Phụ huynh Hà Nội cân não chọn trường cho con vào lớp 10
Cuộc đua vào lớp 10 công lập ở Hà Nội khốc liệt hơn năm ngoái do số học sinh tới hơn 100.000, trong khi chỉ tiêu chỉ gần 65.000.
Ngày 10/5 là hạn cuối thu phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT ở Hà Nội, chị An (quận Cầu Giấy) rối bời khi vẫn chưa thống nhất được với con trai về trường đăng ký nguyện vọng một.
Năm nay, Hà Nội tăng 22.000 học sinh thi vào lớp 10, nâng tổng số thí sinh lên hơn 100.000. Trong khi đó, chỉ tiêu các trường công lập chỉ 64.990; 35.000 học sinh còn lại sẽ phải vào trường ngoài công lập có chi phí cao gấp nhiều lần hoặc chuyển sang học nghề. Cuộc đua vào lớp 10 công lập, nhất là khu vực nội thành của Hà Nội, do đó khốc liệt hơn năm ngoái.
“Con thích vào THPT Thăng Long nhưng trường này năm ngoái thuộc tốp lấy điểm chuẩn cao nhất thành phố. Năm nay tỷ lệ chọi tăng, trường chắc chắn nâng điểm trúng tuyển. Với sức học của con, may mắn thì được 52,5, bằng điểm trúng tuyển của THPT Thăng Long năm ngoái. Vì thế, tôi rất lo khi cháu kiên quyết chọn trường này để đăng ký nguyện vọng một”, chị An giải thích.
Cuộc đua vào lớp 10 năm học 2018-2019 của Hà Nội trở nên căng thẳng hơn khi số lượng sĩ tử tăng hơn 22.000 trong khi chỉ tiêu vào trường công chỉ tăng 2%. Ảnh: Thành Nguyễn.
Người mẹ mong muốn con chọn một trường có điểm chuẩn năm ngoái thấp hơn là THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm (50,5 điểm) để tăng cơ hội đỗ.
Gia đình anh Vinh (Cầu Giấy) những ngày qua cũng đau đầu để chọn trường đăng ký nguyện vọng một cho con vào lớp 10. Theo quy định, mỗi học sinh chỉ được đăng ký dự tuyển vào hai trường THPT công lập, xếp thứ tự ưu tiên là nguyện vọng một (NV1) và nguyện vọng hai (NV2).
Video đang HOT
Con gái anh có năng khiếu ngoại ngữ nên muốn học chuyên Anh. Ngoài THPT chuyên Ngoại ngữ thuộc Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), gia đình “đặt lên bàn cân” hai trường công là THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam và THPT Chu Văn An. Chưa bao giờ một trường cấp ba tư thục nào được nhắc đến trong câu chuyện chọn trường của gia đình, bởi chi phí học đắt đỏ. Lương công chức của vợ chồng anh Vinh chỉ đủ cho hai con học trường công.
“Trong khi bố mẹ cho rằng trường Chu Văn An là lựa chọn an toàn vì điểm chuẩn luôn thấp hơn Ams thì con gái lại nhất mực đăng ký chuyên Hà Nội – Amsterdam là nguyện vọng một, bởi các bạn trong lớp đều chọn vào đó”, anh Vinh than thở. Cuối cùng, để không tạo thêm căng thẳng cho con gái đang ở giai đoạn dậy thì, vợ chồng anh Vinh đồng ý để con ghi nguyện vọng một là THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Nguyện vọng hai vào lớp 10 công lập của con gái anh là THPT Yên Hòa.
Là học sinh trường THCS Cầu Giấy, con gái anh Vinh coi việc vào cấp 3 chuyên là chuyện đương nhiên. Với điểm tổng kết các năm hơn 9, cô bé cảm thấy khá chấp chới để đỗ trường mong muốn nên gắng sức học hành. Ngoài giờ trên lớp, mỗi tuần con học thêm 3 buổi môn Toán – Văn – tiếng Anh và tự ôn ở nhà. Nhìn con thời gian gần đây gầy gò, ăn uống kém, anh Vinh thấy xót ruột.
“Thâm tâm tôi rất muốn con đỗ trường chuyên nhưng thấy con tự áp lực cho bản thân, tôi lại muốn động viên để Linh hạ tiêu chuẩn chọn trường. Không học chuyên mà vào THPT Yên Hòa cũng là một lựa chọn tốt, nhiều bạn khác mong muốn”, anh Linh nói.
Phụ huynh có con thi vào lớp 10 mong muốn Sở Giáo dục Hà Nội thay đổi quy định về giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký dự tuyển cho học sinh. Theo đó, học sinh nên được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng và các trường xét tuyển lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu. Cách làm giống xét tuyển đại học này, theo anh Vinh, vẫn giúp các trường chọn được học sinh phù hợp mà sĩ tử đỡ áp lực vì có quá ít lựa chọn vào trường công.
Ngoài ra, ngày thi vào lớp 10 THPT cách thời điểm kết thúc năm học chưa đầy 2 tuần, phụ huynh Vinh cho rằng quá ngắn để học sinh kịp ôn tập đầy đủ kiến thức. Đây cũng là điều gây áp lực cho các sĩ tử tuổi 15.
“Học trường công là lựa chọn duy nhất của chúng tôi. Gia đình không có điều kiện chi trả cho con những khoản phí đắt đỏ của trường tư thục. Nếu không đỗ trường công, con chỉ còn nước đi học nghề. Là cha mẹ và bản thân các cháu, không ai muốn điều đó”, chị Hoa, một phụ huynh ở quận Thanh Xuân nói.
