Quảng Bình: Quy chế “tréo ngoe”, hàng trăm học sinh bơ vơ!
Do số lượng thí sinh lớn nên việc tuyển sinh vào lớp 10 tại Quảng Bình năm nay khá căng thẳng. Bên cạnh đó, điều “tréo ngoe” thay, thí sinh chỉ được nộp duy nhất một bộ hồ sơ nên đã xảy ra tình trạng học sinh khi không đậu trường ứng tuyển đã không kịp rút hồ sơ để nộp vào trường khác.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, số lượng học sinh vào lớp 10 năm nay tại Quảng Bình tăng đột biến. Cũng chính vì vậy mà việc tuyển sinh vào các trường THPT khá căng thẳng.
Lượng thí sinh lớn trong khi chỉ tiêu vào trường công lập không thể đáp ứng đã khiến hàng trăm thí sinh buộc phải học nghề hoặc hệ GDTX, bổ túc.
Bên cạnh đó, theo quy chế tuyển sinh vào lớp 10 tại Quảng Bình, học sinh chỉ được nộp duy nhất một bộ hồ sơ để ứng tuyển vào một trong các trường THPT trên địa bàn. Nếu không đậu, thí sinh đó sẽ rút lại hồ sơ để ứng tuyển vào trường khác.
Em Nguyễn Tấn Dũng buồn bã vì không thể vào nổi bất cứ một trường THPT nào
Điều này đã dẫn đến tình trạng hàng trăm học sinh dù đã chạy đua để rút hồ sơ nhưng vẫn không kịp tìm cho mình một trường học ưng ý. Những học sinh này hiện chỉ có thể lựa chọn học nghề hoặc chờ đợi để ứng tuyển trong năm tới.
Tại Trường THPT Phan Đình Phùng (TP Đồng Hới), năm nay có tất cả 680 thí sinh nộp hồ sơ dự tuyển, trong đó chỉ tiêu tuyển sinh của ngôi trường này là 495 em, thời gian nhận hồ sơ là từ 1/6 đến 9/7. Kết quả, 185 em không trúng tuyển.
Sau khi có kết quả, các học sinh không đậu đã vội đến Trường THPT Phan Đình Phùng rút lại hồ sơ, chạy đua để mang đi ứng tuyển ở nhiều trường THPT khác. Thế nhưng vào thời điểm này, các trường THPT trên địa bàn đã ngừng nhận hồ sơ hoặc đã đủ thí sinh.
Dũng và các thí sinh vào lớp 10 tại Quảng Bình chỉ được nộp duy nhất một bộ hồ sơ. Nếu không đậu mới được rút lại để ứng tuyển trường khác
Em Nguyễn Tấn Dũng (SN 2003), trú TDP 1, phường Nam Lý, TP Đồng Hới là một trong những thí sinh không thể vào nổi một trường THPT nào dù điểm tổng kết 4 năm THCS của em trên 6 chấm.
Video đang HOT
Dũng cho biết, em nộp hồ sơ ứng tuyển vào Trường THPT Phan Đình Phùng từ ngày 2/6. Đến đầu tháng 7, khi được thông báo không đạt chỉ tiêu, Dũng đã vội rút hồ sơ để nộp vào Trường THPT Đồng Hới nhưng vì đã quá thời hạn nên không thể ứng tuyển, trong khi đó nhiều trường THPT cũng đã đủ học sinh nên không tiếp tục tuyển sinh.
“Khi biết tin không đậu vào trường Phan Đình Phùng, em đã đến rút lại hồ sơ để nộp vào trường khác. Thế nhưng thời điểm em rút hồ sơ thì các trường THPT còn lại không nhận hồ sơ nữa.
Nếu được nộp hồ sơ vào hai trường thì có lẽ em đã đậu vào một trường THPT công lập rồi. Giờ em cũng chưa biết nên đi học nghề hay chờ sang năm”, Dũng buồn rầu nói.
Trường THPT Phan Đình Phùng năm nay có lượng thí sinh ứng tuyển tăng đột biến
Cũng như em Dũng, em Nguyễn Thành Đạt tại TDP 3, phường Nam Lý cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Hiện Đạt đành phải nộp hồ sơ để theo học nghề. “Nguyện vọng của em là vào trường THPT công lập, thế nhưng em chỉ được nộp duy nhất hồ sơ vào Trường Phan Đình Phùng, nên khi biết không đậu, em đã đi rút hồ sơ nhưng không còn kịp để nộp trường khác. Giờ cũng đành học nghề thôi”, Đạt chia sẻ.
