‘Quả bom nổ chậm’ nguy hiểm hơn cả khủng hoảng Evergrande của ngành bất động sản Trung Quốc
Giới phân tích cho rằng các vấn đề kinh tế của Trung Quốc còn lớn hơn nhiều cuộc khủng hoảng liên quan tới tập đoàn bất động sản Evergrande.
Logo thành phố Evergrande ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images
Theo tờ Foreign Policy, tuần trước, các thị trường hoảng loạn vì ngành bất động sản Trung Quốc và tập đoàn Evergrande – nhà phát triển bất động sản lớn nhất và mắc nợ nhiều nhất ở nước này.
Vấn đề của Evergrande mới nổi lên gần đây khi các thị trường mới đột nhiên đồng loạt coi ngành bất động sản Trung Quốc là mối đe dọa lớn với đà phục hồi kinh tế toàn cầu, cũng như với triển vọng tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong chục năm qua, các nhà quan sát Trung Quốc đã lo ngại về tình trạng mất cân bằng trên thị trường bất động sản nước này, thường coi đây là một trong những bong bóng tài chính lớn nhất lịch sử.
Tại Trung Quốc, thị trường bất động sản liên tục mở rộng vì các nhà đầu tư và nhà phát triển thường nghĩ rằng ngành này quá quan trọng với Trung Quốc nên nếu có suy giảm thì cũng sẽ chỉ trong ngắn hạn. Họ cho rằng Chính phủ Trung Quốc sau cùng sẽ can thiệp để cứu các thị trường tài chính và doanh nghiệp đang gặp vấn đề để tránh thảm họa kinh tế, xã hội. Ví dụ như phản ứng khi thị trường chứng khoán khủng hoảng năm 2015 và gói kích thích tiền tệ, tài chính khổng lồ năm 2008-2009.
Tuy nhiên, hiện nay, Trung Quốc chật vật kiềm chế giá bất động sản tăng nhanh và tình trạng đầu cơ nảy sinh từ bong bóng bất động sản. Giới chức nước này đã phải sử dụng những biện pháp mạnh hơn, gây ra những tổn thất kinh tế nghiêm trọng. Sau mùa hè chứng kiến nhiều động thái pháp lý quyết liệt nhằm vào một số công ty ngành tư nhân, các thị trường tài chính đang đau đầu với câu hỏi chính phủ sẽ quyết liệt tới mức độ nào.
Thị trường bất động sản Trung Quốc về cơ bản đang mất cân bằng: quá nhiều nhà, quá ít nhu cầu, không đủ người chuyển tới những nơi mà nguồn cung nhà đang quá thừa thãi. Tỷ lệ đô thị hóa và tỷ lệ hình thành hộ gia đình ở Trung Quốc đạt đỉnh đúng vào khoảng thời gian mà dân số ở độ tuổi lao động bắt đầu suy giảm trong giai đoạn 2013-2015.
Video đang HOT
Tuy nhiên, tỷ lệ các dự án xây dựng nhà chung cư mới tiếp tục tăng, ngành xây dựng tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc. Các dự án như vậy đạt mức cao mới năm 2019, khi các nhà phát triển bắt đầu xây dựng khoảng 18-19 triệu căn hộ. Khi đại dịch COVID-19 ập tới, số lượng dự án mới giảm dần trong năm 2020.
Nhưng không có đủ người trẻ tuổi có khả năng mua những căn hộ này trong tương lai. Tập đoàn Rhodium ước tính tỷ lệ hình thành hộ gia đình đô thị trong tương lai là 5-7 triệu/năm trong 10 năm tới và sẽ giảm dần. Trước đó, tỷ lệ là 9-10 triệu/năm.
Tỷ lệ đô thị hóa cũng giảm. Số cuộc hôn nhân hàng năm ở Trung Quốc đã giảm 40% so với mức đỉnh năm 2013. Sai số trong dự báo tỷ lệ hình thành hộ gia đình có thể là 1-2 triệu vụ/năm, nhưng vẫn có quá ít người cần nhà mới trong khi số căn hộ đang được xây lại quá nhiều. Hơn nữa, giá căn hộ lại ngoài tầm với của nhiều người mua.
Trong chục năm qua, người mua căn hộ mới ở Trung Quốc có hai loại chính: mua để đầu cơ, đầu tư chờ giá tăng; mua để đổi chỗ ở do nhu cầu hoặc buộc phải tái định cư.
