Phụ huynh, học sinh căng mình trước kỳ thi lớp 10
Nhìn con căng thẳng với lịch học thêm triền miên ngày đêm, chị Minh rất thương nhưng vì ‘trường cấp 2 con học có truyền thống 100% thi đỗ chuyên nên không thể không vào lớp 10 tốp đầu Hà Nội được’.
Đó không chỉ là tâm sự của chị Minh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) mà còn của nhiều phụ huynh khác có con thi vào lớp 10.
Chị Minh chia sẻ, bản thân bị sức ép tâm lý rất lớn với việc thi vào cấp 3 của con. Trần Thiện Tùng, con trai chị Minh là học sinh lớp chọn A1, THCS Giảng Võ. Lớp này có truyền thống đỗ 100% vào cấp 3 chuyên. Do đó “con mình không thể không đỗ trường chuyên được”, chị Minh nói.
Để tỷ lệ thành công cao nhất, phụ huynh này cho con thi một loạt trường chuyên cấp 3 tốp đầu Hà Nội gồm: Khoa học tự nhiên, Sư phạm và Amsterdam. Chị Minh bảo, bản thân không băn khoăn trong việc chọn trường cho con bởi: “Những trường chuyên đó gần như đương nhiên con phải chọn”.
Cho con học thêm từ lớp 6, đến đầu năm lớp 8, chị Minh tăng lịch học ngoài giờ môn Toán, Văn, Lý. Đây là thời điểm Tùng bắt đầu ôn vào cấp 3 chuyên Lý. “Sáng em học trên lớp, chiều học thêm, tối có gia sư tới dạy hoặc em qua lớp của thầy cô học đến 9-10h. Sau đó, mẹ sẽ kiểm tra lại bài vở”, Tùng kể.
Lịch học triền miên và áp lực phải đỗ trường chuyên khiến Tùng nhiều khi mệt mỏi, chán trường. Em từng tâm sự với bạn rằng, muốn kỳ thi cấp 3 diễn ra luôn để đỡ phải bị ép đi học thêm nữa.
Áp lực thi vào lớp 10 từ bản thân và gia đình khiến không ít học sinh cảm thấy stress. Lịch học thêm kín mít từ sáng đến tối làm các em mệt mỏi, không muốn phải học nữa. Ảnh: Hoàng Hà.
Video đang HOT
Chị Minh cũng nhận thấy sự vất vả của con. “Nhìn con căng thẳng với lịch học tối ngày, vấp phải nhiều bài khó mà thương con vô cùng. Có lúc mình muốn bỏ cuộc, không để con phải thi cấp 3 nào nữa hoặc đánh đổi mọi thứ để con đỗ tất cả các trường” người mẹ tâm sự.
Càng gần ngày thi, sức ép tâm lý càng đè nặng lên hai mẹ con. Những chuyến đi công tác của chị Minh gần như bị ngừng trệ để vị phụ huynh ấy dành thời gian chăm sóc, đưa đón con học hành.
Trước suy nghĩ của không ít người, rằng việc ép con học thêm, đỗ đạt là “cướp mất tuổi thơ của con”, chị Minh thở dài tâm sự: “Những người không có điều kiện rải thảm đỏ cho con vào học trường quốc tế như mình đành cố gắng để con thi đỗ trường chuyên. Bản thân mình đã trải qua các lớp chọn nên hiểu con đường học chuyên ấy sẽ vất vả, căng thẳng như tế nào. Nhưng để tốt cho tương lai sau này, giúp con biết tự lập, có khả năng chịu đựng và làm việc tốt, mình không thể không tạo môi trường học tập, thi cử áp lực”.
Chị Minh cũng cho hay, bản thân biết sức khỏe và sự chịu đựng của con tốt nên mới tạo sức ép với con. Đứa thứ hai thể trạng kém hơn, chị không bắt con phải học hành quá vất vả.
Cũng mang áp lực lớn, Nguyễn Phương Ngân (lớp 9A5, THCS Gia Thụy, Long Biên, Hà Nội) phải “căng mình” học thêm tối ngày để thi vào THPT chuyên Hà Nội Amsterdam. Một ngày của em bắt đầu từ 8h tại một lớp Văn hoặc Toán. Chiều và tối, Ngân chạy học 5-6 ca. Sau khi học thêm, em lại ngồi tự ôn bài đến 2-3h sáng mới đi ngủ.
