Phụ huynh ở TP.HCM phải đặt mua sách ngoài Hà Nội cho con
Tuần thứ hai của năm học 2020-2021, thế nhưng không ít phụ huynh ở TP.HCM vẫn phải khổ sở tìm sách giáo khoa cho con. Nhiều người phải đặt sách hoặc nhờ người mua ở Hà Nội chuyển vào.
Phụ huynh và học sinh tìm kiếm sách giáo khoa để mua tại nhà sách Nguyễn Văn Cừ (Q.5, TP.HCM) – Ảnh: TỰ TRUNG
Những cuốn sách giáo khoa (SGK) hiếm đa số là sách môn tự chọn hoặc những cuốn sách lẻ của nhiều bộ khác nhau.
Một lớp gần 2/3 học sinh thiếu sách
Chị Nguyễn Thu Trang, có con học lớp 3 Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (Q.1, TP.HCM), cho biết: “Tôi chuẩn bị sách cho con từ rất sớm, nghĩ đã đầy đủ nhưng con về nói mua thêm sách Luyện tập tin học. Nhìn sau bìa thì sách này không có trong trọn bộ sách lớp 3. Tôi chạy rất nhiều nhà sách, “lùng” muốn hết TP nhưng giờ vẫn chưa có”.
Theo cô Trần Thúy Quỳnh – giáo viên chủ nhiệm lớp 3/5 Trường tiểu học Hòa Bình (Q.1, TP.HCM), hiện lớp cô có hơn 2/3 em chưa có Luyện tập tin học.
“Đây là sách của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam. Phụ huynh tìm mua không có, phải đăng ký với trường mua. Đăng ký từ sau hôm học đầu tiên nhưng đến nay sách chưa về. Sách này phải mua lẻ, không nằm trong bộ như phụ huynh biết” – cô Quỳnh nói.
Một số phụ huynh ở Q.Bình Tân, TP.HCM có con vào lớp 1 đến giờ này vẫn bối rối chạy khắp nơi để tìm sách “ráp” đầy đủ trọn bộ như trường áp dụng.
Chị Kim Liên (con học lớp 1 tại một trường tiểu học ở Q.Bình Tân) chia sẻ trường chọn dạy theo bộ SGK “ Cánh diều” (NXB Đại Học Sư Phạm TP.HCM), nhưng cuốn Mỹ thuật lại thuộc bộ sách “ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” (NXB Giáo Dục Việt Nam), cuốn Giáo dục thể chất thuộc bộ sách “ Cùng học để phát triển năng lực” (NXB Giáo Dục Việt Nam).
Video đang HOT
“Tôi mua trọn bộ “ Cánh diều” rồi, vì cứ nghĩ sách này trường chọn, tuần trước cô giáo nhắn trong nhóm phụ huynh kèm ảnh 2 cuốn sách cần mua. Tôi đi tìm thì nhà sách không bán lẻ mà bán trọn bộ. Đi nhà sách khác thì bảo để lại thông tin họ sẽ gọi” – chị Liên cho biết.
Theo một hiệu trưởng ở Q.Bình Tân, sở dĩ trường chọn nhiều cuốn khác nhau, nhất là với sách lớp 1, không phải làm khó phụ huynh nhưng có những cuốn nằm ở bộ SGK khác lại rất hay.
“Trường chọn chính bộ “ Cánh diều“, nhưng sách mỹ thuật, thủ công ở bộ SGK khác lại thân thiện, dễ học, truyền cảm hứng hơn. Cái này do giáo viên trong tổ đã xem, đánh giá rồi đề xuất. Việc mua lẻ từng cuốn, nhà trường khó lòng hỗ trợ, bởi khi trường đặt sách cũng đặt trọn bộ. Giờ tách lẻ, những cuốn khác trường không biết xử lý sao” – vị này nói.
Bí quá, không ít phụ huynh đã phải cầu cứu người thân của mình ở Hà Nội tìm mua sách gửi vào hoặc đặt các nhà sách. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công, và hậu quả là học sinh chấp nhận học… chay và không biết khi nào có sách.
Vì tình thế đặc biệt của năm học?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thái Văn Tài – vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) – cho biết năm học này đặc biệt là phải thực hiện giãn cách xã hội đúng thời gian cao điểm triển khai chuẩn bị thực hiện chương trình – SGK mới ở lớp 1.
Thời gian để thực hiện việc tập huấn sử dụng SGK, cung ứng sách diễn ra rất gấp. Để đảm bảo việc cung ứng đủ SGK lớp 1 cho năm học mới, Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu các NXB làm việc với các địa phương để có kế hoạch phát hành SGK đến học sinh.
“Từ tháng 2-2020, Vụ Giáo dục tiểu học đã làm nhiệm vụ thống kê số lượng học sinh mầm non 5 tuổi trên từng địa bàn các tỉnh, TP để gửi các NXB biết được số lượng trẻ sắp vào lớp 1. Chúng tôi cũng yêu cầu các NXB khi cung ứng số lượng đến các địa phương, các NXB phải đảm bảo số dư là 5%, kịp thời trước 15-8. Trên thực tế, các đơn vị đều cung ứng dư 7-10%” – ông Tài chia sẻ.
