Qatar đe dọa các nước Arab, ra tối hậu thư yêu cầu bỏ cấm vận
Qatar đưa ra điều kiện để các nước láng giềng bỏ cấm vận và dọa rút khỏi Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh nếu không được đáp ứng.
Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani. Ảnh: Reuters.
Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani ngày 10.7 gửi thư tới Tổng thư ký Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) Abdul Latif Bin Rashid al-Zayani đưa ra các điều kiện để Qatar không rời GCC, Xinhua đưa tin.
Ông Mohammed nói Qatar tuân thủ các luật và công ước quốc tế, đặc biệt là liên quan đến đối phó và tài trợ chủ nghĩa khủng bố. Qatar sẽ không thương lượng về chủ quyền của mình.
Theo Mohammed, Qatar cho các nước vùng Vịnh ba ngày để gỡ bỏ “vòng vây” áp đặt với Doha và bồi thường tổn thất kinh tế, chính trị liên quan. Quá hạn chót, Qatar sẽ chính thức thông báo rút khỏi GCC.
GCC ra đời năm 1981 với 6 quốc gia thành viên gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Arab Saudi và UAE.
Arab Saudi, Ai Cập, Bahrain và UAE cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar hôm 5/6 với cáo buộc Qatar tài trợ khủng bố, có quan hệ thân thiết với Iran, đối thủ của Arab Saudi.
Ngày 22.6, 4 nước Arab đưa ra danh sách 13 yêu cầu Qatar cần thực hiện để được gỡ bỏ phong tỏa, hạn chót là ngày 2.7, sau đó được kéo dài thêm 48 giờ. Arab Saudi sáng 5.7 nói họ đã nhận câu trả lời từ Qatar do Kuwait chuyển. Nội dung câu trả lời không được công bố nhưng được 4 nước Arab mô tả là “tiêu cực”.
4 nước Arab còn tuyên bố có thêm biện pháp kinh tế, chính trị và pháp lý để thắt chặt phong tỏa với Qatar, nói Doha là mối đe dọa an ninh khu vực. Doha bác bỏ cáo buộc này là “vô căn cứ” và tố 4 nước Arab muốn can thiệp vấn đề nội bộ Qatar.
Video đang HOT
Theo Danviet
Qatar liệu có trụ vững trước áp lực cô lập?
Giới chuyên gia cho rằng Qatar sẽ phải nhún nhường và thay đổi vì các áp lực về kinh tế và từ nội bộ.
Các tòa nhà chọc trời ở Qatar. Ảnh: arabianbusiness
Việc một loạt nước Arab cắt quan hệ với Qatar đã khiến nước này tổn thất hàng triệu USD. Sàn chứng khoán Qatar tiếp tục giảm điểm sau khi mất hơn 7% chỉ trong hai giờ đầu phiên giao dịch hôm 5/6. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P ngày 8/6 đã hạ bậc tín nhiệm của Qatar từ mức AA xuống AA-.
Một số ngân hàng ở Arab Saudi, Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain đã cắt tiếp xúc với Qatar trong bối cảnh nhiều người lo ngại phong tỏa sẽ được mở rộng. Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash cảnh báo rằng liên minh sẵn sàng có thêm hành động chống lại Qatar nếu họ không đảm bảo sẽ sửa đổi chính sách đối ngoại của mình.
Liên minh chống Qatar cáo buộc nước này ủng hộ các nhóm cực đoan và phục vụ lợi ích của Iran - đối thủ của họ trong khu vực.
Các nhà phân tích nói với Arabian Business rằng họ suy đoán Qatar cuối cùng sẽ buộc phải nhún nhường các đối tác trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).
"Liên minh chống Qatar ít khả năng lùi bước nếu Qatar không thay đổi trong định hướng và chính sách", Firas Abi Ali nhà phân tích cao cấp về khu vực Trung Đông và Bắc Phi của công ty IHS Markit có trụ sở tại London, nhận xét. "Điều đó bao gồm việc trục xuất các lãnh đạo Hamas, Taliban và các giáo sĩ Ai Cập bị truy nã đang ở nước này".
Ali cảnh báo rằng Qatar sẽ cần phải làm nhiều hơn trước để chứng minh hướng đi mới của mình là chân thành.
"Những yêu cầu thay đổi sẽ khiến lãnh đạo Qatar khó đáp ứng. Ban đầu Qatar có thể tỏ ra nhượng bộ nhưng sau đó không thực hiện cam kết nghiêm chỉnh. Tuy nhiên, nếu làm vậy, các nước khác có thể phản ứng quyết liệt hơn", ông nói.
"Trong 3-6 tháng, Qatar nhiều khả năng đáp ứng những đòi hỏi của các nước láng giềng, khiến các quốc gia Arab ngừng cô lập. Qatar đã trục xuất các quan chức Hamas khỏi nước mình. Họ có khả năng tiếp tục cách này bằng cách trục xuất các quan chức Taliban, một số giáo sĩ Anh em Hồi giáo và Salafi, thay thế ban quản lý và biên tập viên của hãng tin Al Jazeera, ủng hộ sáng kiến của Mỹ, Arab Saudi và UAE để bình thường hóa quan hệ với Israel", ông đánh giá.
