Phương pháp luận sáng tạo trong giáo dục: Trăn trở về nguy cơ thất truyền (04/03/2015)
Phương pháp luận sáng tạo (tên viết tắt là TRIZ) được TSKH Phan Dũng du nhập từ Nga và truyền bá ở Việt Nam từ năm 1977 mang lại những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, môn khoa học này hiện đang đối diện nguy cơ “mất giống” , thất truyền, nếu không sớm có sự can thiệp của Nhà nước.
TSKH Phan Dũng Ngày 3-3, tiếp xúc với chúng tôi, Phó GS, TSKH Phan Dũng, nguyên Giám đốc Trung tâm Sáng tạo Khoa học – kỹ thuật (viết tắt là TSK, thuộc ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) cho biết, ông rất ưu tư trước nguy cơ môn khoa học này bị “mất giống”, thất truyền ở Việt Nam vì thiếu đội ngũ kế thừa, thiếu sự quan tâm của Nhà nước… Theo Tiến sĩ Phan Dũng, năm 2003, nhận thấy những hiệu quả do TRIZ mang lại, Vụ Khoa học và Công nghệ thuộc Bộ GD&ĐT, đã thành lập Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ về vấn đề Phương pháp luận sáng tạo khoa học kỹ thuật. Chủ tịch Hội đồng này là GS, VS Phạm Minh Hạc và 8 thành viên. Theo biên bản của cuộc họp do hội đồng này chủ trì ở Hà Nội ngày 8-1-2004, thì tại buổi làm việc này, có nhiều đại diện của lãnh đạo và chuyên viên Vụ Đại học, sau đại học. Sau khi nghe báo cáo của TS Phan Dũng về phương pháp TRIZ, kết quả đào tạo và nghiên cứu TRIZ… hội đồng có đề nghị “mở rộng phạm vi phổ biến, tạo điều kiện biên soạn tài liệu, sách chuyên đề, có thể phổ biến TRIZ theo phương thức đào tạo từ xa”; “xem xét áp dụng đưa vào đào tạo sau đại học, có thể mở mã ngành và tổ chức viết tài liệu đào tạo giảng viên”; “có thể cho phép đào tạo như môn tự học trong trường đại học. Trước khi mở rộng cần thử nhiệm ở một lớp, khoa hoặc trường”; “có thể xemm xét giảng dạy trong trường quản lý, bách khoa, sư phạm”. Tuy nhiên, theo TS Phan Dũng, từ đó đến nay, những đề nghị nêu trên vẫn chưa được thực hiện. Các lớp học TRIZ vẫn tiến hành theo hình thức cũ do trung tâm tự mở, tự lo kinh phí. Theo TS Phan Dũng, TRIZ có thể dạy cho nhiều đối tượng, kể cả ở mẫu giáo. Nhưng muốn dạy ở độ tuổi mẫu giáo thì cần nghiên cứu thêm, viết lại giáo trình, chế tạo ra các đồ chơi giúp sáng tạo cho trẻ em… thì mới có thể giảng dạy môn học này cho các em được. Còn hiện nay, các lớp học TRIZ do thầy Dũng và cộng sự đảm nhiệm chỉ nhận học viên có trình độ học vấn từ lớp 12 trở lên. Để môn học này phát triển, theo tiến sĩ Dũng cần có sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Cần có chiến lược và chính sách phát triển từ Nhà nước và Bộ GD&ĐT, như: mở các lớp học trong các trường đại học, tổ chức nghiên cứu, biên soạn về giáo trình, sách về TRIZ, tổ chức đào tạo các giáo viên và giảng viên về TRIZ… tiến tới phổ cập môn học này trong trường học và xã hội. “Tôi thấy tiếc vì môn học này không có cơ hội để phát triển ở nước ta, dù chúng ta đã đi trước nhiều nước phát triển và có nhiều điều kiện thuận lợi hơn. Tuổi tác tôi cũng lớn mà thế hệ kế cận có thể đảm đương thì rất ít ỏi. Nếu không có sự can thiệp, giúp đỡ từ Nhà nước, từ Bộ GD&ĐT, thì môn khoa học này sẽ đối diện với nguy cơ bị “mất giống”. Và lúc đó chúng ta phải làm lại, tốn kém vô cùng và mất thời gian”- TS Dũng bày tỏ. Theo TS Dũng, môn học này do nhà khoa học người Nga Genrikh Saulovich Altshuller (1926-1998) khai sinh ra. Ông Altshuller là nhà sáng chế và là nhà văn viết truyện khoa học viễn tưởng. Từ TRIZ đã Latinh hóa cụm từ tiếng Nga, nghĩa là Lý thuyết giải bài toán sáng tạo, còn gọi là Phương pháp luận sáng tạo. TSKH Phan Dũng là một trong những học trò đầu tiên của nhà khoa học Altshuller. TRIZ là môn khoa học lý thuyết hóa, đúc kết những kinh nghiệm sáng tạo thành cơ sở lý luận giúp cho sự sáng tạo của con người đạt hiệu quả hơn, hữu dụng hơn. Tuy nhiên, để vận dụng nó, thì cần phải theo học một khóa đào tạo bài bản với nhiều nội dung mà ở đây chúng tôi không có điều kiện nói rõ hơn. Được sự khuyến khích của thầyAltshuller, năm 1977, thầy Phan Dũng mở lớp dạy ngoại khóa về TRIZ cho sinh viên các khoa tự nhiên thuộc ĐH tổng hợp TP.HCM (nay là Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM). Sau đó, TS Phan Dũng mở các lớp ngoại khóa giảng dạy về môn học này ở Nhà Văn hóa Thanh Niên TP. HCM và Sở KHCN TP.HCM… Năm 1991, Trung tâm TSK ra đời, hoạt động theo nguyên tắc tự trang trải. Đến nay đã có hơn 20 ngàn người với nghề nghiệp khác nhau thuộc mọi thành phần ở nhiều nơi theo học thầy Dũng về TRIZ. Trên thế giới, TRIZ được giảng dạy, áp dụng rộng rãi. Năm 2005, học phí khóa học của một công ty ở Anh giảng dạy môn này là 400 bảng/5 ngày. Ở các nước phát triển, việc giảng dạy, áp dụng TRIZ đã mang lại hiệu quả cao trong công nghệ, khoa học sáng tạo góp phần tăng hiệu suất kinh tế, đóng góp nhiều cho sự phát triển xã hội, đất nước. Tập đoàn SumSung của Hàn Quốc, khi áp dụng phương pháp sáng tạo đã giúp tiết kiệm 120 tỷ won, tương đương 91,200.000USD. Tuy nhiên, nhiều năm qua, việc quảng bá, giảng dạy và ứng môn học sáng tạo này ở Việt Nam chưa thực sự được Nhà nước và các cơ quan liên quan chú trọng, gây lãng phí, thiệt thòi cho xã hội, đất nước ta không nhỏ.
Theo Daidoanket.vn