Quảng Bình: Thiếu biên chế, nguy cơ học sinh không được đến trường
Việc tổ chức dạy học của năm học 2019-2020 của ngành GD&ĐT huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình được xác định là gặp rất nhiều khó khăn và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy học, chăm sóc, giáo dục trẻ… do thiếu 157 biên chế cho ngành GD&ĐT, đặc biệt là bậc học Mầm non của huyện này.
Trường Mầm non xã Sơn Trạch được đầu tư mới 4 phòng học nhưng sẽ không được sử dụng vì không thể huy động trẻ như nhu cầu thực tế vì hiện tại thiếu 8 giáo viên khi bước vào năm học 2019-2020.
Theo báo cáo của phòng GD&ĐT huyện Bố Trạch, năm học 2019-2020, toàn huyện cần 3.137 biên chế, trong khi đó hiện đang thiếu 157 biên chế so với biên chế được giao năm 2018. Trong đó bậc học Mầm non tăng 31 lớp thiếu 106 biên chế; Tiểu học tăng 23 lớp thiếu 35 biên chế; THCS tăng 1 lớp thiếu 2 biên chế.
Từ việc thiếu biên chế quá nhiều đối với bậc học Mầm non, nhiều khả năng ngành GD&ĐT huyện Bố Trạch sẽ không huy động trẻ dưới 5 tuổi đến trường theo quy định trong trường hợp UBND tỉnh Quảng Bình không tăng thêm biên chế và tìm các giải pháp tăng nguồn nhân lực để đáp ứng việc mở các nhóm lớp theo nhu cầu thực tế của nhân dân.
Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện Bố Trạch, có 14 biên chế chưa được giao cho các trường do phải ưu tiên bố trí cho các vị trí giáo viên giảng dạy, trong đó nhân viên y tế Tiểu học thiếu 10 biên chế, cán bộ quản lý cho các trường hạng 1 chưa được giao 4 biên chế…
Qua tìm hiểu về thực trạng này tại trường Mầm non xã Sơn Trạch cho thấy: Năm học 2019-2020 nhà trường cần tổng số 60 giáo viên (tỷ lệ 2 cô/1 lớp) trong đó có 48 giáo viên biên chế và 4 giáo viên hợp đồng, vẫn còn thiếu 8 giáo viên để có thể huy động tổng số trẻ trên toàn địa bàn từ (0-5 tuổi) – hiện có 1.462 trẻ trong đó trẻ số nhà trẻ từ 0-2 tuổi là 602 trẻ; trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi là 860 trẻ.
Trong khi đó, năm học mới biên chế của nhà trường chỉ có 51 giáo viên và chỉ có thể đáp ứng được 744 trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi tương đương 25 lớp (bình quân mỗi lớp 29,7 trẻ). Như vậy, với con số thực tế biên chế được giao, trường Mầm non xã Sơn Trạch vẫn không thể huy động 117 cháu (trong đó 103 trẻ 3 tuổi và 14 trẻ 4 tuổi) đến trường năm học 2019-2020 này.
Bà Trần Thị Nhung, Hiệu trưởng trường Mầm non xã Sơn Trạch chia sẻ: Được sự quan tâm của UBND huyện Bố Trạch và UBND xã Sơn Trạch năm học 2019-2020 nhà trường sẻ có thêm 4 phòng học được đầu tư ở điểm trung tâm giúp lượng huy động trẻ của nhà trường có thể lên đến 30 lớp. Tuy nhiên, vì biên chế không được giao nên hiện tại chúng tôi còn thiếu 8 giáo viên do vậy việc tuyển sinh năm học mới vẫn không thể tăng lớp được.
Nhà trường có 6 điểm lẻ, do điều kiện địa hình và ở cách xa nhau nên những tính toán tập trung các điểm trường để thuận lợi nhất trong việc huy động trẻ là không thể. Chính vì thế hiện tại nhiều phụ huynh bức xúc từ việc con mình không được đến trường như quy định.