Trao đổi với Dân trí, cô Nguyễn Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng cho biết, vì số lượng học sinh lớn, trường này cũng đã đề xuất xin mở thêm lớp bởi tại ngôi trường này đang thừa giáo viên.
“Năm nay số lượng thí sinh lớn nên tỷ lệ chọi của trường tôi cũng như các trường THPT khác đều cao hơn các năm trước.
Cũng như các trường, dù học sinh có giỏi hơn, hay điểm học cao hơn thì khi đủ học chỉ tiêu học sinh thì chúng tôi sẽ không tiếp nhận hồ sơ nữa. Việc tiếp nhận hồ sơ và xét tuyển đều theo quy chế của Sở GD&ĐT đề ra”, cô Yến nói.
Tiến Thành – Hùng Trần
Theo Dân trí
Quảng Bình: Giáo viên phải đền 60 triệu đồng nếu nghỉ việc không báo trước... 5 năm
Nếu muốn nghỉ việc, các giáo viên tại một trường dân lập ở Quảng Bình phải thông báo trước... 5 năm. Nếu không thông báo trước thời hạn này, giáo viên sẽ phải đền bù 12 tháng lương và số tiền bảo hiểm đã đóng.
Muốn nghỉ phải báo trước... 5 năm
Nhiều giáo viên từng công tác tại các trường thuộc hệ thống giáo dục Chu Văn An, TP Đồng Hới (Quảng Bình) bức xúc phản ánh về việc họ không thể lấy lại bằng gốc đã nộp vì vướng những điều khoản trong hợp đồng lao động đã ký với ngôi trường này. Theo các giáo viên, một số điều khoản trong hợp đồng là không đúng với luật lao động hiện hành.
Theo tìm hiểu của Dân trí, hợp đồng lao động mà hệ thống giáo dục Chu Văn An ký với các giáo viên được nhận vào công tác có quy định, nếu muốn nghỉ việc, giáo viên đó phải thông báo trước 60 tháng. Nếu không sẽ phải đền bù lại toàn bộ chi phí bảo hiểm đã đóng trong thời gian làm việc cộng thêm khoản tiền bằng 12 tháng lương cao nhất.
Cũng theo hợp đồng này, các giáo viên sẽ tự nguyện nộp bằng gốc chuyên môn cho nhà trường và chỉ được nhận lại khi thanh lý hợp đồng lao động.
Hợp đồng lao động của hệ thống giáo dục Chu Văn An có điều khoản giáo viên phải báo trước 60 tháng nếu không sẽ phải đề bù hợp đồng đã ký là 12 tháng lương cùng tiền bảo hiểm đã đóng
Chị Bùi Thị Hà My (SN 1988), trú xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình là một trong những giáo viên chưa thể rút lại bằng đại học gốc vì vướng quy định ngặt nghèo của hợp đồng lao động mà chị đã ký.
Luật sư Phan Thúc Định, hãng luật Giải Phóng, thuộc đoàn luật sư TPHCM cho biết, hợp đồng mà hệ thống giáo dục Chu Văn An đưa ra bị vô hiệu vì trái quy định của pháp luật.
Theo Luật lao động, giáo viên được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và chỉ cần báo trước 45 ngày, chứ không phải chờ đến 5 năm. Việc trường giữ bằng gốc và bắt đền tiền cũng không đúng khi giáo viên chỉ cần nộp bản sao bằng tốt nghiệp và bồi thường nửa tháng tiền lương khi có báo trước đủ thời gian đó.
Hợp đồng lao động là thỏa thuận giữa 2 bên nên cũng liên quan đến Bộ luật dân sự, tuy nhiên thỏa thuận phải nằm trong phạm vi quy định của pháp luật và không vượt quá giới hạn quy định của pháp luật. Có những sự việc có sự chồng chéo giữa 2 luật với nhau nên phải áp dụng luật chuyên ngành, trong trường hợp này phải áp dụng Bộ luật lao động.
Chị My ký hợp đồng làm giáo viên cho Trường THCS Chu Văn An từ tháng 3/2017 với công việc là giáo viên dạy môn Văn. Đến tháng 4/2018, chị My viết đơn xin nghỉ việc và muốn được chấm dứt hợp đồng lao động với nhà trường sau ba tháng thông báo.
