Phụ huynh ngại kế hoạch giáo viên Việt thay nước ngoài dạy tích hợp
Trước thông tin TP.HCM sẽ đào tạo 400 giáo viên thay thế người nước ngoài giảng dạy chương trình tích hợp, nhiều ý kiến lo ngại chất lượng giáo viên không đảm bảo.
Giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy một lớp tiếng Anh theo chương trình tích hợp
TP.HCM đã chính thức thực hiện kế hoạch đào tạo giáo viên (GV) để đảm trách việc dạy chương trình tích hợp trong trường học tiên tiến bậc phổ thông. Hiện tại có 100 GV được chọn tham gia để tiến đến năm 2020, TP sẽ có tất cả 400 GV tham gia giảng dạy các lớp tích hợp. Khi đó, GV người nước ngoài chỉ đảm trách môn tiếng Anh, các môn còn lại như toán, khoa học… do GV VN chịu trách nhiệm.
Không muốn con bị “điếc” tiếng anh !
Trước thông tin này, nhiều phụ huynh có con em đang theo học chương trình tích hợp phản ứng dữ dội. Ông Nguyễn Văn Hoan, phụ huynh học sinh tiểu học tại Q.1, lên tiếng: “Tôi có con đang học chương trình tích hợp. Tôi thực sự không vui khi nghe tin này. Tôi đóng tiền nhiều hơn chương trình thường để con học với GV nước ngoài với mong muốn con không bị “điếc” (không nghe, hiểu và nói) tiếng Anh như cách dạy trước đây. Tôi chấp nhận đóng học phí cao để GV bản ngữ dạy 100%, các con có môi trường rèn luyện tiếng Anh với người bản xứ”.
Ông N.Đ, phụ huynh học sinh Trường tiểu học Đống Đa (Q.Tân Bình), cũng không đồng tình và thể hiện quan điểm: “Tôi đóng tiền nhiều để con tôi có thể học GV nước ngoài. Nếu GV VN dạy thì tôi sẽ xin cho con ra khỏi lớp tích hợp và dùng tiền đó cho cháu đi học tiếng Anh ở trung tâm”.
Một số GV cũng tỏ ra nghi ngờ về chất lượng đào tạo người thay thế theo kiểu tại chỗ của TP.HCM. Một GV ở Q.3 thắc mắc: “Các môn khoa học do GV VN giảng dạy, vậy GV đó ở chuyên ngành nào: tiếng Anh hay các môn tự nhiên? GV tiếng Anh thì không vững chuyên môn tự nhiên, còn GV môn tự nhiên mà dạy tiếng Anh thì không biết chất lượng thế nào!”.
Đào tạo theo 4 giai đoạn
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết việc làm của TP nhằm mục đích tăng chất lượng đội ngũ GV, mở rộng cơ hội cho học sinh tiếp cận với chương trình tiên tiến.
Video đang HOT
Theo ông Hoàng, điều kiện để dự tuyển tham gia chương trình đào tạo này là GV dạy toán và khoa học đạt chuẩn ở từng cấp tiểu học, THCS và THPT phải thuộc biên chế của ngành giáo dục, trình độ tiếng Anh ở mức độ thấp nhất phải tương đương mức A2 theo chuẩn châu Âu (ưu tiên lựa chọn những GV có trình độ tiếng Anh cao hơn). Ông Hoàng thông tin thêm, để chọn ra 100 GV tiểu học tham gia đào tạo trong đợt này, thì có hơn 300 ứng viên dự tuyển. Những ứng viên này ngoài đạt những điều kiện về bằng cấp còn trải qua bài kiểm tra của Tập đoàn GD Pearson (Vương quốc Anh), đơn vị cung cấp chương trình chịu trách nhiệm đào tạo.
Chương trình đào tạo thực hiện qua 4 giai đoạn kéo dài trong khoảng 1,5 năm. Giai đoạn 1 bồi dưỡng kỹ năng tiếng Anh nhằm chuẩn hóa chuẩn B2. Giai đoạn 2 bồi dưỡng kỹ năng sư phạm và giảng dạy trong lĩnh vực song ngữ cho môn toán, khoa học cùng các môn học khác… Kế đến là giai đoạn chuyên sâu với mục tiêu tập trung xây dựng nền tảng phương pháp giảng dạy khoa học thông qua chú trọng thực hành, thực tiễn. Cuối cùng là giai đoạn nâng cao giúp GV tiếp cận tầng trí thức cao nhất của não bộ, giúp học sinh đạt tới sự hiểu biết sâu sắc, toàn diện các ứng dụng khoa học và toán học.
