Quay lưng với Obama, Trump để mất người cố vấn quan trọng
Tổng thống Mỹ hiện không duy trì mối quan hệ với người tiền nhiệm Obama và điều này khiến ông mất đi một nguồn tham vấn hữu ích.
Ông Trump và ông Obama tại cuộc gặp ở Nhà Trắng hồi tháng 11 năm ngoái. Ảnh: AP
Gần 5 tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiễn người tiền nhiệm Barack Obama rời Nhà Trắng trên chiếc trực thăng Marine One. Từ đó đến nay, cả hai chưa nói chuyện hay gặp mặt nhau, theo CNN.
Đối với một tổng thống Mỹ luôn tìm kiếm sự tư vấn bên ngoài Nhà Trắng, từ những bạn bè cũ, chủ doanh nghiệp hay thậm chí cả các lãnh đạo thế giới, ông Trump đã bỏ qua một nguồn cung cấp chỉ dẫn vô cùng quý giá khi phớt lờ người tiền nhiệm, chuyên gia nhận định.
Các cố vấn Nhà Trắng và cựu quan chức chính quyền cho biết nhiều tháng sau khi nhậm chức, ông Trump vẫn chưa phát triển được một mối quan hệ công việc thực chất với cựu tổng thống Mỹ Barack Obama.
Theo thông tin từ các trợ lý, họ còn không trao đổi qua điện thoại. Cả hai không thể hiện bất kỳ nỗ lực hòa giải nào từ thời điểm ông Trump cáo buộc ông Obama nghe lén Tháp Trump ở New York.
Đây dường như là kết quả dễ đoán đối với hai người đàn ông từng xảy ra nhiều xung đột cũng như trái ngược về phong cách điều hành lẫn đường lối chính sách. Song trong lịch sử Mỹ hiện đại, việc một tổng thống đương nhiệm quan hệ “lạnh nhạt” với người tiền nhiệm là điều chưa từng có tiền lệ.
“Tôi nghĩ họ không có mối liên hệ nào với nhau”, David Axelrod, cố vấn cho ông Obama trong nhiệm kỳ đầu tiên, nhận định. “ Tổng thống Obama đã làm mọi việc có thể để giúp đỡ suốt quá trình chuyển giao quyền lực nhưng rõ ràng mối quan hệ giữa họ bị ảnh hưởng bởi nhiều sự kiện khác nhau”.
Nồng ấm theo giai đoạn
Mối quan hệ Trump – Obama không phải lúc nào cũng lạnh nhạt. Quãng thời gian sau khi ông Trump giành chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng hồi tháng 11 năm ngoái, ông Obama đã cố gắng hỗ trợ người kế nhiệm để việc chuyển giao quyền lực diễn ra thuận lợi. Họ thảo luận hơn 60 phút tại Phòng Bầu dục và ông Trump khẳng định cuộc nói chuyện khá “nồng ấm”.
Video đang HOT
Ngày ông Trump nhậm chức, gạt bỏ bất đồng, ông Obama cùng vợ vẫn niềm nở đón tiếp gia đình người kế nhiệm bằng một bữa tiệc cà phê ấm cúng ở Nhà Trắng.
Nhưng từ lúc ông Trump chính thức bước chân vào Nhà Trắng, mọi chuyện dần xấu đi mà đỉnh điểm là ở những dòng bình luận trên mạng xã hội Twitter của Tổng thống Mỹ, cáo buộc người tiền nhiệm ra lệnh nghe lén Tháp Trump.
“Ông ấy đã rất tốt với tôi nhưng sau đó chúng tôi có vài khó khăn”, ông Trump nói về cựu tổng thống Obama trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hồi đầu tháng 5. “Ông ấy dùng những lời lẽ dễ nghe với tôi khi chúng tôi ngồi với nhau. Nhưng sau tất cả, không có bất kỳ mối quan hệ nào”.
