Quà quý tặng trò nghèo
Huyện Dương Minh Châu là huyện nghèo của tỉnh Tây Ninh và xã Suối Đá là xã nghèo nhất của huyện. Chiếc xe đạp và vài quyển tập đã là món quà giá trị đối với học sinh nơi đây.
Trước niềm vui được sở hữu một chiếc xe đạp mới tinh, nhiều em đã lóng ngóng đến té ngã trên sân…
Học sinh nghèo hiếu học ở huyện Dương Minh Châu với niềm vui được tặng xe đạp mới
Nỗ lực đến trường
Vừa qua, Báo SGGP cùng các nhà hảo tâm đã tổ chức trao tặng 20 xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học ở huyện Dương Minh Châu. Chúng tôi thật xót xa khi biết trong số 20 em nhận quà có quá nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hơn chục trường hợp cha mẹ bỏ nhau, các em sống với ông bà hoặc những người họ hàng…
Đó cũng lại là những hộ nghèo khó, họ nuôi sống gia đình bằng đủ các nghề phổ thông: bán vé số, phụ hồ, giúp việc xa nhà… Địa bàn biên giới mênh mông, nhà thì xa trường, để đến lớp là cả một sự nỗ lực của chính bản thân và những người đang cưu mang các em.
Ông Nguyễn Thế Châu, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Suối Đá, cho biết: “Trường có khoảng 50% học sinh nghèo. Địa bàn xã Suối Đá tương đối rộng lớn, nhiều em nhà cách trường hơn chục cây số. Hàng ngày, nhiều em đi nhờ xe đạp bạn bè đến trường. Trường tôi vận động mỗi học sinh đóng 100.000 đồng, nhưng quá nửa không đủ tiền, phải xin đóng làm nhiều đợt.
Đến lễ tổng kết cuối năm, quà tặng học sinh giỏi chỉ có vài ba cuốn tập. Vậy thôi mà các em vui lắm!”. Biết đa số học sinh hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đầu năm học mới, nhà trường không quy định đồng phục đối với học sinh, cứ quần tối màu, áo trắng là được. Ngoài giờ học ở lớp, các thầy cô tranh thủ tổ chức lớp phụ đạo, bồi dưỡng miễn phí cho các em nhưng nhà xa trường, nhiều em cũng không thể tham gia.
Video đang HOT
Nâng niu món quà quý
Cái nghèo thường đi liền cái khó. Cha mẹ ly hôn hoặc đi làm ăn xa, nhiều em phải ở với ông, bà hay chú, bác, cô, dì…
Ông Hồ Công Đoàn, ông ngoại cháu Nguyễn Thành Danh, học sinh lớp 6A1, Trường THCS Suối Đá, cho biết: “Cháu tôi thiệt thòi từ lúc lọt lòng. Cha mẹ nó bỏ nhau, mỗi người đi một nơi, để lại thằng Danh cho ông bà nội. Ông bà nội lần lượt qua đời, Danh về ở với cậu nó. Gia đình cậu cũng nghèo, đi làm thuê làm mướn, thu nhập thất thường. Tôi có 2 công đất, nhưng đất nghèo trồng cái gì cũng khó, thu nhập không bao nhiêu nên đành lòng để cháu Danh ở với cậu. Được cái thằng nhỏ chịu khó học hành và luôn đạt thành tích tốt. Hôm nay, nhận chiếc xe đạp do Báo SGGP trao tặng, ông cháu tôi mừng lắm. Từ nay, cháu tôi đã có thể tự đến trường, không phải đi nhờ bạn bè hay hàng xóm như trước nữa”.
Chiếc xe đạp đối với trẻ vùng sâu là một niềm mơ ước. Em Vũ Thảo Bình, học sinh lớp 6A2, Trường THCS Suối Đá B, xúc động cho biết: “Ba em mới mất. Mẹ bán cháo để nuôi 3 anh em ăn, học. Hôm thầy cô cho biết được tặng xe đạp, em trằn trọc suốt đêm, mong trời mau sáng để đi nhận xe. Em sẽ giữ gìn chiếc xe như chính bản thân mình. Đây là động lực giúp em vượt qua khó khăn để luôn học tốt!”.
