Quảng Ngãi tuyển dụng 1.658 giáo viên theo cách mới
Năm 2017 là năm đầu tiên Quảng Ngãi tổ chức thi tuyển công chức, viên chức theo hình thức thi mới, để chọn ra người xứng đáng đóng góp cho giáo dục tỉnh nhà.
Theo thông tin từ Sở Nội vụ Quảng Ngãi, toàn tỉnh có 5.200 thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi tuyển giáo viên năm năm 2017, trong đó có 9 thí sinh bị hủy hồ sơ dự thi vì nộp hồ sơ đăng ký dự thi cùng lúc tại hai nơi.
Các thí sinh đủ điều kiện sẽ dự thi 2 vòng để tuyển chọn 1.658 giáo viên cho 4 bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông.
Tuyển dụng 1.658 giáo viên ở Quảng Ngãi, các lãnh đạo khẳng định tổ chức đúng quy chế (Ảnh minh họa: quangngaitintuc.vn).
Vòng 1 diễn ra từ ngày 21-25/11/2017. Tất cả thí sinh phải thi môn Tin học và Ngoại ngữ trên máy tính.
Toàn tỉnh tổ chức thi tập trung tại một điểm thi ở Trường đại học Phạm Văn Đồng. Đề thi do Viện Khoa học tổ chức Nhà nước thuộc Bộ Nội vụ ra đề. Các thí sinh đạt từ 50 điểm trở lên sẽ bước vào thi vòng 2.
Vòng 2 sẽ được phân cấp, bậc trung học phổ thông do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức; bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở giao cho các huyện, thành phố tổ chức.
Thí sinh sẽ thi 3 nội dung gồm: kiến thức chung, chuyên ngành và thực hành 1 tiết lên lớp.
Vòng thi thứ 2, cả 4 bậc học sẽ diễn ra trong cùng ngày. Đề thi vòng 2 do Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố thực hiện và phải đảm bảo đúng quy trình cách ly như kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, bảo mật và nội dung không được nằm ngoài nội dung ôn tập do Sở Nội vụ phát hành trước đó.
Trả lời báo Quảng Ngãi, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tư Nghĩa, ông Trương Quang Dũng cho biết:
“Đề thi sẽ không vượt quá nội dung ôn tập đã quy định, không đánh đố để mọi thí sinh thể hiện khả năng, đảm bảo khách quan và có sự phân hóa. Tuyệt mật, an toàn, đúng theo yêu cầu tình hình chung.
Ngoài khâu ra đề thi thì khâu chấm thi cũng quan trọng không kém. Ở phần thi thực hành dạy trên lớp, sẽ có 3 giám khảo cùng chấm và thí sinh sẽ bốc thăm để chọn giám khảo chấm thi cho mình chứ không mặc định giám khảo từ trước”.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đỗ Văn Phu, thí sinh bốc thăm để chọn ra 3 giám khảo chấm thi cho mình. Như vậy sẽ hạn chế được thí sinh tiếp xúc với giám khảo, khách quan hơn chỉ định giám khảo nào chấm thí sinh nào.
Các giám khảo ngồi tách biệt nhau và ngay sau khi kết thúc tiết dạy, bỏ phiếu đánh giá vào thùng và tuyệt đối không được bàn bạc, thảo luận.
Video đang HOT
Ông Đoàn Dụng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: “Sẽ không có chuyện gửi gắm do quen biết. Các thí sinh phải tự mình khẳng định năng lực.
Việc thi tuyển sẽ bảo đảm công bằng, đúng quy định. Sau khi trúng tuyển, thí sinh sẽ được ký hợp đồng giảng dạy tại các trường”.
Năm 2017 là năm đầu tiên Quảng Ngãi tổ chức thi tuyển công chức, viên chức theo hình thức thi mới, để chọn được những người xứng đáng có cơ hội đóng góp cho giáo dục tỉnh nhà.
Điểm thi được công bố trước ngày 31/1/2018. Việc tuyển dụng sẽ hoàn thành trước 20/2/2018.
Kỳ thi tuyển giáo viên với quy mô lớn lần này vừa giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên ở các huyện vừa mở ra cơ hội việc làm ổn định, lâu dài cho hàng ngàn giáo viên ra trường đang thất nghiệp, giáo viên đang dạy hợp đồng ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Theo GDVN
Tại sao giáo viên cứ phải cắm đầu "chạy" vào biên chế?
Có một thực tế là nhiều giáo viên hợp đồng tìm đủ mọi cách để có một suất biên chế nhưng có giáo viên lại xin ra khỏi biên chế ngành vì cuộc sống khó khăn.
"Nghịch lý" của nghề giáo
Tôi luôn nghĩ nghề giáo là nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề, đó là những người vì sự nghiệp "lương sư hưng quốc".
Nhiều giáo viên hợp đồng ở Quảng Nam khiếu nại kết quả thi tuyển viên chức giáo dục của tỉnh này. Ảnh trên giaoduc.net.vn
Nhưng khi nghĩ tới sự đối đãi của xã hội dành cho những người thầy, người cô thì còn nhiều nỗi ngậm ngùi, xót xa.
Có một thực tế là nhiều giáo viên đang trong biên chế nhưng vẫn không thể sống được bằng nghề, đành chấp nhận từ bỏ bảng đen, phấn trắng để tìm đường mưu sinh mới.
Đó là câu chuyện của cô giáo ở Thanh Hóa viết đơn xin ra khỏi ngành sau hơn 7 năm gắn bó vì đồng lương ít ỏi, phải sống xa nhà, không nuôi nổi con cái.
