Phụ huynh lớp 1 có thực sự được chọn sách giáo khoa?
Theo quy định trong hội đồng chọn sách giáo khoa phải có phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, điều này không thực hiện được vì thời điểm chọn sách, không trường nào biết phụ huynh lớp 1 năm học tới là ai để mời vào hội đồng.
Giáo viên tiểu học ở Hà Nội nghiên cứu chọn SGK lớp 1 – Đ.T.Đ
Không biết ai là phụ huynh lớp 1 năm học tới để mời
Một tác giả viết sách giáo khoa (SGK) toán lớp 1 trong chương trình mới tâm sự, ông mới đi tập huấn dạy SGK lớp 1 và được nghe những chuyện hậu trường chọn SGK và cảm thấy buồn, lo.
“Nghĩ đến tiểu học là nghĩ đến tuổi thơ, là nghĩ đến 5 năm đầu đời cắp sách đến trường của trẻ, mà sao khi chọn sách thì chính các con cùng cha mẹ là khách hàng, là thượng đế lại là người đứng ngoài cuộc. Khách hàng ở khu vực thành thị không lo thiếu tiền mua SGK mà chỉ lo chất lượng và sự minh bạch”, tác giả này chia sẻ.
Thông tư hướng dẫn chọn SGK của Bộ GD-ĐT cũng quy định thành viên trong hội đồng chọn sách của mỗi trường phải có đại diện cha mẹ học sinh (HS). Trước thời điểm chọn SGK, nhiều nhà trường rất băn khoăn về quy định này, đặc biệt với việc chọn SGK lớp 1. Lãnh đạo Trường tiểu học – THCS Newton (H.Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ: Khi chọn SGK, HS lớp 1 đang học mẫu giáo 5 tuổi. Như vậy, việc mời phụ huynh nào để chọn sách là rất khó.
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tây Hồ, Hà Nội, cũng cho biết tất cả các trường trong Q.Tây Hồ đều mời đại diện cha mẹ HS vào hội đồng chọn SGK. Tuy nhiên, thực tế thì các đại diện cha mẹ HS đều là phụ huynh cũ ở trường chứ chưa thể biết ai có con sắp vào lớp 1 để mời. Do vậy chủ yếu họ đóng vai trò giám sát xem các trường chọn SGK có theo đúng quy trình và khách quan hay không chứ không phải họ chọn như một chuyên gia.
Phải đảm bảo quyền được biết của phụ huynh
Video đang HOT
Bộ GD-ĐT đã quy định rất rõ các cơ sở giáo dục phải công khai bộ SGK được chọn trước ít nhất 4 tháng trước năm học mới. Ghi nhận của PV Thanh Niên cho thấy, đến thời điểm này, chỉ còn hơn 3 tháng nữa là đến ngày khai giảng năm học mới nhưng hầu hết phụ huynh HS ở Hà Nội vẫn chưa biết trường con mình định gửi vào hoặc trường đúng tuyến trên địa bàn tuyển sinh đã chọn SGK gì, của nhà xuất bản nào, giá bán bao nhiêu… Phụ huynh nào quan tâm lại phải tự đi tìm hiểu hoặc “hỏi dò” thông tin trường con mình sắp học sẽ chọn bộ SGK nào.
Chị Đàm Thu Thảo, ở khu Mỹ Đình, Hà Nội có con gái sắp vào lớp 1, cho biết: “Nhà trường thì căn cứ vào chương trình hay văn bản gì đó chỉ đạo của Bộ GD-ĐT chứ phụ huynh HS chỉ có thể đọc SGK thì mới hình dung con mình học gì. Hồi chị gái của cháu vào lớp 1 tôi đã đi mua từ rất sớm để mẹ con cùng xem, nhưng năm nay thì khá sốt ruột”.
Anh Lê Hữu Hiệp, ở phố Nguyễn Huy Tưởng, Q.Thanh Xuân, Hà Nội, cho biết đã định cho con dự tuyển vào trường tiểu học ngoài công lập trên địa bàn quận nhưng trường này đã chọn một bộ SGK lại có vẻ rất thiếu tính hiện đại nên anh đang rất băn khoăn cho việc học của con.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý – Giáo dục TP.Hà Nội, cho rằng các trường phải sớm thực hiện “quyền được biết” của phụ huynh về bộ SGK mà trường đã quyết định lựa chọn để họ biết bộ sách tên gọi là gì, hình thức ra sao, giá cả thế nào… “Đó là những nhu cầu tối thiểu nhất mà phụ huynh có quyền được biết ngay sau khi nhà trường có kết quả bỏ phiếu chọn SGK”, ông Lâm nói.
Dù cho rằng tất cả phụ huynh không cần thiết phải được lấy ý kiến nhận xét về SGK để làm căn cứ lựa chọn nhưng ông Lâm cho hay kể cả SGK đó được lựa chọn rồi nếu phụ huynh chỉ ra những vấn đề bất cập rõ ràng, xác đáng thì nhà trường cũng cần phải tiếp thu và xem xét. Đồng thời Bộ GD-ĐT cũng phải xem lại quy định như thế nào để đảm bảo tính khả thi, tránh việc quy định “cho có”.
GS-TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, khẳng định phụ huynh rất cần biết SGK của trường con mình ra sao để hướng dẫn con học vì HS tiểu học, nhất là lớp 1 rất cần sự kèm cặp của gia đình.
