Phú Yên: Thầy cô tất bật tổng vệ sinh trường lớp để đón học sinh
Để đón học sinh đi học vào ngày 4/5 tới, các thầy cô, học sinh đã thực hiện nhiều công tác tổng vệ sinh, nhằm đảm bảo môi trường dạy và học an toàn.
Phú Yên: Thầy cô tất bật tổng vệ sinh trường lớp để đón học sinh
Mặc dù đang trong chuỗi ngày nghỉ lễ, nhưng các thầy cô trường mầm non Sơn Ca (TP. Tuy Hòa) vẫn được huy động đến trường để thực hiện tổng vệ sinh trường lớp để đón các cháu bậc học mầm non đến lớp vào ngày 4/5 tới.
Các cô giáo trường Mầm non Sơn Ca được huy động quét dọn trường lớp sạch sẽ để đón các cháu đi học lại
Các cô thực hiện nhiều nhiệm vụ như: quét dọn, xịt rửa sàn lớp học, lau chùi đồ chơi, cửa sổ, giặt giũ màn chiếu…và các đồ dùng sinh hoạt của các cháu.
Vì đây là khối lớp có độ tuổi nhỏ nhất, nên công tác phòng, chống dịch được nhà trường rất chú trọng.
Các cô lau chùi các tiểu cảnh trang trí lớp học
Làu chùi cửa sổ sạch sẽ
Cô Bùi Thị Thùy Trinh, Hiệu trưởng trường Mầm non Sơn Ca, TP. Tuy Hòa cho biết: Theo kế hoạch của Sở GD&ĐT tỉnh Phú Yên thì ngày 4/5 tới các cháu mầm non sẽ được đi học lại sau kỳ nghỉ dài, vì vậy liên tiếp những ngày qua nhà trường đã cho các giáo viên thực hiện tổng vệ sinh, đảm bảo môi trường dạy và học an toàn.
Đặc biệt chú trọng đến việc lau chùi các đồ chơi cầm tay của trẻ
Sau đó bày trí lên kệ được đặt sẵn trong lớp học
“Trong ngày đi học đầu tiên, nhà trường sẽ cắt cử 2 giáo viên tiến hành đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe, cũng như đón các cháu ở cổng trường. Cháu nào có sức khỏe không tốt sẽ được đề nghị ở nhà. Khi đến lớp, các cô sẽ hướng dẫn các cháu phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giáo dục các cháu tự bảo vệ sức khỏe…” cô Trinh cho hay.
Tại trường Tiểu học Lạc Long Quân không khí dọn dẹp vệ sinh cũng được toàn thể thầy cô của nhà trường thực hiện nhanh chóng để đón hơn 1.000 học sinh các khối lớp đến trường.
Các cô giáo trường Tiểu học Lạc Long Quân xịt rửa nền lối sinh hoạt chung
Ngoài dọn vệ sinh, nhà trường cũng bố trí máy sát khuẩn tự động tại cổng, bố trí nhiều chai rửa tay sát khuẩn, lắp đặt thêm 4 bồn rửa tay kèm theo xà bông diệt khuẩn để các em sử dụng tại sân trường. Đồng thời, bố trí nhiều bảng biểu tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19 để các học sinh tự trang bị kiến thức bảo vệ sức khỏe.
Cô Trần Thị Bích Châu, phó hiệu trưởng trường Tiểu học Lạc Long Quân cho biết: “Sau khi có công văn đi học lại, nhà trường đã thực hiện xịt khử khuẩn toàn bộ khuôn viên nhà trường và tổng vệ sinh lần 1 vào ngày 28/4 và lần hai vào ngày hôm nay (2/5). Đồng thời nhà trường bố trí thêm 4 bồn rửa tay, bảng tuyên truyền…để học sinh tự trang bị kiến thức bảo vệ sức khỏe.