Video đang HOT
Thực tế này sẽ tạo nên khó khăn lớn cho phụ huynh học sinh, đặc biệt là những người lao động phục vụ tại các cơ sở du lịch và trung tâm du lịch ở địa bàn bởi con cái họ không thể đến trường.
Ông Trần Quang Vũ, chủ tịch UBND huyện Bố Trạch tâm sự: Hằng năm, từ đánh giá thực tế nhu cầu đến trường của học sinh từng địa bàn, huyện có những điều chỉnh để đầu tư cơ sở vật chất như phòng học, phòng y tế… đảm bảo huy động tối đa lượng trẻ đến trường đối với bậc học mầm non, tuy nhiên việc huy động này sẽ dừng lại bởi không có biên chế giao cho các trường.
Hiện nay, huyện cũng có đề xuất UBND tỉnh Quảng Bình xem xét bổ sung 157 biên chế giáo viên của ngành giáo dục được tỉnh giao còn thiếu của năm 2018. Nếu trong trường hợp không có biên chế giao thêm thì huyện cũng đề nghị được bố trí kinh phí trả vượt giờ cho giáo viên giảng dạy hoặc hợp đồng thêm giáo viên đáp ứng nhu cầu về quy mô trường lớp và học sinh theo quy định.
Trong trường hợp bất khả kháng, ngành GD&ĐT huyện Bố Trạch sẽ từ chối việc huy động trẻ dưới 5 tuổi mà ưu tiên huy động trẻ 5 tuổi trở lên để thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT ban hành.
Rõ ràng, đối với ngành GD&ĐT là một ngành đặc thù do đó số lượng học sinh hàng năm biến động khá rõ ràng, việc thiếu biên chế sẽ ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học, chất lượng dạy học và nhiều bất cập ảnh hưởng đến việc chăm sóc, giáo dục trẻ đặc biệt là bậc học Mầm non.
Từ thực tế như vậy, mong rằng UBND tỉnh Quảng Bình có những hướng giải quyết đảm bảo quyền lợi cho học sinh, đảm bảo thực tế của địa phương. Muốn chất lượng giáo dục được nâng lên thì trước hết chất lượng đội ngũ sẻ phải đảm bảo đủ về số lượng để giải quyết nhu cầu của phụ huynh và giảm tối đa thiệt thòi cho học sinh.
Vĩnh Quý
Theo GDTĐ
Nghịch lý: Học sinh giỏi + đề hay = Điểm thấp!
Học sinh giỏi, đề hay nhưng kết quả thi thấp, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở TPHCM đã "lật bài ngửa" nhiều vấn đề về chất lượng dạy học trong nhà trường.
Xếp loại toàn Khá - Giỏi, điểm thi thấp... lè tè
Nhiều năm gần đây, với cấu trúc đề thi không thay đổi, được đánh giá là hay, khó điểm thi vào lớp 10 của TPHCM cũng tiếp tục... thấp một cách ổn định.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, điểm thi lớp 10 năm học 2019-2020 có gần 49,7% (gần 40.000 thí sinh) có bài thi môn Toán điểm từ 5 trở xuống. Môn tiếng Anh có đến 58,4% bài thi điểm dưới 5.
Trong đó, có hàng trăm bài thi bị 0 điểm và bài điểm 1, 2, 3 nhiều vô kể.
Phải nói, nhiều năm qua đề thi các môn vào lớp 10 của TPHCM được đánh giá rất cao về sáng tạo trong cách thể hiện, có tính thực tế và khả năng đánh giá, phân loại tốt. Đề đưa ra các vấn đề thực tế, tránh tình trạng học vẹt, học tủ, đòi hỏi học sinh (HS) ngoài kiến thức được học, muốn làm được bài tốt phải có khả năng lập luận, tư duy, liên tưởng...