Câu lạc bộ tổng thống
Ông Obama chúc mừng người kế nhiệm trong buổi lễ nhậm chức của ông Trump ngày 20/1. Ảnh: AP
Các tổng thống Mỹ thường có xu hướng tìm đến những người tiền nhiệm để xin lời khuyên về công việc, giới quan sát cho hay. Thỉnh thoảng, họ còn kêu gọi thành viên thuộc cái gọi là “Câu lạc bộ tổng thống” thực hiện những sứ mệnh nhân danh nước Mỹ.
Tình trạng lạnh nhạt giữa ông Trump và ông Obama đánh dấu lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ một tổng thống đương nhiệm Mỹ cắt đứt giao lưu, liên lạc với người tiền nhiệm. Điều này đồng nghĩa với việc Tổng thống Trump đang đánh mất đi một nguồn tham vấn vô cùng hữu ích, người hiểu những nghĩa vụ trên chiếc ghế lãnh đạo nước Mỹ hơn ai hết.
“Chỉ có 6 người trên hành tinh này nắm rõ yêu cầu của công việc ấy”, ông David Axelrod nói. “Chỉ dẫn từ họ thường hữu dụng nhưng họ không bắt buộc phải tham vấn”.
Theo ông, việc Tổng thống Trump liên tục cáo buộc người tiền nhiệm nghe lén nhưng lại không đưa ra bằng chứng cụ thể cho thấy “họ dường như không nói chuyện nhiều”.
Hồi tháng 6/2001, lần đầu tiên sau khi hoàn tất chuyển giao quyền lực, tổng thống Mỹ George W. Bush gặp người tiền nhiệm Bill Clinton tại một đám tang ở Boston. Hai người ngồi cùng hàng ghế. Ông Bush lúc bấy giờ chủ động phát triển mối quan hệ thân thiện với ông Clinton, thường xuyên trao đổi qua điện thoại về những khía cạnh công việc mà chỉ họ mới hiểu.
Nhiều ngày trước khi nhậm chức, ông Obama triệu tập một cuộc họp để tham khảo lời khuyên, kinh nghiệm từ các tổng thống Mỹ đi trước về những việc phải làm. Cựu tổng thống Bush chủ trì cuộc gặp mặt. Theo giới sử học, đây là lần đầu tiên tất cả các tổng thống Mỹ còn sống tề tựu ở Nhà Trắng.
Một tháng sau, ông Obama thực hiện cuộc gọi bất thường tới người tiền nhiệm Bush để thông báo rằng ông đang lên kế hoạch rút quân khỏi Iraq. Các trợ lý nhận xét đây không khác gì một biểu hiện “lịch sự” của tổng thống Obama trước người khơi mào cuộc chiến mà ông thề sẽ chấm dứt. Dù ngắn ngủi, cuộc điện thoại vẫn phản ánh rõ nét sự cởi mở trong giao tiếp giữa ông Obama và người tiền nhiệm, chuyên gia đánh giá.
Hồi tháng trước, ông Trump và ông Obama cùng xuất hiện tại châu Âu. Cựu tổng thống Mỹ Obama có cuộc gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin, trong khi ông Trump thực hiện chuyến công du qua hàng loạt nước và gặp các lãnh đạo thế giới tại một hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels, Bỉ.
Bài phát biểu đầu tiên của ông Trump tại trụ sở NATO phải rời sang buổi chiều để đáp ứng lịch trình cuộc gặp giữa bà Merkel và ông Obama, theo các nguồn tin am hiểu vấn đề.
Tuần trước, ông Obama cũng gặp Thủ tướng Canada Justin Trudeau sau khi phát biểu tại Montreal. Cả bà Merkel và ông Trudeau đều tham gia phiên họp của G7 hồi tháng trước ở Sicily, Italy, nơi ông Trump bị cô lập vì một loạt vấn đề, ví dụ như biến đổi khí hậu.
