Quân, dân Trường Sa hối hả chống siêu bão Hải Yến
Giữa mưa to và sóng lớn, các trưởng đảo ở quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) cho Thanh Niên Online biết, ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa từ sáng 9.11 mưa rất to do ảnh hưởng của siêu bão Hải Yến (bão số 14), sức gió từ cấp 7-8 đã lên cấp 10, 11, thậm chí tại một số đảo có gió giật cấp 12.
Tàu cá tránh bão tại âu tàu đảo Song Tử Tây – Ảnh: N.V.D
Mưa to, gió giật cấp 10-12 trên Song Tử
“Công tác chống bão đã chuẩn bị xong từ hôm qua. Chúng tôi cũng đã dùng mọi biện pháp kêu gọi tàu bè ngư dân vào các đảo tránh bão”, ông Nguyễn Viết Thuân, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) nói.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Cường, đảo trưởng đảo Song Tử Tây – một trong những đảo nằm trong tâm cơn bão 14 đi qua – cho hay hiện ở đảo mưa đang rất to, từ sáng gió mới cấp 10 nhưng nay giật lên cấp 12.
“Bộ đội trên đảo đang tích cực phòng chống. Đồ đạc, vật liệu được đưa vào nhà. Một số thứ không đưa vào được thì chúng tôi chằng buộc. Cây cối trên đảo được phát quang để tránh gió”, thượng tá Cường nói.
Song Tử là một trong số những đảo có nhiều tàu thuyền ngư dân vào tránh bão trong siêu bão Hải Yến (tức bão số 14).
Ông Cường cho biết hiện đã có 64 tàu thuyền của ngư dân vào tránh bão. Tàu thuyền được bộ đội, ngư dân kéo và chằng buộc chắc chắn trên bờ để tránh sóng to gió lớn.
Trung úy Nguyễn Hữu Tăng từ Song Tử Tây nói lớn qua điện thoại lúc 12 giờ trưa nay, đã có gần 100 chiếc tàu đánh cá của ngư dân vào tránh bão tại âu thuyền trên đảo Song Tử Tây. Quân dân trên đảo đã tạo điều kiện về chổ nghỉ, thức ăn cho các ngư dân vào tránh bão.Bắt đầu từ sáng 9.11 trên đảo đã có mưa rất to và gió đã mạnh dần lên. Đến 12 giờ trưa nay thì mưa vẫn còn rất to và gió mạnh, biển động mạnh… (N.Bình)
Nằm gần đảo Song Tử, đảo Đá Nam cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão 14.
Thượng úy Bạch Lam Giang, đảo trưởng đảo Đá Nam nói qua điện thoại với PV Thanh Niên Online trong mưa gió: “Mưa ở đảo đang rất to. Từ 10 giờ 15 phút sáng nay, gió từ cấp 8-9 đã giật lên cấp 10-11, thậm chí giật lên cấp 12″.
Thượng úy Giang cho hay từ 17 giờ chiều 8.11, công tác phòng chống bão trên đảo đã xong. Đồ đạc đã được đưa vào nhà. Một số chỗ trên đảo có nguy cơ nước tràn vào được bộ đội lấy bao cát che chắn lại.
“Tàu thuyền không ghé đảo tránh bão mà ghé đảo Song Từ nằm gần đây. Chúng tôi chỉ có nhiệm vụ phát thông tin kêu gọi bà con ngư dân tránh bão thôi. Bà con ngư dân vào các đảo tránh bão ngoài việc được neo đậu tàu thuyền an toàn còn được cung cấp lương thực, nước uống trong thời gian tránh bão”, Thượng úy Giang nói.
Video đang HOT
Quân dân Trường Sa đương đầu với siêu bão
Trong khi đó, Đại tá Ngô Văn Cải, Lữ đoàn trưởng 146, Vùng 4 Hải quân cho biết: “Theo dự báo, cơn bão sẽ đi qua điểm đảo gần nhất là Song Tử Tây, nên từ chiều ngày hôm qua, bộ đội trên đảo đã giúp ngư dân đưa 64 phương tiện tàu thuyền vào âu tàu neo đậu chặt chẽ, tổ chức đưa toàn bộ 736 ngư dân trên các tàu thuyền này lên Nhà tiếp dân của đảo, để tránh trú bão, không để bất cứ một người nào trên tàu thuyền”.