"Nếu không nhượng bộ, nguy cơ Qatar bị trừng phạt sẽ gia tăng và nêu căng thẳng leo thang trầm trọng, có thể dẫn tới hành động quân sự của Arab Saudi, UAE với sự ưng thuận của Mỹ chống lại Qatar", ông nhận xét thêm.
Tuy nhiên, Ali nhấn mạnh rằng leo thang quân sự là khả năng khó xảy ra.
Tiến sĩ Theodore Karasik, một cố vấn cao cấp tại trung tâm Gulf State Analytics ở Washington DC, cũng cho rằng dù giàu có, Qatar cuối cùng vẫn sẽ phải nhún nhường.
Năm 2014, Arab Saudi, UAE và Bahrain từng rút đại sứ tại Doha trong 8 tháng, nhưng cuộc sống của người dân vẫn tiếp diễn như bình thường. Tuy nhiên, trong khủng hoảng lần này, những tác động kinh tế được cho là điểm gây áp lực với Qatar.
Hơn một phần ba nguồn cung thực phẩm trị giá một tỷ USD nhập khẩu vào Qatar đi qua biên giới đất liền với Arab Saudi, trong khi hãng hàng không Qatar Airways đã phải hủy chuyến, thay đổi đáng kể tuyến đường bay, tốn thêm thời gian và chi phí vì bị cô lập.
"Các tác động đối với nền kinh tế Qatar rất nghiêm trọng", Karasik nói. "Doha không có khả năng trụ vững khi bị phong tỏa như vậy. Các hàng xóm GCC biết thực tế này: Qatar phụ thuộc rất lớn vào an ninh lương thực bên ngoài".
"Bên cạnh đó, nhiều dự án của Qatar cũng chịu ảnh hưởng, không chỉ ở Doha mà còn bao gồm các khoản đầu tư nước ngoài, tất cả đều có nguy cơ gặp rủi ro cao", ông đánh giá.
Jaap Meijer và Michael Malk, các nhà phân tích của Arqaam Capital, viết trong một báo cáo ngày 6/6 rằng Qatar có thể đối mặt với các lệnh trừng phạt tài chính. "Việc mở rộng lệnh trừng phạt tài chính có thể gây hậu quả lớn vì các ngân hàng Qatar hàng đầu, chẳng hạn như Ngân hàng Quốc gia Qatar, phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn nước ngoài".
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng Qatar có những lá bài quan trọng để đương đầu với áp lực. Họ có thể trả đũa bằng cách ngừng xuất khẩu khí đốt sang UAE, trong bối cảnh nhu cầu năng lượng của nước này đạt đỉnh điểm vào mùa hè.
Ông Karasik cho rằng Qatar có thể doạ rút khỏi GCC. Quyết định này sẽ uy hiếp nỗ lực của Arab Saudi khi họ đang tìm kiếm sự kết hợp chặt chẽ hơn trong tổ chức."Qatar có thể bắt đầu quá trình rời nhóm. Đây sẽ là một thông điệp mạnh mẽ cho tất cả các bên liên quan", ông Karasik nói. Doha có thể nhận được sự hậu thuẫn từ Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và cả Nga.
Dù vậy, Kristian Alexander, một trợ lý giáo sư tại trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Zayed, đánh giá rằng áp lực nội bộ, bao gồm từ các thành viên hoàng gia và các doanh nghiệp, sẽ buộc Qatar thay đổi.
"Qatar không thể duy trì như thế này mãi. Họ có thể kéo dài vì họ vẫn có thể xuất khẩu dầu và khí đốt, họ cũng có quỹ đầu tư quốc gia rất mạnh. Tuy nhiên, áp lực nội bộ dài hạn từ một số nhóm ở Qatar và yếu tố xã hội sẽ thôi thúc giới lãnh đạo giải quyết khủng hoảng càng sớm càng tốt", ông nói.
Hasnain Malik, chuyên gia trung tâm Exotix Strategy có trụ sở tại Dubai, cho biết Qatar "dễ bị tổn thương" vì ba lý do.
"An ninh của họ phụ thuộc vào việc có trung tâm chỉ huy không quân của Mỹ tại Al Udeid; nền kinh tế khí đốt của họ phụ thuộc vào mối quan hệ với Iran còn nền kinh tế phi khí đốt phụ thuộc vào du lịch và hàng hóa đi qua biên giới, đòi hỏi họ giữ quan hệ thân mật với Arab Saudi", ông nói.
"Qatar sẽ phải giải quyết khủng hoảng này và chịu nhún nhường. Họ sẽ thể hiện như là các nước kia đưa ra được giải pháp hợp lý vì Qatar không muốn mất mặt bằng cách thỏa hiệp ngay lập tức", Alexander nhận xét.
Phương Vũ
Theo VNE
Bị cô lập, Qatar chìa tay muốn Nga giúp, Putin có đáp ứng? Trong bối cảnh Qatar đang lâm vào cuộc khủng hoảng ngoại giao trầm trọng với một số quốc gia Ả Rập, Ngoại trưởng nước này lên đường sang thăm Nga thúc đẩy quan hệ song phương. Qatar dường như đang chìa tay muốn Nga giúp đỡ, nhưng liệu Điện Kremlin có sẵn sàng đáp lại? Quan điểm của Nga về khủng hoảng Qatar...