Phụ huynh, giáo viên được lựa chọn sách giáo khoa cho học sinh
“Ở cấp trường phải tham khảo ý kiến của giáo viên trong trường và phụ huynh để khi lựa chọn có sự đồng ý đạt đến mức nhất định thì mới công bố sách giáo khoa được dùng” – PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết.
Liên quan đến lựa chọn bộ SGK chương trình lớp 1, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã tiếp nhận sách giáo khoa từ 3 đơn vị đề nghị thẩm định, gồm NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TP.HCM. Tổng số có 49 bản mẫu SGK đối với 09 môn học ở lớp 1.
Ngày 21/11/2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký quyết định số 4507/QĐ-BGD&ĐT phê duyệt danh mục SGK lớp 1 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, có 38/49 bản thảo SGK lớp 1 ở tất cả 9 môn/ hoạt động giáo dục (77,70%) được các hội đồng thẩm định đánh giá mức “Đạt”; có 11/49 bản thảo GSK lớp 1 ở 6 môn học/ hoạt động giáo dục (22,3%) được hội đồng thẩm định đánh giá “Không đạt”.
Đánh giá chung về các SGK, TS. Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, các cuốn sách đều được tác giả xây dựng công phu, cẩn thận, tâm huyết trên cơ sở tuân thủ định hướng đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông, với trọng tâm là chuyển mục tiêu giáo dục từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang giúp học sinh hình thành, phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực.
Nhiều SGK lớp 1 được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt để sử dụng trong chương trình giáo dục phổ thông mới có quan điểm biên soạn riêng, cấu trúc sách mới, hiện đại, tiếp cận với cách biên soạn sách của các nước tiên tiến trên thế giới nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với điều kiện nhà trường và học sinh tiểu học Việt Nam…
Sắp tới, phụ huynh, giáo viên sẽ tham gia lựa chọn sách của chương trình phổ thông.
Video đang HOT
Với các SGK “Không đạt”, TS. Thái Văn Tài cho biết, hầu hết các tác giả đều có nguyện vọng và gửi đơn (thông qua nhà xuất bản) đề nghị về Bộ GD&ĐT để được tiếp tục chỉnh sửa, biên soạn lại theo góp ý của các Hội đồng và tiếp tục trình thẩm định lại theo quy định. Bộ GDĐT sẽ tổ chức thẩm định các bản mẫu này như thẩm định lần đầu vào tháng 12/2019.
Chia sẻ thêm về lý do chưa đăng tải công khai chi tiết từng bộ SGK đã được phê duyệt, TS. Tài cho biết: “ SGK liên quan Luật Xuất bản, Luật Sở hữu Trí tuệ, trong đó có Luật Sở hữu bản quyền, quyền lớn nhất là của tác giả, tiếp đó là nhà xuất bản. Quy định công bố đối với bản sách điện tử, bản PDF sẽ được quy định trong thời gian tới“.
Về quy định lựa chọn bộ SGK nào được dùng ở địa phương và các nhà trường, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ đang xây dựng Thông tư để hướng dẫn thực việc lựa chọn SGK theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học và không quy định cứng là các UBND tỉnh phải chọn tất cả SGK các môn học trong cùng một bộ hay chỉ được chọn một bộ sách cho địa phương.
“ Trong hướng dẫn để các địa phương lựa chọn SGK sẽ có quy định, giao cho các thành viên hội đồng xây dựng tiêu chí; ở cấp trường phải tham khảo ý kiến của giáo viên trong trường, phụ huynh, để khi lựa chọn có sự đồng ý đạt đến mức nhất định thì mới công bố SGK được dùng. Tiếp đó mới công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng” – PGS.Nguyễn Xuân Thành thông tin thêm.
Bộ GD&ĐT cho biết, Dự thảo Thông tư lựa chọn SGK đang được xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi theo quy định biên soạn, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau khi tiếp thu tất cả ý kiến của các bên liên quan, Thông tư sẽ được hoàn thiện để sớm trình Bộ trưởng phê duyệt ban hành, kịp thời gian để các địa phương tổ chức lựa chọn sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu năm học mới.
Theo lộ trình của Bộ GD&ĐT, trước tháng 3/2020 các địa phương phải hoàn thành việc lựa chọn và công bố danh mục SGK sử dụng trong các trường phổ thông của tỉnh. Từ tháng 3 đến tháng 5/2020, Sở GD&ĐT cùng các NXB tổ chức tập huấn sử dụng SGK cho giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1.
Theo giadinh.net
Chọn sách giáo khoa: Lo cạnh tranh không lành mạnh
Hôm nay, 22/11, Bộ GD&ĐT chính thức công bố kết quả thẩm định sách giáo khoa (SGK) mới. Thông tin được đưa ra "nháp" trước đó là có 5 bộ SGK được hội đồng thẩm định thông qua sau khi đánh giá 2 vòng. Nhiều người lo ngại tình trạng cạnh tranh không lành mạnh sẽ xảy ra khi các địa phương lựa chọn SGK.