Hay cô giáo Kim Anh (huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) cũng chọn con đường rời bỏ "nghề cao quý" ra đi vì thu nhập không đủ sống.
Đó là những người đã chọn con đường rời bỏ chiếc ghế biên chế nhưng vẫn còn đó rất nhiều giáo viên hàng ngày mong ước, "chạy vạy" đủ đường để có một suất biên chế nhưng không được.
Tại sao lại có một nghịch lý như vậy? Có lẽ, không có nhà giáo chân chính nào muốn phải "chạy chọt" để có một suất "biên chế".
Nhưng nếu không vào biên chế thì sự bấp bênh, luôn đối mặt với nguy cơ mất việc giữa chừng đã khiến họ phải "cắm đầu chạy".
Một người bạn của tôi với hơn 10 năm làm giáo viên hợp đồng đã không thể nào thực hiện được lời hứa với cô con gái rằng "con đậu cấp 3 mẹ sẽ mua máy tính xách tay cho con".
Bởi mức lương ba cọc ba đồng của một giáo viên hợp đồng cấp hai khiến đời sống gia đình không thoát khỏi cảnh thiếu thốn đủ bề.
Vậy là họ nghĩ rằng, khi vào được biên chế sẽ ổn định hơn. Còn người đã ở trong biên chế thì "vỡ mộng" bởi bao khát khao, cống hiến cả trí lực, tuổi thanh xuân của họ chỉ đổi lại một cuộc sống chật vật, phải "chia" con ra để gửi về nhờ ông bà nuôi giúp như một cô bạn giáo viên của tôi.
Vì sao phải "chạy"?
Có những lý do sau đây mà giáo viên hợp đồng phải tìm đủ mọi cách để "chạy" vào biên chế:
Công việc thiếu ổn định
Là giáo viên hợp đồng thì luôn phải đứng trước sự lo lắng, khi nào thì mình thất nghiệp? Hiện nay tỉ lệ giáo viên thất nghiệp khá cao.
Ngoài diện biên chế, thì các Trường thường sẽ ký hợp đồng thỉnh giảng đối với các giáo viên.
Hợp đồng thỉnh giảng đó chỉ ký khi có nhu cầu theo từng học kỳ, từng năm học.
Năm nay có thể ký, nhưng năm sau nếu đã phân bổ đủ số giờ dạy cho các giáo viên thuộc diện biên chế thì sẽ ngừng ký hợp đồng thỉnh giảng.
Khi đó các thầy, cô giáo đang làm việc dưới dạng giáo viên hợp đồng sẽ bị mất việc.
Mức thu nhập quá thấp
Hầu hết giáo viên hợp đồng không có lương hàng tháng cố định. Mức thu nhập họ nhận được được tính theo giờ dạy. Vì vậy sự ổn định là không có.
Mức thu nhập đã thấp lại thêm bấp bênh. Kèm theo đó, thông thường giáo viên hợp đồng thường không được thưởng trong các dịp lễ, tết hoặc nếu có thì rất thấp (thường là phần chia sẻ của công đoàn hoặc các giáo viên biên chế trong trường).
"Mất" hết quyền lợi
Đa số giáo viên ký hợp đồng thỉnh giảng (giáo viên hợp đồng) sẽ không được người sử dụng lao động (các Trường) đóng bảo hiểm xã hội.
Vì vậy, các chế độ về bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm thôi việc,... là không có. Các vấn đề về quyền lợi khi ốm đau, sinh đẻ không được đảm bảo.
Không ít giáo viên đã từng phải thốt lên "đau nhưng không dám đi viện". Vì tiền đâu mà khám, chữa bệnh khi không hề có bảo hiểm y tế để giảm bớt đi gánh nặng khi đau ốm.
Ngoài ra thì vấn đề bổ nhiệm đảm bảo các chức vụ sẽ rất hạn chế so với giáo viên thuộc diện biên chế.
Không đủ sống làm sao cống hiến cho nghề?
Từ những thiệt thòi đó để thấy rằng, đời sống của nghề giáo, đặc biệt là giáo viên hợp đồng còn quá thấp và bấp bênh.
Vẫn biết nghề giáo là nghề cao quý, rất ít người theo nghề để đạt mục tiêu làm giàu từ nghề.
Nhưng nếu đời sống không được đảm bảo, họ không sống được bằng nghề thì làm sao có thể cống hiến cho nghề?
Nhiều người bạn làm giáo viên của tôi đã phải bươn chải bằng đủ thứ nghề để có thể nuôi bản thân và gia đình.
Có người ban ngày đi dạy, đêm về đi chở nước mắm thuê đã từng thở dài tâm sự với tôi rằng: "Mình yêu nghề lắm, nhưng không biết có thể bám trụ được bao lâu".
Đó là câu hỏi nhói lòng của rất nhiều người thầy, người cô tâm huyết đứng trên bục giảng.
Thiết nghĩ, để có chất lượng giáo dục tốt thì phải có những giáo viên thực sự tâm huyết.
Điều đó chỉ có thể đạt được khi họ không bị gánh nặng "cơm áo, gạo tiền" đè nặng trên vai.
Theo GDVN
Chuyển giáo viên thừa sang dạy mầm non: Cần thận trọng Để giảm số lượng giáo viên bậc phổ thông (từ tiểu học đến THPT), Bộ GD&ĐT đưa ra giải pháp chuyển đội ngũ này xuống dạy ở bậc học mầm non đang thiếu. Đây chỉ là giải pháp tạm thời bởi nếu làm không cẩn thận sẽ ảnh hưởng lớn đến bậc học đầu đời của các em nhỏ. Theo báo cáo của...