Ông Hoàng khẳng định: “GV sau khi hoàn tất khóa học có đủ năng lực và phương pháp giảng dạy, kỹ năng ngôn ngữ, kiến thức sư phạm và các phương pháp giảng dạy đặc biệt khác để truyền đạt kiến thức và dạy học các môn toán, khoa học bằng tiếng Anh. GV có thể tự tin xây dựng kỹ năng giảng dạy cần thiết cũng như áp dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến, trong đó bao gồm phương pháp dạy kết hợp ngôn ngữ và nội dung trong chương trình tích hợp Anh – Việt”.
Ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản (Q.1), cho rằng về lâu dài đây là việc nên làm để tạo điều kiện cho học sinh tham gia cũng như không phải phụ thuộc hoàn toàn vào đội ngũ GV nước ngoài.
Tuy vậy, qua thời gian tìm hiểu về nội dung chương trình, ông Khoa cũng nói việc đào tạo GV tiểu học đơn giản hơn và ổn định vì nội dung giảng dạy ở bậc học này đơn giản, vốn từ vựng không nhiều. Còn kiến thức toán, khoa học từ bậc THCS trở lên khá phức tạp. Đặc biệt, để dạy môn khoa học đòi hỏi GV phải có kỹ năng ngoại ngữ tốt trong khi thực tế số GV đủ trình độ đáp ứng chương trình này không nhiều.
Do vậy, theo ông Khoa, nên chọn lực lượng từ các giáo sinh trong trường sư phạm để có sự đào tạo bài bản và căn cơ chứ tuyển từ đội ngũ GV cơ hữu không khả quan lắm.
Sẽ có phân tầng học phí
Chương trình tiếng Anh tích hợp là tên gọi tắt của chương trình “Dạy và học các môn toán, khoa học, tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và VN”.
Chương trình được biên soạn tích hợp giữa chương trình quốc gia Anh với chương trình chuẩn quốc gia của Bộ GD-ĐT VN cho 3 môn tiếng Anh, toán, khoa học, trên cơ sở giảm tải khoa học và chú trọng phát triển tư duy, phẩm chất của học sinh.
Theo Sở GD-ĐT, việc giảng dạy chương trình tiếng Anh tích hợp, phần nội dung khung chương trình Anh sẽ do GV bản ngữ đảm trách, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ về nội dung giữa GV VN và GV bản ngữ để tránh trùng lắp. Nội dung khung chương trình VN sẽ do GV của VN giảng dạy.
Sau thời gian thực hiện ở 18 trường trong học kỳ 2 năm học 2014 – 2015, từ năm học 2015 – 2016 đến nay TP đã có gần 60 trường chính thức triển khai chương trình.
Theo ông Hoàng, khi GV VN tham gia, học phí của chương trình này sẽ có sự phân tầng, đáp ứng được đa dạng đối tượng học sinh. Tùy từng nhu cầu, điều kiện kinh tế, phụ huynh có thể lựa chọn 2 mức: học 100% GV nước ngoài thì học phí sẽ cao hơn, hoặc học tiếng Anh với người bản ngữ còn toán và khoa học với GV người Việt thì học phí giảm.
Theo TNO
Chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm bị cho 'lỗi thời'
Nhiều hiệu trưởng đề xuất "dẹp" chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm vì lỗi thời, ảnh hưởng lớn đến quá trình tự chủ.
PGS.TS Lê Văn Tiến đề xuất bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm với lộ trình thích hợp. Ảnh: Mạnh Tùng.
Ngày 13/12, tại hội thảo khoa học Tác động chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đến chất lượng tuyển sinh và đào tạo giáo viên, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM - thẳng thắn "nên bỏ ngay".