Theo Julian Zelizer, nhà sử gia chuyên nghiên cứu về các đời tổng thống Mỹ tại Đại học Princeton, “dù Tổng thống Trump không thích, việc để ông Obama xuất hiện và trao đổi với các lãnh đạo thế giới… có lẽ sẽ rất hữu ích”. “Ông Obama có thể đảm nhận vai trò ngoại giao mà bản thân chính quyền chưa thể thực hiện được”, Zelizer nhấn mạnh.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Trump nói 'không có quan hệ' với Obama
Tổng thống Trump nói người tiền nhiệm Obama dành cho ông "những lời lẽ tốt đẹp" song cả hai không có quan hệ với nhau.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
"Ông ấy rất tốt với tôi, song sau đó chúng tôi đã có một số khó khăn. Nhưng điều đó không thành vấn đề, tôi coi trọng hành động hơn lời nói. Bạn đã nhìn thấy điều gì xảy ra với vấn đề theo dõi và mọi người cũng vậy", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trong cuộc trả lời phỏng vấn với CBS News, phát sóng hôm 1/5.
Ông Trump cũng lặp lại tuyên bố chưa có căn cứ rằng cựu tổng thống Barack Obama đã ra lệnh nghe lén tháp Trump. Hồi đầu tháng ba, Trump gây nhiều sóng gió khi dùng tài khoản mạng xã hội Twitter cáo buộc Obama ra lệnh nghe lén trong tháp Trump. Nhà Trắng sau đó đã lúng túng về lập trường của Trump và từ chối rút lại cáo buộc. Người phát ngôn của ông Obama phủ nhận cáo buộc.
"Bạn đã thấy điều gì xảy ra với vấn đề theo dõi và tôi nghĩ điều đó không hợp lý", Trump nói với người dẫn chương trình John Dickerson đến từ kênh truyền hình CBS.
"Điều đó có nghĩa là gì, thưa tổng thống?", Dickerson hỏi. Trump đáp: "Bạn có thể tự tìm hiểu".
Khi Dickerson gây sức ép, Trump vẫn giữ lập trường của mình về cáo buộc nghe lén, thậm chí tổng thống Mỹ nói "tôi không dựa trên điều gì cả".
"Lý do tôi hỏi vì ông từng gọi cựu tổng thống Obama là 'phát ớn' và 'tồi tệ'", Dickerson nói, lặp lại những từ ngữ Trump dùng trên Twitter.
"Bạn có thể tự khám phá điều đó. Ông ấy rất tốt với tôi, về những lời nói, nhưng đó là khi tôi ở cạnh ông ấy, còn sau đó không có mối quan hệ nào cả", Trump đáp.
"Quan điểm của tôi đã được chứng minh rất rõ và tất cả mọi người đều nói về nó. Đó là một sự theo dõi quy mô nhằm vào các công dân của chúng ta. Tôi nghĩ đây là một chủ đề lớn và nó nên là ưu tiên số một trong thảo luận. Chúng ta cần tìm hiểu chuyện quái gì đang diễn ra", Trump nói.
Mối quan hệ Trump-Obama từng căng thẳng do cựu tổng thống Mỹ ủng hộ đối thủ của Trump là Hillary Clinton trong chiến dịch tranh cử năm ngoái. Tuy nhiên, Trump và Obama đã tổ chức họp mặt vào tháng 11/2016. Trump nói cuộc gặp là "vinh dự lớn lao" và cho biết ông muốn xây dựng quan hệ tốt hơn với Obama trong tương lai, người được Trump mô tả là "một người đàn ông rất tốt".
Văn Việt
Theo VNE
Quốc hội Mỹ muốn cắt lương hưu của Obama Quốc hội Mỹ tìm cách cắt khoản lương hưu của cựu tổng thống Barack Obama, sau khi ông quyết định nhận 400.000 USD để diễn thuyết. Ông Obama có thể bị cắt lương hưu nếu dự luật được thông qua. Ảnh: Fox News. Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama có thể bị cắt lương hưu sau quyết định nhận 400.000 USD để phát...