Phương Tây đang dựng chuyện Nga dồn quân về biên giới Ukraine?
Những ngày qua, thông tin từ Mỹ ước tính Nga đã tập hợp hàng chục nghìn binh sỹ ngay gần biên giới Ukraine. Trong khi đó chính quyền Kiev cho rằng con số này lên tới 100.000. Tuy nhiên điều tra thực địa lại phủ nhận điều này.
Khi đoàn tàu tốc hành từ Mátxcơva đi Budapest tiến vào thị trấn Suzemka ở Tây Nam Nga trước bình minh, hành khách sẽ bước vào một màn sương mù dày đặc tưởng như có thể che giấu cả một đội quân.
Xe tăng Nga trong một cuộc tập trận
Tại đâu đó trong vùng đất này, chính phủ các nước phương Tây tin rằng Nga đang tập hợp một đạo quân được trang bị đầy đủ để xâm chiếm miền Đông Ukraine.
Tổng thống Mỹ Obama ngày thứ Sáu còn đưa ra cảnh báo rằng các binh sỹ Nga “đang tập hợp hàng loạt dọc biên giới đó”, và cho biết thêm: “Đây có thể đơn giản là một động thái nhằm hù dọa Ukraine, nhưng cũng có thể họ đã có những kế hoạch bổ sung”.
Phát biểu của ông Obama được đưa ra một ngày sau khi chủ tịch hội đồng an ninh quốc gia Ukraine Andrey Parubiy khẳng định với phó chủ tịch điều hành Hội đồng Mỹ – Atlantic Damon Wilson rằng: “gần 100.000 binh sỹ đang đóng quân trên các tuyến biên giới Nga và nằm về hướng của Kharkov, Donetsk”.
Ông Parubiy bày tỏ sự lo lắng rằng Ukraine có thể phải chứng kiến “một đợt tấn công khổng lồ” vào lãnh thổ của mình. “Chúng tôi đang chuẩn bị sẵn sàng cho nó”, vị quan chức này khẳng định.
Người Mỹ không nêu ra những địa điểm cụ thể, nhưng có vẻ như các nhà phân tích tình báo đã kết luận rằng các lực lượng Nga đang tập hợp 3 lực lượng cần cho một cuộc tấn công bền vững – gồm pháo binh, hậu cần và thông tin – dưới vỏ bọc các cuộc diễn tập quân sự.
Theo tờ Telegraph của Anh, ước tính khiêm tốn nhất của Mỹ, hầu như chắc chắn dựa trên dữ liệu vệ tinh, khẳng định Nga đã tập hợp 40.000 – 50.000 binh sỹ trong cự ly có thể tấn công Ukraine, bao gồm cả những lực lượng đã có mặt tại Crimea. Con số này rõ ràng đã tăng so với ước tính 30.000 binh sỹ cách đây một tuần.
Nhưng các lực lượng của Nga – nếu thực sự được triển khai ở đây – hẳn phải được ngụy trang rất tài tình. Khi màn sương mù tan, những hình ảnh lờ mờ, tối tăm hiện ra chỉ là những hàng cây, ngôi nhà hay những chiếc xe Lada cũ. Không hề có chiếc xe tăng hay trực tăng nào khả nghi di chuyển trong khu vực, chẳng hề có những chiếc xe tải sơn màu lá cây gầm rú trên đường phố.
Trong một hành trình suốt 320 km dọc tuyến biên giới, chiếc xe quân sự duy nhất của Nga hiện ra trên mảnh đất này là ở đài tưởng niệm chiến tranh, với những chiếc xe tăng T-34 cũ kỹ của Liên Xô nằm ngay trên quảng trường của thị trấn.
Video đang HOT
Những cỗ xe này đã chiến thắng một trong những chiến trường tăng lớn nhất lịch sử tại chính thành phố Kursk này năm 1943 trước phát xít Đức, nhưng không có vẻ gì nó sẽ lăn bánh một lần nữa để tiến sang phía Tây, vào Ukraine.