"Theo tôi tìm hiểu thì muốn nghỉ việc tôi chỉ cần thông báo trước 45 ngày. Thế nhưng khi tôi xin nghỉ thì trường không đồng ý. Họ cho rằng tôi vi phạm hợp đồng khi không thông báo trước 5 năm. Muốn lấy lại bằng đại học, tôi sẽ phải đền bù số tiền 60 triệu đồng. Số tiền này còn lớn hơn tiền lương mà nhà trường đã trả cho tôi trong thời gian công tác", chị My bức xúc.
Cũng như chị My, chị Phan Thị Quỳnh Thi cũng ký hợp đồng lao động tương tự vào dạy môn tiếng Anh tại hệ thống giáo dục Chu Văn An từ tháng 8/2017, không có thời gian thử việc. Nhận thấy môi trường làm việc không phù hợp chị Thi đã nghỉ việc. Không có tiền nộp, hiện chị Thi vẫn để lại bằng gốc ở trường và đang xin vào làm ở một trung tâm ngoại ngữ nhỏ ở TP Huế.
Muốn giáo viên gắn bó và có trách nhiệm
Trao đổi với Dân trí, bà Đặng Thị Trà, Chủ tịch Hội đồng hệ thống giáo dục Chu Văn An xác nhận có hợp đồng lao động với các điều khoản như nói trên. Hợp đồng này được nhà trường sử dụng để ký với giáo viên vào công tác từ năm 2016.
Bà Trà thừa nhận, việc áp thời hạn 60 ngày và đền bù hợp đồng là chưa đúng và không thực tế. Tuy nhiên, mục đích là muốn giáo viên xác định gắn bó với nhà trường và có trách nhiệm với học sinh. Bà Trà cũng khẳng định, từ năm 2017 đến nay, có 3 trường hợp nghỉ việc trước hạn nhưng không ai phải bồi thường hợp đồng. Thay vào đó, các giáo viên sẽ cam kết tiếp tục công tác đến khi có người thay thế.
"Theo luật thì đúng là giáo viên nghỉ việc chỉ cần báo trước 45 ngày. Thế nhưng, với trường chúng tôi, để tuyển một giáo viên là rất tốn kém và mất thời gian. Chưa kể phải đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đạt yêu cầu. Nếu giáo viên nghỉ dạy giữa chừng, học sinh lại phải gánh chịu thiệt thòi. Các con sẽ hụt hẫng và ảnh hưởng đến chất lượng học khi phải thay đổi giáo viên", bà Trà nói.
Trường THCS và THPT Chu Văn An
Cũng theo bà Trà, hợp đồng lao động trước đây của hệ thống giáo dục Chu Văn An, giáo viên muốn nghỉ việc chỉ cần báo trước 45 ngày và không phải đền hợp đồng. Thế nhưng vì nhiều người vào công tác một thời gian ngắn lại xin nghỉ để tìm công việc mới, gây ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy nên hệ thống giáo dục này mới buộc phải nâng thời hạn lên 1 năm, rồi 5 năm và có quy định đền bù hợp đồng.
"Hợp đồng này chúng tôi đưa cho giáo viên xem từ khi chưa thi tuyển và muốn họ xác định gắn bó lâu dài và có trách nhiệm trước khi vào làm việc. Nếu họ thấy không đáp ứng được thì không ký hợp đồng. Chúng tôi có những điều khoản này bởi trước đây từng có nhiều trường hợp đang công tác tại trường nhưng vẫn đi thi viên chức nơi khác. Chỉ cần đậu là bỏ ngang nên nhà trường không tìm được giáo viên thay thế", bà Trà thông thêm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Thành Đồng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương và Xã hội Quảng Bình cho biết, Sở này đã nắm được thông tin và sẽ có cuộc làm việc với ban lãnh đạo hệ thống giáo dục Chu Văn An để xác minh, làm rõ sự việc.
Tiến Thành - Trần Hùng
Theo Dân trí
Trường ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Hoa Sen công bố điểm sàn xét tuyển Sáng nay (16/7), trường ĐH Kinh tế TPHCM công bố điểm tối thiểu xét tuyển vào trường năm nay ở 2 mức là 16 và 18 điểm. Trong khi đó, trường ĐH Hoa Sen thông báo ngưỡng điểm tối thiểu nhận hồ sơ đối với các ngành, nhóm ngành bậc Đại học của trường từ 14 - 15,5 điểm. Thí sinh tìm hiểu...