Quẳng nỗi lo thi rớt Đại học khối C
Chương trình THẮC MẮC HỌC VÀ THI nhận được rất nhiều câu hỏi đầy tâm trạng và băn khoăn tương tự như của bạn Phan Minh Tâm.
Em năm nay học lớp 11. Em muốn năm sau thi vào khối C, ngành báo chí nhưng em cảm thấy mình không có đủ tự tin để thi ĐH. Em rất sợ bị rớt, nếu thi không đậu thì cảm thấy rất có lỗi với bố mẹ, xấu hổ với bạn bè. Ba môn Văn, Sử, Địa em đều học ở mức trung bình (6.0). Em muốn hỏi làm thế nào để học tốt 3 môn đó vì 3 môn đó là môn học bài nên rất khó thuộc. Và ăn uống như thế nào để có kết quả tốt nhất. Em cám ơn. (Phan Minh Tâm)
Trả lời:
Trước hết là cô hoan nghênh em vẫn còn có đam mê thi khối C, vì những khối xã hội hiện nay bị xem là lạc hậu rồi, đặc biệt là khối này. Và đáng hoan nghênh hơn nữa là em chỉ mới học lớp 11, mà đã biết lo xa, định hướng cho tương lai của mình, như vậy rất tốt!
Em muốn thi vào ngành Báo chí, khả năng đậu của em sẽ tùy vào trường mà em chọn thi, vì mỗi trường là mỗi mức điểm tuyển khác nhau, còn phụ thuộc ở số lượng thí sinh dự thi vào trường năm đó cũng như số lượng thí sinh dự kiến mà nhà trường muốn lấy.
Em cũng biết, khối C gồm những môn bắt buộc phải học thuộc bài, nhất là môn Sử, nếu ngày tháng và các sự kiện mà em quên hoặc lẫn lộn thì “tiêu” rồi! Điểm ba môn khối C của em chỉ ở mức trung bình thì em vẫn có thể cải thiện dần từ giờ cho đến khi kết thúc năm học 12 mà. Nhưng nếu em nhận thấy mình không có một trí nhớ tốt, năng khiếu học bài hay lòng kiên nhẫn, siêng năng , thì tập ngay từ bây giờ đi em nhé! Nếu không, chỉ còn cách đổi lựa chọn sang khối khác.
Nếu em nghĩ thi rớt sẽ có lỗi với cha mẹ, xấu hổ với bạn bè thì em cần nên biết: Chuyện thi rớt là chuyện chẳng ai muốn, quan trọng là chọn được trường vừa tầm sức của mình để đạt được kết quả khả quan. Cha mẹ phải biết sức của con mình và biết cảm thông. Không cha mẹ nào đuổi con ra khỏi nhà vì lý do đó đâu, em an tâm! Bạn bè càng không dám cười chê vì bản thân họ cũng đã phải trải qua những ngày tháng học tập cật lực, cảm giác lo lắng, hồi hộp, chờ đợi kết quả giống như mình. Nếu không may em gặp một người bạn xem thường mình như vậy thì nên “chia tay” với kẻ ấy là vừa! Thời gian sẽ làm người ta suy nghĩ lại!
Video đang HOT
Ăn uống phải đủ chất, đúng bữa, nhất là trong thời gian học 12 và sắp thi. Không chỉ ăn đủ mà còn phải ngủ đủ! Một giấc ngủ đủ và sâu là điều kiện cần thiết để khi thức dậy em có thể “nạp” kiến thức một cách hiệu quả nhất!
Em cũng đừng tạo cho mình áp lực quá nhiều, chuyện rớt – đậu phụ thuộc phần nhiều vào năng lực của em, em không cần phải cảm thấy xấu hổ nếu đã nỗ lực và làm hết sức của mình. Và nếu bố mẹ em hiểu con họ, biết rõ thực lực và những cố gắng của em, họ sẽ không thất vọng nhiều về em đâu, cô tin vậy! Nói như thế không có nghĩa là mình sẽ ngừng phấn đấu thật nhiều hơn nữa đâu nhé!
