Phụ huynh mướt mải trước quyết định ‘chóng vánh’ của Hà Nội
Hà Nội quyết định cho học sinh lớp 1 – 6 quay trở lại trường vào ngày mai (6/4), nhiều phụ huynh dẫu mừng vui, nhưng quyết định được đưa ra gấp gáp cũng khiến không ít cha mẹ rơi vào thế bị động.
Chiều qua, sau khi nghe tin thành phố cho học sinh tiểu học và lớp 6 quay trở lại trường, chị Vũ Hà Ngân ( Cầu Giấy) phải khẩn trương tìm cách đón con từ quê lên Hà Nội để chuẩn bị đi học.
Đưa hai con về quê ở với ông bà nội từ dịp Tết, hồi giữa tháng 2, hay tin trẻ tiểu học sẽ quay lại trường, vợ chồng chị cũng dự định sẽ đón con lên. Nhưng sau đó, Hà Nội lại hoãn cho trẻ đi học trực tiếp, vì thế, cả hai vợ chồng quyết định để cô con gái đang học lớp 6 và cậu con trai lớp 3 tiếp tục ở lại với ông bà cho đến nay.
“Hà Nội quyết định cho trẻ lớp 1 – 6 đi học là một tin vui vì các con cũng đã có gần 1 năm phải học online tại nhà. Nhưng quyết định này được đưa ra có phần hơi gấp gáp, khiến phụ huynh đang để con ở quê với người thân sẽ không kịp xoay sở”.
Theo chị Ngân, nếu thành phố cho trẻ đi học trở lại sau ngày giỗ Tổ Hùng Vương, bố mẹ cũng sẽ có thời gian về quê để đón các con lên thành phố. Nhưng khi chỉ có hơn một ngày để xoay sở, lại là vào ngày giữa tuần, vợ chồng chị đã phải hớt hải tìm cách để đón con lên.
“Hôm nay, dù bận mải, ông nội vẫn phải sắp xếp bắt xe đưa cả hai đứa từ quê lên Hà Nội để chuẩn bị đi học. Cũng vì gấp rút nên bố mẹ cũng chưa kịp chuẩn bị gì cho các con, từ quần áo đến đồ dùng để ngày mai có thể quay trở lại trường”.
Các trường dọn vệ sinh lớp học để sẵn sàng đón học sinh trở lại.
Giống như chị Ngân, chị Mai Ánh (Tây Hồ) không ngờ thành phố ra quyết định nhanh đến vậy.
“Trước đây, tôi ủng hộ cho con học online ở nhà vì tình hình dịch bệnh căng thẳng. Tâm lý của bố mẹ cũng rất sợ các con khi đi học sẽ lây chéo lẫn nhau. Tuy nhiên vừa qua, ngay cả khi các con ở nhà, cả 3 đứa vẫn nhiễm Covid-19. Do đó, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 có thể xảy ra ở bất kỳ đâu”, chị Ánh nói.
Đến khi nhà trường lấy ý kiến về việc cho học sinh quay trở lại trường, chị Ánh là một trong số 39 phụ huynh của lớp đồng ý cho con được đi học trực tiếp.
“Quan điểm của tôi ở thời điểm hiện tại là đồng ý và rất mong muốn các con được tới trường. Nhưng giáo viên mới đưa ra khảo sát vào hai ngày cuối tuần, thì tới ngày 4/4 đã có chỉ thị cho học sinh quay trở lại trường học. Điều này, tôi cho rằng có phần hơi gấp gáp”.
Theo chị Ánh, quyết định bất ngờ này đã đẩy chị vào thế bị động, khi hai con lớn phải đi học, trong khi đứa nhỏ 5 tuổi chưa được tới trường sẽ không biết phải gửi ai.
“Thông thường, khi bố mẹ đi làm, hai anh chị lớn sẽ phụ giúp mẹ nấu cơm, dọn nhà và trông em. Giờ đây, khi anh chị đi học, nhưng trường mầm non chưa mở cửa trở lại, việc tìm người trông giúp đứa bé cũng rất khó khăn”.