Ở khu vực ngoại thành, thuộc huyện Hoài Đức, chị Mai cũng áp lực trước cuộc đua vào lớp 10 công lập của con trai bởi “vợ chồng đều là nông dân, không kham nổi học phí của trường tư thục”. Đăng ký nguyện vọng một cho con vào cấp ba Hoài Đức B để gần nhà, chị Mai lo lắng khi nghe thông tin năm nay trường sẽ lấy điểm chuẩn cao hơn năm trước (42,5 điểm).
Để tăng cơ hội cho con đỗ vào cấp ba công lập, từ đầu lớp 9, chị Mai mời thầy mỗi tuần tới nhà dạy cho con 6 buổi Toán – Văn – tiếng Anh và thêm một buổi chở con ra trung tâm Hà Nội ôn luyện. Chi phí tiền học thêm mỗi tháng khoảng 900.000 đồng. “Tôi không ngại nếu con trượt lớp 10 công lập nhưng chỉ lo tâm lý con ảnh hưởng, thấy xấu hổ với bạn bè và khó đứng lên”, bà mẹ chia sẻ.
Theo kế hoạch, sau khi hoàn tất việc nhận đăng ký dự thi của học sinh, ngày 19/5 Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ công bố tỷ lệ chọi vào lớp 10 công lập. Trong ngày 20-21/5, học sinh được quyền thay đổi nguyện vọng bằng cách nộp đơn tại các phòng Giáo dục. Tuy nhiên, học sinh chỉ được thay đổi nguyện vọng giữa các trường trong khu vực tuyển sinh đã đăng ký, không được thay đổi nguyện vọng dự tuyển vào các lớp chuyên, trường chuyên.
Năm học 2018-2019, Hà Nội có khoảng 105.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS, tăng 22.000 so với năm trước. Trong đó, khoảng 85.800 em dự tuyển vào trường THPT. Tổng chỉ tiêu của 112 trường THPT công lập là 64.990.Phương án tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội là kết hợp xét tuyển và thi. Điểm xét tuyển là tổng của điểm THCS cộng với điểm thi hai môn Toán, Văn nhân hệ số 2, cộng điểm ưu tiên.Thời gian thi vào lớp 10 công lập của thành phố là ngày 7/6.Học sinh có nguyện vọng vào lớp 10 chuyên, sẽ thi chung kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập của thành phố. Sau đó, những em qua vòng sơ tuyển sẽ dự thi tiếp các môn chuyên, trong hai ngày 8-9/6.
Quỳnh Trang
Theo vnexpress.net
Tỷ lệ chọi vào các trường chuyên đình đám ở TPHCM
Tỷ lệ chọi vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - trường chuyên đình đám nhất ở TPHCM - trong kỳ tuyển sinh sắp tới là gần 1/4,4 dựa trên lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng 1. Học sinh ở các tỉnh khác tốt nghiệp THCS cũng được tham gia dự tuyển vào trường này.
Ngày 3/5, Sở GD-ĐT TPHCM công bố số liệu tổng hợp ban đầu về số học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 năm học 2018-2019. Theo thống kê của Sở về nguyện vọng vào lớp 10 chuyên, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong có tỷ lệ chọi cao nhất. Có 3.252 học sinh đăng ký dự tuyển, với chỉ tiêu 740, tỷ lệ chọi vào trường ở mức xấp xỉ 1/4,4.
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM
Lớp 10 chuyên vào Trường THPT Gia Định cũng có tỷ lệ chọi tương đương như Trường Lê Hồng Phong.
Ngoài việc tham gia 3 môn thi trong kỳ tuyển sinh lớp 10 gồm Văn, Toán, Ngoại ngữ vào ngày 2 -3/6/2018, học sinh đăng ký vào trường chuyên, lớp chuyên sẽ thi môn chuyên vào chiều 3/6 với thời gian làm bài là 150 phút.
Điểm xét tuyển vào lớp chuyên là tổng điểm: điểm Ngữ văn điểm Ngoại ngữ điểm Toán (điểm môn chuyên x 2), căn cứ quy định điểm xét tuyển vào lớp chuyên, xét từ cao xuống thấp để tuyển đủ chỉ tiêu được giao cho từng môn chuyên.
Nếu không trúng tuyển vào các trường, lớp chuyên, học sinh tốt nghiệp THCS tại TPHCM vẫn được tham gia dự tuyển vào lớp 10 các trường THPT khác theo ba nguyện vọng đã đăng ký thi tuyển.
Năm nay, TPHCM dừng tuyển sinh lớp 10 chuyên tại 3 trường THPT ở ngoại thành gồm Trường Nguyễn Hữu Cầu, Củ Chi và Trung Phú.
Cụ thể, tỷ lệ chọi vào lớp 10 chuyên ở các trường tại TPHCM dựa theo đăng ký nguyện vọng 1 như sau (tỷ lệ được làm tròn):
Hoài Nam
Theo Dân trí
Thi THPT quốc gia 2018: Xác định năng lực phù hợp nhất của thí sinh Ngày 20/4 là hạn cuối để thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia 2018 và xét tuyển đại học. Tuy nhiên, nhằm tạo điều kiện cho học sinh, Bộ GD&ĐT vẫn cho phép những học sinh nào thấy sai sót trong hồ sơ thì có quyền được điều chỉnh cho đến ngày 25/4, nhưng không được thay đổi...