Làm thế nào để chống tình trạng "chỉ định thầu" trong chọn SGK mới? ảnh: Như Ý
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, từ đầu tháng 9, Nhà Xuất bản Giáo dục (NXB GD) Việt Nam đã có văn bản gửi các sở GD&ĐT về việc chuẩn bị SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong văn bản này, NXB GD Việt Nam cho hay đã hoàn thành biên soạn và trình Hội đồng quốc gia thẩm định 4 bộ SGK tuân thủ chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tuy nhiên, cũng tại văn bản này, NXB GD Việt Nam cho biết, hiện nay, ngoài NXB GD Việt Nam trực tiếp biên soạn và xuất bản SGK mới còn có Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) tổ chức biên soạn SGK.
"Đây là công ty có sự tham gia cổ phần của các cá nhân nguyên là cán bộ NXB GD Việt Nam đã nghỉ hưu; để tránh nhầm lẫn trong quá trình phối hợp triển khai công việc, chúng tôi xin được thông báo: Công ty VEPIC không phải là đơn vị thuộc hệ thống của NXB GD Việt Nam" - văn bản viết.
Nhiều ý kiến cho rằng, với văn bản này, NXB GD Việt Nam đang có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh. Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình, SGK mới, đến ngày 21/11, Bộ GD&ĐT chưa có bất kỳ quyết định nào về việc phê duyệt SGK lớp 1 được sử dụng trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Nếu Bộ GD&ĐT thấy NXB trực thuộc bộ "việt vị" thì bộ đã "thổi còi". Sau khi bộ phê duyệt, các NXB có quyền tổ chức giới thiệu SGK của mình nhưng tuyệt đối không được gièm pha các NXB khác hoặc có hành vi lôi kéo "khách hàng", vì điều đó vừa thiếu đạo đức, vừa vi phạm Luật Cạnh tranh.
Nếu thực tế đúng như thông tin NXB GD Việt Nam giới thiệu rằng 4 bản mẫu SGK của họ nằm trong số 5 bản mẫu SGK đã qua 2 vòng thẩm định của Hội đồng thẩm định SGK quốc gia, thì có nghĩa SGK mới vẫn chủ yếu do NXB GD Việt Nam nắm giữ thị phần. Tức là tính độc quyền xuất bản SGK trong lần thay sách này cơ bản vẫn chưa được phá bỏ.
Đó cũng chính là lo ngại của nhiều người khi tiếp nhận chủ trương 1 chương trình nhiều SGK, bởi với tiềm lực hùng hậu, hàng năm sản xuất gần 70% sản lượng của ngành xuất bản, cộng với kinh nghiệm lâu năm và bộ máy phát hành có chân rết khắp cả nước, NXB GD Việt Nam vẫn đủ sức đè bẹp các đối thủ khác và câu chuyện độc quyền vẫn diễn ra.
Tuy nhiên, theo những người trong cuộc, để tham gia xuất bản SGK, không phải nhà NXB nào cũng có thể làm được vì cần nguồn lực tài chính, con người rất lớn. Vấn đề là làm thế nào để kiểm soát được "chỉ định thầu" khi chọn SGK.
Công khai, minh bạch
Theo Luật Giáo dục, UBND các tỉnh, thành phố sẽ có trách nhiệm chọn SGK. Bộ GD&ĐT đang xây dựng thông tư hướng dẫn nội dung này. Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, để các địa phương chọn được những SGK phù hợp nhất cho từng môn học, việc lựa sách cần bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và dân chủ.
"Tôi được biết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến chỉ đạo công khai các ý kiến thẩm định SGK và công bố chế bản điện tử của SGK trên mạng Internet. Làm theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng thì người dân mới có điều kiện đánh giá và tham gia vào việc lựa chọn sách cho con em họ học. Như vậy thì việc lựa chọn sách sẽ không phụ thuộc vào quyết định của một số ít người và có thể hạn chế được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, ví dụ tình trạng đi tắt, chạy cửa sau" - GS. Thuyết nói.
GS. Thuyết cho rằng, Bộ GD&ĐT và các cơ quan liên quan phối hợp định giá SGK. Các bộ SGK mới do các NXB làm bằng vốn của mình. Vì vậy, giá sách phải bảo đảm cho họ thu hồi vốn. Nhưng cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có quy định hoặc hướng dẫn về hạch toán và lộ trình thu hồi vốn, một mặt không để giá sách tăng bất hợp lý, mặt khác không để một số đơn vị trường vốn sẵn sàng chịu lỗ nhất thời, dùng giá thấp để chèn ép các đơn vị khác.
Sau khi bộ phê duyệt, các NXB có quyền tổ chức giới thiệu SGK của mình nhưng tuyệt đối không được gièm pha các NXB khác hoặc có hành vi lôi kéo "khách hàng", vì điều đó vừa thiếu đạo đức, vừa vi phạm Luật Cạnh tranh.
Theo Tiền phong
Lựa chọn sách giáo khoa: Băn khoăn... ai lựa chọn? Dự thảo Thông tư lựa chọn SGK đang được Bộ GD&ĐT xây dựng và dự kiến ban hành kịp thời gian để các địa phương tổ chức lựa chọn SGK đáp ứng yêu cầu năm học mới. Trong đó, không ít ý kiến còn băn khoăn về việc: Nên để thẩm quyền lựa chọn SGK cho ai, UBND cấp tỉnh, TP, hay giao...