Cô thủ khoa học chuyên Toán nhưng rất mê Văn
Với tổng điểm 57,5, Nguyễn Hồng Lê – lớp trưởng lớp 12A2 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Đà Nẵng) vừa đỗ thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT của Đà Nẵng. Học chuyên Toán nhưng cô bạn tự tin cho biết “Học các môn xã hội không khó!”.
Hồng Lê vừa đỗ thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT của Đà Nẵng năm nay với tổng điểm 6 môn thi đạt 57,5 điểm. Cả ba môn Toán, Hóa, Ngoại Ngữ, cô bạn đều đạt 10 điểm tròn. Các môn Văn, Sử, Địa cũng không kém mấy, đều đạt từ 9 điểm trở lên.
Nguyễn Hồng Lê, tân thủ khoa tốt nghiệp THPT của Đà Nẵng.
Học lớp chuyên Toán, cả ba năm lớp 10, 11 và 12, Lê đều có giải học sinh giỏi Toán cấp thành phố. Nhưng cô bạn lớp trưởng lớp 12A2 trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thực sự giỏi toàn diện với điểm tổng kết cuối năm lớp 12 đạt 8,9 điểm, dẫn đầu lớp. Khi được hỏi học ban tự nhiên, có thấy “ngán” các môn học thuộc ban xã hội hay không, Lê cười hiền: “Thật ra theo em nghĩ học các môn xã hội không khó, mà vì tâm lý ngại khó nên các bạn mới “ngán”. Nếu tiếp cận được rồi, các môn học xã hội cũng thú vị lắm”.
Giỏi Toán, nhưng tân thủ khoa tốt nghiệp THPT của Đà Nẵng lại tiết lộ là: “Em cũng mê học Văn lắm. Chính từ hồi cấp hai rồi lên cấp ba, em may mắn được học các thầy cô dạy Văn rất hấp dẫn. Được các thầy cô truyền lửa, em cảm nhận môn học hay và mê hồi nào không biết”.
Luyện thi đại học khối A và thi thêm khối D, Lê thừa nhận phần lớn thời gian cả ở trường và giờ tự học ở nhà, em tập trung học các môn học tự nhiên. Thời gian học các môn xã hội được sắp xếp xen kẽ giữa những giờ làm bài tập các môn tự nhiên. Trong giờ thư giãn giữa các môn học, em cũng tìm đọc thêm kiến thức xã hội bên ngoài sách giáo khoa.
Video đang HOT
Phương pháp học các môn xã hội của cô học trò chuyên Toán khá khoa học: “Em tập trung nghe thầy cô giáo giảng bài để nhớ ý chính. Khi về nhà, em đọc lại một lần để củng cố kiến thức. Với môn Địa thì em rèn vững kỹ năng sử dụng Atlat, rất thuận lợi khi làm bài.
Còn với môn Sử, em không học thuộc lòng, mà chỉ nhớ ý chính. Khi làm bài, từ ý chính, em trình bày kiến thức theo hành văn riêng của mình. Đề thi tốt nghiệp mấy năm gần đây thường ra theo hướng mở chứ không yêu cầu học sinh phải bê từng chữ trong sách giáo khoa vào bài làm, nên em nghĩ để làm bài thi tốt, chỉ cần nhớ ý chính và học hiểu là được, chứ không cần học thuộc lòng”.
Theo cô Bùi Kim Lệ, mẹ của thủ khoa Hồng Lê: “Thấy bé học ở nhà cũng không thức khuya dậy sớm lắm”. Khen con gái nấu ăn ngon hơn cả mẹ, cô Lệ không quên “tố” con gái ngủ nhiều, mẹ phải gọi dậy học bài. Cô bạn thủ khoa cười hiền giải thích: “Ngoài buổi tối ngủ đủ giấc, giấc ngủ trưa với em cũng rất quan trọng. Vì nếu không ngủ đủ giấc em sẽ không làm gì được. Thay vì “cày” bất kể ngày đêm, em chọn những giờ học tập trung thực sự để hiệu quả hơn”.
Thủ khoa Nguyễn Hồng Lê và mẹ.