Chúc em giải tỏa được những lo lắng của mình để yên tâm, bình thản và tìm ra cách học sao cho hiệu quả, bài thuộc nhanh – nhớ lâu!
Theo mực tím
Cựu thủ khoa ĐH Luật TPHCM chia sẻ bí quyết học khối C
"Nếu nghĩ rằng học không được khối A thì vào học đại khối C học khối C là học thuộc lòng... thì đó là quan niệm sai lầm. Học khối C là một năng khiếu...".
Đó là chia sẻ của bạn Đậu Thị Quyên, sinh viên lớp Thương mại 33B, Trường ĐH Luật TPHCM. Kỳ thi tuyển sinh năm 2008, Quyên là thủ khoa khối C của trường này với 24 điểm. Năm đó, cô bạn cũng đỗ thủ khoa Cao đẳng Bách Việt với 25 điểm. Thời THPT, Quyên từng 3 năm liền đạt danh hiệu Học sinh giỏi cấp tỉnh môn Văn học. Khi là sinh viên, cô bé nhỏ nhắn ấy liên tục đạt các danh hiệu: "Sinh viên 5 tốt" "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác 2011" và đạt giải Nhì cuộc thi Euréka 2011 cấp TPHCM. Hiện Quyên đã được nhận vào làm Trợ lý pháp lý tại HTV Investments dù đang làm luận văn tốt nghiệp ĐH.
Trước kỳ thi tuyển sinh năm nay, cựu thủ khoa ĐH Luật TPHCM năm 2008 có vài điều chia sẻ với các thí sinh bí quyết để học tốt ban C. "Là người học ban C, đã trải qua kỳ thi đại học, cao đẳng với 3 môn Văn - Sử - Địa, nên em hiểu tâm trạng của các bạn học sinh đang đi theo khối học này", Quyên tâm sự.
Hiện có quan niệm "đường cùng mới vào khối C", em suy nghĩ như thế nào về "định kiến này?.
Thủ khoa Đậu Thị Quyên: Kinh tế càng phát triển thì mọi người càng hướng vào vòng xoáy lợi nhuận. Kéo theo đó là những ngành học "hot" như kinh tế, tài chính, ngân hàng, ngoại ngữ... và sự quay lưng với những ngành học mang lại giá trị tự thân trong tâm hồn con người.
Lịch sử đã chứng minh, không phải lúc nào số đông cũng đúng. Vẫn còn đó những người đã từng theo học những ngành "hot" đã trải lòng mình với những khó khăn trong cơ hội nghề nghiệp và những người từng theo học những ngành "xưa cũ" tự hào vì đã kiên định con đường theo "nghiệp văn chương" của mình. Xã hội cần thay đổi cách nhìn về sự "phân biệt" các khối học A-B-C-D và chính thế hệ trẻ cần độc lập trong suy nghĩ của mình để chọn cho mình con đường đi dựa trên đam mê và sở thích, chứ không phải là theo trào lưu để rồi đua nhau vào một lối đi, để đến khi nhận ra rằng cuối con đường ấy có khi là một "nút thắt cổ chai" thì đã muộn.
Là người đi trước, từng đỗ thủ khoa, em có thể chia sẻ "bí kíp" học tốt khối C với các thi sinh năm nay?
Khối C là một khối học đặc thù bởi người học cần tư duy về câu chữ chứ không phải là tư duy trên từng con số. Để đạt điểm cao trong các bài thi Văn - Sử - Địa, điều tiên quyết là người học phải có khả năng phân tích, triển khai các ý, liên kết, xâu chuỗi, tổng hợp và nhận xét đúc kết bằng nhận định riêng của mình. Sao chép là điều tối kỵ và "đói" ý tưởng sẽ giết chết bài làm của thí sinh. Do vậy, đã chọn theo khối C thì nên ghi nhớ một chữ "đọc". Phải đọc nhiều, đọc thường xuyên, đọc đi đọc lại nhưng không phải đọc lướt để rồi quên đi những gì đã đọc. Huy động hết sự tập trung của mình để đọc một nội dung được xác định từ trước cho đến khi nó in sâu trong đầu của mình. Càng đọc nhiều thì càng nhớ và càng nghiệm ra những ý tưởng bên ngoài câu chữ, để đến khi đề cập đến vấn đề đó thì tự động viết ra được mà không lẫn lộn với các kiến thức khác.
