Quan điểm khác biệt về khẩu trang giữa người Á Đông và phương Tây
Khẩu trang đã “cháy hàng” tại nhiều cửa hàng trên khắp thế giới vì virus Corona ( SARS-CoV-2) gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tuy nhiên, việc lựa chọn đeo khẩu trang giữa châu Á và phương Tây có nhiều điểm khác biệt.
Người dân đeo khẩu trang tại Tokyo. Ảnh: Reuters
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết ở Đông Á, nơi ký ức về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng (SARS) cách đây 17 năm vẫn mạnh mẽ, việc đeo khẩu trang vốn trở thành tiêu chuẩn.
Nhiều người cho rằng việc đeo khẩu trang là trách nhiệm để giảm nguy cơ lây lan SARS-CoV-2. Nhiều cơ sở kinh doanh chỉ cho khách hàng có khẩu trang được ra vào. Không ít thành phố lớn tại Trung Quốc như Bắc Kinh và Thượng Hải đã ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Nhưng một số chuyên gia khác đánh giá rằng việc rửa tay thường xuyên còn quan trọng hơn khẩu trang trong chống COVID-19.
Chuyên gia Jerome Adams, người phát ngôn về các vấn đề liên quan đến y tế công cộng của Chính phủ Mỹ, đã lên mạng xã hội Twitter kêu gọi mọi người không mua tích trữ khẩu trang bởi có thể gây khó khăn cho người làm công việc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.
Khẩu trang khá phổ biến tại Đông Á, ngoài việc ngăn chặn virus còn có vai trò chống ô nhiễm không khí, tránh thời tiết lạnh. Một ví dụ là Nhật Bản nơi có truyền thống đeo khẩu trang từ thời xảy ra đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918-1919.
Khẩu trang y tế bán tại Sao Paulo, Brazil. Ảnh: AFP
Giáo sư Mitsutoshi Horii tại Đại học Shumei cho biết: “Tại Nhật Bản, đeo khẩu trang là thói quen để chống lại cúm, trong thập niên 80 và 90, người dân sử dụng khẩu trang phòng ngừa viêm mũi dị ứng. Gần đây, công chúng lo ngại ô nhiễm không khí Trung Quốc và bắt đầu đeo khẩu trang”.
Giáo sưu Horii nhận xét: “Người dân Nhật Bản đeo khẩu trang để cảm thấy an toàn hơn. Song tại phương Tây, việc lộ gương mặt quan trọng hơn, do vậy người dân có quan điểm tiêu cực với khẩu trang”.
Giáo sư Mitsutoshi Horii còn nhận định: “Trong giao tiếp xã hội tại phương Tây, việc thể hiện danh tính và giao tiếp bằng mắt. Biểu cảm gương mặt rất quan trọng”.
Nhiều người tại phương Tây cho rằng việc đeo khẩu trang còn gây chú ý không cần thiết và biến họ thành mục tiêu.
Nhưng gần đây, các ngôi sao phương Tây như Bella Hadid, Kate Hudson và Gwyneth Paltrow đều đã đăng lên mạng xã hội những bức ảnh chụp họ đeo khẩu trang. Nhà thiết kế người Croatia Zoran Aragovic còn ra mắt bộ sưu tập khẩu trang đặc biệt vào đầu tháng 3. Vào tháng 2, có 220 cặp đôi đeo khẩu trang đã tham gia đám cưới tập thể tại Philippines.
Du khách đeo khẩu trang tại điểm du lịch ở Italy. Ảnh: The Guardian
Video đang HOT
Tại Mỹ, việc đeo khẩu trang cũng là điều gì đó rất hiếm và người dân không có thói quen này, trừ một số trường hợp đặc biệt như làm trong môi trường ô nhiễm hay ốm. Chính phủ Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến khích rằng chỉ những người có triệu chứng và ốm cũng như nhân viên y tế mới cần phải đeo khẩu trang. Đây là điều khá khác biệt so với nhiều nước châu Á.
Khi dịch COVID-19 lan rộng toàn cầu, xuất hiện 2 luồng ý kiến về việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Luồng ý kiến đầu tiên được Giáo sư William Schaffner tại Đại học Vanderbilt (Mỹ) ủng hộ cho rằng khẩu trang y tế mà người dân thường sử dụng không bảo vệ được cả phần mũi, cằm. Ông cũng quan niệm nói rằng khi ủng hộ người người đeo khẩu trang, nhân viên y tế có thể đối diện với tình trạng thiếu hụt trang bị khi làm việc. Do đó, khẩu trang cần được ưu tiên sử dụng trong môi trường y tế hơn là bên ngoài xã hội.
