Quận 12: Xuất hiện lớp lấy Quỹ Ban đại diện CMHS để bồi dưỡng cho giáo viên
Trong bảng theo dõi thu chi hoạt động lớp 2/1 của Trường tiểu học Thuận Kiều, quận 12 có khoản chi tiền bồi dưỡng cô bảo mẫu của lớp là 2 triệu đồng.
Một phụ huynh gửi tới phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam một bảng kê theo dõi thu chi hoạt động của lớp 2/1.
Bảng theo dõi thu chi này được cho là xuất phát từ Trường tiểu học Thuận Kiều, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh.
Lại lấy tiền của phụ huynh bồi dưỡng giáo viên
Căn cứ vào bảng này có thể thấy, thu tiền quỹ đầu năm và tiền lắp máy lạnh của lớp này ghi rõ là 43,5 triệu đồng, cộng với 500.000 đồng còn tồn từ đầu năm, thì tồn cuối là 44 triệu đồng.
Khoản chi tiếp theo là chi cho cô bảo mẫu 2 triệu đồng. Chi tiền mua 2 máy lạnh hết 26,2 triệu đồng.
Chi tiền ủng hộ hoạt động của Hội cha mẹ học sinh trường 9,8 triệu đồng. Như vậy, tồn cuối của quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh lớp chỉ còn 6 triệu đồng.
Bảng kê theo dõi thu chi các hoạt động của lớp 2/1 Trường tiểu học Thuận Kiều, quận 12 (ảnh: PHCC)
Phụ huynh đặt vấn đề, tiền của quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thì sao lại chi để bồi dưỡng giáo viên?
Việc ủng hộ 9,8 triệu đồng cho quỹ cha mẹ học sinh trường không thấy hỏi ý kiến phụ huynh. Khi phụ huynh hỏi thì cô giáo chủ nhiệm nói đó là tiền xã hội hóa giáo dục trong học kỳ 1, nếu vậy thì trong học kỳ 2 có phải đóng cho trường tương tự như vậy không?
Phụ huynh mong phóng viên tìm hiểu, để người dân bớt khổ về các khoản đóng tiền do ban đại diện cha mẹ học sinh đề nghị.
Hiệu trưởng nhà trường nói gì?
Chiều ngày 21/10, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lê Thị Thoa – Hiệu trưởng Trường tiểu học Thuận Kiều, quận 12 và giáo viên chủ nhiệm lớp 2/1 đã có những giải thích liên quan đến các thắc mắc của phụ huynh.
Video đang HOT
Cô Đ.là giáo viên chủ nhiệm lớp 2/1 cho biết, tiền bồi dưỡng cho cô bảo mẫu là do đầu năm học, có một khoảng thời gian trong tháng 8 học sinh chưa học 2 buổi, chưa có bán trú, nên các cô bảo mẫu chưa có lương. Từ tháng 9, các cô bảo mẫu mới được tính lương.
Thế nhưng, ở lớp 2/1 vẫn có nhu cầu có bảo mẫu để quét dọn vệ sinh, thực hiện một vài công việc của lớp, nên có hai cô bảo mẫu được giáo viên đề xuất tặng tiền bồi dưỡng. Một cô bồi dưỡng 200.000 đồng, do làm ít thời gian rồi nghỉ, còn một cô khác được tặng 2 triệu đồng do làm lâu hơn.
Do thương bảo mẫu, nên cô giáo chủ nhiệm có đề xuất lấy tiền cá nhân để chi trả cho các cô bảo mẫu, nhưng các cô lại không chịu. Chính vì vậy, cô Đ. mới nhờ chồng chuyển 2 triệu đồng từ tài khoản cá nhân vào tài khoản của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, coi như đó là tiền của quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh lớp tặng cho cô, có ghi vào danh sách thu chi, nhưng thực chất đó là tiền của cá nhân.
Cô Đ. giải thích thêm, tiền quỹ đầu năm và tiền lắp máy lạnh hết 43,5 triệu, là do tiền quỹ mỗi phụ huynh đóng 300.000 đồng, còn tiền phụ huynh ủng hộ thêm 300.000 đồng/em để lớp tiến hành lắp máy lạnh, kể cả các chi phí khấu hao sản phẩm khi dùng.
Như vậy, tổng cộng là phụ huynh đóng 600.000 đồng cho hai khoản này.
