Phụ huynh Sài Gòn chi nghìn USD ‘chạy’ hộ khẩu, xin trường tốt cho con
Vì một suất học ở trường tốt cho con, nhiều phụ huynh bất chấp chiêu trò, chấp nhận mất nghìn USD trong mùa tuyển sinh đầu cấp.
ảnh minh họa
Năm học 2017-2018 vừa kết thúc, cuộc đua trường lớp cho năm học tới trở nên “ nóng” hơn. Thời điểm này, các trường tiểu học, THCS chưa thông báo tuyển sinh vào lớp 1 và lớp 6 nhưng thực tế, nhiều trường đã kín chỗ.
Nhiều chiêu “lách” hộ khẩu
Dù năm sau con mới vào lớp 1, ngay từ bây giờ, chị Hồng (quận 4, TP.HCM) đã tính đến chuyện trường lớp cho con. Chị cho hay gia đình cân nhắc chuyển về quận 12 sinh sống nên đang tìm trường ở nơi này.
Chấp nhận chuyện chung chi để chuyển hộ khẩu về quận 12, chị Hồng vẫn lo lắng bởi nhiều trường yêu cầu phải có hộ khẩu tại địa bàn 3-4 năm trước khi nhập học, hoặc có hộ khẩu ngay từ khi mới sinh ra.
Trong khi đó, anh Thanh có hộ khẩu ở quận 12 nhưng muốn cho con học ở trường tại quận 1. Cách đây một năm, anh chấp nhận bỏ tiền để làm sổ tạm trú dài hạn (KT2) ở quận 1. Để chắc suất, anh còn phải nhờ quan hệ gửi gắm con mình vào trường này kèm “phí cảm ơn”.
Thế nhưng, công sức, tiền bạc anh Thanh bỏ ra có thể “xôi hỏng bỏng không” khi các trường “hot” của thành phố hiện nay yêu cầu trẻ phải có hộ khẩu từ khi mới sinh.
Không mong con mình được học trường top đầu, anh Tiến (quận Gò Vấp) phải “chạy” hộ khẩu để con gái được đi học đúng tuổi quy định, vì hiện anh chưa có hộ khẩu TP.HCM. Không có người thân quen, anh đành tìm đến dịch vụ. Biết anh muốn xin cho con học ở quận Phú Nhuận, họ đề nghị ghép hộ khẩu
“Họ nói sẽ ghép hộ khẩu cho hai cha con với giá 36 triệu đồng/người. Chuyện ghép với ai họ lo, mình chỉ chuẩn bị giấy tờ, rồi có mặt đi công chứng với nhà được ghép là xong. Con đi học rồi thì sẽ tách khẩu”, anh Tiến cho biết.
Video đang HOT
với Báo , hiệu trưởng một trường tiểu học có tiếng ở TP.HCM, cho biết không lo được cho con suất học trái tuyến, nhiều phụ huynh buộc phải “lách” hộ khẩu để trở thành đúng tuyến.
“Hiện tại, không có quy định phải kiểm tra hộ khẩu từng học sinh nên nhiều người cứ vô tư lách luật mà không sợ phát hiện. Sau khi vào học, chúng tôi phát hiện nhiều trường hợp ‘chạy’ KT3, KT2, hộ khẩu nhưng rồi cũng chỉ để biết. Trường cũng không thể đuổi học những em đó”
Nữ hiệu trưởng trường tiểu học ở Sài Gòn
Nhiều trường quy định hộ khẩu phải có trước vài năm (tính tới thời điểm tuyển sinh) nhưng có trường không quy định. Dù có quy định thời gian hay không, phụ huynh vẫn có cửa “chạy” được. Họ thường tính toán ngay từ khi con mới lọt lòng hoặc ít cũng phải 1-2 năm trước khi bé vào lớp 1. Chiêu bài thường được phụ huynh áp dụng là nhờ người quen hoặc các đường dây dịch vụ gửi ghép hộ khẩu rồi chung tiền.
“Có lần, một người hỏi tôi năm nay trường nhận học sinh có hộ khẩu từ tháng mấy? Tôi nói quận mình chưa quy định thời gian hộ khẩu, anh ấy nói ‘vậy là chắc ăn rồi’. Hỏi thì mới biết phụ huynh này vừa ‘chạy’ hộ khẩu xong”, bà Ngân kể.
Cũng theo nữ hiệu trưởng, trường quy định nhận trẻ có hộ khẩu tại địa bàn từ trước tháng 1/2018, vì thế học sinh có tên trong sổ hộ khẩu từ tháng 5/2018, đương nhiên không đủ điều kiện. Nhưng nếu không quy định thời gian, cứ có hộ khẩu là được, dù mới làm trong tháng 5, có tên trong danh sách điều tra của phường gửi lên quận, thì đương nhiên sẽ đúng tuyến.
Chính vì “chạy” hộ khẩu là cách lách luật “được việc”, không phải xin duyệt trái tuyến nên được nhiều phụ huynh lựa chọn. Một trường hợp chạy hộ khẩu thường 20-30 triệu đồng, tùy các quận khác nhau. Ở những quận trung tâm của thành phố, số tiền này sẽ lớn hơn rất nhiều.