“Không kịp trở tay” để cầu cứu bà ngoại lên trông giúp, chị Ánh dự định sẽ gửi tạm con vào nhóm lớp ngay trong tòa chung cư vài ngày, sau đó cả hai vợ chồng sẽ tính tiếp.
Quyết định được đưa ra gấp rút, các trường học cũng phải tích cực chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón học sinh quay trở lại trực tiếp.
Tại Trường Tiểu học Kim Đồng (Ba Đình), cô giáo Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, trường đã lấy ý kiến khảo sát phụ huynh về việc cho trẻ đi học trực tiếp. Kết quả khảo sát cho thấy, số lượng phụ huynh đồng ý cho con quay trở lại trường chiếm đa số.
“Việc cho các con quay trở lại trường lúc này là rất cần thiết. Tuy rằng chỉ còn 2 tháng nữa sẽ kết thúc năm học, nhưng thực tế các con đã phải trải qua quá trình học online rất dài. Đến những tháng cuối này, các con cần tập trung vào ôn tập kiến thức để chuẩn bị kiểm tra cuối kỳ. Việc tương tác giữa cô và trò trực tiếp là điều rất cần thiết”, cô Phương nói.
Video đang HOT
Tuy nhiên, khi học sinh trở lại, Trường Tiểu học Kim Đồng vẫn chưa tổ chức ăn bán trú ngay. Lãnh đạo nhà trường cho biết, cần phải chờ tình hình học sinh vào học ổn định, sau đó nhà trường sẽ xin ý kiến của phụ huynh. Hơn nữa, nhà trường cũng cần phải dựa vào tình hình thực tế để tổ chức công tác bán trú đảm bảo an toàn.
Còn tại Trường Tiểu học Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội), cô Lê Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, sau vài lần “đón hụt” học sinh, tới nay, mọi công tác chuẩn bị đều đã sẵn sàng.
“Vào hai ngày cuối tuần, khi quận yêu cầu các trường lấy thông tin về việc cho trẻ đi học trực tiếp và học 2 buổi/ ngày, ban giám hiệu nhà trường cũng đã chuẩn bị sẵn sàng tinh thần có thể sẽ tổ chức ăn bán trú ngay khi học sinh trở lại.
May mắn, tất cả đầu bếp của trường đều là người địa phương, do đó không xảy ra tình trạng thiếu hụt nhân sự. Việc tổ chức ăn bán trú có thể thực hiện ngay từ ngày 6/4″.
Cô Lan cũng cho hay, trong buổi sáng hôm nay, các nhân viên của trường cũng đã kiểm tra lại bếp ăn, bình ga lần cuối, đồng thời đun nước nóng rửa lại toàn bộ khay, thìa ăn uống để đảm bảo an toàn, vệ sinh khi học sinh trở lại trường.
Trường Tiểu học Xuân Phương sẵn sàng tổ chức ăn bán trú khi học sinh trở lại.
Tại Trường Tiểu học Dịch vọng B (Cầu Giấy), công tác chuẩn bị đón học sinh quay trở lại cũng đã được nhà trường thực hiện đầy đủ, từ điều kiện cơ sở vật chất tới yếu tố con người.
Mong chờ, háo hức, phấn khởi,… là tâm trạng chung của giáo viên trong trường sau khi nhận được thông báo học sinh sẽ quay trở lại trường học trực tiếp.
“Trong hôm qua, lớp học đều đã được lau chùi cẩn thận. Nhân viên y tế học đường cũng đã sẵn sàng để cùng nhà trường theo dõi sát sao sức khỏe của học sinh khi các em quay trở lại học trực tiếp.
Cùng với việc đảm bảo sức khỏe, ngay khi đến trường, học sinh sẽ được kiểm tra, ôn tập, tăng cường các tiết học, giúp các em không bị hổng kiến thức sau quãng thời gian học online”, cô Nguyễn Thanh Huyền, Hiệu trưởng nhà trường thông tin.