Trong khi giới chức Kiev và phương Tây luôn lo ngại Nga có thể tiến quân vào các vùng phía Đông của Ukraine, như Kharkiv, Donetsk và Lugansk để làm chủ các vùng đất có nhiều người nói tiếng Nga, thì thực tế là một cuộc khảo sát năm 2001 cho thấy phần đông cư dân tại cả 3 khu vực này đều là người Ukraine. Liệu Mátxcơva có muốn kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn với cư dân có tư tưởng thù địch?
Cán cân lực lượng Ukraine – Nga nghiêng hẳn về phía Nga
Trong những kịch bản “ác mộng” nhất mà giới chức Kiev lo ngại, quân đội Nga sẽ chiếm các vùng phía Đông và tiến sang Odessa, hội quân với các lực lượng Nga tại khu vực ly khai Transdniester, khiến Ukraine mất hoàn toàn khả năng tiếp cận biển.
Nhưng đến giờ, ít nhất thời khắc hành động vẫn chưa tới. Cả vùng đất này bao gồm những cánh đồng rộng lớn, phẳng như mặt bàn bi a và bị chia cắt bởi những con sông nhỏ, cùng những tuyến đường xuống cấp.
Đây hầu như là đất nước hoàn hảo cho xe tăng, như lịch sử từng chứng minh. Nhưng mặt đất trù phú này vẫn quá lầy lội, còn các con sông nước dâng quá cao để có thể triển khai những chiếc xe tăng T-90 đồ sộ của Nga.
“Vớ vẩn”, một người đàn ông mà cảnh sát địa phương gọi là đến từ truyền thông nước ngoài thốt lên khi được hỏi về sự tăng cường hiện diện quân sự.
Về phần mình, phản ứng lại những cáo buộc từ phương Tây, Bộ ngoại giao Nga đã ra thông báo, trong đó nhắc lại 4 cuộc điều tra được thực hiện trong tháng 3 bởi các nhóm quan sát nước ngoài, tại các vùng đất của Nga giáp biên giới Ukraine.
“Ngay cả các thanh sát viên Ukraine” đã đồng ý rằng “không có hoạt động quân sự lớn nào đang được triển khai”, thông báo viết. 4 phái đoàn thanh tra quốc tế bao gồm đại diện từ Đức, Thụy Sỹ, Phần Lan, Estonia, Bỉ, Latvia, Pháp và Ukraine. Không có phái đoàn nào “phát hiện những hoạt động chuẩn bị tấn công”, và đã không ghi nhận bất kỳ hoạt động quân sự nào ngoài những hoạt động đã công khai từ trước”.
Thanh Tùng
Tổng hợp
Theo dantri
Ông Yanukovych kêu gọi Ukraine trưng cầu dân ý, Obama "đòi" Nga rút quân
Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày hôm nay 28/3, Tổng thống Mỹ Obama cho rằng Nga phải "rút quân" khỏi biên giới Ukraine trong khi Tổng thống bị lật đổ Yanukovych kêu gọi tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn Ukraine.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với kênh CBS News, Tổng thống Mỹ Obama cho rằng quyết định của Tổng thống Nga Putin, cho tập trung quân ở biên giới có thể "đơn giản là nỗ lực hăm dọa Ukraine, hoặc cũng có thể họ có những kế hoạch thêm khác".
Tổng thống Obama đã kêu gọi Nga "rút quân" khỏi biên giới Ukraine và hạ nhiệt căng thẳng.
Nga bị Ukraine, Mỹ cùng EU cáo buộc đã huy động nhiều ngàn binh sỹ gần biên giới phía đông của Ukraine.
Trong cuộc phỏng vấn trước khi rời Italia vào ngày thứ năm, Tổng thống Obama cảnh báo lãnh đạo Nga không được "quay trở lại kiểu hành xử đã thống trị thời Chiến tranh Lạnh".
