Quan điểm cực hay của 1 phụ huynh về thi và học trường chuyên, hóa ra lâu nay nhiều cha mẹ đang dạy con sai lầm
Câu nói cửa miệng của khá nhiều phụ huynh cũng như nhiều người trong xã hội khi nói về học chuyên luôn là “áp lực lắm, mất hết tuổi thơ”.
Nói về áp lực học hành của con trẻ, dư luận xã hội thường nghĩ đến ngay nguyên nhân là do các trường chuyên tuyển sinh quá khó với những bài thi hóc búa. Để thi vào các trường chuyên, học sinh phải học và luyện thi quá khắc nghiệt. Mọi tội lỗi áp lực học hành dường như đổi lỗi hết cho trường chuyên, lớp chọn và cuối cùng là những kết luận xanh rờn: “Học thế thì mất hết tuổi thơ của con”.
Trên thực tế, nhiều học sinh đỗ vào các trường cấp 2 chất lượng cao như Ams2 hay đỗ các trường chuyên cấp 3 thì lại cho rằng: “Đỗ được là học được” và vì sẵn có tố chất đam mê học hành nên mọi chuyện không quá khó khăn. Và càng không có chuyện các em “mất hết tuổi thơ”, cả ngày cắm đầu học và thi như nhiều người nhận định.
Nhà bác học Albert Einstein từng nói rằng: “Ai cũng là thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây, nó sẽ sống suốt đời với niềm tin rằng nó là kẻ đần độn”.
Như vậy, thi chuyên sẽ “đánh cắp tuổi thơ” của con khi bố mẹ “bắt cá leo cây”. Nghĩa là, bố mẹ đặt kỳ vọng quá cao, bắt con phải thực hiện ước mơ của mình trong khi sức học của con không đủ để học và thi những bài toán khó, những bài văn nâng cao và khả năng tiếng Anh cũng chỉ ở mức bình thường, không xuất sắc.
Không có chuyện các em đỗ vào trường chuyên là “mất hết tuổi thơ”, cả ngày cắm đầu học và thi như nhiều người nhận định. (Ảnh minh họa)
Có một cô bạn tôi tâm sự: “Hồi nhỏ, em không đỗ chuyên toán, cũng do hồi đó bố mẹ em là công nhân, không đủ điều kiện cho em đi học thêm như các bạn trong khu tập thể nên cấp 2 em chỉ được học trường làng, không được học chuyên toán và cấp 3 thi cũng thiếu nhiều điểm. Nên giờ em quyết “phục thù” đầu tư cho con ôn chuyên từ nhỏ”.
Nhưng đáng tiếc, con trai bạn đó chỉ là một học sinh bình thường trong lớp từ tiểu học cho đến cấp 2, chưa bao giờ cháu được các cô chủ nhiệm đánh giá cao khả năng làm toán nổi trội trong lớp, chưa bao giờ là “cây toán” của trường và không được đi thi học sinh giỏi bao giờ.
Tôi thấy con bạn đó thích học tiếng Anh và khuyên cho con theo tiếng Anh. Nhưng phụ huynh đó cho rằng, là con trai thì phải học chuyên toán, không thích học chuyên Anh.
Vấn đề là mẹ thích, chứ không phải con thích. Và tôi chứng kiến cháu bé đó được mẹ cho theo học rất nhiều trung tâm luyện toán nổi tiếng của Hà Nội, học rất nhiều thầy cô luyện chuyên nhưng mùa thi vào trường THCS Hà Nội – Amsterdam năm ấy, cháu bé cũng chỉ được 3,5 điểm toán và điểm tiếng Việt cũng không đủ “cõng” điểm toán nên con bị trượt Ams2.
Nhưng cô bạn tôi vẫn không lùi bước, cấp 2, cô sắp xếp con vào lớp toán của một trường nổi tiếng Hà Nội, cậu bé vẫn chỉ là một học sinh bình thường trong lớp, thậm chí lên lớp 8, 9 còn “đuối”. Cô bạn tôi vẫn cho rằng, ôn luyện vẫn có thể đỗ được chuyên toán cấp 3 nên cho con học thêm.
Video đang HOT
Nhưng mùa thi vào 10 năm đó, con vẫn trượt chuyên và cũng chỉ đỗ 1 trường cấp 3 bình thường. Ngay khi vào cấp 3, con trai bạn tôi không nghe mẹ nữa, chuyển qua học tiếng Anh mục tiêu thi vào ngành quản lý khách sạn.
