăng nghiêm trọng tại Trung Đông.
Một tòa nhà bị hư hại tại địa điểm xảy ra cuộc tấn công vừa qua của Israel vào vùng ngoại ô phía nam Beirut, Lebanon, ngày 21/9/2024. (Ảnh: Reuters)
Theo người phát ngôn của ông Christodoulides, lời kêu gọi này được đưa ra trong các cuộc điện đàm riêng với Thủ tướng Lebanon Najib Mikati và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào ngày 20/9.
Cyprus, quốc gia thành viên gần nhất của Liên minh châu Âu (EU) với khu vực Trung Đông, luôn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Lebanon và Israel.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Israel và lực lượng Hezbollah, Cyprus tuyên bố sẵn sàng làm cầu nối cho các nỗ lực ngoại giao và thúc đẩy đối thoại giữa hai bên.
Phát ngôn viên của Tổng thống Cyprus nhấn mạnh rằng, Cyprus cam kết hỗ trợ các nỗ lực giảm căng thẳng để tránh một cuộc xung đột rộng lớn hơn trong khu vực.
Tình hình trở nên đặc biệt nguy hiểm sau vụ không kích của Israel vào khu vực ngoại ô phía nam Beirut ngày 20/9, khiến ít nhất 31 người thiệt mạng, trong đó có 16 thành viên của Hezbollah, theo thông tin từ Bộ Y tế Lebanon.
Vụ tấn công này là một trong những vụ không kích đẫm máu nhất trong năm qua trong bối cảnh xung đột giữa Israel và Hezbollah. Theo các quan chức Lebanon, số người chết bao gồm 3 trẻ em và 7 phụ nữ, trong khi có 66 người khác bị thương, nhiều người trong tình trạng nguy kịch.
Video đang HOT
Nhân viên y tế có mặt tại địa điểm xảy ra cuộc tấn công, khi các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ vẫn đang tiếp tục ở ngoại ô phía nam Beirut, Lebanon, ngày 21/9/2024. (Ảnh: Reuters)
Hezbollah cũng xác nhận trong một tuyên bố rằng trong số các nạn nhân có Ibrahim Aqil, một trong những chỉ huy hàng đầu của lực lượng này, cùng với Ahmed Wahbi, một chỉ huy cấp cao khác cũng thiệt mạng trong cuộc không kích.
Bộ trưởng Giao thông Lebanon Ali Hamieh cho biết, có ít nhất 23 người vẫn đang mất tích dưới đống đổ nát của các tòa nhà bị sập sau cuộc tấn công.
Về phía Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu không đưa ra bình luận chi tiết về vụ tấn công nhưng khẳng định “mục tiêu của Israel đã rõ ràng”.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel, Yoav Gallant, nhấn mạnh rằng, Israel đang bước vào một giai đoạn mới trong chiến dịch quân sự tại biên giới phía bắc và sẽ tiếp tục cho đến khi bảo đảm an toàn cho người dân Israel ở khu vực này.
Quân đội Israel cũng xác nhận, lực lượng nước này đã tiêu diệt ít nhất 16 thành viên Hezbollah trong cuộc không kích tại Beirut.
Trong những ngày gần đây, căng thẳng giữa Israel và Hezbollah đã gia tăng sau một loạt các vụ nổ thiết bị liên lạc của Hezbollah tại Lebanon. Những vụ nổ này đã làm 39 thành viên Hezbollah thiệt mạng và gây thương tích cho hàng nghìn người khác.
Tại Lebanon, Thủ tướng Najib Mikati đã mạnh mẽ lên án vụ không kích của Israel vào khu dân cư đông đúc ở Beirut. Ông gọi đây là “hành động diệt chủng” và cáo buộc Israel không tôn trọng các nguyên tắc nhân đạo, pháp lý và đạo đức quốc tế.
Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc về Lebanon, Jeanine-Hennis Plasschaert cho biết, cuộc tấn công vào khu vực đông dân cư ở ngoại ô phía nam Beirut là một phần của “vòng xoáy bạo lực cực kỳ nguy hiểm với những hậu quả tàn khốc. Điều này phải dừng lại ngay lập tức”.
Bộ Ngoại giao Syria cũng đã lên án cuộc không kích của Israel vào phía nam Beirut, gọi đây là sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và coi thường các chuẩn mực pháp lý khu vực.
Chính phủ Syria cảnh báo rằng việc tiếp diễn các cuộc tấn công như vậy sẽ đe dọa sự ổn định của khu vực.
Ngày 21/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bày tỏ lo ngại về động thái từ Israel, đồng thời kêu gọi các nước phương Tây thực hiện “các bước cần thiết” đối với hành động của Israel, nhằm tránh xung đột lan rộng trong khu vực.