Giá nghìn USD và những mối quan hệ khó từ chối
Theo lời nữ hiệu trưởng này, mùa tuyển sinh đầu cấp luôn là nỗi ám ảnh. Rất nhiều người tìm gặp bà trong mùa tuyển sinh: Phụ huynh từng có con học ở trường; người quen từ các mối quan hệ; con, cháu của giáo viên, lãnh đạo…
“Họ thường gây phiền hà, bởi ai cũng muốn chọn môi trường tốt cho con nhưng khả năng nhận của mỗi trường có hạn. Có những mối quan hệ rất khó từ chối dù biết đó là cơ hội để họ làm ăn mùa tuyển sinh”, nữ hiệu trưởng than thở.
Bà cũng cho biết từ nhiều năm nay, giá một suất “chạy” vào lớp 1 ở các trường trung tâm quận 1 phải hơn 80 triệu đồng. Còn giá cho những người rất thân quen, gần gũi cũng phải 40-60 triệu đồng.
Cách đây một tháng, chị Mai (quận Thủ Đức) chi 50 triệu đồng để đổi lấy một suất học cho con ở trường tiểu học “hot” của quận 1. Theo nữ phụ huynh, đây là mức giá “mềm”. Một đồng nghiệp trong công ty chị phải chi 25 triệu đồng để đổi lấy một suất học ở trường tiểu học “thường thường bậc trung” ở quận 3.
Chị Thanh, giáo viên trường chuyên nổi tiếng ở Sài Gòn, cho hay Sở GD&ĐT TP.HCM hoặc phòng giáo dục ở mỗi quận quản lý số lượng học sinh được tuyển mỗi năm nhưng vẫn để chỗ cho các mối quan hệ ngoại giao.
Xác nhận điều này, nữ hiệu trưởng nói các trường luôn có suất tuyển trái tuyến theo quy định, nhưng phụ huynh bình thường không có cơ hội. Các trường tuyển đủ trong tuyến nếu còn chỉ tiêu sẽ lấy trái tuyến. Các suất trái tuyến thường được để dành cho quan hệ ngoại giao.
“Thật sự là con của cán bộ công chức gửi vào thì không có vấn đề nhưng nhiều người lợi dụng vị thế, bảo lãnh nhận là cháu chắt, họ hàng, khi hỏi ra toàn phụ huynh phải tốn tiền thì ức lắm, mà ức cũng làm được gì, chỉ ngại mang tiếng nhà trường, mang tiếng mình thôi. Phụ huynh chỉ biết vào trường đó phải tốn bao nhiêu chứ có biết chi tiền đó cho ai vì khi ra giá họ nói là phải chi cho hiệu trưởng, phòng giáo dục”, nữ hiệu trưởng kể.
Nữ hiệu trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận, bản thân từng giúp đỡ người thân quen, gần gũi vì đó là những quan hệ không thể từ chối. Nhưng những trường hợp đó phụ huynh sẽ tự nguyện đóng góp vào quỹ hoạt động của trường, thông thường 5-10 triệu đồng.
Theo Zing
Loạn thu phí tuyển sinh đầu cấp
Với nhiều phương thức như thi tuyển, xét tuyển, kiểm tra đánh giá năng lực... mỗi trường lại đưa ra mức thu lệ phí tuyển sinh (TS) khác nhau. Có trường lên tới gần chục triệu đồng, thậm chí nhiều trường còn mặc nhiên quy định "phí giữ chỗ" hay "phí đầu vào". Gánh nặng về kinh tế đổ lên vai phụ huynh, cùng với nỗi lo môi trường giáo dục bị thương mại hóa.
Nộp hồ sơ tuyển sinh đầu cấp cho con vào trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Đại học Sư phạm Hà Nội), ngày 23/5. Ảnh: Nguyễn Hà
Từ tiền trăm đến tiền triệu
Theo khảo sát, TS đầu cấp tại các trường ngoài công lập hiện đang có mức thu phí khá cao. Trường phổ thông quốc tế Newton thu phí phỏng vấn 500.000 đồng/lần, hệ Cambridge và hệ song ngữ quốc tế 1 triệu đồng /lần. Phí này sẽ không hoàn lại, riêng với học sinh (HS) không đạt phỏng vấn thì được trả lại 50% phí. Tương tự, trường Tiểu học - THCS Pascal có lệ phí dự tuyển hệ chất lượng cao là 300.000 đồng/em, hệ quốc tế Cambridge là 1 triệu đồng/em và không được hoàn lại.
Trong khi đó, muốn vào học trường Quốc tế Singapore, HS lớp 6 theo chương trình quốc tế phải kiểm tra đầu vào với phí 2,64 triệu đồng/em. Để được nhập học trường Quốc tế Anh - Việt, khi nộp đơn đăng ký kiểm tra đầu vào, phụ huynh phải đóng phí TS không hoàn lại là 3,4 triệu đồng.
