Phương pháp học Văn sáng tạo của học sinh trường quốc tế Gateway
Việc học Văn tại Gateway theo hướng giáo dục hiện đại, học sinh tự làm và tự biểu đạt cảm xúc.
Đó là chia sẻ của thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải – Hiệu phó phụ trách chương trình Văn – Tiếng Việt của nhà trường chia sẻ tại tọa đàm “Học Văn thời 4.0″ tổ chức vào ngày 27/12/ 2018.
Buổi tọa đàm còn có sự tham gia của Nhà phê bình Văn học Phạm Xuân Nguyên, Tiến sĩ Văn học Nguyễn Ngọc Minh, Nghệ sĩ thị giác Phạm Diệu Hương. Trong không gian đối thoại cởi mở, thẳng thắn, các diễn giả cùng khách mời đã cùng nhau nhìn nhận lại những giá trị của môn Văn cũng như phương pháp học Văn trong thời đại 4.0.
Các diễn giả, khách mời tại buổi tọa đàm.
Vai trò của môn Văn trong kỷ nguyên công nghệ
Mở đầu tọa đàm, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải đặt ra câu hỏi: “Mục đích của việc học Văn là gì? Vì sao từ xưa đến nay, Văn vẫn luôn giữ vai trò là một trong những môn học chính ở nhà trường phổ thông?”.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng ngày xưa, dưới ảnh hưởng của Nho giáo, học Văn là học đạo lý làm người – “văn dĩ tải đạo”, còn ngày nay là để học một cách nhìn đời, nhìn cuộc sống. Cách nhìn này rất khác với cách nhìn chính xác mà môn Toán đem lại, bởi đó là cách nhìn cảm xúc. Văn, với nghĩa rộng nhất là văn nghệ, nghệ thuật, cung cấp cho chúng ta một lăng kính để nhìn vào cuộc đời. Văn theo nghĩa hẹp là văn chương, cũng như thế. Nó chưa bao giờ chỉ là chuyện câu từ, con chữ.
Cùng quan điểm, Nghệ sĩ thị giác Phạm Diệu Hương cho rằng Văn học khơi gợi sự rung động bên trong mỗi con người. Trong thời đại công nghệ, những rung động ấy càng đáng được trân trọng. Chỉ khi có sự rung động, ta mới có thể cảm nhận và chiêm nghiệm về các vấn đề trong cuộc sống, nhờ thế mà có cơ hội khai phá chính bản thân mình, tìm thấy được điều gì đó sâu thẳm bên trong mỗi con người. Không chỉ vậy, học Văn còn là để học cách nói ra được những cảm xúc, suy nghĩ của chính mình.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh cũng cho rằng, học Văn là để hiểu biết về cuộc đời, về chính mình và để biết biểu đạt những rung động bên trong bằng lời. Cô nhìn nhận: “Văn chương là câu chuyện về con người, về những sinh mệnh cá nhân với những trải nghiệm hết sức cá nhân. Học Văn, học sinh được rèn luyện khả năng đồng cảm, thấu cảm trước những số phận khác nhau, vì thế mà hiểu hơn về chính mình”.
Nhà giáo Phạm Toàn – Cố vấn giáo dục trường quốc tế Gateway cũng khẳng định học Văn thời 4.0 là để “học sự biết rung động”. Qua việc tổ chức học Văn, nhà trường có thể tổ chức đời sống tình cảm của trẻ và từ đó giúp trẻ sống hạnh phúc.
Tổng kết lại các ý kiến chia sẻ tại tọa đàm, Thạc sĩ Thanh Hải, cũng như rất nhiều giáo viên và phụ huynh có mặt ở đó, đã tìm được câu trả lời cho mình về mục đích của việc học Văn. Đó là để có một đời sống tình cảm phong phú, năng lực biểu đạt những cảm xúc, rung động của bản thân. Nhưng vấn đề đặt ra: để đạt được mục đích đó, việc học Văn của học sinh trong nhà trường cần phải được tổ chức như thế nào?