Tuy nhiên, cũng không ít người phản bác quan điểm này. Chuyên gia David Hui tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) đánh giá đeo khẩu trang có thể giúp bảo vệ trước các bệnh truyền nhiễm như COVID-19.
Người dân đeo khẩu trang khi đi tàu điện ngầm ở thành phố New York (Mỹ) ngày 11/3. Ảnh: Time
Ông Hui nói: “Nếu bạn đứng trước người ốm, khẩu trang sẽ góp phần bảo vệ”. Ông cũng cho rằng vai trò của khẩu trang vô cùng quan trọng ở thời điểm dịch COVID-19 hiện nay. Những bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 đôi khi còn không có triệu chứng do vậy nhiều nhà nghiên cứu lo ngại virus này có thể lây lan ngay cả khi bệnh nhân có vẻ khỏe mạnh.
Chuyên gia Joseph Tsang tại Bệnh viện Authority (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết mục đích của đeo khẩu trang là việc làm “nhất cử lưỡng tiện”. Ông chia sẻ: “Đeo khẩu trang không chỉ góp phần bảo vệ bạn khỏi việc nhiễm bệnh mà còn giảm thiểu khả năng lây lan đến những người xung quanh”. Theo ông Tsang, khi giao tiếp với ai đó trong khoảng cách 2-3 mét, việc đeo khẩu trang là cần thiết.
Theo tờ Time, quan niệm về đeo hay không đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng là vấn đề mang tính khác biệt về văn hóa, lối sống ở các nhiều nước. Tuy nhiên, bất luận thế nào, dịch COVID-19 đang khiến thế giới chao đảo hiện nay đã chứng minh một thực tế rằng, đeo khẩu trang là hành động thể hiện trách nhiệm với bản thân và với cộng đồng nơi bạn đang sinh sống.
WHO cho biết triệu chứng của COVID-19 chủ yếu là sốt, ho và khó thở, khi chụp ảnh phổi có dấu hiệu xơ. Dịch bệnh bùng phát vào cuối tháng 12/2019 và gây hoang mang trong dư luận Trung Quốc sau đó SARS-CoV-2 đã lây lan sang 162 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là châu Âu.
Hà Linh (baotintuc.vn)
Khẩu trang có làm chúng ta 'xa mặt cách lòng'?
Một số nghiên cứu cho thấy con người thường có cảm xúc vui mừng khi nhìn vào nửa dưới của khuôn mặt, và thường có cảm xúc tiêu cực từ nửa trên.
Teele Rebane than phiền đã nhiều ngày cô không thấy được khuôn mặt người, nhưng một số chuyên gia cho rằng khẩu trang là biểu hiện của sự đoàn kết trong những ngày dịch bệnh.
"Hàng trăm cặp mắt, nhưng không một cái mũi, cái môi, cặp má nào", cô mô tả trong một bài viết trên South China Morning Post. Chỉ thi thoảng, mũi của một ai đó lộ ra, thường là người đi làm ngủ gật trên tàu, hay một đứa trẻ đeo sai mà cha mẹ chưa phát hiện ra.
"10 giờ mỗi ngày, tôi dường như vô danh, không có biểu cảm, chỉ là một cặp mắt đằng sau màu xanh của chiếc khẩu trang", Rebane viết.
Hong Kong đã ghi nhận tới 57 ca nhiễm virus corona, đứng thứ tư trong xếp hạng các vùng lãnh thổ của Worldometers, sau Trung Quốc đại lục, Nhật Bản, Singapore. Người dân Hong Kong đã đổ xô đi mua khẩu trang, xếp thành hàng dài. Tâm lý của con người ảnh hưởng ra sao khi nhiều ngày ra ngoài mà không thấy một nụ cười, chỉ có một biển khẩu trang màu xanh - trắng như vậy?
Các nhà máy tăng công suất làm khẩu trang do nhu cầu tăng vọt. Ảnh: AFP.
Cảm giác xa cách giữa biển khẩu trang?
Một số nghiên cứu cho thấy con người thường có cảm xúc vui mừng khi nhìn vào nửa dưới của khuôn mặt, và thường có cảm xúc tiêu cực từ nửa trên.
