Quảng Ngãi: Những món quà ý nghĩa của thầy cô dành cho học sinh nghèo
Bộ quần áo mới, vài ký gạo hay con bò giống có trị giá hàng chục triệu đồng… là những món quà ý nghĩa mà 600 giáo viên huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi) mang đến cho 640 học sinh có hoàn cảnh khó khăn suốt nhiều năm qua. Việc làm này của những thầy cô giáo vùng cao đã “kéo” các em tiếp tục đến lớp và học tập tiến bộ hơn.
Em Đinh Văn Phong (lớp 4, trường tiểu học số 1 thị trấn Di Lăng, huyện miền núi Sơn Hà, Quảng Ngãi) là con hộ nghèo. Cha mẹ Phong là người dân tộc thiểu số, quanh năm làm thuê cũng chỉ đủ sống qua ngày. Vì thế, việc học của Phong ít được quan tâm nên ở lớp 1 và lớp 2 cậu thuộc diện cần đặc biệt quan tâm về học lực.
Năm học 2017 – 2018, Phong lên lớp 3 do cô Kim Thị Xuân Hải làm chủ nhiệm. Đó cũng là năm ngành Giáo dục huyện Sơn Hà triển khai hoạt động nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Qua khảo sát hoàn cảnh của từng học sinh, cô Hải nhận đỡ đầu Đinh Văn Phong và một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác trong lớp.
Phong có học lực còn hạn chế, tính tình nhút nhát, đôi khi bỏ học ở nhà phụ giúp công việc gia đình. Bởi vậy, cô Hải bắt đầu tiếp cận, nhắc nhở Phong trong việc học trên lớp. Giờ tan trường, cô Hải đưa Phong về nhà để tìm hiểu thêm hoàn cảnh gia đình, động viên cha mẹ Phong không được cho con nghỉ học.
“Nhờ được động viên nên Phong học tập rất tiến bộ, không còn bỏ học như trước. Cháu có sự tiến bộ như ngày hôm nay là nhờ công sức của rất nhiều người chứ không phải của một mình tôi”, cô Hải khiêm tốn chia sẻ.
Suốt 2 năm qua, cô Kim Thị Xuân Hải đã trở thành người thân trong gia đình của em Đinh Văn Phong
Theo chị Đinh Thị Rau – phụ huynh em Đinh Văn Phong, qua một năm được cô Hải quan tâm giúp đỡ lực học của Phong tiến bộ rõ rệt. Đối với Phong, cô Hải đã trở thành người mẹ thứ hai.
“Cô Hải thường xuyên mua sách vở, quần áo mới cho Phong. Vừa rồi cô đã vận động kinh phí tặng cho gia đình tôi và một phụ huynh khác mỗi người một con bò giống. Được các thầy cô quan tâm nên gia đình tôi không dám cho Phong nghỉ học nữa đâu”, chị Rau cho biết.
Cũng lặng thầm với nghĩa cử cao đẹp như cô Hải, nhiều năm qua cô Võ Thị Thanh Thủy – Hiệu phó trường Tiểu học số 2 thị trấn Di Lăng đã đồng hành với cậu học trò tí hon Đinh Hoàng Khít để giúp em được đến trường cùng bạn bè.
Video đang HOT
Lúc mới lọt lòng mẹ, Khít chỉ nặng 0,8 kg. Cũng chính sự bất thường đó nên bố Khít đã bỏ con ra đi khi em mới 9 ngày tuổi. Mẹ Khít sau đó cũng đi làm ăn xa để con cho ông bà ngoại chăm sóc.
Với cơ thể không bình thường, hoàn cảnh nghèo khó nên việc đến trường của Khít không được quan tâm. Mãi đến năm Khít 9 tuổi, thầy cô trường Tiểu học số 2 thị trấn Di Lăng mới vận động được ông bà ngoại Khít cho em đến trường. Cơ thể, sức khỏe Khít không bình thường như bạn bè cùng trang lứa nên em phải học theo chương trình hòa nhập dành cho học sinh khuyết tật.