Phương pháp giúp học sinh sáng tạo trong cảm thụ văn học
Video đang HOT
Đề cập đến vấn đề phương pháp dạy văn, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chia sẻ: “Trước đây, một số người học Văn tiếp nhận các tác phẩm văn chương một cách thụ động, bắt buộc”. Giáo viên giảng giải, truyền đạt lại cách hiểu của mình cho học sinh, các em sẽ chép lại những lời đó. Thế nhưng, một bài toán còn có thể có nhiều lời giải khác nhau, tác phẩm nghệ thuật ngôn từ càng có nhiều cách tiếp nhận.
Theo ông, học sinh là những chủ thể có quyền sáng tạo ra cách tiếp nhận riêng của mình. Cần phải “chống lại sự noi gương” vì học Văn là học tình cảm, cảm xúc và học cách diễn đạt tình cảm của mình qua khả năng ngôn ngữ.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đưa ra cái nhìn về văn học xưa và nay.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục văn học trong nhà trường, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh, giảng viên khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội, cũng thừa nhận cách dạy trên vẫn còn tồn tại trong một số trường. Từ thực tế đó, việc đánh giá năng lực văn của học sinh chủ yếu là dựa vào thang điểm đo khả năng ghi nhớ, học thuộc và khả năng biểu đạt bằng lời. Vì thế có sự chênh lệch lớn giữa điểm số và năng lực thực sự. Cũng theo tiến sĩ Ngọc Minh, năng lực Văn của học sinh cần phải được đánh giá ở năng lực thẩm mĩ, tức là khả năng cảm nhận, đánh giá cái đẹp.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải – Phụ trách chương trình Văn – Tiếng Việt tại Gateway cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra thách thức ngành giáo dục phải thay đổi cách dạy học cho phù hợp. Nhà trường phải là người đồng hành, dẫn dắt mỗi học sinh trên hành trình khám phá và phát triển tiềm năng của riêng mình, từ đó làm chủ được tương lai của bản thân thay vì chỉ trở thành những hình mẫu đã được định sẵn.
Phương pháp học văn hiệu quả trong thời đại 4.0 là phải tạo dựng một môi trường học tập sáng tạo, tự do, để học sinh trung thực với cảm xúc của chính mình và tôn trọng sự khác biệt của các em. Mỗi em học sinh đều có những năng lực cảm thụ riêng. Nhà trường đóng vai trò là người đồng hành trong hành trình khai phá tiềm năng, khơi dậy những năng lực tiềm ẩn bên trong để các bạn phát huy tối đa khả năng của mình.
Theo thạc sĩ Thanh Hải, phương pháp dạy Văn tại Gateway đi theo con đường giáo dục hiện đại, tổ chức cho học sinh tự học, tự làm, tự cảm nhận và biểu đạt thay vì nghe giảng, ghi chép cảm thụ của người lớn. Đối với môn Văn, học sinh được tổ chức “đi lại con đường người nghệ sĩ đã đi”, làm lại những thao tác chắt lọc mà người nghệ sĩ đã làm. Khi tiếp cận một tác phẩm nghệ thuật, các em được sống lại với tâm trạng của nghệ sĩ khi sáng tạo, từ đó tự mình cảm nhận, suy nghĩ thay vì nghe giảng và nhại lại cảm thụ của người lớn.
Con đường học Văn của học sinh Gateway vì thế đi từ gốc là lòng đồng cảm. Ngay từ lớp một, các em được học cách tạo lòng đồng cảm qua trò chơi đóng vai. Ở lớp 2, lớp 3 và lớp 4 các em được làm lại các thao tác nghệ thuật của người nghệ sĩ khi làm ra tác phẩm để tự tạo ra được hình tượng nghệ thuật với đầy đủ ý tứ trong một bố cục cụ thể của thể loại. Lên lớp 5, các em dùng tấm lòng đồng cảm và các thao tác nghệ thuật đó để tiếp cận với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau.