Mặc dù hàng ngày rất thành thạo đạp xe đến trường, nhưng buổi sáng hôm ấy, các em đều khá lóng ngóng khi dắt xe ra về. Cuộc sống thiếu thốn, nhiều em suy dinh dưỡng, thấp bé hơn bạn đồng trang lứa. Thầy cô phải giúp hạ thấp yên xe, tay lái cho vừa vặn để các em có thể điều khiển. Thế nhưng, vừa ra khỏi cổng, em Trần Anh Tuấn, học sinh lớp 6A, Trường THCS Thị trấn, đã bị té ngã.
Em lồm cồm ngồi dậy, dựng chiếc xe đạp lên rồi đứng… ngắm. Khi được hỏi thăm, Tuấn đáp lí nhí: “Dạ con xem xe đạp có bị trầy không. Được tặng chiếc xe, con mừng run luôn, chú ơi! Hồi đó giờ, con đi nhờ xe đạp của các bạn và lúc nào cũng giành chở. Vậy mà hổng biết sao bữa nay chạy chiếc xe của mình mà con run quá, chạy không vững nữa…!”. Niềm vui của cậu bé rạng ngời trên gương mặt, khiến khóe mắt người lớn bỗng thấy cay cay!
Nhà giáo ưu tú giàu nghĩa tình
Dù đã 75 tuổi, NGƯT Nguyễn Hữu Xạ (phường Tân Chính, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) vẫn luôn miệt mài với các hoạt động khuyến học, khuyến tài.
NGƯT Nguyễn Hữu Xạ (trái) trao Giải thưởng Lê Văn Hiến cho HS quận Ngũ Hành Sơn.
Ông khen thưởng cho HS, SV đạt kết quả học tập khá, giỏi trong khu dân cư. Ông cũng gây Quỹ học bổng Vì Ngày Mai và nhân rộng các mô hình khuyến học...
Ký ức nghề giáo
Ông Xạ gắn bó với nghề giáo gần 30 năm, trong đó có 12 năm làm Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng). Ông đã lãnh đạo nhà trường đạt nhiều thành tích xuất sắc, làm rạng danh tên tuổi một ngôi trường lớn trên mảnh đất Đà Thành hiếu học và giàu tình nghĩa. Trong từng năm học, ông hết lòng quan tâm giúp đỡ những HS có hoàn cảnh khó khăn, không để em nào phải bỏ học giữa chừng vì lý do kinh tế.
Nhìn ông Xạ với mái tóc bạc trắng, ít ai ngờ NGƯT này có trí nhớ thật phi thường. Bao kỷ niệm trong gần 3 thập kỷ làm người kỹ sư tâm hồn dường như vẫn còn nguyên vẹn trong ông. Ký ức sâu sắc nhất của ông là quá trình dạy hòa nhập cho HS khiếm thị.
Ông cảm thấy tự hào về những HS khiếm thị ngày nào nay đã gặt hái nhiều thành công, tiêu biểu như Hà Chương - giờ đã trở thành một nhạc sĩ danh tiếng, được công chúng gần xa mến mộ. Hay Đặng Ngọc Duy nay đảm đương cương vị Giám đốc Trung tâm Giáo dục hòa nhập Hướng Dương Việt tại thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam). Nhiều em khác đã trở thành chủ các cơ sở massage, vừa có cuộc sống ổn định, vừa tạo việc làm cho hàng chục người đồng cảnh ngộ...
Chị Lê Thị Diệu Châu (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê), bị khiếm thị bẩm sinh, hiện là Phó Chủ tịch Hội Người mù thành phố Đà Nẵng, cho biết, trong 3 năm học tại Trường THPT Trần Phú, HS khiếm thị được thầy Xạ vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền cước phí đi về hằng ngày.
"Năm 1999, tôi học lớp 10/17, sau ngày khai giảng, lần đầu tiên vào thăm lớp, thầy Xạ ân cần dặn dò cả lớp cố gắng học và khuyên các bạn bình thường phải quan tâm giúp đỡ HS khiếm thị. Giọng thầy trìu mến, thân mật, làm cho tôi hết sức xúc động và mãi mãi không thể nào quên!", chị Diệu Châu tâm sự.
Nhiệt huyết và lòng nhân ái
Sau khi nghỉ hưu (năm 2005), ông Xạ hăng hái tham gia công tác địa phương với nhiều cương vị như Chủ tịch Hội Cựu giáo chức quận Thanh Khê, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Hướng nghiệp và Dạy nghề Tân Văn, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng. Nhiệm vụ nào ông cũng năng nổ, xông xáo, tận tình phục vụ nhân dân, hằng năm đều được bình chọn là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Với tư cách Trưởng ban Công tác Mặt trận, ông Xạ thường xuyên sâu sát thực tế, tận tình giúp đỡ những người nghèo khó. Mỗi dịp đón xuân mới, ông tích cực vận động hỗ trợ hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người cao tuổi và HS có hoàn cảnh khó khăn trong địa bàn. Còn vào Tết Trung thu hằng năm, ông tổ chức Vui hội Trăng Rằm và khen thưởng tất cả HS, SV đạt kết quả học tập khá, giỏi trong khu dân cư.
Từ năm 2013, ông Xạ cùng những người tâm huyết đã khởi xướng gây Quỹ học bổng Vì Ngày mai, thu hút nhiều cựu GV tham gia. Mỗi năm, Ban Quản lý quỹ trao tặng 50 suất học bổng cho HS tại 7 trường THPT ở tỉnh Quảng Nam. Những năm qua, học bổng Vì Ngày mai đã giúp hàng trăm HS nghèo vươn lên trên con đường học vấn.
Em Nguyễn Thị Lan Trinh, nguyên là HS Trường THPT Sào Nam (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), hiện là SV Khoa Dược (ĐH Đà Nẵng) tâm sự: Tôi mồ côi cha từ nhỏ, mẹ làm nông nhưng ít đất, 3 anh em đi học trong cảnh thiếu thốn triền miên. Học bổng Vì Ngày mai đã giúp anh em tôi rất nhiều trên con đường học vấn và là nguồn khích lệ to lớn, thôi thúc chúng tôi nỗ lực phấn đấu vươn lên...
Đặc biệt, ông Xạ cùng các cựu GV Trường THPT Trần Phú còn tự nguyện đóng góp, ủng hộ 50 triệu đồng/năm cho Trung tâm Giáo dục hòa nhập Hướng Dương Việt - nơi đang nuôi dưỡng hơn 30 trẻ khuyết tật. Đồng thời, mỗi năm các cựu GV Trường THPT Trần Phú còn trao tặng 200 suất quà tết cho đồng bào nghèo ở các huyện miền Tây Quảng Nam.
Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng, trực tiếp phụ trách công tác khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và triển khai phong trào học tập suốt đời, ông Xạ đã xây dựng nhiều giải pháp thúc đẩy và nhân rộng các mô hình học tập.
Qua đó, các mô hình học tập ngày càng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp. Những năm qua, Đà Nẵng được Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về kết quả xây dựng các mô hình học tập theo Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với công tác khuyến tài, hằng năm, ông Xạ cùng lãnh đạo Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng duy trì thường xuyên 4 giải thưởng lớn là Huỳnh Thúc Kháng, HS xuất sắc tiêu biểu, HS vượt khó học giỏi và HS dân tộc Cờ Tu vượt khó hiếu học.
Năm nào ông Xạ cũng chủ động phối hợp với các trường học và chính quyền địa phương tổ chức chu đáo công tác khảo sát, xét chọn HS nhận thưởng. "Trong từng giải thưởng, chúng tôi đều tiến hành 3 vòng xét chọn (cấp cơ sở, cấp quận/huyện và cấp thành phố) nhằm bảo đảm trao thưởng "công minh, dân chủ và đúng đối tượng", ông Xạ khẳng định.
Giữa bộn bề cuộc sống đời thường, ông Xạ luôn nêu cao phẩm chất "Tuổi cao chí càng cao", làm điểm tựa cho con cháu về ý chí phấn đấu, cống hiến không ngừng. Nói về NGƯT Nguyễn Hữu Xạ, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng Trần Đình Liễn nhấn mạnh: Ông Xạ là tấm gương điển hình về sự cống hiến cho sự nghiệp trồng người, luôn nêu cao tài năng, nhiệt huyết với công tác khuyến học khuyến tài và phong trào học tập suốt đời, nhiều lần được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và thành phố Đà Nẵng khen thưởng.
Một nhà sư ở Cần Thơ hơn 20 năm cưu mang, lo cho sinh viên nghèo hiếu học Hiện, chùa Pitu Khôsa Răngsây cũng là "ngôi nhà chung" của hơn 60 sinh viên đang theo học đủ ngành nghề tại các trường trên địa bàn Cần Thơ. Đến với ngôi chùa Pitu Khôsa Răngsây, tọa lạc tại phường An Cư, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ hỏi thăm về Thượng tọa Lý Hùng - Trụ trì chùa, ai ai cũng...