Từ đảo Nam Yết, Trung tá Trần Đình Hòa, Chính trị viên phó đảo Nam Yết gấp gáp: “Hiện tại, khu vực đảo Nam Yết sóng đã lên cấp 6, gió mạnh làm gãy một số cây nhỏ trên đảo!”
Cụ thể hơn, Trung tá Hòa thông tin: Ngay từ khi nhận lệnh từ Bộ tư lệnh Quân chủng, Bộ tư lệnh Vùng 4 và Chỉ huy Lữ đoàn 146, toàn đảo đã tập trung công tác chằng chống nhà của (chèn bao cát, gia cố mái tôn), đặc biệt là việc bảo quản vũ khí khí tài và đảm bảo hầm hào công sự, chèn bao cát không cho nước tràn vào các hố bắn…
Chỉ huy đảo Nam Yết cũng thành lập 2 tổ sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn tàu cá của ngư dân trong khu vực.
Mưa ở đảo đang rất to. Từ 10 giờ 15 phút sáng nay, gió từ cấp 8-9 đã giật lên cấp 10-11, thậm chí giật lên cấp 12
Thượng úy Bạch Lam Giang, đảo trưởng đảo Đá Nam
“Trong trường hợp có tàu cá của ngư dân tiếp tục vào tránh trú bão hoặc gặp nạn ở vùng biển trong khu vực, Tổ Cơ động sẽ dùng xuồng CQ, phối hợp với các tàu Hải quân làm nhiệm vụ trong khu vực, tổ chức cứu hộ cứu nạn, lai dắt vào điểm an toàn và thực hiện sơ tán người lên đảo, đảm bảo thiệt hại thấp nhất về người và tài sản!” – Trung tá Hòa bày tỏ.
Ngoài đảo An Bang, Thiếu tá Bùi Văn Đệ, Chính trị viên đảo cho biết: kế hoạch phòng chống lụt bão đã được xây dựng từ trước, đối với cơn bão Hải Yến này, do dự báo cường độ mạnh, ngay từ hôm qua, toàn đảo đã tập trung vào các công việc chằng chống nhà cửa. Đặc biệt, với hệ thống thông tin liên lạc, cho hạ độ cao và chằng buộc cẩn thận – tiện lợi, vừa đảm bảo an toàn vừa sẵn sàng chiến đấu, phục vụ nhiệm vụ đột xuất!”.
Do An Bang là đảo cực Nam, việc vận tải tiếp tế thời gian qua rất khó khăn nên ngoài lực lượng làm nhiệm vụ vứu hộ cứu nạn, Ban Chỉ huy đảo còn thành lập 3 tổ Cơ động, sẵn sàng làm nhiệm vụ ứng cứu – di chuyển lương thực thực phẩm, khi có mưa to gió lớn.
“Ngay từ hôm qua, đã thành lập 3 Tổ Quân y cơ động có nhiệm vụ ứng cứu tàu thuyền trên phạm vi toàn Quần đảo, dặt tại các đảo Phan Vinh, Nem Yết, Sinh Tồn. Khi có trường hợp xảy ra, các Tổ sẽ cùng các tàu của Lữ đoàn 162, Lữ 125… cơ động xử lý, trong mọi điều kiện thời tiết” – Đại tá Ngô Văn Cải cho biết vậy và khẳng định: “Bộ độ và nhân dân trên 33 điểm đóng quân tại Quần đảo Trường Sa đang trong tư thế sẵn sàng đón bão”.
Còn Thượng tá Phạm Văn Hòa, Đảo trưởng đảo Trường Sa Lớn thì cho hay, do siêu bão Hải Yến đi vào đất liền theo hướng Tây Bắc của biển Đông trong khi đảo Trường Sa Lớn nằm ở phía Nam nên ít ảnh hưởng từ bão.
“Thời tiết trên đảo đang rất lặng gió, không có mưa”, thượng tá Hòa nói.
