Phụ huynh ép trẻ học chữ trước
Việc học chữ khi tâm lý chưa sẵn sàng rất nguy hại cho trẻ. Thế nhưng năm nào cũng vậy, phụ huynh lại rầm rộ cho con đi học chữ trước khi vào lớp 1. Có nhiều lý do nhưng trước hết chính là tâm lý “lo con không theo kịp bạn bè”.
Lo con thua… bạn
Dự tính sẽ không cho con học chữ trước khi vào lớp 1, nhưng khi thấy nhiều bé học lớp 5 tuổi cùng con mình đã đọc chữ thành thạo, chị Minh Hồng (ngụ ở Q.5, TPHCM) quyết tâm đưa con đến lớp luyện chữ. Chi nghĩ rằng, nếu con mình không biết viết, biết đọc như các bạn thì khi vào học chắc chắn sẽ không thể nào theo kịp.
Mặc cho vợ phản đối, anh Nguyễn Minh Đạo, có con đang theo học tại một trường mầm non ở Q.3, TPHCM cũng mời gia sư về nhà kèm cặp học chữ để tháng 9 tới cháu đến trường. Không chỉ học chữ, tin tưởng vào gia sư là sinh viên của Trường ĐH Sư phạm TPHCM, anh còn cho cháu học trước môn Toán lớp 1.
Người cha này cho rằng, nhờ học trước bây giờ con anh đã có thể đọc truyện vanh vách, làm toán và tỏ ra rất yên tâm con mình sẽ vào lớp 1 một cách “ngon lành”.
Bé gái tên Vân (nhà ở Q.12, TPHCM), ngồi trước nhà làm học viết, học đọc sau khi từ lớp học chữ về. Tháng 9 tới, Vân mới vào lớp 1.
Tâm lý sợ con không theo kịp bạn bè là một trong những nguyên nhân đầu tiên phụ huynh “gò” con học chữ trước. Chẳng những học chữ, nhiều trẻ đang độ tuổi lớp Lá đã phải học nguyên chương trình lớp 1 về Toán, Tiếng Việt… theo yêu cầu của bố mẹ để “đón đầu” kiến thức, để hơn bạn bè.
Tuy nhiên, vấn đề phụ huynh chưa nhìn nhận một cách thấu đáo là liệu việc con học trước có đảm bảo cho việc trẻ sẽ theo kịp bạn bè hay không? Họ muốn con phải học giỏi ngay, phải bằng bạn ngay trong những ngày đầu đi học mà không biết học là một quá trình.
Không để con đi học trước, chỉ một lời dặn của GV về nhà anh chị kèm cặp thêm, rèn chữ thêm cho cháu họ đã quy ngay… con mình không theo kịp bạn. Thậm chí cò người còn nghĩ cô giáo “làm khó” con mình và tự trách sao không cho con học trước. Họ chưa nhìn thẳng rằng, trẻ học trước còn phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn.
Trước lo lắng của nhiều phụ huynh, nếu con không biết chữ trước thì lúc đầu rất khó khăn cả bố mẹ lẫn con, nhiều GV nhấn mạnh việc học chữ đầu năm lớp 1 không quá phức tạp. Khó khăn giúp con học chữ ban đầu đơn giản hơn rất nhiều việc phải “chỉnh” lại thái độ, nề nếp học tập và khả năng tập trung cho những em “chạy trước” hay học chữ sai cách.
TS Trần Lan Hương, chuyên gia nghiên cứu trẻ em của Bộ GD-ĐT cho rằng, nhiều phụ huynh cho con đi học chữ trước khi vào lớp 1 vì họ ngộ nhận sự chuẩn bị là tập trung vào việc hình thành các kỹ năng học tập, những thứ cơ bản trẻ học ở lớp 1 như viết, đọc, đếm… Trong khi sự chuẩn bị cần thiết cho trẻ vào lớp 1 là phát triển các chức năng tâm sinh lý để đảm bảo cho việc học với 4 yếu tố: sẵn sàng về mặt thể chất, về cảm xúc và quan hệ xã hội, về mặt ngôn ngữ và về mặt nhận thức.
Video đang HOT
Chuyên gia này cảnh báo, trẻ không hào hứng và chưa “chín” về các kỹ năng như phát triển cơ tay nhỏ, khả năng tập trung… mà bị ép học thì các con chữ, chữ số sẽ trở thành nỗi sợ hãi của trẻ. Điều này làm mất hứng thú học tập, mất tập trung và khi việc học ổn định, trẻ sẽ rất khó khăn để bắt đầu rèn lại kỹ năng tập trung.
Làm gì để phụ huynh yên tâm?
Cùng với nỗi lo con thua bạn, việc phụ huynh muốn con học chữ trước, theo nhiều nhà giáo là hậu quả của việc có thời kỳ một số trường tiểu học ở các thành phố lớn thực hiện khảo sát HS vào lớp 1. Việc khảo sát này thực hiện chưa đúng và trước đây bậc mầm non chưa có chương trình chuẩn bị tốt cho trẻ 5 tuổi chuẩn bị đi học.