Ông Erdogan cũng kêu gọi các quốc gia và đặc biệt là Liên hợp quốc cần hành động để bảo vệ hòa bình thế giới và bảo đảm viện trợ nhân đạo không bị cản trở.
Hệ thống phòng thủ tên lửa “Vòm sắt” của Israel đánh chặn các quả đạn pháo trong một đợt tấn công từ Lebanon, trong bối cảnh xung đột xuyên biên giới giữa Hezbollah và Israel tiếp diễn, Cao nguyên Golan, ngày 20/9/2024. (Ảnh: Reuters)
Tình hình xung đột giữa Israel và Hezbollah hiện nay được cho là nguy hiểm nhất kể từ cuộc chiến toàn diện giữa hai bên vào năm 2006.
Với ít nhất 70 người thiệt mạng tại Lebanon trong tuần qua, tổng số người chết tại nước này đã vượt quá 740 kể từ tháng 10 năm ngoái, khi Hezbollah bắt đầu bắn đạn pháo về phía Israel.
Cả hai phía đều đã di tản hàng chục nghìn người khỏi các khu vực gần biên giới, làm dấy lên lo ngại rằng xung đột có thể lan rộng ra toàn khu vực Trung Đông.
Hezbollah tuyên bố đã tấn công bằng rocket vào lãnh thổ Israel
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông - Bắc Phi, ngày 18/9, lực lượng Hezbollah tuyên bố đã tấn công bằng rocket vào các tiền đồn của Israel ở khu vực biên giới giáp Liban, sau vụ nổ hàng loạt máy nhắn tin ở Liban khiến ít nhất 12 người thiệt mạng và hơn 2.700 người bị thương.
Ngôi nhà bị phá hủy sau một vụ tấn công bằng rocket từ Liban, tại Kiryat Shmona, miền bắc Israel. Ảnh: THX/TTXVN
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết khoảng 10 quả rocket từ phía Liban được bắn vào khu vực Tây Galilee, tất cả đều rơi xuống khu vực đất trống và không gây thương vong.
Hezbollah cáo buộc Israel đứng sau các vụ nổ máy nhắn tin, đồng thời tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ. Bộ Ngoại giao Iran cũng đã chỉ trích Israel, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế buộc Israel chịu trách nhiệm. Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Iran đã cử các đội cứu hộ và bác sĩ phẫu thuật mắt đến Liban để điều trị cho nạn nhân.
Trong khi đó, Israel vẫn chưa đưa ra bình luận về vụ việc.
Các vụ nổ xảy ra chỉ vài giờ sau khi Israel tuyên bố mở rộng mục tiêu chiến dịch chống Hamas, bao gồm việc đưa khoảng 60.000 người sơ tán trở về nhà ở biên giới phía Bắc giáp Liban.
Cùng ngày, công ty Gold Apollo ở Đài Loan (Trung Quốc) và đối tác BAC Consulting KFT của Hungary tuyên bố không sản xuất dòng máy nhắn tin phát nổ hàng loạt tại Liban.
Phát biểu với báo giới, người đứng đầu Gold Apollo, Hsu Ching-kuang khẳng định 100% các máy nhắn tin này không được sản xuất tại Đài Loan. Trong tuyên bố riêng rẽ, Gold Apollo cho biết đã thiết lập "mối quan hệ đối tác lâu dài" với công ty BAC Consulting KFT của Hungary để sử dụng nhãn hiệu của mình và mẫu máy được đề cập trong các báo cáo truyền thông "do BAC sản xuất và bán".
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của NBC News qua điện thoại, Giám đốc điều hành BAC Cristiana Barsony-Arcidiacono khẳng định dù hợp tác với Gold Apollo, nhưng BAC không sản xuất máy nhắn tin.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã phủ nhận các báo cáo về việc nước này có thông tin nào trước đó về vụ tấn công ở Liban.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước loạt vụ nổ xảy ra tại Liban, coi đây là hành động gây nguy hiểm cho an ninh và ổn định của Liban, đồng thời làm tăng nguy cơ leo thang căng thẳng trong khu vực. EU kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và tránh mọi hành động có thể làm tình hình trở nên phức tạp hơn.
Nga cũng đã lên án loạt vụ nổ trên, cho rằng động thái này có thể "đổ thêm dầu vào lửa" tại Trung Đông, coi đây là "thách thức nghiêm trọng đối với luật pháp quốc tế thông qua việc sử dụng vũ khí phi truyền thống".
HĐBA LHQ thảo luận về quá trình thực thi nghị quyết viện trợ nhân đạo ở Dải Gaza Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ New York, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 16/9 đã tiến hành phiên thảo luận mở về những diễn biến tại Trung Đông, trọng tâm là tình hình nhân đạo ở Dải Gaza và quá trình thực thi Nghị quyết số 2720 của HĐBA. Toàn cảnh cuộc họp HĐBA LHQ tại New...