Được đi học là niềm vui nhưng gia đình Khít quá khó khăn nên em có nguy cơ bỏ học. Chính vì vậy, suốt nhiều năm qua cô Võ Thị Thanh Thủy đã đứng ra hỗ trợ quần áo, dụng cụ học tập cho Khít. Cô Thủy còn vận động nhiều cá nhân hảo tâm quyên góp hỗ trợ cho Khít và gia đình. Chính động lực đó đã giúp Khít được tiếp tục đến trường cùng bè bạn.
Cô Võ Thị Thanh Thủy luôn đồng hành với cậu học trò tí hon Đinh Hoàng Khít.
Đồng hành cùng Khít từ năm lớp 1 đến năm lớp 4, cô Võ Thị Thanh Thủy hạnh phúc khi thấy được sự tiến bộ của cậu học trò tí hon.
“Khít đã trở nên tự tin vui chơi với bạn bè cùng trang lứa. Em đã đọc được con chữ, làm được những phép tính đơn giản. Đối với những học sinh như Khít thì đây là sự tiến bộ bất ngờ”, cô Thủy nói.
Theo Trưởng phòng GD-ĐT huyện Sơn Hà, bà Nguyễn Thị Thành, toàn huyện còn khoảng 800 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi. Gia đình ít quan tâm đến chuyện học nên các em thường có học lực hạn chế và có nguy cơ bỏ học.
Chính vì vậy, hoạt động nhận đỡ đầu học sinh của các thầy cô giáo là giải pháp hữu hiệu giúp các em có nguy cơ bỏ học tiếp tục đến lớp. Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng các thầy cô giáo đã tích cực hưởng ứng hoạt động nhận đỡ đầu học sinh.
“Toàn huyện hiện có trên 600 thầy cô giáo nhận đỡ đầu cho 640 học sinh. Ngoài việc quan tâm, động viên các em trên lớp, các thầy cô còn đồng hành, giúp đỡ các em trong cuộc sống. Đó là động lực lớn để các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi vững tin đến trường góp phần hạn chế tình trạng bỏ học tại huyện miền núi Sơn Hà”, bà Thành nhấn mạnh.
Quốc Triều
Theo Dân trí
Bạn đọc viết: Đừng để trẻ đuối sức khi vào lớp 6!
Năm học mới đã khởi động gần một tháng, hoạt động dạy học diễn ra khá nhịp nhàng. Mọi thứ đang dần vào khuôn khổ, nề nếp. Vậy nhưng, tôi thấy các em học sinh lớp 6 vẫn còn khá lóng ngóng, bỡ ngỡ với môi trường học tập ở trường cấp hai.
Ảnh minh họa
Chuyển cấp học với những đổi thay lớn về môi trường học đường và phương pháp học tập đang tác động khá rõ rệt đối với các em mới chập chững vào lớp 6. Nhiều năm trực tiếp chủ nhiệm và giảng dạy ở lớp đầu cấp này, tôi nhận ra các em đang rất cần sự hỗ trợ, tương tác của bố mẹ và thầy cô.
Những năm tiểu học với cách đánh giá nhẹ nhàng bằng nhận xét, động viên, khuyến khích đã chấm dứt. Giờ đây, các em sẽ đối diện mỗi ngày với điểm số, kiểm tra, thi cử. Đây sẽ là cú sốc lớn đối với con trẻ.
Nếu tiểu học chỉ tập trung cho hai bài kiểm tra trong mỗi học kỳ thì những bài kiểm tra miệng, 15 phút, một tiết sẽ nối tiếp nhau từ môn này sang môn khác rất dễ làm học sinh đuối sức.
Chính vì vậy, các em rất cần sự tư vấn, nhắc nhở, động viên của bố mẹ. Sự đồng hành của bố mẹ trong những bước đi đầu tiên ở trường cấp hai có tính quyết định rất lớn đối với hành trình học tập còn dài phía trước của con cái.