Thái Nguyễn Hoàng Thanh (9A1, THCS Chu Văn An) vô cùng căng thẳng trước kỳ thi vào cấp 3 cùng trường. 4 năm vừa qua, Thanh đều là học sinh giỏi với điểm tổng kết 9,3 nên “nếu không đỗ lớp 10 em sẽ xấu hổ với bạn bè lắm”, nữ sinh tâm sự. Giống nhiều sĩ tử khác, tuy uể oải, mệt mỏi nhưng Thanh phải gồng mình, vượt qua những cơn buồn ngủ, đau đầu để học ngày đêm.
Từng chứng kiến học sinh chuyên Toán của một trường ở quận Hoàn Kiếm, (Hà Nội) vì phải học nhiều và áp lực vào lớp 10 quá lớn đến mức xé sách vở, đánh người, phải điều trị tâm lý gần nửa tháng trước kỳ thi, cô Nhi, một giáo viên dạy Văn đã nghỉ hưu ở Long Biên cảm thương cho học trò. Cô bảo, nhiều em đã tâm sự rằng, bị stress vì lịch học kín mít. Các trường chạy đua tỷ lệ thi đỗ cấp 3 nên từ tháng 4 nhiều nơi đã cho học sinh thi thử đến 5-6 vòng. “Em nào bị điểm 3, 4 là y như rằng từ thầy cô đến phụ huynh đều lo sốt vó lên và buộc các em phải học thêm để cải thiện kiến thức”, cô Nhi nói.
Giáo viên này cũng chia sẻ một thực tế, tháng cuối trước kỳ thi, các thầy, trò và phụ huynh đều gồng mình học gấp đôi, ba lần. “Đáng lý lượng kiến thức ấy phải học trong 30-40 tiết thì bây giờ các em phải học dồn trong 18 tiết để kịp thi. Dẫu biết ai cũng mong các em đỗ đạt, thành công trên con đường học tập nhưng nhìn học trò mình mặt mũi bơ phờ mà thương các con quá. Mong giáo dục của Việt Nam sớm được cải thiện, chất lượng học của các trường được nâng cao ngang nhau để phụ huynh và học sinh không phải mệt mỏi quyết thi vào trường tốp đầu nữa”, cô Nhi bày tỏ.
Thei VNE
Trẻ Hà Nội chạy sô thi vào lớp 6 trường điểm
Trong 3 ngày liên tiếp (11-13/6), chị Nga cùng chồng thay nhau đưa con gái tới dự thi vào lớp 6 các trường Amsterdam, Nguyễn Tất Thành.
"Thi như thế để lỡ trượt trường này, còn trường khác", chị Hoàng Thị Nga (Đông Ngạc, Hà Nội), phụ huynh em Nguyễn Hoàng Ngọc Diệp giải thích.
Theo Sở Giáo dục Hà Nội, năm nay số học sinh vào lớp 6 trên toàn thành phố lên đến 108.700 em, tăng 22.000 so với năm trước. Tỉ lệ chọi vào các trường điểm do đó cũng tăng cao. Trường chuyên Hà Nội-Amsterdam chỉ lấy 200 học sinh nhưng có tới 4.156 thí sinh đăng ký dự thi; THCS Nguyễn Tất Thành có 2.599 học sinh đăng ký thi (tăng gần 900 thí sinh so với năm trước, đạt kỷ lục của trường về số thí sinh thi vào lớp 6); THCS Cầu Giấy có 2020 em thi vào lớp 6 (tăng 200 thí sinh so với năm trước)...
Biết thực trạng trên, nhiều phụ huynh lo lắng vì cánh cửa vào lớp 6 của con mình ngày càng hẹp. Mong con được vào trường tốt học và để ăn chắc, không ít ông bố, bà mẹ quyết định cho con thi luôn 3-4 trường chất lượng cao.
Học sinh kiểm tra số báo danh và phòng thi trong kì thi tuyển vào lớp 6 tại trường THCS Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Quý Đoàn.