Đầu năm lớp 12, cậu bé được 7.0 IELTS và ngay sau đó đăng ký vào 1 trường ĐH ở TP.HCM để học ngành quản lý khách sạn với xét tuyển thẳng học bạ, IELTS. Con đường vào đại học của con trai bạn tôi không có dấu ấn niềm kỳ vọng đỗ chuyên toán của con suốt 12 năm học phổ thông nhưng rất may con vẫn kịp thực hiện được ước mơ của mình.
Có rất nhiều phụ huynh như thế, luôn nuôi mộng con đỗ chuyên theo ý thích của mình, cho con đi học thêm hết lớp này đến lớp khác và khiến những năm học trên ghế nhà trường của con mình luôn áp lực và ám ảnh bởi điểm số, trường chuyên, lớp chọn. Đó chính là những phụ huynh mang giấc mơ của mình ra để “đánh cắp tuổi thơ của con”.
Có rất nhiều phụ huynh nhắn tin, điện thoại hoặc đến gặp trực tiếp tôi nhờ tư vấn cho con thi chuyên Anh. Khi trao đổi kỹ, cho các con làm bài test tôi nhận thấy, các con học chưa vững cơ bản và không có đam mê, quyết tâm thi chuyên Anh khi đã lên lớp 9 thì khó có thể chinh phục mục tiêu đó. Tôi nói phụ huynh rằng, nên suy nghĩ lại, đừng bắt con ôn thi chuyên Anh trong “hoàn cảnh” hiện tại. Nhưng chỉ 30% phụ huynh suy ngẫm và nghe theo. Còn lại, đa phần vẫn cố xin và nhồi nhét con học thêm 1 lớp luyện chuyên Anh ở đâu đó với hy vọng con sẽ đỗ. Nhưng sau mỗi mùa thi chuyên, những học sinh như vậy không có “phép màu” nào, không đỗ chuyên trong niềm tiếc nuối của bố mẹ.
Khi con không có tố chất, không có đam mê, học luyện thi hết lớp nọ đến lớp kia thực sự là cực hình nhưng vì lý do con còn nhỏ, vì nếu phản đối sẽ bị mắng và “dập” ngay nên các con buông xuôi và cứ đi học như một cái máy mà kiến thức không vào đầu.
Những học sinh đó không thể có được niềm vui đi chơi thỏa thích, đánh ván cờ với bạn hay đi du lịch nhiều bởi lịch học thêm kín từ trong năm đến hè. Thậm chí, với nhiều nhà, hè là thời điểm vàng để học thêm các lớp mà trong năm học không có thời gian học.
Tại sao con bạn thích vẽ bạn lại ép con học tiếng Anh để thi chuyên Anh? Sao con bạn hát hay, bạn lại bắt con phải học toán thật giỏi? Sao con bạn thích viết văn, làm thơ, bạn lại bắt con phải học toán hay lý để thi chuyên bằng được? Khi con học tiểu học, bạn hãy cho con thỏa thích bộc lộ năng khiếu, sở thích của mình và cho con theo học những môn con yêu thích. Những môn toán, văn, tiếng Anh, hãy cho con học đạt mức cơ bản, nếu con thực sự không có tố chất, khả năng nổi trội để học nâng cao. Có như vậy, tuổi thơ của con mới không bị ám ảnh bởi điểm số.
Bạn có biết nhiều học sinh thành phố không bao giờ biết thế nào là niềm vui được tắm dưới mưa, được chơi một ngày thỏa thích không phải nghĩ đến bài vở?
Ở bất cứ trường, lớp nào khắp các tỉnh thành luôn có những em học sinh bị trầm cảm vì học, dù đó chỉ là số ít. Mỗi mùa thi chuyển cấp, nhiều học sinh phải đi khám bác sĩ tâm thần chỉ vì nỗi sợ hãi thi trượt. Tất cả có lỗi một phần do bố mẹ không hiểu sức con mình ở đâu để đồng hành, chia sẻ mà chỉ biết bắt con phải đỗ lớp nọ, trường kia giống “con nhà người ta”. Đó thực sự là những em học sinh có “tuổi thơ bị đánh cắp”.
* Bài viết thể hiện quan điểm của chị Nguyễn Thị Thanh Hải, tác giả sách “Cùng con bước qua các kỳ thi”.
Thay vì chỉ biết xót xa khi con bị cô lập ở trường, đây mới là 5 điều bố mẹ nên làm để giúp con
"Không ai thích con cả" là câu nói mang tính sát thương mà các phụ huynh nghe được từ con. Nhưng thay vì xót xa hay tức giận thì bố mẹ cần có những hành động cụ thể để giúp con thoát khỏi tình trạng này.