Đối với tổ chức thi tuyển đầu cấp, nhiều trường THPT tại Hà Nội cũng thu mức "chót vót". Các trường bán 1 bộ hồ sơ chỉ gồm 3 tờ giấy A4 thông báo về lịch TS, thông tin TS và đơn xin thi tuyển, cộng 1 tờ thẻ dự thi là 30.000 đồng. Nếu đồng ý thi, phụ huynh đóng thêm khoản lệ phí thi từ 90.000 - 150.000 đồng/môn. Có thể kể đến các trường "hot" có hàng nghìn hồ sơ như THPT Chuyên sư phạm (ĐH Sư phạm Hà Nội) và THPT Nguyễn Tất Thành thu 300.000 đồng, THPT Chuyên Khoa học tự nhiên (thuộc ĐH Khoa học Tự nhiên) thu 350.000 đồng, trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (thuộc ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) thu 450.000 đồng...
Kinh doanh trên nỗi lo của phụ huynh
Số lượng đăng ký dự thi lớn, mức lệ phí cao khiến nhiều phụ huynh xì xào về chuyện nhà trường đang kinh doanh ngay trong kỳ TS đầu cấp. Lãnh đạo một trường THPT có tiếng tại quận Cầu Giấy lắc đầu với mức thu cao như vậy và cho biết, chỉ thu 50.000 đồng/môn thì các trường đã thoải mái chi cho hoạt động TS.
Minh chứng cho điều này, vị này : "Trường tôi đã nhiều lần tổ chức các kỳ TS vào lớp 6, lớp 10, thi thử THPT quốc gia..., mức thu chỉ khoảng 200.000 đồng/3 môn. Một phòng thi 24 HS thường hết khoảng 5 triệu đồng/3 môn. Thu 200.000 với lượng thí sinh đăng ký thi khoảng 1.000 - 1.200 em là nhà trường đã có một khoản gọi nôm na là "lãi". Thậm chí, trường từng thu tiền thi thử THPT quốc gia với mức 200.000 đồng/4 môn. Vì thế, nếu thu tới 300.000 - 450.000 đồng/3 môn là quá cao.
So sánh với chi phí các kỳ thi thử khác được tổ chức cũng cho thấy, mức phí TS lớp 10 của các trường nêu trên là khá cao. Ví như thi thử THPT quốc gia do THPT Chuyên ĐH Sư phạm được tổ chức vào ngày 9/6 chỉ thu lệ phí 65.000 đồng/môn; thi thử THPT quốc gia do ĐH GTVT tổ chức vào tháng 4 vừa qua lệ phí dự thi là 50.000 đồng/môn, HS thi đủ 5 môn nộp 40.000 đồng/môn...
Ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie đánh giá công tác ra đề, coi thi, chấm thi TS đầu cấp... "không đáng là bao", "của nhà trồng được". Trong khi đó, nhiều năm nay các trường THPT Chuyên của Hà Nội đều có tỉ lệ chọi cao với cả nghìn hồ sơ đăng ký. Năm 2018, trường THPT Chuyên Sư phạm tuyển 530 HS, nhưng có trên 7.000 hồ sơ đăng ký. Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ Hà Nội cũng có 4.900 hồ sơ đăng ký dự thi. Càng nhiều thí sinh đăng ký, chi phí sẽ càng rẻ, nhưng tại sao lệ phí thi vẫn được các trường thu cao như vậy.
Theo Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT, hiện không có quy định về phí, lệ phí đối với các trường tự chủ. Các trường sẽ tự xây dựng mức thu phù hợp và phải công khai trước khi thực hiện thu. Tuy nhiên, việc các trường thu phí quá cao, mỗi mùa TS lãi cả tỷ đồng khiến môi trường giáo dục đang bị lạm dụng để thương mại hóa, mất đi nét đẹp trong giáo dục.
Bên cạnh việc thu hồ sơ, lệ phí cao, nhiều trường ngoài công lập còn yêu cầu phụ huynh nộp phí giữ chỗ, phí đầu vào ngay khi nộp hồ sơ. Phí này từ 2 - 10 triệu đồng tùy từng trường. Đối với phí giữ chỗ, nếu HS được nhà trường tuyển mà không theo học sẽ mất "trắng".
Đối với phí đầu vào, nếu được tuyển không theo học sẽ không được hoàn trả, nếu theo học sẽ không được trừ vào học phí. Hiện, trường Phổ thông Gateway thu tới 8 triệu đồng phí đầu vào.
Theo Kinhtedothi.vn
Bạn đọc viết: Không học trước lớp 1, con tôi vẫn tự tin học tốt Sau một năm học kiên trì với phương châm "không học trước", "không học thêm", tôi cũng đã có được được câu trả lời cho câu hỏi: Có nên cho con học trước lớp 1 không? Ảnh minh họa Mùa hè đến cũng là thời điểm nhiều phụ huynh băn khoăn với vấn đề tuyển sinh đầu cấp, nhất là bố mẹ có...