Cả hai loại người mua này đang gặp áp lực. Nhà đầu tư và đầu cơ khó mua được căn hộ ở những thành phố họ muốn mua vì bị chính sách cản trở. Một số người ngày càng lo ngại các nhà phát triển không thể hoàn thành dự án mà họ hứa xây. Tái định cư giờ cũng tốn kém hơn với các chính quyền địa phương do giá nhà tăng cao. Người muốn đổi nhà lại bị hạn chế về các khoản tín dụng. Từ năm 2015 tới nay, các hộ gia đình Trung Quốc đã vay 6,4 nghìn tỷ USD và ngân hàng trung ương đã cảnh báo rằng các hộ gia đình không có khả năng vay nữa.
Ngành bất động sản là ngành nợ dài hạn. Từ năm 2008, các ngân hàng Trung Quốc đã tăng gấp năm về quy mô và có thêm tài sản trị giá 41.000 tỷ USD, tương đương một nửa sản lượng kinh tế toàn cầu. Dữ liệu cho thấy ít nhất 27% khoản cho vay của ngân hàng thuộc về ngành bất động sản. Một phần lớn khoản cho vay từ các công ty, tổ chức phi ngân hàng cũng rơi vào ngành bất động sản.
Trung Quốc đối mặt với khủng hoảng nợ của tập đoàn bất động sản Evergrande. Ảnh: EPA
Khi vay ngân hàng khó hơn, các nhà phát triển tìm cách khác để mở rộng mô hình kinh doanh bằng cách bán trước khi xây. Điều này có nghĩa là người mua nhà sẽ là nguồn cung cấp tài chính để các nhà phát triển xây nhà.
Nhờ vào việc bán trước mà thị trường bất động sản Trung Quốc tiếp tục là động lực thúc đẩy kinh tế từ năm 2017 tới 2019. Nhưng điều đó khiến các nhà phát triển ngày càng phụ thuộc vào người mua nhà để có tiền xây dựng và người mua thì đặt cược vào khả năng giá nhà tăng. Hậu quả là thị trường ngày càng mang tính đầu cơ. Nếu các nhà phát triển đột ngột gặp vấn đề, họ sẽ không thể hoàn thành xây dựng nhà cho khách hàng đã trả tiền trước.
Để xử lý tình trạng mất cân đối cơ bản này, cuối năm 2020, Trung Quốc đã áp quy định mới về tài chính. Thay vì nhằm vào người cho vay, Trung Quốc nhằm vào người đi vay. Khi không còn nguồn tiền từ người mua nhà trả trước, các nhà phát triển buộc phải giảm giá mạnh để duy trì thị phần.
Giá nhà đang giảm toàn quốc, 8% trong tháng 7, 16% trong tháng 8 và 33% tới 25/9. Tháng 9 được coi là “vàng”, còn tháng 10 là “bạc” với các nhà phát triển Trung Quốc vì là mùa bán hàng cao điểm trong năm. Nếu đạt mục tiêu, các nhà phát triển có thể “sống” cả năm còn lại. Nếu thất bại, họ sẽ bắt đầu hoảng loạn, giảm giá căn hộ, giảm dự án trong tương lai.
Tập đoàn Evergrande đang có khoản nợ 305 tỷ USD và chỉ là một phần nổi của vấn đề đang diễn ra khắp ngành bất động sản Trung Quốc. Nhiều nhà phát triển bất động sản, đặc biệt là những đơn vị mở rộng xây dựng trong giai đoạn 2017-2019, đã vỡ nợ hoặc có nguy cơ vỡ nợ.
Trung Quốc có tín hiệu rõ ràng cho thấy có ý định để nền kinh tế giảm phụ thuộc vào ngành bất động sản. Các nước này giải quyết khủng hoảng nợ của Evergrande sẽ là dấu hiệu với toàn bộ thị trường bất động sản. Nhiều người giả định rằng ưu tiên của Trung Quốc sẽ là chủ sở hữu nhà, nhà thầu, nhà cung cấp, chứ không phải là cổ đông và nhà đầu tư trái phiếu của Evergrande.
Truyền thông cho biết một số chính quyền địa phương đang chuẩn bị đảm nhận một số dự án của Evergrande để đảm bảo hoàn tất quá trình xây dựng. Chính phủ Trung Quốc nếu để xảy ra vỡ nợ không có tổ chức ở Evergrande hay các nhà phát triển khác, thì sẽ khiến hàng trăm nghìn người mua nhà và nhà cung cấp tức giận. Dự báo trong vòng 2 đến 3 năm tới, hoạt động xây dựng mới ở Trung Quốc sẽ yếu hơn rất nhiều và nền kinh tế Trung Quốc cũng sẽ yếu đi.