"Các bạn ghét con".
"Con chẳng có bạn nào chơi cùng".
Đây chắc chắn là những điều không bố mẹ nào muốn nghe từ con mình. Theo bản năng, nhiều phụ huynh lập tức xót xa, an ủi và khẳng định ngay với con rằng: Không có bạn chơi cùng không có nghĩa là con có vấn đề. Một số người thì lập tức tìm bạn mới giúp con. Tuy nhiên những việc này nhìn chung không giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
Có những lúc con bị cô lập và cần bố mẹ giúp đỡ rất nhiều (Ảnh minh họa).
Dưới đây là những điều mà cha mẹ nên làm để dạy con cách giải quyết tình trạng bị cô lập.
Lắng nghe con nói
Mỗi đứa trẻ đều có thể có một ngày tồi tệ vì những điều nhỏ nhặt mà con không thích. Có thể là một cuộc tranh cãi nho nhỏ hay vì một món đồ chơi mà con không có. Điều này có thể dễ dàng khiến con bực tức và xả giận ngay khi về nhà bằng những câu nói vô cùng tiêu cực.
Để xác định được tình trạng của con không gì tốt hơn cách lắng nghe. Thông qua hành động này, cha mẹ có thể hiểu rằng con mình đang gặp phải tình trạng gì. Con chỉ đang bực tức hay thực sự bị bắt nạt và cô lập ở trường.
Công nhận cảm xúc của con
Khi nghe con nói, hãy đồng cảm và công nhận những cảm xúc mà con đang trải qua. Cho con biết rằng cha mẹ rất hiểu những điều mà con đang trải qua và cha mẹ ở đây để lắng nghe những điều đó cùng con.
Việc được công nhận cảm xúc sẽ giúp trẻ có thêm trải nghiệm về cảm xúc đó cũng như hình thành khả năng quản trị cảm xúc ngay từ khi còn nhỏ.
Đặt câu hỏi mở
Trong lúc lắng nghe và nói chuyện với con, đừng quên đưa ra những câu hỏi mở để con có thể dễ dàng giãi bày hơn những điều mà con khó nói. Ví dụ như: Tại sao con lại nghĩ vậy?
Cha mẹ sẽ cần nhiều câu hỏi mở tùy vào từng tình huống để dẫn dắt con đến với cảm xúc của mình, nắm bắt và giải quyết nó. Cũng như giúp con tìm hiểu rõ rằng vấn đề mà con đang gặp phải, từ đó con sẽ tự mình nghĩ ra cách giải quyết phù hợp với bản thân.
Thay vì cố gắng giải quyết mọi vấn đề cho con hãy lùi về sau một bước và trao cho con cơ hội được tự quyết định điều mình cần làm. (Ảnh minh họa)
Để con tự mình quyết định việc nên làm
Khi cuộc trò chuyện bắt đầu cởi mở rõ ràng hơn, cha mẹ và con có thể cùng nhau đưa ra nguyên nhân cũng như cách giải quyết cho tình trạng mà con đang gặp phải. Dù sự việc nhỏ hay to, đơn giản hay phức tạp thì cha mẹ vẫn luôn phải để con là người quyết định việc mình sẽ làm.
Đó không chỉ là việc trao quyền cho con mà còn là cách thúc đẩy con tự tin và rèn luyện kỹ năng xử lý vấn đề của mình. Để khi gặp phải những vấn đề tương tự, con sẽ có kinh nghiệm và biết phải làm gì phù hợp với bản thân.
Đánh giá những kỹ năng xã hội của con
Sau khi cùng con vượt qua những khủng hoảng về sự cô lập, cha mẹ sẽ đánh giá được chính xác những kỹ năng xã hội mà con đang có. Nếu con nhút nhát, ngại giao tiếp, chia sẻ hoặc quá quyết đoán cũng có thể rơi vào tình trạng ít bạn chơi cùng.
Cha mẹ cần hiểu về kỹ năng xã hội của con, bồi đắp để con có thể thay đổi bản thân mình. Như vậy sẽ giúp con tự tin, thoải mái hơn trong cuộc sống.
Phân luồng khó khăn vì các trường đua nhau cho điểm tổng kết cao ngất Điểm tổng kết năm học luôn cao ngất ngưởng thì việc phân luồng học sinh sẽ mãi khó khăn và kỳ thi tuyển sinh 10 vẫn cạnh tranh gay gắt, áp lực rất lớn cho xã hội. Việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở là một chính sách đúng, phù hợp với điều kiện phát triển đất...