Làu chùi nền lớp học
Khi học sinh đi học lại, nhà trường sẽ tiến hành đo thân nhiệt, bắt buộc học sinh đeo khẩu trang khi vào lớp. Ngoài ra bố trí các bàn ghế ngồi giãn cách được mức xa nhất có thể, không cho các em tụ tập vào giờ ra chơi…” – cô Châu cho biết.
Lau chùi bàn ghế…
Cũng như kệ, giá sách trong lớp học
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Phú Yên, các trường trên địa bàn tỉnh ngoài thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, phải giảng dạy đúng đủ chương trình theo quy định.
Ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Yên: “Sở GD&ĐT tỉnh nhắc nhở các trường phải thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa đảm các công tác phòng chống dịch Covid-19, đồng thời giảng dạy đúng, đầy đủ theo chương trình giảm tải của Bộ GD&ĐT, để học sinh nắm đầy đủ kiến thức”
Người thầy khuyết tật của trẻ làng chài
Ở xóm Rớ (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, Phú Yên) có một lớp học tình thương do một người thầy khuyết tật đứng lớp. Hơn 40 năm qua, nhiều đứa trẻ xóm Rớ cắp sách đến đây để học nhận biết mặt chữ trước khi bước vào tiểu học.
Lớp học đơn sơ dựng trên khoảng sân nhỏ trước nhà thầy Nam
Người thầy đáng kính ấy tên là Lê Văn Nam, 60 tuổi, ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa, Phú Yên). Bị liệt hai chân khi mới năm tuổi. Năm 14 tuổi lại mồ côi cha, thầy bắt đầu sự nghiệp gieo chữ khi vừa bước vào tuổi 19. Và cái lớp học tình thương ấy của thầy Nam duy trì từ đó đến nay.
Xóm Rớ là làng chài nghèo ven biển ở phường Phú Đông với nhiều ngôi nhà lụp xụp, xiêu vẹo. Cuộc sống người dân phụ thuộc vào những chuyến đi biển bấp bênh. Trước kia ngư dân ai cũng sinh nhiều con, đặc biệt là con trai, để có người đi biển. Gánh nặng đông con, ăn còn không đủ, nên chẳng ai dám mơ đến việc cho con đi học. Do đó những đứa trẻ xóm Rớ đa phần đều chẳng học hành đến nơi đến chốn.
Cuộc đời của thầy Nam đầy bất hạnh. Lên 5 tuổi bị sốt dẫn đến bại liệt hai chân. Không vì thế mà cậu bé chùn bước, dù tật nguyền nhưng vẫn đam mê với con chữ, cắp sách lết tới trường. Đến năm 14 tuổi, chàng thiếu niên phải bỏ giấc mơ học lên cao vì ba mất, thế nhưng vẫn đau đáu chuyện con chữ. Đời mình đã thế, chẳng lẽ đời lũ trẻ cũng như vậy sao?
Sau bao lần trăn trở, năm 1979, khi mới 19 tuổi, chàng trai mở lớp dạy chữ cho những trẻ em nghèo. "Thời đó, ngư dân những làng chài ven biển miền Trung, trong đó có xóm Rớ này, ít ai quan tâm đến chuyện học hành. Nhìn cảnh bọn nhóc suốt ngày lang thang vơ vẩn ngoài bãi, tôi rất xót xa nên quyết tâm đem cái vốn chữ ít ỏi của mình để truyền dạy cho chúng", thầy Nam hồi ức.
Lớp học của thầy Nam tạm bợ trong căn nhà tranh. Chiếc bảng là tấm ván do hàng xóm cho, còn bàn ghế thì xin gỗ vụn từ những chiếc thuyền đã hỏng về làm. Giáo án thầy Nam dạy do thầy tự tìm tòi và đúc kết. "Học phí" ở lớp học đặc biệt này thì tùy tâm phụ huynh, đa phần đều miễn phí, bởi hầu như ai cũng nghèo. Sau mỗi chuyến đi biển, bà con ngư dân lại mang đến cho thầy con cá, bó rau, củ sắn. Vậy là đủ. Hoặc cũng có người góp công vào việc tu sửa lớp học sau mỗi trận bão.