Một giáo viên ở TPHCM chia sẻ, khi tư vấn cho học sinh chọn nguyện vọng vào lớp 10, thầy nói nhỏ với các em hãy dựa vào điểm học kỳ, điểm tổng kết trên lớp của mình. Sau đó, hãy trừ đi 3 - 4 điểm thì thành điểm thực chất của các em để tránh bị "sốc".
Tuy nhiên, đối chiếu kết quả của kỳ thi này sẽ thấy một "độ vênh" lớn với kết quả, xếp loại trên lớp. Thống kê năm 2017 ở bậc THCS của TPHCM có khoảng 73% học sinh đạt học lực Khá - Giỏi.
Tỷ lệ không nhỏ HS có kết quả học tập Khá - Giỏi ở trường nhưng trải qua kỳ thi đã bị sốc khi không đạt nổi mức điểm trung bình. Nhiều phụ huynh "chới với" khi nhìn vào kết quả thi vào lớp 10 của con, ở lớp toàn xếp hạng cao, thi rớt cái... nhẹ bẫng.
Kỳ thi... "lật bài ngửa"
Có thể nói, kỳ thi lớp 10 ở TPHCM tồn tại nghịch lý: HS giỏi đề hay = điểm thấp! Đây là một kỳ thi căng thẳng để "loại" HS vào lớp 10 công lập nhưng lại nhận được nhiều đánh giá tích cực về mặt chất lượng.
Với việc đổi mới đề thi, đảm bảo mức độ đánh giá, TPHCM không "nhẹ tay" để lấy một tỷ lệ đẹp dù nhiều năm qua kết quả thấp, kỳ thi này "lật bài ngửa" rất nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng dạy học.
Học sinh TPHCM trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm 2019
Đó là những vấn đề như việc dạy học ở trường còn chậm chưa theo kịp đổi mới đánh giá; dạy thêm học thêm, bệnh thành tích trong trường học...
Cô N.P.T, một giáo viên dạy Toán ở TPHCM nêu quan điểm, trước ngày thi một vài ngày, các em sẽ được ôn, đúng dạng bài đó để thi vẫn là điều phổ biến trong trường học. Học tủ, ôn tủ hay tủ đã có sẵn, HS cứ vậy mà làm, cách học tư duy bị phá vỡ hết.
Bước vào kỳ thi lớp 10, quy trình "ăn sẵn" này bị phá vỡ, kỳ thi đánh giá thực chất đã "phô bày" mặt bằng tư duy của học sinh TPHCM. Theo cô T., chúng ta phải nhìn nhận, mặt bằng tư duy của HS thành phố còn rất thấp.
Thành tích cao - điểm thi thấp, có những ý kiến nói thẳng rằng điểm thi ở trường chỉ là điểm phản ánh việc học thêm của HS chứ không phải điểm thực chất.
Nhiều giáo viên "buông điểm" theo lộ trình học thêm của học sinh hay cho điểm để lấy thành tích nên khi phải "bơi" bên ngoài, các em "vấp" ngay. Một kỳ thi cũng "lộ" ra nhiều trường còn dễ dãi trong việc đánh giá HS chạy theo thành tích.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM đánh giá đề thi vào lớp 10 của TPHCM nhiều năm thay đổi theo hưởng đổi mới, vận dụng, tư duy... Trong những năm tiếp sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nếu giáo viên không thay đổi cách dạy học thì HS sẽ rất thiệt thòi khi tham gia tuyển sinh.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Những tình huống đời thường cha mẹ dễ bỏ qua nhưng lại ảnh hưởng đến tương lai của con Trẻ em như tờ giấy trắng, cần phải có sự dạy dỗ căn bản, có phương pháp để trẻ phát triển tốt nhất và tạo sự tự tin cho tương lai của trẻ sau này. Nguyên nhân khiến trẻ thiếu tự tin, sống hướng nội Đại đa số bố mẹ trong quá trình trưởng thành của con đều sử dụng những câu nói...