"Tôi cho rằng có cảm giác mạnh mẽ về dân tộc chủ nghĩa Nga và có cảm giác phương Tây bằng cách nào đó đã giành được lợi thế trước Nga trong quá khứ và ông ấy (Putin) muốn, ở một số khía cạnh, đảo ngược điều đó hoặc bù đắp cho điều đó", ông Obama cho biết.
Và ông Obama tuyên bố Mỹ "không có lợi ích gì khi bao vây Nga" và "không có lợi ích gì ở Ukraine ngoài để người Ukraine tự ra quyết định đối với cuộc sống của chính họ".
"Những gì tôi liên tục nói là ông ấy có thể đang hoàn toàn hiểu sai phương Tây. Ông ấy rõ ràng là đang hiểu sai chính sách đối ngoại của Mỹ".
Trong khi đó, một quan chức an ninh Nga cho biết các biện pháp tình báo đã được tăng cường nhằm đối phó với đe dọa của phương Tây đối với ảnh hưởng của Nga. "Đã có sự gia tăng mạnh về những đe dọa từ bên ngoài đối với nhà nước. Mong muốn hợp pháp của người ở Crimea và các vùng miền đông Ukraine đang gây ra sự kích động ở Mỹ và các đồng minh của họ", phó giám đốc Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) Alexander Malevany được hãng thông tấn Interfax dẫn lời cho biết.
Ông cho biết Nga đang có "những biện pháp tình báo phản công" nhằm đáp trả nỗ lực của phương Tây nhằm "suy yếu ảnh hưởng của Nga ở một khu vực có tầm quan trọng lớn".
Tổng thống bị lật đổ Yanukovych kêu gọi trưng cầu dân ý ở Ukraine
Kêu gọi của ông Tổng thống bị lật đổ của Ukraine được đưa ra trên truyền hình vào ngày hôm nay. Ông kêu gọi các vùng ở Ukraine tổ chức một cuộc cầu dân ý, nhằm quyết định số phận của mỗi vùng, thay vì tiến hành cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Chính quyền hiện nay ở Kiev, chính quyền đã lật đổ ông Yanukovych vào tháng trước, đã lên kế hoạch tiến hành bầu cử tổng thống sớm vào 25/5 tới.
"Chỉ có một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn quốc và không cần đến một cuộc bầu cử tổng thống vội vàng mới có thể ổn định được đáng kể tình hình chính trị hiện nay và bảo đảm được chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của nhà nước Ukraine", ông Yanukovych cho hay trên kênh tin tức Rossiya-24.
Nga khẳng định ông Yanukovych là lãnh đạo hợp pháp của Ukraine và ông vẫn là tổng thống được nhân dân Ukraine bầu lên để lãnh đạo nước này.
Tổng thống bị lật đổ Yanukovych đã từ chối chạy đua trong cuộc bầu cử sắp tới, và gọi cuộc bầu cử là phi pháp.
Rất nhiều vùng đông nam, với rất nhiều người dân tộc Nga, cũng đã từ chối tính hợp pháp của chính phủ mới và bày tỏ lo ngại về việc bổ nhiệm những chính trị gia cực hữu vào các vị trí chủ chốt ở Kiev.
Crimea, từng là vùng tự trị thuộc Ukraine, đã tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 16/3 vừa qua, theo đó các cử tri ủng hộ gia nhập Liên bang Nga. Nga sau đó đã phê chuẩn đề nghị này.
Ông Yanukovych cũng cho biết thêm ông sẽ rời Đảng các vùng và yêu cầu giữ chức vụ của ông là chủ tịch danh dự.
Vũ Quý
Tổng hợp
Theo Dantri
Ba tổng thống Mỹ và một bí ẩn mang tên Putin Bill Clinton thấy ông lạnh lùng và đáng lo ngại, nhưng dự đoán ông sẽ là một lãnh đạo cứng rắn và có khả năng. George W. Bush muốn ông trở thành bạn bè và đối tác trong cuộc chiến chống khủng bố nhưng ngày càng vỡ mộng. Barack Obama thì cố gắng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với ông,...