Ở bậc trung học cơ sở, với phương pháp học Văn đã được trang bị từ tiểu học, học sinh tập tự học, khám phá cảm hứng sáng tạo, tìm cách giải mã tác phẩm nghệ thuật và tập nghiên cứu. Phương pháp này giúp tổ chức cho trẻ em một đời sống tâm hồn phong phú đồng thời rèn luyện khả năng biểu đạt những cảm xúc rung động của bản thân theo phương thức nghệ thuật Văn.
Cũng tại tọa đàm, Nhà giáo Phạm Toàn đã chia sẻ triết lý giáo dục của nhà trường: “Chúng ta không thể dạy trẻ em trưởng thành mà chỉ có thể tổ chức trẻ em trưởng thành thông qua việc tổ chức việc học. Từ đó để các em biết cách tự học, tự tổ chức cuộc sống trí tuệ, cuộc sống tình cảm của mình”. Vì vậy, theo nhà giáo Phạm Toàn, vấn đề đặt ra là cách học như thế nào chứ không phải là dạy học như thế nào. Nhà trường xác định học văn thời 4.0 chính là học sự biết rung động. Nếu làm tốt việc tổ chức lại cảm xúc cho trẻ qua văn chương thì thế hệ trẻ của sẽ luôn hạnh phúc.
Theo VNE
"Môn Văn giúp tạo ra sự rung động của tâm hồn"
"Trước đây học Văn theo kiểu thầy cô giảng, học sinh tiếp nhận một cách bắt buộc. Còn hiện nay, học Văn là học cách tiếp nhận sáng tạo. Một tác phẩm có nhiều cách hiểu khác nhau chứ không chỉ có một".
Trên đây là nhận xét của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, về ý sự khác biệt của việc học Văn thời xưa và nay, tại tọa đàm Học văn thời 4.0 do Trường Phổ thông Liên cấp Quốc tế Gateway vừa tổ chức.
Học Văn là sáng tạo
Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, học Văn là học cách nhìn đời, cách nhìn cuộc sống qua văn chương nghệ thuật. Nếu Toán học đưa cho chúng ta cách nhìn chính xác thì văn chương đưa cho chúng ta cách nhìn cảm xúc, tình cảm. Chúng ta có thể biểu đạt bằng văn chương.
Ngày xưa, văn đi với đạo. Văn là đạo đức. Văn là "tải đạo" vì ảnh hưởng của Nho học. Còn ngày nay, văn là tình cảm, cảm xúc, là cách nhìn cuộc sống qua lăng kính văn chương. Rộng hơn nữa, văn là một cái thuyết, một bài thơ. Văn học trước hết là nghệ thuật.
Ông ví von, văn học ngày nay có thể hình tượng hóa một công thức Toán học khiến bớt khô khan như: "Đồ thị hình sin dập dờn trên sóng biển, trải mãi trên trục hoành".
"Thực ra, văn là tình cảm, cảm xúc, cảm nhận, chung cho con người. Cảm xúc ấy không phải dến thời đại 4.0 mới có. Chúng ta, ai cũng có những niềm vui, nỗi buồn,... nhưng không có một công thức toán học nào thể hiện được, không một phản ứng khoa học nào giúp được chúng ta. Chừng nào còn con người thì văn còn tồn tại. Con người càng áp lực, càng cần văn học", ông Phạm Xuân Nguyên chia sẻ.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên
Nhận xét về sự khác biệt giữa cách thức học Văn trước đây và hiện nay, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên cho rằng, trước đây học Văn là học tiếp nhận, thầy cô giảng, học sinh tiếp nhận một cách bắt buộc.
Còn hiện nay, học Văn là học sáng tạo. Một tác phẩm có nhiều cách hiểu khác nhau chứ không chỉ có một nên cách tiếp nhận cũng rất sáng tạo để có cách hiểu của riêng mình, đấy mới là cách học Văn thời 4.0.
Bà Phạm Diệu Hương, nghệ sĩ thị giác cho hay, quan trọng học Văn giúp bày tỏ cảm xúc, những câu chuyện, mong muốn của chính bản thân mình, mới có thể phản biện.