Điểm số trong các bài kiểm tra ở cấp hai sẽ không còn dễ dàng đạt giới hạn tuyệt đối như ở tiểu học. Nhưng điểm 9, điểm 10 sẽ xuất hiện với tần số ít ỏi hơn, ngoại trừ các em thật sự xuất sắc trong mỗi môn học.
Thang điểm đánh giá khá, giỏi cũng đã khác rất nhiều so với tiểu học. Tuy nhiên, không ít trẻ cũng như phụ huynh bị "sốc" khi nhận về những bài kiểm tra điểm 6, 7, 8... Vậy nên, bố mẹ cần thay đổi nhận thức của mình về điểm số, cần chấp nhận năng lực của con với những điểm số không mong muốn ban đầu. Rồi dần dần quan tâm hướng dẫn, động viên con làm quen với hình thức kiểm tra, thi cử mới.
Tôi thường bắt gặp ánh mắt ngạc nhiên và câu hỏi ngây thơ của các em, đại loại là: Tại sao có quá nhiều thầy cô vào lớp? Em không tài nào nhớ hết thầy cô ấy dạy môn nào, phải làm sao?...
Thắc mắc ấy của các em cũng dễ hiểu, bởi ở tiểu học, các em tiếp xúc nhiều với giáo viên chủ nhiệm phụ trách nhiều môn học cùng lúc. Lên cấp hai, các em sẽ học tập dưới sự hướng dẫn của khoảng 12 giáo viên.
Mỗi giáo viên sẽ phụ trách một môn học. Mỗi môn học lại có yêu cầu riêng về sách vở, quy định riêng về nề nếp, kiểm tra, soạn bài... Chính vì vậy, các em cần làm quen với việc liên tục thay đổi giáo viên trong từng buổi học. Tiếp xúc nhiều giáo viên với phong cách giảng dạy khác nhau buộc các em phải thích ứng nhanh với sự thay đổi.
Lúc này, các em rất cần những định hướng cần thiết từ người giáo viên. Giảng dạy lớp 6 trong mấy tuần đầu tiên, giáo viên đừng vội vàng, nôn nóng truyền tải kiến thức, chạy theo chương trình. Hãy dành cho trẻ một khoảng thời gian vừa đủ để làm quen với phương pháp học tập mới.
Hình thức soạn bài ở nhà, cách thức ghi chép bài vở ở lớp, sự chủ động tiếp thu kiến thức, phương pháp tự học... đều còn mới mẻ và lạ lẫm đối với các em. Điều này khiến người giáo viên đầu cấp khá vất vả uốn nắn, trui rèn các em một thời gian.
Vậy nên, đừng xem nhẹ việc hướng dẫn các em cách thức học tập trong những buổi học "vỡ lòng" này. Bởi khi mọi thứ đã vào khuôn khổ một cách nhịp nhàng, các em sẽ nhanh chóng hòa nhập, làm quen với môi trường học tập mới.
Hãy sẵn sàng liên hệ với phụ huynh khi cần thiết! Sợi dây kết nối giữa nhà trường và gia đình càng chặt chẽ bao nhiêu thì sự tiến bộ của con trẻ sẽ vững vàng bấy nhiêu.
Xin đừng để trẻ đuối sức khi "tự bơi" ở lớp 6...
Nguyễn Thùy
(Thừa Thiên Huế)
Theo Dân trí
Đâu phải cứ học sinh dùng son là xấu! Ở nhà trường phổ thông, bản nội quy học sinh (HS) rất quan trọng. Nó cần thiết trong việc định hướng giáo dục và là cơ sở để xử lý HS nếu vi phạm. Thế nhưng nhìn vào thực tế áp dụng hiện nay, có khá nhiều chuyện để bàn. Ảnh minh họa Một thầy giáo chủ nhiệm lớp 10 kể rằng: "Năm...