Cô Huyền cũng cho biết, vào buổi đầu tiên học sinh quay trở lại, nhà trường sẽ dành ra một khoảng thời gian nhất định để hướng dẫn các em làm quen và sẵn sàng cho việc trở lại học trực tiếp một cách tốt nhất.
TS Đàm Quang Minh: 'Chưa cho học sinh tới lớp là vô lý'
TS Đàm Quang Minh cho rằng đóng cửa trường học gây thiệt thòi cho trẻ em. Từ góc độ người làm giáo dục hay một phụ huynh, ông đều ủng hộ việc Hà Nội cần mở cửa trường học luôn.
TS Đàm Quang Minh, CEO khối giáo dục phổ thông của Tổ chức giáo dục EQuest, bày tỏ những đứa trẻ vào lớp 1 là thế hệ thiệt thòi, năng lực nhận biết, thiết lập quan hệ xã hội kém hơn hẳn so với bình thường.
"Trẻ có quyền được học hành, đến trường. Người ta cho rằng cần giữ trẻ con để phòng bệnh dịch, thực ra cũng không phải như vậy", TS Đàm Quang Minh chia sẻ với Zing.
Hệ lụy khi trẻ không được đi học quá lớn
Trên thế giới, thông thường, việc cho trẻ đi học được tiến hành trước việc mở cửa hoạt động khác như bar, vũ trường. Trong khi đó, Hà Nội đã cho các loại hình kinh doanh này mở cửa song vẫn đóng cửa trường học.
Ông Đàm Quang Minh đánh việc thành phố bình thường hóa tất cả hoạt động nhưng vẫn chưa cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học và lớp 6 đến lớp là vô lý, không có lý do gì để duy trình tình trạng như vậy.
Con gái chị Huyền Linh (Thanh Xuân, Hà Nội) sắp vào lớp 1 và rất mong được đi học.
"Hệ lụy xã hội do trẻ không được đi học quá lớn. Chúng ta cần thiết cho trẻ đến lớp càng sớm càng tốt, ngay lập tức để giảm tải cho phụ huynh cũng như học sinh, đặc biệt học sinh tuổi nhỏ. Các con quá thiệt thòi", TS Đàm Quang Minh nhấn mạnh.
Theo ông Minh, học trực tuyến hiệu quả rất kém. Không chỉ việc học giảm sút, trẻ còn mất đi năng lực tập trung, quan hệ xã hội do không được đến trường.
Bên cạnh đó, ở nhà lâu ngày, trẻ chắc chắn có vấn đề tâm lý. Ông nêu thực tế các trường đã cảnh báo các dấu hiệu tâm lý bất ổn ở trẻ và tình trạng này tăng lên nhiều so với hồi trẻ em được đi học trực tiếp.
Đóng cửa trường học, trẻ nào cũng thiệt thòi, song trẻ nhỏ tuổi thiệt thòi nhiều hơn. Từ góc độ người làm giáo dục hay một phụ huynh, ông đều ủng hộ việc mở cửa trường đối với học sinh từ lớp 6 trở xuống.
TS Đàm Quang Minh cũng cho rằng ở thời điểm này, thành phố không chỉ có thể cho trẻ mầm non, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 chuyển sang học trực tiếp mà còn có thể thực hiện học 2 buổi, cho trẻ bán trú ở trường.
Bên cạnh đó, ông đánh giá không cần chờ tiêm vaccine mới cho trẻ đi học. Thực tế, nhiều trẻ đã nhiễm nCoV trong thời gian ở nhà. Nhiều lớp học có hơn 50%, thậm chí 70-80% học sinh mắc Covid-19.
Vì thế, người lớn không cần thiết lo lắng việc trẻ đến trường sẽ nhiễm SARS-CoV-2, đặc biệt khi đã chấp nhận mở cửa các hoạt động khác.