Học Văn là khơi gợi sự rung động nhưng sự rung động trong thời đại 4.0 này là thứ chúng ta thiếu nhiều nhất.
Bà Hương cho rằng, ở Việt Nam hiện nay, chúng ta có đầy đủ mọi thứ nhưng lại thiếu rung động. Chúng ta không phải lo lắng việc con chúng ta thiếu gì về vật chất, hay không cần lo con học theo ngành gì có để kiếm tiền. Hãy quan tâm tới phần cảm xúc, sự rung động của tâm hồn. Sự rung động của tâm hồn có thể tự tạo ra. Và môn Văn giúp cho chúng ta việc đó.
Đồng tình với quan điểm của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nghệ sĩ Diệu Hương cũng khẳng định, học văn không phải là "học" mà là sáng tạo.
Học văn là nhìn thấy mình, hiểu người khác để hiểu chính mình, luôn bắt đầu từ mình, hiểu được mình để cảm nhận người khác.
Nhà giáo Phạm Toàn tại tọa đàm.
Sẽ gặp "vấn đề" nếu quá coi trọng điểm số
Nhận xét về cách thức học Văn trong nhà trường hiện nay, nghệ sĩ Diệu Hương cho rằng: "Chúng ta sẽ gặp vấn đề nếu quá coi trọng điểm số. Học Văn là để tìm ra mình, trở thành chính mình mà không phải là bản sao của ai đó, chấp nhận sự khác biệt.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Minh, giảng viên bộ môn Lý luận văn học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, vợ anh dạy Văn nhưng con từ chối không đọc sách văn học.
"Đến lớp 5, mẹ vẫn đọc truyện cho con nghe. Khi tôi cho con đọc một cuốn truyện, tôi đọc đến 11 chương. Sau đó, con đọc những chương còn lại trong chỉ một hôm. Con rơm rớm nước mắt khi kể lại chuyện. Mấy ngày tiếp theo vẫn kể. Câu chuyện chạm vào trái tim", TS. Ngọc Minh xúc động kể lại.
Dẫn lại câu chuyện này, TS. Ngọc Minh muốn nói rằng, văn học mang lại sự rung động khi chúng ta đứng đối diện với một con người và khả năng thấu cảm. Vì vậy, học Văn sẽ mang tới nhiều giá trị, đặc biệt là giá trị của sự biểu đạt ngôn từ.
Chia sẻ về cách thức học Văn trong nhà trường hiện nay, thầy Phạm Toàn, cố vấn chương trình Văn - Tiếng Việt, Trường PTLC Quốc tế Gateway cho rằng, chúng ta không thể dạy trẻ em trưởng thành mà chỉ tổ chức trẻ em trưởng thành, tổ chức việc học, tiết học để trẻ em học như thế nào.
Chẳng hạn, ở lớp 1 trẻ được học được lòng đồng cảm của người nghệ sĩ chân chính bằng cách đóng vai. Đến lớp 2, trẻ học văn theo cách tưởng tượng để nghĩ ra nhiều điều mới mẻ, thú vị của văn chương. Lớp 4 trẻ học bố cục để có kỷ luật trong nghệ thuật bằng cách cảm nhận và tưởng tượng những điều đã quan sát.
"Vấn đề hiện nay là cách học chứ không phải dạy học. Học sinh được định hướng theo cách tự học, để các con biết tự mình tổ chức cuộc sống trí tuệ, tổ chức cuộc sống tình cảm của mình", thầy Toàn cho biết.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Văn chương bây giờ có giá trị không em? Văn chương bây giờ thầy muốn mai sau/ Các em lớn khôn có trí nhân vững cả/ Em biết yêu thương, biết điều hay, lẽ phải/ Đừng dửng dưng Văn đẹp giống như Người. Ảnh minh họa LTS: Trước tầm quan trọng của việc học văn, thầy giáo Nguyễn Văn Khánh đã có những chia sẻ qua hai bài thơ. Tòa soạn trân...