Hơn nữa, phải thừa nhận có những GV dạy lớp 1 nhưng dạy trên tâm thế… các trẻ đều đã biết chữ nên phụ huynh khó tránh được lo lắng nếu con mình không học trước.
Cần để trẻ được học những dòng chữ đầu đời đúng với tuổi, tâm sinh lý.
Vì thế, muốn “chặn” việc học chữ trước thì phải đẩy mạnh tuyên truyền một cách khoa học, giúp phụ huynh hiểu vấn đề. Giữa bậc mầm non và tiểu học cần có sự gắn kết chặt chẽ hơn giúp trẻ đến trường dễ dàng; đòi hỏi GV dạy lớp 1 phải thật sự tâm lý, kiên nhẫn, đảm bảo chương trình, không “đốt” giai đoạn.
Trước tình trạng một lớp có trẻ biết chữ trước và chưa biết chữ, GV cần phát huy cách dạy theo phương pháp cá thể hóa giúp trẻ đã biết chữ không bị nhàm chán, còn trẻ chưa biết chữ không có tâm lý sợ hãi.
Đầu năm học trước, Sở GD-ĐT TPHCM đã ra quy định yêu cầu GV tuyệt đối không phân biệt HS biết hay chưa biết đọc, viết, không bỏ qua bài học. Hai tuần đầu tiên, không nên cho điểm HS mà chỉ ghi nhận xét mang tính động viên, khích lệ các em. Đồng thời không dọa nạt, to tiếng làm trẻ sợ hãi mà cần nhẹ nhàng để trẻ tự tin, thích thú với việc đi học.
TS.BS tâm lý Phạm Toàn, nguyên trưởng khoa Tâm lý trị liệu, Trung tâm sức khỏe tâm thần Hamilton – Madison New York, Hoa Kỳ cho hay phụ huynh ở Việt Nam cho con học trước vì họ gặp sức ép từ những người xung quanh, từ nhà trường và tâm lý sợ con mình thua bạn bè.
Thế nên việc thay đổi cần cả hệ thống. Ngành giáo dục cần có chương trình tốt, phù hợp, còn phụ huynh vượt qua tâm lý lúc nào cũng bắt con “chạy” theo bạn, vì còn người này học thì người kia sẽ học.
“Ỏ Mỹ trẻ không “cày” chữ trước như ở Việt Nam, chương trình nào thì người ta học tốt chương trình đó. Việc học trước tuổi có thể gây căng thẳng, chán ngán cho trẻ dẫn đến việc không muốn học, ảnh hưởng lâu dài về sau”, TS Phạm Toàn nhấn mạnh.
Theo dân trí
Đủ kiểu làm trẻ "loạn chữ" trước khi vào lớp 1
Chuẩn bị cho con vào lớp lớp 1, nhiều phụ huynh lại tất tả cho học học chữ bất chấp hệ luỵ việc dạy chữ chưa đúng cách hay những cảnh báo không nên cho con học chữ trước.
"Thầy" nào cũng... xong
Liên tục hai tuần nay, tuần 3 buổi, đón con từ trường về, chị Hà Thị Lan (ngụ ở Q. Bình Thạnh, TPHCM) lại gửi cháu sang nhà một cô giáo đã về hưu ở cùng tổ dân phố để học chữ. Cùng với con chị Lan, có 3 cháu bé khác trong khu vực này cũng đang theo học tại đây với mức phí 200.000 đồng/12 buổi.
Các em được xếp ngồi giữa nhà, kê tập lên chiếc bàn thấp, rồi oàm người, cúi đầu để viết. Có lúc, học sinh ở đây còn kê tập ngay trên chiếc ghế nhựa ngồi đồ chữ, tập tô theo hướng dẫn của người dạy. Thậm chí những lúc mỏi lưng, có em còn nằm bẹp hẳn giữa nền nhà cứ vậy rồi viết trong mà chẳng ai chỉnh cho đúng tư thế.
Thời điểm này, nhiều trẻ chuẩn bị vào lớp 1 lại được bố mẹ tìm chỗ để học chữ trước. (Ảnh minh hoạ).
Theo chị Lan, cô giáo này không mở lớp mời gọi người đến học mà do trong phố quen biết nhau, phụ huynh gửi nên cô kèm cặp giùm. "Nếu đến trung tâm chi phí cao hơn nhiều mà đưa rước cũng phức tạp nên tôi gửi cháu học gần nhà cho tiện, hôm nào không học thì nghỉ. Học chữ ban đầu đơn giản, tôi chỉ cần con biết đọc, biết viết trước để khi vào lớp 1 không bị chậm là ổn", người mẹ cho hay.
Thời điểm này nhiều phụ huynh có con đang theo học lớp lá (lớp 5 tuổi) ở TPHCM lại tìm đủ cách xoay xở để con học chữ trước khi vào lớp 1 như chị Lan. Chú trọng đến việc con mình phải biết chữ trước khi đi học nhưng lại nhiều người lại tỏ ra quá chủ quan, dễ dãi với những dòng chữ đầu đời của con nên ai cũng có thể thành thầy của trẻ.