Tuy nhiên, ông thừa nhận việc cho con đi học hay không là lựa chọn của mỗi gia đình, không ai khuyên ai được. Từ đó, ông đề xuất Hà Nội thực hiện như nhiều nước khác, tức mở cửa trường học, ai đồng ý thì để con đến trường, nếu chưa yên tâm, họ tiếp tục cho con ở nhà học trực tuyến.
Những đứa trẻ "thèm" đến trường
Thực tế, dù nhỏ tuổi, chưa ý thức được tầm quan trọng của việc đi học hay hệ lụy khi phải ở nhà quá lâu, thông qua lời nói hay sự thay đổi trong tâm lý, tính cách, nhiều đứa trẻ nhắn nhủ đến người lớn thông điệp đã đến lúc cần mở cửa trường học.
Chị Chu Hiền (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết 2 con gái học lớp 1 thường xuyên hỏi bao giờ được đến trường vì ở nhà, con rất buồn. Khi nghe cô giáo nói chuyện, biết sắp được đi học, 2 bé rất mong đợi.
Gần một năm qua, khi phải ở nhà học trực tuyến, các con chỉ có mỗi việc học. Không những thế, do điều kiện gia đình, chị phải nhờ người trông hoặc gửi con sang nhà khác chăm sóc hộ. Cả ngày, con học bài hoặc xem TV. Tối về, vợ chồng chị kèm cặp con học thêm. Con không có hoạt động nào khác.
Chỉ thời gian gần đây, khi dịch bệnh tương đối ổn định, gia đình đã mắc Covid-19, cuối tuần, chị mới cho con về quê chơi để thư giãn.
Chị Chu Hiền tâm sự bản thân vốn sợ dịch, từng không muốn cho con đi học. Hơn nữa, việc học online của con vẫn tạm ổn. Con viết chữ không đẹp nhưng trong tình hình học trực tuyến, gia đình chỉ cần con đọc, làm toán thạo, không đặt nặng kết quả.
Dù vậy, nhìn con khao khát, chị vẫn mong trong tháng cuối cùng, con được đến lớp. Chị còn mong con học 2 buổi, bán trú ở trường vì bố mẹ đi làm, khó sắp xếp đưa đón.
Hai con trai chị Hiền được đi học 3 buổi/tuần nhưng ngày nào cũng đòi đi học. Ảnh: Đ.H.
Tương tự, chị Đào Hiền (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng mong ngóng ngày trường mầm non hoạt động trở lại. Thậm chí, chị mong con được đi học ngay từ tuần sau, kể cả khi chưa tiêm vaccine.
Theo lời nữ phụ huynh, ở nhà quá lâu, 2 con trai sinh đôi của chị buồn chán, tính cách bị ảnh hưởng, trở nên cáu kỉnh, hay chành chọe nhau. Chị mong con đi học nhưng trường mãi không mở cửa. Chị quyết định gửi con tới lớp dạy kèm của một giáo viên. Hơn nữa, con chị cũng sắp vào lớp 1 mà gần một năm qua, con lại ở nhà, chị muốn con được dạy dỗ, quen dần với con chữ cho đỡ bỡ ngỡ khi vào tiểu học.
Từ ngày được đến lớp, con vui vẻ hẳn ra, hôm nào đi học về, con cũng tíu tít kể chuyện ở lớp vui ra sao, được chơi với bạn bè, nói chuyện với cô giáo như thế nào.
"Bây giờ, tôi chỉ mong thành phố quyết định cho trẻ mầm non đi học. Gia đình xác định tâm lý trước sau gì cũng nhiễm bệnh, mà chính xác, gia đình tôi cũng mắc Covid-19 rồi. Như hiện tại, mỗi tuần, con học 3 buổi, mỗi buổi chỉ 1,5 tiếng. Ngày nào, con cũng đòi đi học", chị Đào Hiền chia sẻ.
