Quảng Bình sẽ phủ sóng lên tận bản biên giới Bạch Đàn
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cho biết sẽ làm việc với các đơn vị, thực hiện chuyến khảo sát để lắp đặt 1 Trạm phát sóng tại xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy để kết nối thông tin liên lạc, internet cho các bản làng vùng cao.
Tối 22/9, ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, lãnh đạo tỉnh sẽ làm việc với các đơn vị, thực hiện chuyến khảo sát để lắp đặt 1 Trạm phát sóng tại xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình để kết nối thông tin liên lạc, internet cho các bản làng vùng cao.
Con đường vào bản Bạch Đàn đầy khó khăn, hiểm trở, thông tin liên lạc không có.
Trước đó, VOV đã có bài “Lên núi dựng lều, bắt sóng học online” phản ánh câu chuyện 2 chị em người đồng bào Vân Kiều ở bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình rủ nhau lên núi dựng chòi, đón sóng 3G để học trực tuyến vì ở trong bản không có sóng điện thoại, không có mạng internet. Câu chuyện xúc động về nghị lực học tập của 2 em ở nơi biên giới đầy khó khăn, vất vả đã chạm đến trái tim của nhiều người.
Video đang HOT
Hình ảnh 2 em học sinh người Vân Kiều dựng chòi đón sóng internet để học online làm xúc động nhiều người.
Sau khi đọc bài báo đó, đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với tác giả bài báo là phóng viên VOV Miền Trung về việc tỉnh sẽ giúp đỡ trường hợp của 2 em học sinh giàu nghị lực học tập được nêu trong bài viết. Hình ảnh 2 em học sinh lên núi cao đón sóng để học online rất xúc động, thể hiện sự hiếu học của các em.
Tỉnh cũng làm việc với Tập đoàn Viettel chi nhánh Quảng Bình để lên hiện trường khảo sát vị trí, địa điểm, tiến hành lắp Trạm phát sóng phù hợp, đảm bảo sóng 4G. Ngoài việc lắp đặt Trạm phát sóng tại xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh này cũng chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo ưu tiên tặng điện thoại thông minh cho học sinh ở vùng này trong Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
“Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người khi thấy hình ảnh 2 em học sinh lên núi cao để tìm sóng để học rất là xúc động. Do đó cần có những hỗ trợ, đồng hành với các em. Trước mắt tỉnh sẽ liên hệ với Vietel chi nhánh Quảng Bình để tài trợ đường truyền. Việc này có ý nghĩa xã hội, nhân văn rất tốt đối với đồng bào dân tộc Vân Kiều, nơi không có sóng điện thoại”- ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết./.
"Sóng và máy tính cho em" giúp học sinh hoàn cảnh khó khăn trong học tập
Các trường học tại TP. Đà Nẵng đang hưởng ứng chương trình "Sóng và máy tính cho em", hỗ trợ kịp thời cho những học sinh hoàn cảnh khó khăn. TP hướng tới mục tiêu, học sinh nào cũng có thiết bị học tập trực tuyến khi chưa thể đến trường do dịch bệnh.
Trong căn nhà xập xệ, 2 bố con em Nguyễn Văn Tâm ở phường Hoà Khê, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng loay hoay sắp xếp bộ bàn ghế đã cũ cho em học bài. Mẹ mất sớm, bố làm nghề sửa chữa xe máy nuôi Tâm ăn học. Dịch Covid-19 kéo dài 2 năm nay khiến đời sống của gia đình Tâm lâm cảnh thiếu thốn triền miên. Năm học mới này, thiết bị để Tâm học trực tuyến là chiếc điện thoại cũ kỹ đã nứt màn hình.
Khi nhận được chiếc máy tính bảng do nhà trường hỗ trợ, Nguyễn Văn Tâm mừng lắm: "Lúc nhận được chiếc máy tính bảng này em rất vui, vì từ giờ em đã có thiết bị để học trực tuyến như các bạn. Màn hình lớn và khi học thì nghe được cô giảng bảng rất rõ".
Ước mơ có chiếc máy tính bảng để học trực tuyến của em Nguyễn Văn Tâm ở Đà Nẵng đã thành hiện thực
Hưởng ứng chương trình "Sóng và máy tính cho em", các trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tích cực vận động, kêu gọi ủng hộ kinh phí mua tặng máy tính. Các nhà mạng còn hỗ trợ sóng 3G, 4G giúp việc học trực tuyến của các em thuận lợi hơn.
Trường Trung học cơ sở Huỳnh Thúc Kháng, quận Thanh Khê có 17 em học sinh chưa có thiết bị để học trực tuyến, nhà trường đã vận động được hơn 90 triệu đồng mua máy tính bảng hỗ trợ học sinh có thiết bị học tập.
Cô Nguyễn Thị An, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngoài việc hỗ trợ thiết bị học tập, tuỳ vào hoàn cảnh của học sinh, nhà trường còn hỗ trợ thêm mỗi em 2 triệu đồng vào dịp đầu năm học. Đến nay, tất cả học sinh của trường đã có đầy đủ thiết bị học tập trực tuyến.
"Ngoài những em thuộc diện chính sách, hộ nghèo thì nhà trường đặc biệt quan tâm đến những hộ gia đình khó khăn, đó là những người làm ăn xa đến sinh sống tại Đà Nẵng đang ở nhà trọ, đời sống kinh tế cực kỳ khó khăn nên việc lo cho các em thiết bị học cũng như mạng internet thì cực kỳ khó khăn. Chính vì vậy nhà trường rất quan tâm đến các đối tượng này để hỗ trợ cho các em có thiết bị học tập", cô Nguyễn Thị An cho hay.
Cô Nguyễn Thị An (bên phải), Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng trao tận tay học sinh hoàn cảnh khó khăn chiếc máy tính bảng.
Chương trình "Sóng và máy tính cho em" là một trong những hoạt động của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện Chỉ thị số 24 ngày 3/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu giáo dục, đào tạo ứng phó với dịch Covid-19.
Đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng đã huy động các nguồn lực, giúp đỡ học sinh hoàn cảnh khó khăn có thiết bị học tập.
Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết, nhiều đơn vị trường học đã đủ thiết bị học trực tuyến cho học sinh:"Chúng tôi chỉ đạo trước mắt là các trường vận động trong cán bộ, giáo viên của mình hỗ trợ cho chính học sinh của trường mình. Ngoài ra, những trường nào vượt quá khả năng của các đơn vị, chúng tôi sẽ có những nguồn khác để đảm bảo rằng mọi em học sinh đều có thiết bị học tập tối thiểu để có thể cùng học với các bạn trong lớp"./.
Phụ huynh lên núi dựng lán tạm cho con "bắt sóng 3G" học online Nhà không có internet, nhiều phụ huynh huyện biên giới Nghệ An buộc phải lên núi cao dò tìm sóng 3G rồi dựng lều tạm cho con học online. Sau một thời gian phải tạm dừng để phòng chống dịch Covid-19 khi xuất hiện một số ca dương tính SARS-CoV-2 trên địa bàn, sáng 16/9, huyện Quế Phong (Nghệ An) bắt đầu quay...