Ngoài giờ học, chơi đàn và tham gia công tác xã hội là sở thích của cô bạn lớp trưởng lớp chuyên Toán đầy tự tin và rất dễ mến này. Lê cho biết em học đàn từ nhỏ và với những nốt nhạc, em tìm thấy những phút thư giãn thực sự sau những giờ tập trung cho việc học. Trong khi đó, việc tham gia công tác xã hội giúp em có cơ hội có thêm kiến thức xã hội, kỹ năng sống.
Trước mắt, mục tiêu của Lê là vượt qua kỳ thi đại học sắp tới, và cũng với phương châm “cố gắng học hết sức mình thôi”. Lê cho biết, em dự khi khối A vào Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, và dự thi khối D vào Trường ĐH Ngoại thương hoặc ĐH Khoa học và xã hội nhân văn TPHCM.
Khánh Hiền
Theo dân trí
"Mê hồn trận" sách ôn thi tốt nghiệp
Vì lo lắng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT (diễn ra từ ngày 2-4/6 sắp tới), hiện nay không ít thí sinh (TS) đã "tậu" cho mình rất nhiều sách tham khảo (STK). Nhưng, những tài liệu ôn thi này chỉ có ý nghĩa với những đối tượng học sinh (HS) nào? Ở thời điểm "nước đã đến chân" thì STK liệu có cần?
Chiều 18/4, tại nhà sách Nguyễn Văn Cừ, em N.L., học viên của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.5, TP.HCM đứng tần ngần trước một dãy tài liệu ôn thi tốt nghiệp môn Văn. "Em đứng cả tiếng ở đây để đọc, tìm các bài văn mẫu chuẩn nhất nhưng các sách lại na ná nhau nên không biết phải chọn bộ sách nào", N.L. bối rối nói.
Thị trường STK vốn đã "trăm hoa đua nở" nhưng trong những ngày này - khi sáu môn thi tốt nghiệp 2012 đã được công bố và ngày thi đang đến gần, lại càng "rối" hơn. Mới nhất là bộ sách Hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm học 2011-2012 cho sáu môn Văn, Sử, Địa, Toán, Hóa, Anh văn của NXB Giáo Dục. Theo các tác giả, bộ sách này được biên soạn căn cứ vào "hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD-ĐT, bám sát nội dung hướng dẫn ôn tập mà Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các Sở GD-ĐT, các trường THPT thực hiện, nhằm chuẩn bị đầy đủ điều kiện cho HS tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả cao". Phụ huynh và TS chắc chắn sẽ không tiếc tiền khi đọc được những thông tin này.
Ngoài bộ sách kể trên của NXB Giáo Dục, còn có nhiều sách ôn thi tốt nghiệp của các NXB ĐH QG Hà Nội, NXB ĐH QG TP.HCM, NXB Tổng Hợp, sách luyện thi cấp tốc với các dạng bài tập từ đề thi quốc gia của NXB ĐH Sư phạm... với giá bán khoảng hơn 50.000đ/cuốn.
Không chỉ có sách, thị trường tài liệu ôn thi tốt nghiệp THPT năm nay còn có sự góp mặt của những đĩa DVD bài giảng trực tuyến của NXB Giáo Dục. Một phụ huynh loay hoay tìm bộ tài liệu này nhưng trên kệ chỉ còn duy nhất bộ đĩa ôn tập môn Hóa. Với giá bán mỗi đĩa 65.000đ, chỉ riêng bộ đĩa bài giảng môn Hóa (ba đĩa) TS đã tốn gần 200.000đ. Môn Toán có tám đĩa, giá cả bộ là hơn 500.000đ.
Cô Cao Thị Đan Thanh, Trường THPT dân lập Thanh Bình (Q.Tân Bình), nhận xét: "Có nhiều sách ôn thi viết "cạn" nhưng bán đắt như tôm tươi. HS mua sách chỉ tham khảo được vài bài, vì không ít nội dung trong các sách được sao chép qua lại với nhau. Nhiều HS mua STK như mua "bùa hộ mệnh", mua sự an tâm, còn sử dụng thì rất hạn chế". Tương tự, thầy Nguyễn Minh Tâm, GV môn Địa lý Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6) cho rằng: "Nhiều sách ôn tập môn Địa có "vỏ" khác nhau, năm xuất bản khác nhau nhưng ruột lại y hệt nhau".