Đến trường cũng là khát khao của cô con gái chuẩn bị vào lớp 1 của chị Huyền Linh (Thanh Xuân, Hà Nội).
"Con gái tôi tha thiết đến trường. Bé vốn sợ tiêm lắm, thế mà bảo tiêm vaccine được đi học, con đồng ý tiêm ngay. Còn còn bảo gần nhà mình có chỗ tiêm, con đi tiêm luôn đây", chị Linh kể.
Không bây giờ thì bao giờ mới mở cửa trường?
Không chỉ những đứa trẻ, phụ huynh cũng mong chờ ngày trường học mở cửa trở lại. Chị Chu Hiền cho hay 2 con chị học lớp 1. Đến nay, chương trình đã gần hết. Cuối tháng này, con thi cuối kỳ.
Nếu trường học mở cửa, con chỉ đến lớp được vài tuần. Dù vậy, chị vẫn muốn con được đi học, không đặt nặng kết quả, chỉ cần con vui vẻ hơn.
Chị Huyền Linh cho con vui chơi thoải mái nên con không bị bí bách khi học online nhưng chị vẫn thấy thiếu hụt khi con không được đến lớp. Ảnh: H.L.
Đây cũng là mong muốn của chị Huyền Linh. Nữ phụ huynh vừa thực hiện khảo sát cho con trai học lớp 4. Cả lớp 61 học sinh, chỉ khoảng 10 gia đình chưa đồng ý cho con tới trường. Còn chị mong mãi ngày con chuyển sang học trực tiếp.
Chị Huyền Linh cho hay thực ra, việc con ở nhà học không ảnh hưởng nhiều đến gia đình chị. Gia đình không còn tâm lý nhốt con ở nhà tránh dịch, trẻ đi chơi mải miết, gặp bạn bè thường xuyên.
Chị lại ở nhà, không phải trải qua cảnh người lớn đi làm hết, lũ trẻ ở nhà tự học trực tuyến, trông nom lẫn nhau, con chơi gì, ăn gì, bố mẹ cũng lo nơm nớp.
Dù vậy, chị vẫn cảm thấy thiếu hụt khi con không được đi học. Hơn nữa, gia đình chị đều từng mắc Covid-19 nên không còn dè chừng như trước.
Chị hiểu rõ ở thời điểm này, nếu đi học, con sẽ thi trực tiếp, chắc chắn khó hơn thi trực tuyến, điểm không cao bằng. Nhưng đây cũng là điều chị lo lắng. Nữ phụ huynh sợ vì con trai có dấu hiệu thấy học, thi online nhàn, không muốn chuyển sang học trực tiếp.
Chị tâm sự có đợt, chồng chị thường cho con trai đạp xe từ nhà lên trường rồi trở về, hay gần đây, hôm 8/3, chị cho con đến trường quay clip, con đều vui vẻ, "thèm" đi học. Nhưng càng ở nhà lâu, con mất dần sự mong mỏi, chuyển qua trạng thái thế nào cũng được.
Vì thế, chị rất mong Hà Nội cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học và lớp 6 đi học trở lại. Ai không yên tâm có thể cho con ở nhà.
"Không bây giờ thì bao giờ? Một số người bảo thôi, gần hết năm, để năm học sau, dịch ổn rồi học trực tiếp. Nhưng ai chắc chắn đến tháng 9, dịch ổn? Một ngày tới trường cũng quý giá, không nói đến chúng ta còn 1,5 tháng nữa mới vào hè. Trẻ cần đi học và phải mở cửa cho trẻ đến trường ngay", chị Huyền Linh nhấn mạnh.
Hà Nội khẩn trương lấy ý kiến phụ huynh về việc cho trẻ tới trường Kết quả khảo sát sẽ là cơ sở để Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nắm bắt được nguyện vọng, mong muốn của phụ huynh, từ đó có ý kiến tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Đi học trực tiếp trở lại là mong mỏi rất lớn của học sinh, phụ huynh và các nhà trường. (Ảnh:...