Ông Dũng cho biết, trường đang đào tạo 13 ngành, trong đó có một ngành sư phạm ngôn ngữ Anh, còn lại là sư phạm kỹ thuật. Mỗi năm trường nhận được 5-8 tỷ đồng cấp bù sư phạm, vì không đủ nên thực tế họ phải bù lỗ đến 30 tỷ đồng.
"Cấp bù phải đủ để đảm bảo các hoạt động đào tạo, nếu không sẽ chẳng đủ tiền cho chương trình đào tạo ra ngô, ra khoai một cử nhân sư phạm", ông Dũng nói và cho rằng động lực để nâng chất lượng đào tạo giáo viên là thu gọn hệ thống các trường sư phạm, nâng cao chất lượng chương trình chứ không phải là sự miễn học phí.
Cùng quan điểm, song PGS.TS Lê Văn Tiến - Hiệu trưởng Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP HCM - cho rằng cần có lộ trình thích hợp. Ngành giáo dục cần có nghiên cứu khoa học cấp nhà nước để có bức tranh chung về hiệu quả của chính sách này, không nên dừng lại là những nghiên cứu cấp trường.
"Xu hướng chung là các đại học, cao đẳng phải tự chủ, nếu không không thể phát triển. Vấn đề này bao hàm cả tự chủ tài chính. Nếu vẫn duy trì chính sách miễn học phí, các trường vẫn chờ ngân sách cấp bù sư phạm thì vẫn luẩn quẩn trong cơ chế xin - cho", ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, việc bỏ chính sách trên cần các điều kiện như đổi mới cơ chế tuyển dụng, chính sách lương bổng, mới hy vọng thu hút được người giỏi học sư phạm.
Trong khi đó, Thạc sĩ Huỳnh Cát Dung (Đại học Sư phạm Thể dục thể thao TP HCM) cho rằng, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm cần phải thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực. Bởi việc miễn học phí làm giảm động lực đến lớp của sinh viên, khiến họ giảm hứng thú thậm chí mất niềm tin vào ngành học.
Theo khảo sát ở một trường cao đẳng sư phạm ở miền Tây Nam bộ được giảng viên này viện dẫn, có hơn 36% sinh viên năm nhất chọn học ngành này với lý do "miễn học phí". Như thế khó có giáo viên tâm huyết với nghề.
Nói rõ hơn về sự đổi mới ở trường sư phạm, PGS.TS Nguyễn Thám (Đại học Sư phạm - Đại học Huế) cho rằng, cần quy hoạch mạng lưới và kiểm soát chỉ tiêu để dần cân đối cung cầu, xây dựng chuẩn đầu ra chương trình, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.
Với hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên như hiện nay, cùng sự không kiểm soát chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm sẽ gia tăng cách biệt cung - cầu, gây lãng phí ngân sách và các hệ lụy.
Ông Thám cũng đề nghị xem lại chính sách cấp bù sư phạm - vốn có tác động tích cực trong thời gian dài - trong bối cảnh ngày nay. "Nếu nhìn bức tranh sinh viên sư phạm ra trường khó xin việc, thậm chí thất nghiệp và nguồn ngân sách đầu tư cho việc cấp bù sư phạm thì chúng ta không khỏi băn khoăn về sự lãng phí này", ông Thám nói.
Đại học Sư phạm TP HCM là một trong số ít cơ sở đào tạo giáo viên lớn nhất nước. Ảnh: Mạnh Tùng.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu khác cũng đề nghị Bộ Giáo dục rà soát và thay đổi chính sách trên - sau 20 năm nó ra đời. Bởi người yêu thích nghề giáo vào trường sư phạm không hẳn vì được miễn học phí. Ngược lại, nhiều người không thích ngành này nhưng vẫn học vì "vừa có bằng đại học, vừa được miễn phí". Vòng luẩn quẩn này sẽ đẩy ngành sư phạm ngày càng sa sút, chất lượng giáo viên trong tương lai khó nâng cao.
Theo VNE
Phó thủ tướng: Bộ GD&ĐT cần bàn lại thời gian nghỉ hè Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết việc khai giảng đã bớt nhiêu khê nhưng thời gian nghỉ hè cần được bàn bạc, xem xét lại mặt nào được và chưa được. Sáng nay, 21/8, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 của ngành giáo dục. Phó thủ tướng...