Không chỉ đưa trẻ đến các trung tâm, cơ sở luyện chữ, phụ huynh lại tin rằng với trẻ học mầm non, ai cũng có thể dạy chữ. Có phụ huynh tự "trổ tài" hay tìm gia sư đến tại nhà để dạy con học viết, học đọc mà không cần biết họ có chuyên môn dạy chữ hay không. Gia sư này có thể là những sinh viên đi dạy thêm, hay bất kỳ người nào đó phụ huynh nhờ vả được...
Mới đây, chị Nga, có con học mầm non ở Q.12 nhờ nữ sinh học trung cấp dược đang thuê trọ ở nhà mình dạy chữ cho con ở ngay phòng trọ. Lấy chiếc ghế làm bàn, chiều tối hai cô cháu lại "ê a" đọc viết. Chị Nga nghĩ đơn giản rằng, sinh viên được học hành đàng hoàng thì làm gì mà không dạy nổi chữ được cho trẻ chưa biết đọc biết viết.
Hiệu trưởng một trường mầm non ở Q.3 cho biết, rất nhiều lần phụ huynh còn đề nghị cô giáo ở lớp lá dạy thêm chữ cho con mình ở trường để trẻ phải đi học ngoài. Trường từ chối và kể cả phân tích cho phụ huynh hiểu, dạy chữ không phải là chuyên môn của các cô mầm non nhưng họ vẫn tìm cách nì nèo vì nghĩ rằng ai cũng dạy chữ được.
Học sai: Cực kỳ nguy hiểm
Các chuyên gia giáo dục đã cảnh báo, không nên cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1. Học chữ trước có thể làm trẻ căng thăng, về sau mất hứng thú với việc học thì học chữ sai cách làm khổ trẻ hơn nữa.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - phó Trưởng Phòng Giáo dục Q.3, TPHCM cho hay, tuy không có tình trạng học sinh lớp Lá nghỉ học nhưng ở nhà, nhiều phụ huynh vẫn tìm đủ cách cho con học mà không biết rõ người dạy có khả năng hay không.
"Trẻ học chữ sai cách rất tội nghiệp cho các cháu vì có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ do tư thế ngồi, kích cỡ bàn không đúng có thể gây vẹo cột sống, cân thị... Độ tuổi này chưa phải để học chữ, học chữ sai trẻ càng sợ. Khi đã học sai trẻ rất khó để làm quen lại, các em dễ bị căng thẳng, chán nản, vào lớp 1 giáo viên sẽ vất vả hơn nhiều để chỉnh cho các em", bà Nguyệt nói.
Học chữ khi chưa đảm bảo về tâm sinh lý, lại học sai cách rất nguy hiểm cho việc học sau này của trẻ.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hoa Mai, nguyên trưởng phòng tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM phụ huynh lầm tưởng con biết chữ trước sẽ vào học thuận lợi. Nhưng ít ai biết rằng, việc học chữ từ những người không đúng chuyên môn là một nguy hại. Rất nhiều trẻ được dạy chữ bằng cách được đưa cho cuốn tập, cây viết cùng mẫu chữ rồi nằm bò lăn lê như tô màu, đồ chữ chứ không ngồi ngay ngắn đúng tư thế.
"Thực tế cách đây vài năm, rộ phong trào cho con đi học chữ từ lúc mẫu giáo, khi vào lớp 1 chữ các em rất xấu. Viết chữ là một quá trình hình thành từ sự phát triển tâm sinh lý, nhất là cơ tay nhỏ. Không đảm bảo các yếu tố này mà học viết chữ trước, chữ sẽ bị hư và rất khó chỉnh sửa", bà Mai khẳng định.
Hiệu trưởng nhiều trường tiểu học cho hay đối với khối lớp 1, khi phân giáo viên phụ trách phải cân nhắc rất kỹ, không phải ai cũng kham nổi. Có những người dạy khối 4, khối 5 rất giỏi nhưng không thể dạy lớp 1. Đòi hỏi giáo viên phải tâm lý để hỗ trợ trẻ thích nghi môi trường từ vui chơi sang học tập và còn đòi hỏi chuyên môn, phải được tập huấn để làm tốt công việc dạy và giúp trẻ hứng thú với những nét chữ đầu tiên.
Ở lớp 5 tuổi, các em sẽ được chuẩn bị cần thiết về tâm sinh lý, là bước đệm quan trọng để vào lớp 1 nên ngành giáo dục nhiều năm gần đây quyết liệt thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Tuy nhiên, không ít phụ huynh vẫn tìm đủ cách con "chạy" trước chương trình, làm khổ con vì ngộ nhận rằng biết chữ trước sẽ thuận lợi hơn khi đi học.
Hoài Nam
Theo dân trí
Hậu quả khi học trò yêu liều Yêu liều nhưng không được trang bị các kiến thức về sức khỏe giới tính, sức khỏe sinh sản nên học trò dễ gánh hậu quả từ việc quan hệ tình dục sớm. Và cũng vì thiếu kiến thức, các em giải quyết "hậu quả" đó cũng rất dễ dàng... Nữ sinh làm mẹ bất đắc dĩ Liên tục gần đây, có nhiều...