Về câu chuyện phụ huynh ở TP.HCM phải đặt mua SGK ở Hà Nội vì không thể mua lẻ một số SGK tại các nhà sách ở TP.HCM, ông Tài phân tích: do việc cung ứng SGK lớp 1 năm nay dựa vào số lượng thống kê trẻ trên địa bàn nên ở một số địa phương có tình trạng di dân cao, ở các khu công nghiệp có nhiều công nhân mang con từ quê lên TP học làm cho nhiều nhà trường gặp khó khăn do không nắm được nhu cầu trẻ vào lớp 1.
Theo đó, việc cung ứng SGK cũng không chủ động được.
“Năm nay các đơn vị phát hành sách chọn cách cung ứng trực tiếp đến các trường, nên nhiều nhà sách tại các địa phương ít nhập sách. Nhất là các SGK có số lượng trường chọn ít thì sẽ càng hiếm bán lẻ ở bên ngoài thị trường mà chỉ cung ứng theo hệ thống các trường.
Nếu có tình huống thiếu sách, lẽ ra nhà trường phải chủ động, cùng chịu trách nhiệm xử lý. Ví dụ như lấy sách từ thư viện để cung ứng trước cho học sinh có sách học chứ không thể để tình trạng như báo chí phản ánh” – ông Tài nói.
Hiệu trưởng phải công khai danh mục sách
Trả lời câu hỏi vì sao Bộ GD-ĐT không có chỉ đạo cụ thể để các trường thông tin đến phụ huynh về danh mục sách cần mua, tránh tình trạng mua thiếu, mua thừa, bị ép mua kèm sách tham khảo, sách bổ trợ, ông Thái Văn Tài cho biết các quy định của Bộ GD-ĐT như thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK, điều lệ trường tiểu học… đã quy định rõ danh mục SGK bắt buộc.
Riêng với sách tham khảo, sách bổ trợ không được phép ép buộc học sinh mua sách dưới bất cứ hình thức nào. Việc này hiệu trưởng phải có trách nhiệm công bố danh mục sách này, dán công khai để phụ huynh và học sinh biết.
Thiếu cục bộ
Ông Nguyễn Đức Thái – chủ tịch HĐTV NXB Giáo Dục Việt Nam, đơn vị có 4/5 bộ SGK lớp 1 được phê duyệt đưa vào sử dụng năm học này – khẳng định việc thiếu SGK sau dịp khai giảng năm học mới chỉ mang tính cục bộ.
Theo ông Thái, tính tới thời điểm này NXB Giáo Dục đã cung ứng 114 triệu bản sách, vượt 105%. Riêng SGK lớp 1 đã cung ứng 15 triệu bản, chiếm 70% nhu cầu sử dụng SGK lớp 1 trên cả nước. Việc thiếu sách cục bộ liên quan tới trách nhiệm của NXB Giáo Dục, và hiện đã khắc phục được.
Ông Thái cũng cho biết tới đây sẽ mở trang bán hàng điện tử để cập nhật nhu cầu sử dụng sách, cung ứng kịp thời sách còn thiếu sau năm học mới.
Năm học 2020-2021: Tiếp tục đẩy mạnh giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên
Bộ GD&ĐT vừa ban hành công văn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm học 2020-2021.
Ảnh minh họa
Trong nhóm nhiệm vụ chung, văn bản hướng dẫn các Sở GD&ĐT, cơ sở GDĐH tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tăng cường hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; xây dựng văn hóa ứng xử, thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học; các giải pháp đảm bảo an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường; xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ HSSV trong học tập và rèn luyện. Triển khai có hiệu quả hoạt động tư vấn tâm lý, công tác xã hội, hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ HSSV khởi nghiệp.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên dương, vinh danh các tấm gương HSSV tiêu biểu trong học tập và rèn luyện, các hành động cao đẹp, gương người tốt, việc tốt trong HSSV.
Tăng cường công tác kiểm tra thực hiện nhiệm vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên đối với các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục trong phạm vi quản lý.
Bộ GD&ĐT đề ra 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, bao gồm: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, văn hóa; Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; Công tác học sinh, sinh viên.
Bộ yêu cầu các sở GD&ĐT và các cơ sở đào tạo bám sát nội dung văn bản hướng dẫn để xây dựng kế hoạch thực hiện, tổ chức hội nghị (trực tiếp/online), quán triệt, triển khai đến tất cả các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục và giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, viên chức, người học trong toàn Ngành thực hiện.
Đồng thời thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống Covid-19 theo chỉ đạo của Trung ương, Bộ GDĐT và địa phương để bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhà giáo, người học trong quá trình triển khai các hoạt động giáo dục, trải nghiệm, hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Nền tảng nâng chất lượng giáo dục Ngày 18-8-2020, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch thực hiện đề án "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2020-2025". Xác định ý nghĩa quan trọng của nội dung này, ngay từ những ngày đầu năm học 2020-2021, các trường học ở Thủ đô đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp không chỉ nhằm xây...