Chuẩn bị kiến thức thật tốt để con thi lớp 6 trường chất lượng cao, chị Nga cho con ôn luyện kín lịch trên trường. Cuối tuần chị lại cùng bé tới nhà cô giáo học thêm. Phụ huynh này bảo, phải học nhiều như thế, con mới nâng cao được kiến thức, nắm được nhiều dạng bài và đủ khả năng vượt qua hàng nghìn đối thủ khác để vào các trường điểm. "Con mình 5 năm là học sinh giỏi nhưng các em khác thi vào trường chất lượng cao cũng toàn học tốt của các trường đỉnh cả. Nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng, con khó có thể vượt qua", bà mẹ trẻ nói.
Mang tâm tư như chị Nga, chị Nguyễn Thị Chín (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho con gái thi lớp 6 vào cả 3 trường chất lượng cao của Hà Nội. Bà mẹ này vô cùng lo lắng bởi tỷ lệ chọi vào trường con thi đều rất cao. Tuy không cho con đi học thêm ở ngoài nhưng tuần 3 buổi, chị Chín mời gia sư đến kèm cặp con ôn bài.
Mẹ của Mai Anh (tiểu học Đoàn Thị Điểm) cho con tới trường Nguyễn Tất Thành ôn một tháng để chuẩn bị kiến thức. Ngoài việc nắm lại những bài học cơ bản trên lớp và học nâng cao, các sĩ tử thi vào lớp 6 còn được cho luyện đề, làm thử đề Toán, Văn của các năm trước.
Trước thực trạng nhiều phụ huynh cho con thi chạy sô vào các trường, chị Hoàng Thu Thảo, mẹ em Nguyễn Thanh Mai không khỏi bức xúc. "Một em mà thi nhiều trường như thế, nếu đỗ hết thì còn đâu cơ hội cho các em khác", chị Thảo nói. Vị phụ huynh này cho biết, chỉ để con thi vào trường Nguyễn Tất Thành. Nếu không đỗ, chị sẽ cho con về học trường cấp 2 theo đúng tuyến.
Nói về tình trạng phụ huynh cho con thi nhiều trường chất lượng cao để "trượt trường này, còn trường khác", PGS Văn Như Cương cho rằng: "Đó cũng là tâm lý bình thường của các cha mẹ mong con được vào trường có chất lượng đào tạo, dịch vụ phục vụ giáo dục tốt". Tuy nhiên việc một học sinh thi vào nhiều trường, nếu đỗ tất cả sẽ gây phiền toái trong khâu gọi nhập học. Chưa kể chính học sinh, phụ huynh sẽ phải mệt mỏi chạy thi liên tục mấy ngày. Để đỗ đạt những trường chất lượng cao ấy, thí sinh trước đó cũng vất vả ôn luyện. "Nhiều phụ huynh nói với tôi rằng, cho con thi vào lớp 1, cấp 2 bây giờ còn căng thẳng hơn cả thi đại học, nhất là năm nay tỉ lệ chọi vào các trường tăng cao", PGS Cương nói.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, theo PGS là do sự chênh lệch về chất lượng, dịch vụ phục vụ giáo dục giữa các trường học. Những trường chất lượng cao thường có môi trường học tập, vui chơi, ăn nghỉ tốt hơn trường bình thường. Số lượng học sinh trong một lớp cũng thấp hơn, khoảng 20 - 35 em mỗi lớp (trong khi trường thường có lớp đạt 50 - 65 học sinh).
Để khắc phục tình trạng thi chạy sô, thầy Cương cho rằng, việc quan trọng nhất là nâng cao chất lượng trường học và giảm mức chênh lệch giữa trường điểm, trường thường. "Khi đó, các phụ huynh có thể yên tâm rằng con mình dù học ở trường nào cũng không bị thua thiệt về kiến thức, dịch vụ giáo dục so với các bạn khác", PGS nói.
Theo VNE
Học sinh chen chân thi vào THCS Nguyễn Tất Thành Số thí sinh đăng ký thi vào lớp 6 trường THCS Nguyễn Tất Thành, Hà Nội năm 2014 đạt gần 2.600 em trong khi chỉ tiêu của nhà trường là 240. Sáng 13/6, hàng ngàn phụ huynh đưa con em tới trường THCS Nguyễn Tất Thành, Hà Nội để tham dự kỳ thi tuyển vào lớp 6. Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị...