Quả mắm xào tôm
Đến Ngọc Vừng vào những ngày cuối thu, mâm cơm đầm ấm của người dân đảo có nhiều món ngon đặc sản địa phương nhưng có lẽ quả mắm xào tôm là món ăn lạ, độc đáo và hấp dẫn nhất đối với những vị khách xa như chúng tôi.
Cây mắm là loại cây quen thuộc đối với người dân vùng biển Quảng Ninh. Dọc những bãi triều nơi cửa biển, cây mắm sinh sống tốt nơi bùn lầy, đất mặn. Dưới môi trường khắc nghiệt, giữa triền khơi đầy nắng, gió và vị mặn mòi của muối biển, cây vẫn sinh trưởng và phát triển tốt. Thân và quả của cây có vị mặn. Bộ rễ cây khỏe, “gồng” mình uốn cong khỏi mặt đất bùn đầy sức sống.
Quả mắm xào tôm, chế biến theo phong cách truyền thống của người dân đảo Ngọc Vừng.
Cứ vào dịp tháng 7-8 âm lịch, mắm bắt đầu ra quả. Quả mắm màu xanh, hình bầu dục. Khả năng sinh sôi của mắm thật mạnh mẽ, quả mắm rụng xuống đất bùn sẽ nảy mầm thành cây con hoặc theo nước biển cuốn đi gặp bãi triều lại bén rễ. Điều chúng tôi bất ngờ là xưa nay quả mắm đắng, chát tưởng chừng không thể ăn nhưng được chế biến khéo léo sẽ trở thành một món ăn ngon, ngọt bùi và hấp dẫn.
Ông Hoàng Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Vừng, kể: “Đối với mỗi người dân ở Ngọc Vừng quả mắm trở nên quá quen thuộc với đời sống người dân. Quả mắm đã đi vào bữa ăn bình dị của dân đảo chúng tôi từ lâu lắm rồi. Trước đây, khi thời khó khăn quả mắm thường được người dân hái về chế biến. Ngày nay, cuộc sống no đủ hơn thì nhiều người lại coi quả mắm là đặc sản, là thứ “rau sạch” khó tìm, là món quà của biển, món ăn đặc sản thiết đãi du khách khi tới thăm đảo”.
Theo ông Nguyễn Văn Tiền, đầu bếp, chủ nhà hàng Biển Đảo (thôn Bình Hải, Ngọc Vừng) giàu kinh nghiệm chế biến món ăn chia sẻ: Mắm xào rất ngon nhưng chế biến khá cầu kỳ. Quả mắm nhiều nhựa, có vị đắng chát nhưng lại trở nên ngọt bùi nếu được xử lý đúng cách. Sau khi thu hái, người ta dùng dao bổ đôi, bỏ hạt, rửa sạch rồi cho vào nồi luộc chín 2-3 lần để quả nhả hết vị đắng, chát. Sau đó, mắm được cho vào ngâm nước cứ 30 phút lại thay nước 1 lần. Sau khoảng 1 ngày thì mắm sạch, hết đắng chát là có thể ăn được. Ngày nay dân đảo có thể gói mắm bỏ vào tủ lạnh ăn dần”.
Video đang HOT
Chế biến quả mắm ngon nhất có lẽ là cách nấu truyền thống. Xưa nay người Ngọc Vừng thường cho mắm xào với mỡ lợn để tăng độ ngậy. Nguyên liệu xào cùng thì rất đa dạng có thể là hàu, ngao, ngán, điềm điệp nhưng thơm ngọt nhất phải kể đến món quả mắm xào tôm.
Để có món mắm xào ngon miệng, chế biến quả mắm cần nhiều thời gian.
Để món ăn đúng vị, nguyên liệu không thể thiếu là lạc rang bỏ vỏ, giã nhỏ. Sau khi phi thơm hành tỏi khô, cho lạc rang và nêm gia vị vừa ăn. Cuối cùng cho tôm tươi bóc vỏ, rút chỉ lưng và quả mắm vào xào chung dưới lửa to khoảng 3-5 phút. Món ăn có mùi vị độc đáo, vị ngọt của thịt tôm, bùi béo của lạc rang và xen chút ngăm vị biển của quả mắm khiến thực khách không nỡ buông đũa khỏi món ăn. Màu đỏ cam của tôm biển tươi với màu xanh của mắm chỉ nhìn qua đã thu hút được sự tò mò của thực khách.
Người Ngọc Vừng vẫn chia sẻ cách nấu truyền thống ngon nhất là xào quả mắm với mỡ lợn. Nguyên liệu xào cùng là cá rán, đặc biệt là cá cuộng lóc thịt rán lên, gỡ xào với quả mắm. Món ăn muốn ngon, đậm vị không thể thiếu vài thìa mắm tép Ngọc Vừng chính hiệu.
Đây là món ăn truyền thống, khá phổ biến ở Ngọc Vừng. Hiện mắm được trữ trong tủ lạnh ăn dần. Du khách đến đảo Ngọc Vừng có thể đến thưởng thức món ăn độc đáo này ở nhà hàng Biển Đảo (thôn Bình Hải, xã Ngọc Vừng).
Đặc sản gà đồi Tiên Yên
Gà Tiên Yên với hương vị thịt thơm ngon, đậm đà đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công bố nằm trong top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam.
Những năm qua, huyện Tiên Yên đã có nhiều giải pháp để gìn giữ giống gà bản địa, không ngừng phát triển thương hiệu gà Tiên Yên.
Một đặc trưng của gà Tiên Yên so với nhiều giống gà khác là nuôi, chăn thả tự nhiên trên các triền đồi, núi.
Theo ông Nông Văn Kiên (HTX Nông, lâm, ngư nghiệp xã Điền Xá), một trong những nét đặc trưng của gà Tiên Yên so với các giống gà khác là có râu, da vàng, chân vàng, được chăn thả tự nhiên ở các triền đồi, núi trên địa bàn. Gà Tiên Yên có vị ngọt, thơm, da giòn. Mỡ tích vào thịt nên khi ăn gà Tiên Yên còn có vị thơm của mỡ gà.
Cùng với đòi hỏi về quy mô, diện tích, quy trình nuôi gà Tiên Yên được đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, thương hiệu, đòi hỏi sự kỳ công của người nuôi. Ông Phạm Văn Hải (xã Yên Than) là một trong những hộ nuôi gà Tiên Yên có quy mô lớn theo hướng thương mại hóa sản phẩm trên địa bàn. Ông Hải cho biết: Nuôi gà Tiên Yên phải tuân thủ quy định chặt chẽ, từ chọn giống, thức ăn đến môi trường, chuồng trại cho gà, đều phải đúng theo tiêu chuẩn. Những yếu tố này được người tiêu dùng nhận diện thông qua tem điện tử gắn với từng con gà. Đặc biệt, thông qua kiểm soát chặt chẽ, giúp người nuôi theo dõi được sự thay đổi của con gà trong suốt quá trình chăm sóc để có sự điều chỉnh phù hợp. Gà Tiên Yên đòi hỏi thời gian nuôi 6 tháng đối với gà mái, 7-8 tháng đối với gà thiến.
Gà Tiên Yên nuôi đảm bảo tiêu chuẩn từ chọn giống, thức ăn, đến vệ sinh môi trường, chuồng trại.
Những năm qua, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, huyện Tiên Yên tích cực vận động người dân mở rộng quy mô chăn nuôi. Huyện tiếp tục xây dựng mô hình HTX Chăn nuôi và Tiêu thụ gà Tiên Yên, nhằm nâng cao ý thức của người dân từ khâu tổ chức sản xuất, quản lý trang trại đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần bảo tồn và phát triển giống gà Tiên Yên theo quy mô lớn. Một hộ nuôi gà Tiên Yên thấp nhất là 500 con, nhiều nhất nuôi theo hình thức trang trại trên 6.000 con. Hiện tổng đàn gà Tiên Yên của huyện vào khoảng 850.000 con.
Song song với phát triển số lượng, huyện chú trọng xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua dán tem điện tử và đeo nhẫn truy xuất nguồn gốc gà Tiên Yên. Cùng với đó, huyện hỗ trợ các đơn vị xây dựng các trang trại gà giống, tuyển lựa hằng năm từ những con gà thuần chủng nhất trên địa bàn.
Gà giống Tiên Yên được tuyển chọn đạt tiêu chuẩn.
Giá gà Tiên Yên trên thị trường dao động từ 120.000 - 200.000 đồng/kg. Trung bình một ngày, lượng gà thương phẩm tiêu thụ trên địa bàn huyện trên 2.000kg, tương đương với hơn 1.000 con gà. Số gà này được bán ra thông qua hệ thống chợ, 19 điểm bán trên địa bàn huyện, trên 60 điểm dừng chân và các quán ăn dọc QL18A. Bên cạnh đó, những năm qua, huyện tích cực quảng bá, giới thiệu gà Tiên Yên vào bán tại các công ty, nhà hàng, siêu thị, như: TKV, Big C Hạ Long... Sản phẩm còn được tiêu thụ ở một số địa phương lân cận như Hà Nội, Hải Phòng.
Ông Lục Văn Long, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tiên Yên, cho biết: Là một trong 12 sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh, gà Tiên Yên những năm qua đã dần khẳng định trên thị trường. Nhằm bảo tồn, giữ gìn, phát triển thương hiệu gà Tiên Yên, huyện rất chú trọng việc truy xuất nguồn gốc, thông qua dán tem điện tử và đeo nhẫn truy xuất để xây dựng con gà theo hướng độc quyền sản phẩm. Việc dán tem này được triển khai từ tháng 8/2017 với sự phối hợp giữa huyện Tiên Yên và Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh.
Gà luộc Tiên Yên, thịt săn chắc nhưng không dai, có vị ngọt, béo.
Kiệu đảo Ngọc Vừng Kiệu là món ngon không thể thiếu trong ngày Tết của nhiều địa phương. Ở đảo Ngọc Vừng (Vân Đồn), kiệu dường như giòn hơn, có hương vị đặc trưng hơn bởi được trồng trên đất cát thuỷ tinh... Còn nhớ, có dịp tới thôn Bình Ngọc (xã đảo Ngọc Vừng), chúng tôi khá ngạc nhiên khi thấy những ruộng kiệu xanh mướt...