'Ông trùm' bất động sản Trung Quốc mất 1 tỷ USD chỉ sau một ngày giao dịch
Ngày 20/9, tài sản của ông Zhang Yuanlin - Chủ tịch tập đoàn Sinic Holdings, có trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc) - đã bị "bốc hơi" hơn 1 tỷ USD, trong bối cảnh tâm lý lo ngại về nguy cơ sụp đổ của "gã khổng lồ" bất động sản Trung Quốc Evergrande đã rung lắc các sàn giao dịch ở Khu Hành chính đăc biệt Hong Kong (Trung Quốc).
Chủ tịch tập đoàn Sinic Holdings, ông Zhang Yuanlin. Ảnh: todayir.com
Theo tạp chí Forbes, giá trị tài sản ròng của ông Zhang Yuanlin đã nhanh chóng giảm từ mức 1,3 tỷ USD ghi nhận trong sáng 20/9, xuống chỉ còn 250,7 triệu USD trong chiều cùng ngày. Diễn biến trên xảy ra trong bối cảnh tập đoàn của ông buộc phải tạm ngừng giao dịch trên sàn Hong Kong, sau khi giá cổ phiếu lao dốc tới 87% trong phiên chiều 20/9.
Ông Zhang từng có tên trong danh sách các tỷ phú giàu nhất thế giới năm 2021 do Forbes xếp hạng. Thu nhập của ông chủ yếu đến từ việc kinh doanh các tòa nhà cao tầng. Tuy nhiên, tập đoàn của ông cũng đang không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng sau sự sụp đổ của "gã khổng lồ" bất động sản Trung Quốc Evergrande
Theo Bloomberg, cổ phiếu của tập đoàn Sinic Holdings đột ngột bị bán tháo rất mạnh trong chiều 20/9, với khối lượng giao dịch cao gấp khoảng 14 lần so với mức trung bình trong một năm gần đây.
Lĩnh vực bất động sản đóng góp hơn 25% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Nhiều dư luận lo ngại về tác động tiêu cực của sự cố Evergrande đối với kinh tế trong nước và toàn cầu.
Lĩnh vực kinh doanh chính của Evergrande là bất động sản và công ty này là nhà phát triển địa ốc lớn thứ nhì của Trung Quốc nếu xét về doanh số. Evergrande nắm hơn 1.300 dự án bất động sản tại hơn 280 thành phố ở Trung Quốc. Bộ phận quản lý dịch vụ bất động sản của công ty tham gia gần 2.800 dự án tại hơn 310 thành phố Trung Quốc. Ngoài bất động sản, Evergrande còn có 7 công ty con hoạt động trong nhiều lĩnh vực gồm: ô tô điện, dịch vụ y tế, sản phẩm tiêu dùng, sản xuất chương trình video và truyền hình và thậm chí cả công viên chủ đề.
Thông tin trên website của Evergrande cho biết, công ty có 200.000 nhân viên và gián tiếp tạo hơn 3,8 triệu việc làm mỗi năm. Cổ phiếu và trái phiếu Evergrande đã được đưa vào nhiều chỉ số tại các thị trường ở châu Á. Sau nhiều năm nhanh chóng mở rộng và gom mua tài sản, song song với quá trình phát triển mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc, Evergrande giờ đây đang "oằn mình" gánh khoản nợ khoảng 300 tỷ USD.
Với số nợ này, Evergrande là công ty bất động sản nặng nợ nhất thế giới và phải xoay xở đủ cách để thanh toán cho nhà cung cấp và các chủ nợ. Trong hai tuần gần đây, công ty này đã hai lần cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ.
Nguy cơ toàn bộ thị trường bất động sản và hệ thống tài chính rung chuyển, Trung Quốc sắp phải đối mặt với ác mộng? Đã xảy ra tình trạng bán tống bán tháo, các nhà phát triển bất động sản khác cũng bị vạ lây và khiến toàn bộ chuỗi cung ứng nhà đất rung chuyển. Sau khi Evergrande thất hứa với hơn 70.000 nhà đầu tư, người biểu tình đã kéo đến các văn phòng của tập đoàn này trên khắp Trung Quốc. Một loạt các...