Chi tiền mua 2 máy lạnh là 26,2 triệu đồng, nhưng thực chất đã có một phụ huynh là mạnh thường quân tặng 1 máy, còn phụ huynh chỉ phải bỏ tiền ra mua 1 máy (khoảng 13 triệu đồng).
Với việc ủng hộ 9,8 triệu đồng cho quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh trường, cô Lê Thị Thoa cho hay, đó là tiền xã hội hóa giáo dục, chi cho các chương trình hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh trường để khen thưởng học sinh, hỗ trợ chi phí học sinh trường tham gia các phong trào.
Trường tiểu học Thuận Kiều, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: P.L)
Khi họp ban đại diện cha mẹ học sinh trường có đề nghị mỗi lớp ủng hộ khoảng 50% kinh phí của lớp để dành chi cho việc này.
Như vậy, trả lời câu hỏi của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc liệu vào học kỳ 2 thì các lớp có cần phải tiếp tục ủng hộ kinh phí cho ban đại diện cha mẹ học sinh trường không thì cô Lê Thị Thoa khẳng định, nếu sau khi chi hết cho các hoạt động của học kỳ 1 mà kinh phí vẫn còn thì học kỳ 2 các lớp sẽ không phải ủng hộ nữa.
Còn nếu đã hết rồi thì trong học kỳ 2, các lớp vẫn phải tiếp tục ủng hộ giống như trong học kỳ 1.
Cũng theo cô Thoa, kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh ghi là 300.000 đồng, nhưng cũng có phụ huynh ủng hộ ít, cũng có phụ huynh ủng hộ nhiều hơn số tiền này.
Số tiền 43,5 triệu quỹ và lắp máy lạnh, sở dĩ cao như vậy là do có một phụ huynh là mạnh thường quân góp tiền mua 1 máy lạnh cho lớp, có kinh phí của cô giáo chủ nhiệm tặng cô bảo mẫu, và cũng có kinh phí của các phụ huynh khác góp thêm để mua máy lạnh cho lớp.
Tuy nhiên, cô Lê Thị Thoa nhìn nhận là ghi tất cả số tiền này vào kinh phí chung, tính cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp là sai quy định.
Được biết, tại điểm b, khoản 4 điều 10 của Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh có ghi rõ, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hay gia đình người học các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, bảo vệ cơ sở vật chất nhà trường, bảo đảm an ninh của nhà trường, trông coi các phương tiện tham gia giao thông của học sinh, vệ sinh lớp học, vệ sinh trường, khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường, mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, cho lớp học, cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường, hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Nếu được tuyển GV tốt nghiệp cao đẳng sẽ giúp tăng nguồn tuyển cho vùng khó
Nếu được phép tuyển dụng các giáo viên tốt nghiệp từ cao đẳng, sau đó bồi dưỡng nâng chuẩn, sẽ giúp tăng nguồn tuyển GV cho vùng khó.
Trong cuộc làm việc ngày 17/10 với Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết tháo gỡ, cho phép tuyển dụng các giáo viên tốt nghiệp cao đẳng với điều kiện sẽ tự bồi dưỡng để đạt chuẩn đến năm 2030.
Đề xuất này, nếu được thực hiện, sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn cho việc tuyển giáo viên ở những tỉnh vùng núi còn khó khăn do rất thiếu nguồn tuyển.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đoạt Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cho rằng: "Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, đã quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo như: có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non; có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Đối với Điện Biên, công tác tuyển dụng giáo viên kể từ khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực đến nay gặp rất nhiều khó khăn bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là nguồn tuyển của tỉnh có rất ít ứng viên tốt nghiệp sư phạm trình độ đại học để tuyển dụng, đặc biệt là giáo viên một số môn đặc thù như: Tiếng Anh, Mỹ thuật, Tin học, Âm nhạc.
Trong khi đó, số lượng sinh viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm lại rất dồi dào.
Bởi nhiều người học tốt nghiệp trung học phổ thông trước ngày 14/6/2019 (ngày ban hành Luật Giáo dục năm 2019) không tham gia xét tuyển vào các trường đại học sư phạm mà tham gia xét tuyển vào các trường cao đẳng sư phạm hoặc hệ trung cấp sư phạm đối với những môn đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật...