GS Đinh Quang Báo nêu quan điểm: Hội đồng lựa chọn SGK cũng có trách nhiệm giải thích, tập huấn, thảo luận… để phụ huynh HS tham gia lựa chọn sách có được hướng tiếp cận, định hướng khoa học, đúng hướng để đồng hành với nhà trường trong giáo dục con.
Ý kiến
Chỉ mang tính hình thức
Việc đưa ban đại diện cha mẹ HS vào thành phần hội đồng lựa chọn SGK chỉ mang tính hình thức chứ thực sự không thể hiện vai trò. Bởi tiếng nói và ý kiến đóng góp của ban lúc này không đại diện cho những phụ huynh có con em sắp vào học lớp 1 – người sử dụng bộ SGK mới. Nếu quả thực có sự trọng thị muốn có những ý kiến đóng góp khách quan thì vẫn có thể mời phụ huynh có quan tâm, có năng lực cùng tham gia.
Cao Huy Thảo (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc TP.HCM)
Một quy trình phi giáo dục
Quy trình thực hiện việc lựa chọn sách như hiện nay thể hiện sự phi giáo dục. Thực tế thì giáo viên chỉ là người đưa ra ý kiến nhận định, còn thụ động, theo chỉ đạo, nhìn cấp quản lý, lo ngại việc kiểm tra đánh giá nếu không theo “cái chung”. Việc đưa phụ huynh HS vào hội đồng lựa chọn sách cũng mang tính hình thức. Chưa kể để những phụ huynh đại diện cho đợt chọn sách này không phải là những phụ huynh có con em học lớp 1 sắp tới, sao có thể đại diện, sao có thể hiểu họ cần gì ở chương trình giáo dục sắp tới?
Lê Ngọc Điệp (nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD- ĐT TP.HCM)
Không biết phải tham gia thế nào ?
Có nghe qua thông tin năm tới HS lớp 1 sẽ học theo chương trình SGK mới do trường lựa chọn nhưng tôi chưa từng xem qua các bộ sách hay được trường tiểu học nào giới thiệu. Nếu được lựa chọn sách cho con, tôi sẽ sẵn sàng tham gia, nhưng con mình chưa vào lớp 1, cũng chưa xác định được là sẽ học trường nào nên mình biết phải tham gia thế nào?
H.H (Phụ huynh có con học lớp lá tại Trường mầm non Hoa Anh Đào, Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Chúng tôi không hay biết gì !
Trường cũng như phụ huynh của trường không hề biết đến việc chọn SGK cho HS lớp 1 năm tới. Không ai thông báo hay yêu cầu phụ huynh của trường tham gia vào việc này. Chúng tôi không hay biết gì.
T.H – (Hiệu trưởng một trường mầm non công lập tại TP.HCM)
Bích Thanh – Nguyễn Loan (ghi)
TPHCM: Dự báo trước tình huống khi triển khai SGK lớp 1 mới
Ngày 22-5, Văn phòng UBND TPHCM thông báo kết luận chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức tại cuộc họp nghe báo cáo kết quả chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 năm học 2020-2021.
SGK lớp 1 theo chương trình mới sẽ bắt đầu triển khai từ đầu năm học 2020-2021
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức chỉ đạo, đối với việc chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT TP báo cáo Bộ GD-ĐT kết quả chọn SGK lớp 1 theo quy định. Tuy nhiên cần lưu ý một số nội dung khi các bộ SGK lớp 1 được đưa vào áp dụng như trình tự các nội dung bài giảng của từng sách có thể sẽ khác nhau, cùng một vấn đề nhưng khía cạnh tiếp cận khác nhau, cách giảng dạy khác nhau dẫn đến học sinh có thể tiếp thu không đồng đều hay chênh lệch về kiến thức hoặc bị chênh về chương trình. Do đó, Sở GD-ĐT TP phải dự báo trước các tình huống và có văn bản hướng dẫn các trường triển khai thực hiện nhằm đảm bảo việc học cho học sinh được đồng đều và đạt chuẩn.
Về Dự thảo thông tư quy định việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP cần chủ động đề xuất, kiến nghị bộ rút gọn quy trình, tránh rườm rà nhưng phải đảm bảo tính khách quan.
Đối với các đợt lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông thời gian tới, sở phải chủ động bám sát các chỉ đạo của Bộ để triển khai hướng dẫn đảm bảo tính khách quan, công bằng, tạo điều kiện cho các bộ sách được tiếp cận và giới thiệu công khai cho các đơn vị để lựa chọn, đồng thời nghiên cứu đưa các bộ SGK đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt lên cổng thông tin điện tử của ngành để có thể lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, kể cả phụ huynh học sinh.
Ngoài các chỉ đạo về SGK lớp 1, UBND TPHCM cũng đề nghị Sở GD-ĐT TP báo cáo tổng thể hoạt động của các trường quốc tế dạy chương trình nước ngoài và các trường tư thục có dạy chương trình nước ngoài trên địa bàn TP. Trong đó cần nêu rõ các khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, kiến nghị cụ thể báo cáo UBND TP trước ngày 27-5-2020.
Chọn SGK tại TP HCM: "Chân trời sáng tạo" đang áp đảo Nhiều trường tại TP HCM chọn bộ sách giáo khoa "Chân trời sáng tạo", còn giáo viên vẫn có thể sử dụng các bộ sách khác để tham khảo khi dạy Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), ngày 20-5, tất cả các sở GD-ĐT trong cả nước phải báo cáo kết quả chọn sách giáo khoa (SGK) lớp...