Về công tác phòng chống bão, thượng tá Hòa cho biết do đảo Trường Sa Lớn là đảo lớn, lại là trung tâm hành chính của quần đảo Trường Sa nên mọi thông tin về bão được bộ đội, cơ quan khí tượng trên đảo cập nhật hàng giờ để phát đi các đảo.
Thượng tá Hòa nói: “Công tác phòng chống bão được chúng tôi đưa lên hàng đầu. Chúng tôi cũng dùng các biện pháp để kêu gọi tàu thuyền của bà con ngư dân vào các đảo tránh bão”.
Ông Nguyễn Viết Thuân, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa cho hay ngoài các biện pháp kêu gọi thông thường như bộ đàm, truyền tín hiệu thì các đảo còn dùng hệ thống phát sóng dân sự để kêu gọi tàu bè của ngư dân vào những nơi trú ẩn an toàn.
“Thông tin anh em báo về thì từ chiều qua đến nay đã có rất nhiều tàu bè của bà con ngư dân, kể cả tàu nước ngoài vào các đảo tránh bão”, ông Thuân nói.
Theo TNO
90.000 dân Quảng Ngãi sơ tán
Là địa phương đầu tiên có khả năng hứng bão, sáng nay, Quảng Ngãi đã sơ tán gần 90.000 người. Dân chúng đang tập trung giằng chống nhà cửa, tài sản để chống chọi.
Nhận định siêu bão Haiyan với gió giật mạnh hơn 220km/h sẽ đổ bộ, sáng nay tỉnh Quảng Ngãi kêu gọi người dân tập trung giằng chống nhà cửa nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Người dân ở các huyện ven biển tất bật mua cát, bao tải để chằn lên mái nhà.
"Chúng tôi đang cố gắng làm hết những gì có thể, hi vọng chống chọi được với cơn bão đáng sợ này", anh Tô Văn Dũng ở xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn nói trong khi đang dùng dây dừa kéo bao tải cát lên mái nhà sáng 9/11.
Hàng nghìn hộ dân ở làng chài Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn tất bật mang bao tải ra bãi biển dồn cát mang về làm bờ bao trước nhà.
Gia đình ông Võ Ngôn ở xã Bình Hải dùng dây thừng buộc mái nhà, neo bằng cống thoát nước bê tông.
Gom hết ngư cụ, dụng cụ nấu ăn vào một góc sân, vợ chồng anh Võ Thanh Hải ở làng chài Phước Thiện lấy ghe thúng úp lại, buộc chặt phòng ngừa nước biển dâng cao trong siêu bão sẽ cuốn trôi ra biển.
Còn ngư dân ở 6 huyện ven biển và huyện đảo Lý Sơn đã đưa tàu thuyền vào nơi trú tránh hoặc đưa lên vùng cao dùng dây thừng buộc vào những cột nhà kiên cố để tránh hư hỏng, sóng cuốn trôi.
Quảng Ngãi sơ tán hơn 22.000 hộ dân với khoảng 87.000 người ở các vùng trũng ven sông, nhà cấp 4 ở ven biển, hải đảo, vùng nguy cơ sạt lở núi, lũ quét đến vùng cao an toàn. Trưa nay, bầu trời ở tỉnh này mù mịt màu xám tro, gió mạnh dần lên. Theo dự báo, rạng sáng 10/11, huyện đảo Lý Sơn là nơi hứng bão đầu tiên.
Xe ba gác máy giúp người dân các làng chài ven biển vận chuyển đồ đạc, trong đó có két sắt của người dân đến vùng cao an toàn.
Khiêng cả tủ lạnh rời nhà đi tránh bão.
Xe lôi vận chuyển bàn ghế, xoong nồi trưa nay.
Theo VNE
Miền Trung cấp tập chống bão Haiyan Một ngày trước khi bão Haiyan đổ bộ, các tỉnh ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã lên phương án di dời dân, chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền... Là địa phương đầu tiên có khả năng hứng bão, sáng 9/11, Quảng Ngãi đã sơ tán hơn 22.000 hộ dân với khoảng 87.000 người ở các vùng trũng...