Trong số những người học đó khi tốt nghiệp còn rất nhiều em chưa có điều kiện tham gia học tập nâng cao để có bằng đại học".
Ông Nguyễn Văn Đoạt - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên. Ảnh: LC
Thực hiện Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; các địa phương đã thực hiện xây dựng kế hoạch nâng chuẩn cho giáo viên, nhưng đây là những giáo viên đã được tuyển dụng vào làm việc.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cũng cho rằng: "Hiện nay, số lượng học sinh các địa phương đều tăng ở tất cả các cấp học, bậc học.
Trong khi đó, từ ngày 1/7/2020 đến nay, đã có rất nhiều nhà giáo ở cả ba cấp học: tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm hoặc chuyển công tác sang lĩnh vực khác nên dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên so với định mức thực tế ở các địa phương.
Từ một số nguyên nhân trên, nếu Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép tuyển dụng các giáo viên tốt nghiệp cao đẳng với điều kiện sẽ tự bồi dưỡng để đạt chuẩn đến năm 2030 sẽ là một giải pháp quan trọng trong việc khắc phục hoặc khắc phục phần nào tình trạng thiếu giáo viên, đáp ứng từng bước nhu cầu học tập của học sinh".
Nói về khó khăn nguồn tuyển dụng giáo viên ở Điện Biên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cho biết: "Đến thời điểm hiện tại, do các địa phương đều có tình trạng thiếu giáo viên nên việc tuyển dụng, bổ sung giáo viên ở các địa phương vùng khó khăn trong đó có tỉnh Điện Biên đang gặp rất nhiều hạn chế.
Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu là các địa phương vùng thuận lợi sẽ có sức hút lớn trong công tác tuyển dụng hơn các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, giao thông đi lại chưa hoàn toàn thuận tiện...
Số lượng học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tại Điện Biên tham gia xét tuyển vào các trường đại học sư phạm còn ít.
Đặc biệt, tỷ lệ học sinh đăng ký học sư phạm các ngành đặc thù (Tiếng Anh, Mỹ thuật, Tin học, Âm nhạc) thấp, dẫn đến nguồn tuyển dụng giáo viên các môn học này rất khó khăn".
Tình trạng thiếu giáo viên ở Điện Biên khó khăn vì thiếu nguồn tuyển. Ảnh minh họa: LC
"Trước đây, một số sinh viên miền xuôi khi ra trường có nguyện vọng tuyển dụng viên chức ở Điện Biên nhằm mục đích được vào biên chế, sau một thời gian công tác sẽ chuyển về những nơi có điều kiện thuận lợi hơn. Kể từ khi Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ ban hành quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, số lượng sinh viên miền xuôi khi ra trường có nguyện vọng tuyển dụng viên chức ở Điện Biên giảm rất nhiều. Vì sau khi trúng tuyển và công tác tại Điện Biên, nếu chuyển đến vùng thuận lợi những viên chức này sẽ không còn là viên chức suốt đời mà là viên chức hợp đồng", Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cho biết thêm.
Nói về việc giải quyết khó khăn trong nguồn tuyển giáo viên nếu được tuyển dụng các giáo viên tốt nghiệp cao đẳng với điều kiện tự bồi dưỡng, ông Nguyễn Văn Đoạt cho biết:
"Hiện tại toàn tỉnh Điện Biên còn thiếu 413 giáo viên tiểu học; 240 giáo viên trung học cơ sở.
Nếu được phép tuyển dụng các giáo viên tốt nghiệp từ cao đẳng với điều kiện tự bồi dưỡng sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng giúp tăng nguồn tuyển, trước mắt giải quyết được phần nào tình trạng thiếu giáo viên ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, đặc biệt ở những môn học đặc thù như Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.
Tuy nhiên, những giáo viên được tuyển mới này sẽ phải có điều kiện ràng buộc hoàn thành lộ trình nâng chuẩn theo cam kết để đáp ứng quy định của Luật Giáo dục", Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cho biết.
6 giải pháp gỡ rối cho các môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở Các môn học tích hợp đã thực hiện gần một nửa chặng đường mà giáo viên chưa được bồi dưỡng kiến thức dạy tích hợp là một bất cập rất lớn. Từ năm học 2020-2021, ngành Giáo dục bắt đầu triển khai giảng dạy lớp đầu tiên đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nếu so với cấp tiểu học, trung...