Phụ huynh nhọc nhằn theo con chọn trường ở Đại học Huế
Di chuyển một quãng đường dài đến Huế để nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng 1, nhưng vì con không có khả năng đỗ, nhiều phụ huynh cùng con lại phải quay trở lại chờ đợi rút hồ sơ để nộp vào trường khác.
Ngày 14/8, hàng nghìn thí sinh cùng phụ huynh đổ về Đại học Huế để hoàn tất thủ tục rút và nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường đại học thành viên của Đại học Huế. Để tránh tình trạng thí sinh và người nhà đứng đợi dưới trời nắng nóng, Đại học Huế đã dựng một mái che tạm thời, ghế ngồi, bàn làm thủ tục với sự trợ giúp của lực lượng tình nguyện viên.
Giữa trưa nắng, bà Phan Thị Chính (trú xã Tây Thành, Yên Thành, Nghệ An) vẫn ngồi lặng bên hành lang giảng đường, vẻ mặt mệt mỏi sau chuyến đi dài từ Nghệ An vào Huế cùng con gái. Bà Chính cho hay, từ 6h sáng hai mẹ con bước xuống xe là lập tức đến ngay Đại học Huế để rút hồ sơ. Sau khi lấy số thứ tự, chờ đợi, đến lúc được gọi tên thì mẹ con bà nhận giấy báo hẹn đến chiều giải quyết.
Video đang HOT
Sáng 14/8, nhiều thí sinh cùng người nhà tiếp tục đến trụ sở Đại hoc Huế để rút và nhận hồ sơ. Ảnh: Đắc Đức.
Vừa rời bàn đăng ký về đến chỗ mẹ đang ngồi, cô gái có vóc dáng nhỏ bé Trần Thị Trang (con gái bà Chính) không giấu được nỗi buồn khi phải rút hồ sơ đã nộp vào ngành Dược học của Đại học Y dược Huế để đăng ký lại ngành học. Trang cho hay được 24 điểm khối B và đã nộp hồ sơ xét tuyển vào Y Dược Huế, nhưng sau đó người thân báo điểm của em nhiều khả năng không đỗ vào ngành học đăng ký nên em phải quay lại Huế lần thứ 2 để rút hồ sơ.
“Nhà xa, không có điều kiện theo dõi bảng tổng hợp đăng ký xét tuyển của trường nên gia đình phải nhờ người thân theo dõi hộ”, bà Chính buồn bã nói và cho biết ngay sau khi rút được hồ sơ tại Đại học Huế sẽ cùng con gái bắt xe tiếp tục đi Thái Nguyên để đăng ký nộp nguyện vọng 1 vào ngành Dược học của Đại học Y Thái Nguyên. Dù tốn khá nhiều chi phí ăn, ở và đi lại nhưng theo bà Chính thì hai mẹ con vẫn phải đi gấp để kịp thời gian nộp hồ sơ.
Nữ sinh Trần Thị Quỳnh Như (trú huyện Phù Mỹ, Bình Định) được gia đình đưa ra Huế từ ngày hôm trước để đến làm hồ sơ vào ngành Y tế dự phòng Đại học Y Dược Huế. “Em được 24,5 điểm khối B và đã ngồi đợi ở bàn đăng ký từ sáng đến trưa mới vào để đăng ký ngành học theo dự định, nhưng vẫn cảm thấy không tự tin”, Quỳnh Như tâm sự.
Trong khi nhiều thí sinh ở xa may mắn được rút hồ sơ trong buổi sáng hoặc chiều 14/8 thì có hàng em phải nhận giấy hẹn của Đại học Huế sẽ giải quyết vào ngày hôm sau. “Tôi chạy xe máy đèo con gái vượt gần 100 km từ Quảng Trị vào Huế từ sáng để rút hồ sơ. Đến gần trưa, hai bố con nhận được giấy hẹn sang sáng 15/8 vì có quá nhiều hồ sơ rút, không thể giải quyết ngay”, ông Trần Xuân Tuyền có con đăng ký ngành Sư phạm tiếng Anh nói. Hai cha con quyết định thuê trọ đợi giải quyết xong việc xét tuyển rồi mới quay trở về quê.
Theo ông Tuyền, so với hình thức tuyển sinh đại học các năm trước thì năm nay thí sinh có thể chủ động hơn trong việc đăng ký nguyện vọng, nhưng sẽ phải tốn nhiều công sức và kinh phí chạy đi chạy lại nhiều lần để chọn trường và ngành học phù hợp.
Việc di chuyển khoảng cách xa trong việc đăng ký xét tuyển khiến nhiều bạn tỏ vẻ khá mệt mỏi. Ảnh: Đắc Đức.
Ngày 14/8, phó giáo sư Hoàng Hữu Hòa, Trưởng ban Khảo thí (Đại học Huế) cho biết, đã nhận được gần 18.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển. Trong đó, hơn 1.000 hồ sơ được thí sinh rút đi. Để phục vụ công tác nhận và rút hồ sơ của thí sinh, Ban khảo thí đã huy động gần 30 giáo viên, chuyên viên, tình nguyện viên túc trực, làm việc xuyên trưa tại nhiều địa điểm nhằm giải quyết một cách nhanh nhất, tạo thuận lợi cho thí sinh và người nhà khi đến làm thủ tục.
“Có hàng nghìn hồ sơ đăng ký gửi qua đường bưu điện nên khi thí sinh đến rút chúng tôi phải phát phiếu hẹn ngày hôm sau đến giải quyết vì cán bộ, giáo viên không thể tìm kịp hồ sơ cho các em trong một thời gian ngắn”, ông Hòa giải thích về lý do chậm trễ.
Đại học Huế đã công bố điểm tối thiểu để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Trong đó, Y đa khoa, Răng hàm mặt, Dược học có ngưỡng điểm nhận hồ sơ đầu vào là 24. Các ngành còn lại đều có mức điểm 21, chỉ có ngành Y tế cộng đồng là 18 điểm. Đại học Kinh tế một số ngành có điểm tối thiểu để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển là 16 gồm: quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kế toán, kiểm toán. Các ngành còn lại đều có điểm xét tuyển là 15 điểm. Năm học 2015-2016, Đại học Huế có 12.135 chỉ tiêu đại học và 300 chỉ tiêu cao đẳng ở tất cả trường, khoa và phân hiệu trực thuộc.
Theo VNE