Những "từ khóa" là hết sức quan trọng và cần phải được ghi nhớ. Lịch trình cần phải được vạch ra và tuân thủ triệt để.
Mệt thì cứ nghỉ, đói thì cứ ăn, buồn ngủ thì cứ ngủ..., không nên ép mình học cố học để rồi sức khỏe bị ảnh hưởng, bởi "một giờ hăng say bằng cả ngày miễn cưỡng". Tuy nhiên, thư giãn cần có giới hạn và phải biết bắt bản thân mình vào "guồng" sau những giờ giải lao.
Với Quyên (bên phải), để học tốt khối C cần phải có khả năng phân tích, tổng hợp...
Vậy với riêng môn Lịch sử thì sao? Nhiều bạn "ngại" các con số ghi sự kiện?
Đối với môn Lịch sử thì không nên có tâm lý "sao mà nhớ nổi các sự kiện?". Bởi lịch sử là một dòng chảy các sự kiện theo thời gian và hãy chinh phục nó theo lộ trình thời gian ấy, để khi học xong sự kiện này, tất yếu phải nhớ vì sao có sự kiện đó xảy ra và cứ lần về trước khi có sự kiện đó, xem có sự kiện gì, sau khi có sự kiện đó, có sự kiện gì... Như thế sẽ không thể lẫn lộn được chiến dịch này với chiến dịch kia, đại hội lần này với đại hội lần kia, tổ chức này với tổ chức kia... Khối lượng kiến thức ba môn thi không nhiều nếu biết học có kế hoạch và không học trước quên sau.
Để thành công với khối C, chắc hẳn phải có một "cú hích"?
Những người theo học khối C, thay vì nghĩ rằng học ra sẽ khó xin việc làm, thì hãy hình dung một cách giản đơn rằng: Đường càng rộng, càng có nhiều người đi. Đường hẹp, ắt sẽ ít người muốn chen chân vào. Con đường khối A, B là một con đường rộng như thế và có nhiều người đi trên đó, họ sẽ phải chiến đấu lẫn nhau để dành cơ hội thành công cho mình. Còn những người theo khối C, họ sẽ không phải va chạm với quá nhiều người, thêm vào đó, mỗi người học khối C sẽ có lối đi riêng của mình để dẫn đến thành công, họ không bị ràng buộc và áp đặt vào một lối đi cụ thể. Đối với khối A, mỗi bài toán sẽ có duy nhất một đáp số, còn đối với khối C, mỗi người là một "đáp số" khác nhau cho cùng một vấn đề. Do vậy, điều tiên quyết là hãy tin tưởng vào sự lựa chọn của mình và kiên định với nó.
Hàng năm, những thủ khoa khối C của các trường vẫn xuất hiện trên các mặt báo để chia sẻ kinh nghiệm và bí quyết học của mình để có được thành công. Hãy tin tưởng một điều rằng: họ làm được thì mình cũng làm được. Quan trọng là ở phương pháp. Từ đó, hãy vận dụng những phương pháp mà mình cho rằng phù hợp nhất với hoàn cảnh và năng lực của mình để áp dụng.
Cảm ơn em về cuộc trò chuyện thú vị này!
Công Quang
Theo dân trí
Ra mắt trang onthi.net.vn Sau gần 2 năm chuẩn bị, trang ôn thi trực tuyến onthi.net.vn đã chính thức ra mắt với học sinh THPT trên cả nước vào ngày 12-12. Với công nghệ học tập hiện đại, trực quan sinh động, trang ôn thi trực tuyến này giúp học sinh học được mọi lúc mọi nơi. Onthi.net.vn cung cấp cho học sinh 8 môn học, gồm:...