Phụ huynh đang chọn sách ôn thi tốt nghiệp THPT tại nhà sách Hồng Ân, trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1
Vì danh, vì lợi, nhiều tác giả, nhóm tác giả và các NXB đã cho ra đời những cuốn sách không có giá trị giáo dục và tìm mọi "chiêu" để "móc túi" HS là một thực tế. Có thể thấy rõ điều này qua bộ Cấu trúc đề thi tốt nghiệp được nhóm tác giả của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng - Bộ GD-ĐT biên soạn và xuất bản liên tục trong nhiều năm qua. Đây là một bộ STK bán rất chạy, nhưng nhiều ý kiến cho rằng nó rất phản giáo dục, bởi khuyến khích HS học vẹt, làm thui chột sự sáng tạo trong học tập của HS và giảng dạy của giáo viên làm cho khâu ra đề thi bị công thức hóa. Vụ Sở GD-ĐT Hải Phòng nhân danh Bộ GD-ĐT chỉ đạo HS mua sách Hướng dẫn ôn tập tốt nghiệp THPT của NXB Giáo Dục vừa xảy ra cũng là minh chứng cho thấy thị trường STK đang vô cùng béo bở.
Không thể phủ nhận giá trị của STK, nhưng chọn sách nào trong một "rừng" STK với chất lượng "vàng thau lẫn lộn" thì thật khó cho TS. Thầy Đặng Quang Quỳnh - một chuyên gia luyện thi ĐH, nguyên cán bộ giảng dạy Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - mách nước: "Nên chọn sách của các tác giả có tên tuổi, đặc biệt là khi tác giả vừa là thầy cô giáo đứng lớp vừa viết sách. Khi đó, nội dung kiến thức trong sách sẽ được cập nhật, bám sát yêu cầu của chương trình, phương pháp trình bày được chắt lọc giúp HS dễ hiểu". Thầy Quỳnh cũng khuyên, nếu không tự chọn lựa được sách, HS có thể nhờ thầy cô giáo của mình giới thiệu những quyển sách có chất lượng.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khi chỉ còn hơn một tháng nữa là bước vào kỳ thi tốt nghiệp, thì không phải là lúc đi tìm STK. Thầy Quỳnh nói: "STK phải được dùng song song với sách giáo khoa (SGK), giúp HS dễ dàng đối chiếu để tìm được những ý tưởng mới và mở rộng kiến thức. Vì thế, STK chỉ thích hợp với những HS khá giỏi của từng bộ môn". Cô Lê Thúy Hòa - Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Thái Bình (Q.Tân Bình), cũng có cùng suy nghĩ: "STK chỉ có tác dụng với những HS khá giỏi. Còn với những HS trung bình thì STK chỉ làm rối thêm. Trong bối cảnh thi cử như hiện tại, nếu sử dụng STK không khéo còn có hại". Cô Cao Thị Đan Thanh phân tích: "STK viết quá cao, trong khi đề thi tốt nghiệp lại hỏi những câu bám sát nội dung SGK thì HS sẽ không trả lời được, hoặc làm không sát ý, dẫn đến mất điểm. Vì thế, để việc ôn thi được hiệu quả nhất trong giai đoạn hiện tại, HS chỉ cần bám kỹ SGK, hiểu được bài học một cách căn bản là đủ".
Theo PNO
Thi học sinh giỏi quốc gia 2012: Đề năm nay hay và bất ngờ Đánh giá về đề thi học sinh giỏi quốc gia năm qua (11/01/2012), nhiều học sinh cho rằng đề dễ hơn năm ngoái nhưng có phần độc đáo, bất ngờ. Sáng qua 11/12, 156 học sinh Hà Nội bước vào kỳ thi học sinh giỏi 12 môn Văn, Toán, Sử, Địa, Sinh, Tin, Hóa học, Vật lý, Ngoại ngữ (Anh, Trung, Nga, Pháp)...