Tương tự, Teele Rebane cảm thấy dường như xung quanh đều là những cảm xúc tiêu cực. Chưa kể đến nỗi lo thiếu hụt hàng hóa, dù có thể chỉ là tin đồn, cùng các bản tin hoang mang về dịch bệnh "dội xuống như mưa". "Tệ nhất là không còn cảm nhận về con người nữa", cô viết.
Tin tức tiêu cực về dịch bệnh bao gồm những vụ tranh giành giấy vệ sinh ở Hong Kong, chặn xe cướp khẩu trang, cách ly khu chung cư ở Hong Kong, nạn bài ngoài, kỳ thị người châu Á trên thế giới.
Rõ ràng, người tranh giành hàng hóa chỉ coi nạn nhân là một "đối thủ" đằng sau chiếc khẩu trang, chứ không coi họ là một con người cần tôn trọng, Rebane lập luận.
Cô kể với bạn trai một bài nhạc chế về dịch bệnh. Nhưng bạn trai cô đeo khẩu trang, và ánh sáng trên xe buýt khá mờ, cô không biết bạn trai cô có cười hay không. Đó là "cảm giác hoàn toàn xa cách", ở giữa Hong Kong, nơi nhiều thanh niên vốn cả ngày đã khép mình trong những căn hộ nhỏ hẹp hay trước máy tính cơ quan.
Người Hong Kong đeo khẩu trang trong dịch SARS năm 2002-2003. Ảnh: Getty Images.
Hay biểu tượng của tiến bộ y học?
Những "biển khẩu trang" mà Teele Rebane vừa mô tả ở Hong Kong là cảnh tượng lặp lại trên khắp châu Á. "Thế giới đang có sự gián đoạn nghiêm trọng trong thị trường thiết bị bảo hộ... nhu cầu có thể tăng 100 lần so với bình thường, giá có thể tăng 20 lần", Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, cảnh báo vào tuần trước.
Khẩu trang đắt hàng dù riêng việc đeo khẩu trang là chưa đủ để phòng bệnh. Rửa tay thường xuyên quan trọng hơn, theo các chuyên gia y tế.
Christos Lynteris, nhà nhân chủng học y tế tại Đại học St. Andrews, Scotland, nêu ý kiến cho rằng không nên chỉ nhìn nhận cơn sốt khẩu trang dưới góc độ hoang mang, lo sợ dịch bệnh, như cảm nhận của sinh viên Teele Rebane ở Hong Kong.
"Xem xét việc đeo khẩu trang dưới góc độ lịch sử, văn hóa, bạn sẽ thấy ở Trung Quốc, đeo khẩu trang không chỉ là cách bảo vệ... mà còn đánh dấu sự hiện đại về y học, và để làm yên lòng lẫn nhau, giúp xã hội tiếp tục vận hành bất chấp dịch bệnh", ông Lynteris viết trong một bài bình luận trên New York Times.
Khẩu trang y tế được dùng đầu tiên ở Trung Quốc cách đây hơn một thế kỷ - nỗ lực đầu tiên của chính quyền nhằm đối phó một dịch bệnh bằng phương pháp y - sinh học, theo ông Lynteris.
Khi bệnh dịch hạch bùng phát ở Mãn Châu, phía đông bắc Đế chế Trung Hoa mùa thu năm 1910, chính quyền phá vỡ truyền thống dùng đông y, mà giao việc chống dịch cho Wu Lien-teh, một bác sĩ tốt nghiệp Đại học Cambridge, đến từ bán đảo Mã Lai.
Tới nơi dịch đang hoành hành, bác sĩ Wu khẳng định căn bệnh không phải do chuột phát tán, mà do mầm bệnh trong không khí - một giả thuyết đi ngược quan niệm bấy giờ, nhưng sau này đã được chứng minh. Ông yêu cầu y bác sĩ, bệnh nhân, và cả người nhà bệnh nhân đeo khẩu trang, làm bằng vải kẹp trong lớp gạc.
Wu Liande trong một phòng lab ở Cáp Nhĩ Tân, miền bắc Trung Quốc, năm 1911. Ảnh: Thư viện Đại học Hong Kong.