Ở lớp học của mình, thầy Nam không chỉ dạy chữ mà còn tâm sự, chia sẻ với các em về những câu chuyện trong vùng quê nghèo khó của mình, về cuộc sống cơ cực của ngư dân, mong các em chăm chỉ học hành. Nhờ vậy, các em nhỏ đều thích thú đến lớp và siêng năng học tập.
Chị Nguyễn Thị Lan, một phụ huynh ở xóm Rớ, nói: "Thầy Nam dạy rất hay. Con tôi mới bốn tuổi nhưng đã có thể đọc chữ và biết làm toán cộng trừ. Anh nó cũng từng học thầy Nam, khi lên lớp Một học rất tốt, được các thầy cô ở trường tiểu học đánh giá cao".
Năm gần 30 tuổi, thầy nên duyên với một phụ nữ cùng xóm và sinh được 3 người con. Thời gian cứ thế trôi qua, thầy Nam miệt mài đứng lớp hơn 40 năm nay, hết lớp này đến lớp khác, danh sách học trò của thầy cứ tăng theo thời gian. "Số lượng bây giờ gần 100 em, tôi phải chia ra làm hai buổi dạy sáng và chiều. Không chỉ những em ở phường Phú Đông mà còn có những em ở các phường lân cận được phụ huynh đưa đến học", thầy chia sẻ.
Thầy Nam khiêm tốn: "Tôi có học qua trường lớp sư phạm nào đâu người dân ở đây thương tôi nên họ gọi tôi là thầy"
Hơn 40 năm gieo những con chữ đầu đời cho trẻ nghèo làng biển, bản thân thầy giáo Nam cũng không nhớ mình đã dạy cho bao nhiêu học trò. Thầy chia sẻ: "Dù không được học sư phạm, không như một người thầy đúng nghĩa, nhưng cứ đến ngày 20/11 hay lễ, tết nhiều em thường đến thăm tôi. Có những em nay đã là giám đốc, kỹ sư... Đó là niềm an ủi và khích lệ lớn trong cuộc đời "gõ đầu trẻ" của tôi".
Không ít học trò của thầy Nam giờ đã thành tài và cái ơn thầy Nam trong họ vẫn chưa bao giờ phai nhạt. Anh Nguyễn Nguyễn Thành Thuật (một du học sinh Nhật) nói: "Có được những gì hôm nay, tôi không quên ơn thầy. Không chỉ là người thầy đầu tiên, thầy Nam còn như người cha đỡ đầu giàu tình nghĩa với những đứa trẻ vùng biển chúng tôi".
Hiện lớp học của thầy Nam đã được xây lại tương đối khang trang trước sân nhà thầy bằng số tiền thầy gom góp bấy lâu nay và sự giúp sức của bà con. Cuộc sống gia đình thầy Nam được ổn định nhờ nguồn thu nhập từ máy ép nước mía và tiền công đan lưới của người vợ.
Một năm mới nữa lại đến, những lứa học sinh lại nối tiếp bước vào lớp thầy Nam để học những con chữ đầu đời. Vùng biển xóm Rớ vẫn vậy, vẫn ầm ào sóng gió, khắc nghiệt nắng mưa, thầy giáo làng Lê Văn Nam vẫn tiếp tục âm thầm viết nên câu chuyện gieo chữ cho những đứa trẻ ở làng biển nghèo để chúng tự tin bước vào trường học, vào trường đời.
Minh Hằng
Theo baophapluat
Huyện Mê Linh: Mỗi lớp được trang bị 1 máy đo thân nhiệt, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về việc chuẩn bị các điều kiện để đón học sinh trở lại trường sau dịch Covid-19, huyện Mê Linh đã chỉ đạo và tổ chức giám sát việc thực hiện tại các cơ sở giáo dục trong ngày 3/5. Cán bộ, giáo viên các trường học trên địa bàn huyện Mê Linh được...