Các đồng nghiệp châu Âu và Nhật Bản vẫn thờ ơ với đề nghị của bác sĩ Wu, cho đến khi một bác sĩ nổi tiếng người Pháp tử vong vì điều trị bệnh nhân mà không đeo khẩu trang. Bệnh dịch hạch làm 100% người bệnh tử vong, nhiều trường hợp chỉ trong vòng 24 giờ từ khi có triệu chứng.
Đến khi dịch kết thúc, 60.000 người đã tử vong, nhưng sáng kiến đeo khẩu trang của bác sĩ Wu được cho là đã cứu mạng vô số người.
Không chỉ để đề phòng, khẩu trang còn là công cụ PR tuyệt vời, chứng tỏ Trung Quốc là nước có khoa học hiện đại. Ông Wu cũng hiểu điều đó, và thường yêu cầu chụp ảnh các hoạt động chống dịch một cách cầu kỳ, làm sao để hình ảnh khẩu trang trở nên nổi bật trước quốc tế.
Khi dịch cúm Tây Ban Nha bùng phát năm 1918, khẩu trang được đeo rộng rãi. Nhưng ở phương Tây, khẩu trang không còn được dùng rộng rãi sau Thế chiến II.
Khẩu trang tạo cảm giác đoàn kết
ỞTrung Quốc, khẩu trang tiếp tục được dùng trong Chiến tranh Triều Tiên, khi lãnh đạo Mao Trạch Đông cáo buộc Mỹ dùng vũ khí sinh học. Đến cuối thế kỷ, người dân Trung Quốc và Hong Kong đều đeo khẩu trang để chống ô nhiễm không khí.
Dịch SARS bùng phát năm 2002-2003, và hơn 90% người Hong Kong đeo khẩu trang. Một lần nữa, hình ảnh khẩu trang được báo chí đăng tải khắp thế giới, khiến khẩu trang càng phổ biến ở khắp các nước Đông Á.
Đồ bảo hộ trong dịch bệnh năm 1911 tại Mãn Châu. Ảnh: Viện Pasteur.
Ở phương Tây, việc đeo khẩu trang bắt gặp một vài ánh nhìn, nhưng ở Đông Á, đeo khẩu trang còn thể hiện sự đoàn kết trong dịch bệnh, ông Lynteris cho biết.
"Nhiều nghiên cứu về dịch SARS cho thấy việc đeo khẩu trang tạo sự kết nối và tin tưởng... Kết luận của nhà xã hội học Peter Baehr đối với dịch SARS cũng đúng ngày nay: 'Văn hóa đeo khẩu trang' tạo cảm giác kết nối, cùng có trách nhiệm với cộng đồng", ông viết trên New York Times. Khẩu trang cũng giúp giảm sự hoảng loạn - mối mối đe dọa khác từ dịch bệnh.
"Đeo khẩu trang là một hành động mang tính tập thể", ông viết tiếp, và cho rằng đây là đặc điểm cần được hiểu rõ khi chống dịch bệnh.
"Mỗi người trong cộng đồng đeo khẩu trang không chỉ để phòng bệnh. Họ đeo khẩu trang còn để chứng tỏ muốn cùng đoàn kết, đối mặt với dịch bệnh".
Trong khi đó, Teele Rebane ở Hong Kong nhớ những biểu cảm khuôn mặt bình dị của mọi người, mà thường ngày ít ai coi là quý giá.
"Tôi muốn thấy học sinh cười trước điện thoại khi bạn bè nhắn tin. Tôi muốn thấy các bà cô nịnh trẻ nhỏ khi video chat với gia đình. Tôi muốn thấy một nụ cười từ người lạ", cô viết trên South China Morning Post. "Chúng ta không còn những tương tác rất bình dị mà thường ngày không để tâm đến".
"Chúng ta phải tìm một cách khác để kết nối với nhau, khi mà tụ tập đông người không được khuyến khích. Hãy liên hệ với người khác, đừng trở thành người lạ vì bạn vô hình. Đừng tranh giành với người lạ một túi gạo. Đừng để Hong Kong biến thành thành phố không chút tình người", sinh viên Đại học Hong Kong tâm sự.
Theo news.zing.vn
Những bài học ứng phó với COVID-19 từ đại dịch cúm Tây Ban Nha 100 năm trước Sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, một đại dịch cúm đã càn quét thế giới khiến ít nhất 50 triệu người thiệt mạng. Từ hậu quả của đại dịch thế kỷ này, thế giới đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý giá trong việc ứng phó với dịch COVID-19 đang lan rộng trên toàn cầu. Thế giới đã rút...